Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là những mục tiêu quan trọng đảm bảo tương lai bền vững cho con người. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, “bảo vệ môi trường” và “phát triển bền vững” đã trở thành những chủ đề được quan tâm hàng đầu trên toàn cầu. Bến Tre, một địa phương đang trong quá trình phát triển và chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, đứng trước những thách thức to lớn trong việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Vì vậy, Bến Tre luôn đề cao vai trò của công tác bảo vệ môi trường hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
1. Mối quan hệ giữa bảo vệ môi trường và phát triển bền vững
Môi trường là tập hợp các yếu tố tự nhiên (không khí, đất, nước, ánh sáng, núi, sông, hồ, biển, hệ sinh thái, thảm thực vật, cảnh quan thiên nhiên…) và các yếu tố vật chất nhân tạo (khu dân cư, khu sản xuất, di tích lịch sử…) phục vụ cho hoạt động của con người, bao gồm cả hoạt động kinh tế. Môi trường đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và tồn tại của mọi sự sống trên Trái đất. Nó cung cấp các nguồn tài nguyên cần thiết như không khí trong lành, nước sạch, thực phẩm và nguồn năng lượng; không gian sống cho các sinh vật và định hình hoạt động của các hệ sinh thái và chu trình sinh thái. Vì vậy, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm hoạt động bảo vệ môi trường. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh quan điểm: “Giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường” [1] . Khoản 2, Điều 4, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định “Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững”.
Bảo vệ môi trường là việc thực hiện các biện pháp và hành động nhằm bảo vệ, duy trì và khôi phục các thành phần của môi trường tự nhiên. Khoản 2, Điều 3, Luật Bảo vệ môi trường quy định: “Hoạt động bảo vệ môi trường bao gồm phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Mục tiêu chính của bảo vệ môi trường là giữ gìn và bảo tồn sự cân bằng của các hệ thống sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, đảm bảo nguồn tài nguyên tự nhiên bền vững và tạo ra một môi trường sống lành mạnh cho con người và các loài sinh sống khác. Phát triển bền vững là sự phát triển không dựa trên việc khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, không làm suy giảm sự đa dạng sinh học, không gây ra các sự cố môi trường, không làm gia tăng phát thải khí nhà kính…
Giữa bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại với nhau. Môi trường là địa bàn và đối tượng của sự phát triển, còn phát triển là nguyên nhân tạo nên các biến đổi của môi trường. Môi trường cung cấp các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết như đất, nước, rừng, khoáng sản, sinh vật biển,… cho cuộc sống và cách hoạt động sản xuất của con người; môi trường cũng là nơi chứa đựng các phế thải của quá trình sản xuất và tiêu dùng. Nhưng chất lượng môi trường sống ngày càng giảm xuống do các hoạt động của con người làm cho chỉ số ô nhiễm mỗi trường đang ở mức báo động. Vì vậy, bảo vệ môi trường là nền tảng cho sự phát triển bền vững, kinh tế - xã hội phát triển sẽ tạo việc làm cho người lao động, thu hút các nhà đầu tư thực hiện các chương trình dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Kinh tế phát triển sẽ thúc đẩy quá trình chuyển giao khoa học công nghệ, xử lý môi trường theo hướng hiện đại.
2. Thực trạng bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững ở Bến Tre
Bến Tre là 1 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - khu vực đã và đang đối mặt với nhiều thách thức bởi biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến môi trường. Trong năm 2024, nền kinh tế tỉnh Bến Tre có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực; tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh ước tăng 5,68%, cao hơn mức tăng 4,60% của năm 2023; thu hút đầu tư trong nước tăng 64,13%; thu hút đầu tư nước ngoài tăng tăng 81,18%. Có được kết quả nêu trên của nền kinh tế dựa vào hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Bến Tre. Việc bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững ở Bến Tre đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Từ năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Đề án nâng cao nhận thức và năng lực để xây dựng “Bến Tre xanh” giai đoạn 2021 - 2026; Kế hoạch hành động ứng phó Biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, với nhiều công trình, dự án về quản lý nguồn nước, sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu đã được triển khai thực hiện. Trong giai đoạn 2025 - 2030 và tầm nhìn 2050, Bến Tre sẽ phát triển về hướng Đông, thích ứng với biến đổi khí hậu, lấy kinh tế biển làm chủ đạo, du lịch làm mũi nhọn, hướng đến là “điểm đến xanh, địa phương đáng sống”; tỉnh càng quan tâm công tác bảo vệ môi trường. Để nâng cao ý thức chung của hệ thống chính trị và cộng đồng trong hoạt động bảo vệ môi trường, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 27/9/2024 về tăng cường lãnh đạo công tác quản lý, xử lý rác thải góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng "Bến Tre xanh" với mục tiêu: “Tiến đến việc chấm dứt tình trạng xả rác ra nơi công cộng, đường, sông, rạch, làm mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân và mỹ quan nông thôn, đô thị; góp phần xây dựng Bến Tre xanh”. Và kết quả chỉ số xanh (chỉ số PGI) của tỉnh Bến Tre xếp thứ 19/63 tỉnh thành, tăng 43 bậc so với năm 2023, kết quả này cho thấy Bến Tre không ngừng nâng cao chất lượng môi trường gắn với phát triển bền vững.
Hiện nay, các nguồn phát sinh ô nhiễm chính trên địa bàn tỉnh bao gồm 02 khu công nghiệp, 04 cụm công nghiệp, 57 làng nghề, 62 cơ sở y tế, 37 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có lưu lượng xả thải lớn (trên 50 m3/ngày, đêm), khu đô thị (01 đô thị loại II, 03 đô thị loại IV, 19 đô thị loại V), khu dân cư nông thôn. Để kiểm soát nước thải ra môi trường, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường. Các khu công nghiệp đã xây dựng tách riêng hoàn toàn hệ thống nước thải với hệ thống thoát nước mưa, chất lượng nước thải sau khi xử lý đảm bảo đạt quy chuẩn cho phép trước khi xả thải ra môi trường. Mạng lưới thu gom nước thải công nghiệp đều lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước tại đầu ra của nhà máy. Đối với nước thải đô thị, nước thải nông thôn cũng được thu gom, xử lý tập trung; các cơ sở sản xuất, kinh doanh có trạm quan trắc tự động, liên tục truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định pháp luật về công tác quản lý chất thải.
Tình hình thu gom, quản lý rác thải được Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm tổ chức thực hiện. Theo thống kê năm 2024, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh là 424.320 tấn/năm, tương đương 1.163 tấn mỗi ngày. Trong đó, tổng số lượng rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tại các bãi rác tập trung, nhà máy xử lý rác; khối lượng tự thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn nông thôn mới là 368.195 tấn/năm, tương đương 1.009 tấn/ngày. Rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh được thu gom về 05 bãi rác (Bình Đại, Ba Tri, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Chợ Lách) và 01 nhà máy xử lý rác (huyện Thạnh Phú) để chôn lắp hoặc thiêu hủy. Đối với rác thải công nghiệp phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 306.122 tấn/năm; rác thải nguy hại (tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở y tế) phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 3.356 tấn/năm, tương đương 7.3 tấn/ngày được chủ nguồn thải phân loại và hợp đồng với các đơn vị ngoài tỉnh thu gom, vận chuyển và xử lý đạt 100%. Đối với rác thải nguy hại của các cơ sở y tế được xử lý bằng phương pháp đốt qua các lò đốt được đầu tư tại các cơ sở y tế; đối với chất thải không lây nhiễm, cơ sở y tế hợp đồng với các đơn vị xử lý chất thải nguy hại ngoài tỉnh thu gom và xử lý định kỳ 6 tháng/lần.
Việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên tiết kiệm và hợp lý. Năng lượng tái tạo được tăng cường đầu tư phục vụ cho phát triển kinh tế, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên. Công tác bảo vệ rừng, trồng rừng và bảo tồn đa dạng sinh học có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giảm thiểu tác hại do thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều chủ trương, chính sách được ban hành và tuyên truyền rộng rãi trong các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức và nhân dân nhằm tăng cường quản lý hiệu quả tài nguyên rừng, đa dạng sinh học.
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng công tác bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững ở Bến Tre còn nhiều thách thức, đó là: trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy xử lý rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại; vì vậy, rác thải công nghiệp và rác thải nguy hại tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở y tế được chủ nguồn thải hợp đồng với các đơn vị ngoài tỉnh thu gom, vận chuyển và xử lý gây khó khăn cho doanh nghiệp, cơ sở y tế do chi phí thu gom, xử lý cao. Các bãi rác đang trong tình trạng quá tải, có thể trở thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường; tỷ lệ thu gom và tần suất thu gom rác thải sinh hoạt còn thấp do chưa được trang bị các trang thiết bị và phương tiện vận chuyển rác chuyên dụng. Hệ thống xử lý nước thải tập trung chưa được quan tâm đầu tư ở các làng nghề, khu đô thị, chợ truyền thống. Việc xử lý khói thải từ các cơ sở sản xuất than thiêu kết còn hạn chế; chưa có giải pháp quản lý bụi phát sinh tại khu vực đô thị. Những khó khăn, thách thức này cần được giải quyết kịp thời, hiệu quả để Bến Tre thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững
Để giải quyết triệt để và đảm bảo phát triển bền vững phục vụ gắn chặt với bảo vệ môi trường, Bến Tre tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Đây là giải pháp đóng vai trò quyết định, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục để từng bước nâng cao nhận thức, tác động lên ý thức, tạo ra chuyển biến về hành động của toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Trong đó, tập trung tuyên truyền Đề án Bến Tre xanh để nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, đơn vị, hộ gia đình và cá nhân về bảo vệ môi trường thông qua đời sống sinh hoạt hàng ngày; kiểm soát hành vi vứt rác, xả nước thải và sử dụng chất cấm gây ô nhiễm môi trường; tuyên truyền, khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa, hạn chế sử dụng đồ dùng bằng nhựa, túi nilon một lần thải bỏ; tăng cường tái chế, tái sử dụng nhựa (phân loại thu gom phế liệu) thay thế đồ dùng bằng nhựa bằng đồ dùng thân thiện môi trường, túi nilon dễ phân hủy sinh học.
Thứ hai, tạo nguồn lực bảo vệ môi trường. Nguồn lực trong bảo vệ môi trường bao gồm nhân lực, vật lực và tài chính. Cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về môi trường cần được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, trong đó, tập trung nâng cao năng lực quản lý chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường. Để công tác bảo vệ môi trường đạt hiệu quả cao, cần đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật; quản lý, sử dụng, vận hành có hiệu quả hệ thống quan trắc tự động liên tục và trang thiết bị phòng thí nghiệm đã được đầu tư; tăng cường năng lực phòng thí nghiệm môi trường để có thể chủ động trong việc kiểm tra, giám sát, kiểm định chất lượng môi trường theo yêu cầu. Đồng thời, đảm bảo kinh phí cho sự nghiệp môi trường, trong đó, ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện các dự án cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, dự án biến đổi khí hậu.
Thứ ba, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bảo vệ môi trường. Ứng dụng công nghệ là yếu tố quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề môi trường. Ở Bến Tre hiện nay, nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến đang được triển khai như hệ thống quan trắc môi trường; công nghệ xử lý nước thải; kinh tế tuần hoàn; phát triển năng lượng sạch (điện gió, mặt trời); sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường; phát triển du lịch xanh, du lịch gắn với bảo vệ hệ sinh thái rừng, bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục vận động, khuyến thích các cơ sở sản xuất đổi mới quy trình công nghệ, áp dụng các công nghệ sạch; buộc đầu tư các công trình xử lý chất thải nhằm xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; không để phát sinh mới các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
Thứ tư, tập trung giải quyết có hiệu quả các vấn đề về môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường. Bến Tre hiện nay có những điểm nóng về ô nhiễm môi trường tại Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre; bãi rác An Hiệp Ba Tri và các làng nghề. Vì vậy, cần tập trung giải quyết ô nhiễm nước rỉ rác, mùi hôi từ bãi rác trong khuôn viên nhà máy xử lý rác thải Bến Tre. Đối với bãi rác An Hiệp, cần đầu tư xây dựng, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật để tiếp nhận chôn lắp rác, xử lý mùi hôi. Đồng thời, tiếp tục đầu tư xây dựng lại nhà máy xử lý rác Bến Tre và phát triển 03 khu liên hợp xử lý rác thải tập trung góp phần giải quyết vấn đề xử lý rác thải, hỗ trợ tích cực vào việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững của tỉnh. Để xử lý khói thải tại làng nghề than thiêu kết, các cơ sở sản xuất than thiêu kết đầu tư công nghệ sản xuất, xử lý khói thải tiên tiến nhằm giảm thiểu khí thải phát sinh gây ô nhiễm môi trường.
Tóm lại, Bến Tre hiện nay đang rất chú trọng đến việc bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Tỉnh tập trung vào các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Điều này không chỉ góp phần duy trì một môi trường sống trong lành mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Với quan điểm không đánh đổi môi trường để đạt được tăng trưởng kinh tế, Bến Tre đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án bảo vệ môi trường, khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Các hành động này không chỉ giúp bảo vệ cảnh quan, hệ sinh thái mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế lâu dài, bền vững.
Tài liệu tham khảo:[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, H. 2021, NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1, tr. 52
- Báo cáo số 21/BC-UBND, ngày 11/01/2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre báo cáo công tác bảo vệ môi trường tỉnh Bến Tre năm 2024
- Báo cáo số 61/BC-UBND, ngày 26/01/2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre báo cáo tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2024