ThS Phan Văn Thuận
Trưởng khoa Xây Dựng Đảng
Hệ thống chính trị ở nước ta được thiết lập và vận hành theo nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, mỗi thiết chế trong hệ thống đều có vị trí, vai trò, trách nhiệm khác nhau, quan hệ chặt chẽ với nhau trong một chỉnh thể thống nhất. Trong đó, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước, xã hội và cả hệ thống chính trị. Nội dung và phương thức quan trọng nhất thể hiện vai trò cầm quyền lãnh đạo của Đảng là lãnh đạo Nhà nước, thông qua Nhà nước và sử dụng bộ máy nhà nước để tổ chức, xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, đòi hỏi Đảng phải không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, làm cho đường lối, chủ trương của Đảng được thực hiện có hiệu quả cao nhất trong cuộc sống, phát huy cao độ vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội, sức mạnh của quần chúng nhân dân và tiềm năng của đất nước, qua đó, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Thực hiện “từng bước nhất thể hoá chức danh cán bộ” ở cơ sở là một bước quan trọng trong quá trình đổi mới nói trên; đồng thời, là “bước chuyển có tính đột phá về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở”, điều đó thể hiện sự nhất quán về nguyên tắc lãnh đạo của Đảng.