Bến Tre đẹp lắm áo bà ba

Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ V năm 2019 được diễn ra từ ngày 14/11/2019 đến ngày 20/11/2019 với một điểm nhấn vô cùng đặc sắc - “Ngày hội áo bà ba”. Hình ảnh của hơn 2000 người dân xứ Dừa, cả nam lẫn nữ trong trang phục áo bà ba đa sắc màu được kết hợp cùng chiếc khăn rằn tạo nên nét đẹp đặc trưng, ấn tượng nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa lâu đời của người dân vùng Nam bộ nói chung và người dân Bến Tre nói riêng, đồng thời, ghi vào kỷ lục Việt Nam về ngày hội có số người mặc áo bà ba đông nhất.

Cho đến nay, chưa có tài liệu nào nói rõ bộ bà ba xuất hiện vào thời điểm nào, có nguồn gốc từ đâu. Bàn về vấn đề này, Địa chí Bến Tre có đoạn viết: “Có ý kiến cho rằng áo bà ba là kiểu du nhập từ đảo Pinăng của người Bà Ba (người Mã Lai gốc Hoa). Lại có ý kiến cho rằng áo bà ba có những nét giống “áo đàn ông cổ tròn (cổ kiềng) và cửa ống tay hẹp” mà Lê Quý Đôn đã quy định cho dân từ Thuận Quảng trở vào ở cuối thế kỷ XVIII”[1].[1]

Mặc dù nguồn gốc áo bà ba chưa được xác định rõ, nhưng từ trước đến nay cấu tạo chiếc áo bà ba vẫn giữ được những đặc điểm cơ bản: Áo bà ba là loại áo không cổ. Thân áo phía sau may bằng một mảnh vải nguyên, thân trước gồm hai mảnh, ở giữa có hai dải khuy cài chạy dài từ trên xuống được đính 5 hoặc 6 nút. Áo chít eo, xẻ tà vừa phải ở hai bên hông. Áo kết hợp với chiếc quần ống xéo tôn vẻ đẹp thướt tha của người phụ nữ với chiếc lưng ong nhẹ nhàng, thanh thoát, mềm mại. Chiếc áo bà ba được cắt khéo làm tôn vẻ đẹp người phụ nữ với thân hình nở nang, cân đối.

Chẳng ai biết chiếc khăn rằn có từ bao giờ, chỉ biết chiếc khăn xuất phát từ khăn Krama của người Khmer gốc Campuchia. Trong quá trình cộng cư ở Nam Bộ mà đến với các dân tộc khác. Chiếc khăn rằn thường có hai màu đen và trắng hoặc nâu và trắng. Hai màu này đan chéo nhau, tạo thành ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn và có lẽ các lằn ngang dọc ấy là gốc gác của tên gọi khăn rằn.

Từ thời ông cha khai phá vùng đất phương Nam, chiếc áo bà ba đã song hành cùng người Nam Bộ. Trang phục áo bà ba đơn giản, phù hợp trong mọi hoạt động sinh hoạt của đời sống hàng ngày thể hiện cốt cách bình dị, hiền lành, chất phác và trở thành trang phục đặc trưng, mang một nét đẹp riêng của người dân Nam bộ, phụ nữ Nam bộ. Nếu Cô gái xứ Huế thướt tha trong tà áo dài tím mộng mơ; người phụ nữ Bắc bộ duyên dáng với chiếc áo tứ thân, áo yếm, váy đụp; thì người phụ nữ Nam bộ dịu dàng, mộc mạc trong áo bà ba cùng chiếc khăn rằn quàng trên cổ. Hình ảnh “Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba”, “Áo bà ba trắng như mây trời”, “Áo bà ba súng quàng vai”,… đã trở nên gần gũi, thành nét đẹp, niềm tự hào, là tình yêu, nỗi nhớ - “Thương hoài chiếc áo bà ba. Nắng mưa lặn lội luống cau vườn cà”, “Tôi thương chiếc áo bà ba, áo bà ba em mặc ra đồng. Trưa nắng hè áo đẫm mồ hôi, áo dãi dầu sớm nắng chiều mưa”, “Thương lắm quê mình mặn mà chiếc áo bà ba”…

Trước kia, áo bà ba là trang phục của người lao động nên chủ yếu màu nâu, đen được nhuộm từ thiên nhiên bằng lá bàng, vỏ trâm bầu, vỏ dà, vỏ sú vẹt, cây cóc hoặc trái mặc nưa (makloer); áo được may từ chất vải thô cứng như vải ú, vải tám và mặc với quần đen rất phù hợp với điều kiện lao động đi lại nơi sông rạch, bùn lầy, dễ giặt và nhanh khô. Theo thời gian, áo bà ba được mọi người ưa chuộng, không phân biệt thành phần, lứa tuổi, nam nữ, sang hèn. Sang trọng, quý phái trong trang phục áo bà ba màu sắc đa dạng phối hợp quần trắng, chất liệu bằng gấm, lụa; nền nã, bình dân trong trang phục áo bà ba đen, nâu kết hợp quần đen; người đứng tuổi, các cụ già thường mặc bộ bà ba trắng trong những ngày Tết, ngày lễ và khi tiếp khách; phụ nữ duyên dáng áo bà ba với chiếc khăn rằn quấn cổ thấp thoáng trên những cánh đồng ngày mùa rộn ràng, nhẹ nhàng thanh thoát, lung linh duyên dáng trên sông trăng đưa theo những nhịp chèo ghe, thướt tha dáng áo bà ba đi trên những chiếc cầu tre, e ấp áo bà ba trong các lễ hội…

Trong xã hội hiện đại ngày nay, chiếc áo bà ba vẫn song hành cùng người phụ nữ Nam bộ với sắc màu, chất liệu vải áo đa dạng, phong phú làm cho chiếc áo bà ba trở nên kiêu sa hơn, tuy vậy, vẫn không làm giảm đi giá trị truyền thống, cái chân chất, giản đơn, mộc mạc của người phụ nữ Nam bộ son sắc, thủy chung. Và đẹp nhất vẫn là hình ảnh bộ áo bà ba kết hợp chiếc khăn rằn trong quá trình lao động sản xuất và pha chất anh hùng trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm.

Trong lao động sản xuất với trang phục áo bà ba và khăn rằn, tùy vào giới tính mà có cách sử dụng khác nhau. Người nam thường quấn khăn rằn quanh trán khi làm việc để cản mồ hôi rơi xuống mắt. Người nữ hay quàng khăn vào cổ, hai tà để phía trước ngực áo dùng để lau mồ hôi. Chiếc áo bà ba cùng khăn rằn đã trở thành hình ảnh gần gũi với mọi người, như một biểu tượng hay lam hay làm, cần cù, chịu thương chịu khó.

Trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, hình ảnh chiếc khăn rằn, chiếc áo bà ba như một biểu trưng của “miền Nam thành đồng Tổ quốc”. Chiếc áo bà ba theo các má, các chị em từ nông thôn đến thành thị, từ vùng căn cứ đến cả trong ngục tù tăm tối. Áo bà ba, khăn rằn quấn cổ không chỉ gắn liền trong sinh hoạt đời sống thường nhật của người phụ nữ Bến Tre mà còn gắn liền với giá trị lịch sử của vùng đất anh hùng. Trong những năm tháng kháng chiến gian khổ, hình ảnh “Đội quân tóc dài” với áo bà ba, khăn rằn quấn cổ vừa mạnh mẽ, trung kiên vừa chân chất, hiền hòa, đôn hậu đã bao phen gây khiếp vía cho quân thù và là chủ đề chiếm nhiều chỗ trang trọng trên các trang báo ngoại quốc với những lời ca ngợi nồng nhiệt đầy chất huyền thoại. Hình ảnh những người phụ nữ mặc áo bà ba, khăn rằn quấn cổ, tay vươn cao bó đuốc lá dừa, “đi trong đạn lửa”, “đi như nước lũ tràn về” đã góp phần làm nên huyền thoại lịch sử, phong trào Đồng khởi năm 1960.  

Đội quân tóc dài với áo bà ba và chiếc khăn rằn đã trở thành nét đặc trưng của người con gái quê hương Bến Tre - Đồng khởi. Tính chất hào hùng, khí phách cách mạng, cái hồn của bộ trang phục áo bà ba chính là ở hình ảnh chiếc khăn rằn quấn cổ. …“Thấy bóng khăn rằn, anh biết là em đó. Màu khăn Đồng Khởi của phụ nữ Bến Tre”. Cùng với áo bà ba, khăn rằn đã trở thành một vật dụng tiện lợi và thân thiết cho mọi người, mọi giới trong lao động và chiến đấu. Một vật dụng nhỏ, tưởng bình thường nhưng ý nghĩa lớn lao, một vật vô tri vô giác nhưng chứa chan bao tình cảm thiết tha. Chiếc khăn rằn dùng để che cái nắng đổ lửa, để chắn ngọn gió lốc, thấm những giọt mồ hôi, để làm duyên, che giấu nụ cười, để lau khô dòng nước mắt, để làm tin, trao niềm hy vọng và cả sự chờ mong.

Trong giai đoạn hiện nay, nét đẹp và giá trị truyền thống của trang phục áo bà ba càng được phát huy. Chiếc áo bà ba giản dị, mộc mạc nhưng đã được khẳng định vị thế của nó bởi nét độc đáo trong lĩnh vực thời trang của khu vực và cả nước. Nhiều cuộc thi sắc đẹp của đồng bằng sông Cửu Long, Hội thi Duyên dáng áo bà ba ở tỉnh Cần Thơ, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam (khu vực phía Nam),… đều có phần thi trang phục áo bà ba. Nhà thiết kế Brian Võ (nhà thiết kế cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2018) đã từng chia sẻ: “Nếu những tà áo dài mang đến vẻ đẹp thướt tha truyền thống chung, thì áo bà ba chính là biểu tượng đặc trưng riêng của người con gái Nam Bộ chân chất, thật thà và sống ngay thẳng. Lựa chọn trang phục đồng diễn lần này như một lời chúc tôi dành tặng cho các thí sinh khu vực miền Nam của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam thêm phần tự tin và tự hào khi được đại diện nhan sắc cho vùng quê của chính mình trên đấu trường nhan sắc cả nước”.

Bến Tre với Ngày hội áo bà ba và việc lựa chọn trang phục áo bà ba thay cho phần trình diễn áo tắm tại cuộc thi Người đẹp xứ Dừa năm 2019 một lần nữa khẳng định giá trị, tôn vinh nét đẹp văn hóa của chiếc áo bà ba truyền thống. Ngày nay, trong muôn màu cuộc sống hiện đại, áo bà ba và chiếc khăn rằn vẫn luôn là một nét duyên rất riêng của Nam Bộ nói chung và Bến Tre nói riêng, là văn hóa, tinh hoa của dân tộc rất đáng được bảo tồn và phát huy./.

[1]. Thạch Phương - Đoàn Tứ: Địa chí Bến Tre, Nxb. Khoa học xã hội, 2001, tr.856.

CN. Nguyễn Ngọc Diễm
Tập sự giảng viên, Khoa Xây dựng Đảng

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh