Một thế kỷ đã qua, cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 mãi âm vang trong lịch sử nhân loại. Bởi, đây là cuộc cách mạng của đạo lý, đánh thức trái tim hàng triệu người khắp năm châu khi chỉ ra rằng: Con người hoàn toàn có thể xây dựng một xã hội mới mà trong đó mọi người tự do, bình đẳng, đánh thức khát vọng vươn tới tầm cao chân - thiện - mỹ vốn là những giá trị vĩnh hằng.
Bằng sự lãnh đạo thiên tài của Vladimir Ilits Lênin và Đảng Bolshevik Nga, nhân dân và giai cấp công nhân Nga đã vùng lên đập tan chế độ Sa Hoàng, dựng lên Nhà nước công nông đầu tiên, khai phá con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội trên thế giới. Hiện nay, tình hình thế giới đã có nhiều thay đổi, song lý tưởng và con đường Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại. Định hướng cho cuộc đấu tranh của các dân tộc vì mục tiêu cao cả hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Thứ nhất, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các nước tư bản phương Tây chuyển từ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh phát triển thành chủ nghĩa đế quốc, xác lập sự thống trị của mình trên phạm vi toàn thế giới. Các nước thuộc địa và phụ thuộc Phương Đông rơi vào ách thống trị chủ nghĩa đế quốc, thực dân vẫn chưa tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn trong đó có Việt Nam. Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga đã cổ vũ toàn nhân loại bị áp bức đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc.
Thứ hai, về tính chất cuộc Cách mạng tháng Mười Nga không phải là cuộc cách mạng thay một chế độ bóc lột này sang một chế độ bóc lột khác mà nó hoàn toàn thủ tiêu các giai cấp bóc lột, thủ tiêu chế độ người bóc lột người, thủ tiêu ách áp bức xã hội và áp bức dân tộc, đưa giai cấp công nhân và nhân dân lao động làm chủ đất nước mình. Mở đầu cho sự hình thành một hình thái kinh tế - xã hội hoàn toàn mới, khác về chất so với hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa.
Thứ ba, Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và toàn thắng, Quốc tế Cộng sản được thành lập vào năm 1919, một loạt các nước phát triển đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội trở thành đối trọng của Chủ nghĩa tư bản. Do vậy cán cân lực lượng trên thế giới cũng như thành lũy Chủ nghĩa tư bản phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình và điều đó có lợi với nhân dân lao động trên toàn thế giới.
Đối với cách mạng Việt Nam, những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga có ý nghĩa vô cùng to lớn về phương diện lý luận và thực tiễn, trong đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Về phương diện lý luận: Lý luận Mác-Lênin và kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đã soi đường cho cách mạng Việt Nam.
Từ chủ nghĩa yêu nước Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu Chủ nghĩa cộng sản và tìm ra con đường cứu nước, Người đã đem ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga soi đường cho phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, xác lập con đường cách mạng Việt Nam phải đi theo quỹ đạo của cách mạng vô sản “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh”[1]. Người đã tích cực chuẩn bị cho sự ra đời của một chính đảng mácxít, ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong, bộ tham mưu chung của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam ra đời, đưa ra cương lĩnh, đường lối, chiến lược lãnh đạo phong trào cách mạng. Được sự cổ vũ và giúp đỡ của Liên Xô, quê hương Cách Mạng Tháng Mười Nga và bạn bè quốc tế, nhân dân Việt Nam đã làm nên một kỳ tích, Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội.
Đó là đại thắng mùa xuân 1975 và Việt Nam đã kết thúc quá trình 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, từ thắng lợi vĩ đại này cuộc cách mạng đã chuyển sang giai đoạn mới đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đi theo con đường do Lênin vĩ đại đã vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi to lớn. Chính vì vậy, mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với Lênin vĩ đại và đối với nhân dân Liên Xô là vô cùng sâu sắc”[2].
Về phương diện thực tiễn: Sự kết hợp hài hòa giữa dân tộc và giai cấp, chủ nghĩa yêu nước truyền thống và chủ nghĩa quốc tế
Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng đoàn kết toàn dân và đoàn kết giai cấp, dân tộc Việt Nam không sợ gian nan cực khổ và tin chắc vào lực lượng của quần chúng, vào tương lai của cách mạng, đồng thời gắn tinh thần yêu nước với tinh thần quốc tế. Chúng ta có thể khẳng định rằng, với truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam, tinh thần Cách mạng Tháng Mười Nga đã ghi dấu ấn đậm trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người kế thừa, phát triển trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin, tạo nên một bước phát triển mới về chất của chủ nghĩa yêu nước truyền thống. Đoàn kết không chỉ giữa các tầng lớp, giai cấp, dân tộc mà còn đoàn kết với các lực lượng tiến bộ, phong trào cách mạng và giai cấp vô sản thế giới. Đây là quan điểm có ý nghĩa chiến lược, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam. Nhờ đó, tạo nên sức mạnh mới cho dân tộc Việt Nam, dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Lịch sử đã trải qua những bước thăng trầm, biến động, sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu làm cho chủ nghĩa xã hội lâm vào thoái trào. Song, cần nhận thức sâu sắc những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, đổi mới tư duy lý luận và tăng cường tổng kết thực tiễn, ta càng thấy rõ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn và kiên định là hoàn toàn khách quan, phù hợp với xu thế vận động tất yếu của lịch sử.
Thực tiễn đã chứng minh sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn còn nguyên giá trị, là nguồn sáng soi đường cho nhân dân ta giành thắng lợi mới trên con đường tiến tới mục tiêu vì hòa bình, độc lập dân tộc, xây dựng một xã hội “đoàn kết - dân chủ - kỷ cương - đổi mới”./.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.2, tr.289
[2] Hồ Chí Minh về công tác giáo dục lý luận chính trị, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2006, tr.56
Nguyễn Trần Phương Hiền
Tập sự giảng viên Khoa LLMLN, TTHCM