Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ năm, 18 Tháng 4, 2024 - 17:49

Vì sao ta thắng Mỹ thua?

Đoàn Thị Mao
Khoa Dân vận

 

Cuộc chiến tranh đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam, với một thất bại thảm hại thuộc về Mỹ và nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thắng lợi đó do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan được tạo nên cả về phía ta và phía Mỹ.

Trước hết về phía ta, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước giành thắng lợi là kết quả của sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, với một đường lối chính trị, quân sự, ngoại giao độc lập tự chủ và sáng tạo. Đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hai nhiệm vụ này không thể tách rời và thực tiễn cách mạng đã chứng minh, đường lối mà Đảng đã đề ra từ những ngày đầu thành lập là hoàn toàn đúng đắn. Đồng thời, Đảng đã tiến hành cùng lúc hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Đây là điểm thể hiện sự sáng tạo của Đảng ta trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng. Đó là đóng góp lớn của Đảng ta về lý luận cùng với thực tiễn tiến hành hai cuộc cách mạng cùng thời gian, một Đảng lãnh đạo mà chưa có một quốc gia nào trên thế giới thực hiện được. Ngoài ra, Đảng đã vận dụng chiến lược tiến công địch từng bước, giành thắng lợi từng bước, tiến đến giành thắng lợi hoàn toàn. Đảng đã nhận biết rằng kẻ thù của ta mạnh, với vũ khí phương tiện hiện đại. Vì vậy, muốn đánh thắng ta phải giành thắng lợi từng bước. Đồng thời, Đảng đã sử dụng phương pháp cách mạng sáng tạo và đúng đắn với nghệ thuật chỉ đạo chiến lược sắc bén, mềm dẻo đó là tiến công và nổi dậy.

Bên cạnh đó, Đảng ta đã biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, phát huy cao độ tinh thần đoàn kết của nhân dân với lòng yêu nước bất khuất và ý chí chiến đấu, lòng căm thù giặc sâu sắc tạo thành một sức mạnh vô song, chủ nghĩa anh hùng được phát huy cao độ. Miền Bắc đã thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ của một hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân Việt Nam với khẩu hiệu: Tiền tuyến gọi hậu phương trả lời, tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Cùng tình đoàn kết và liên minh chiến đấu của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia tạo nên sức mạnh to lớn cho lực lượng cách mạng của ba nước Đông Dương giành thắng lợi. Lào đồng ý cho đường mòn Hồ Chí Minh đi qua vùng giải phóng Lào nhằm đảm bảo cho việc tiếp tế và liên lạc giữa hai miền Việt Nam. Chính phủ Campuchia đồng ý cho quân giải phóng Việt Nam vận chuyển hậu cần qua cảng Sihanouk và có căn cứ trên lãnh thổ Campuchia. Bên cạnh đó, còn có sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới và phong trào công nhân quốc tế, của các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ.

Về phía đế quốc Mỹ, tổng số Mỹ đã chi trực tiếp cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam 676 tỷ đôla so với 341 tỷ trong chiến tranh thế giới thứ hai và 54 tỷ trong chiến tranh ở Triều Tiên (Theo Đại cương lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, 1999, tr.270).

Trong lĩnh vực quân sự Mỹ đã sử dụng bạo lực phản cách mạng đến cao độ, tiến hành một cuộc chiến tranh cao nhất từ sau chiến tranh thế giới II. Sử dụng những binh khí, kỹ thuật hiện đại, những tướng lĩnh tài giỏi, những chính khách, nhà ngoại giao cừ khôi nhất. Đồng thời, Mỹ đã huy động 3 triệu lượt lính Mỹ ở Việt Nam, 5 triệu công nhân Mỹ làm việc trong 22.000 xí nghiệp phục vụ chiến tranh (theo tính toán của giáo sư Robert người Mỹ trong tác phẩm: Hy vọng hão huyền, thực tế phủ phàn, những hậu quả kinh tế của chiến tranh Việt Nam).

Trong lĩnh vực kinh tế, tổng số viện trợ của Mỹ là 7 tỷ đôla trong 20 năm (bình quân 350 triệu đôla/năm). Về chính trị, Mỹ xây dựng bộ máy chính quyền thực dân mới, dù không ổn định nhưng tồn tại 20 năm với đầy đủ bộ máy thiết chế cho chế độ thực dân. Về văn hóa, bằng nhiều hình thức và phương tiện Mỹ đưa văn hóa, lối sống Mỹ vào miền Nam Việt Nam, cho thấy những nỗ lực giành chiến thắng của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Như vậy, Chủ nghĩa thực dân nhất quán qua 5 đời Tổng thống Mỹ, mỗi bước tiếp theo lại thâm độc, xảo quyệt hơn nhưng kết quả thất bại cũng lớn hơn. Khi những thủ đoạn ấy phát huy cao nhất cũng là lúc chủ nghĩa thực dân mới sụp đổ (Mỹ thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh vào năm 1969). Nguyên nhân những thất bại của Mỹ đó là:

Thứ nhất, bản thân chủ nghĩa thực dân mới chứa đựng trong lòng nó nhiều mâu thuẫn sâu sắc và mâu thuẫn phát triển không ngừng làm cho nó suy yếu và rỗng nát từ bên trong. Với những biểu hiện:

Một là, Mỹ sử dụng chiêu bài dân tộc quốc gia giả hiệu với mục đích chống cộng sản làm cơ sở hệ tư tưởng để áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở Việt Nam và các nhà quân sự Mỹ không cho dân tộc Việt Nam là mạnh, mà là nghèo nàn, lạc hậu, dốt nát,...Mỹ đã đánh giá không đúng sức mạnh chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta được phát huy cao độ từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đến chống đế quốc Mỹ.

Hai là, Mỹ đã mâu thuẫn giữa mục đích và biện pháp thực hiện. Mục đích đề ra là giúp Việt Nam xây dựng một quốc gia độc lập nhưng biện pháp là thiết lập hệ thống cố vấn khắp các cấp, các ngành dưới sự chỉ đạo của đại sứ Mỹ; mục đích đề ra là “tự do dân chủ”, đặc biệt là quyền tự quyết của nhân dân nhưng biện pháp là tiến hành bạo lực phản cách mạng để áp đặc chế độ độc tài toàn dân căm ghét; mục đích là tạo điều kiện cho kinh tế Việt Nam cất cánh nhưng biện pháp là biến miền Nam Việt Nam thành nơi tiêu thụ hàng hóa Mỹ dưới hình thức chính sách “viện trợ” làm cho miền Nam lệ thuộc vào Mỹ; mục đích đề ra có chính quyền mạnh nhưng chỗ dựa của Mỹ từ Ngô Đình Diệm - Nguyễn Văn Thiệu - Dương Văn Minh thực tế là một chính quyền yếu.

Ba là, mâu thuẫn giữa Mỹ và chính quyền thân Mỹ và nhân dân miền Nam, khi quyền lợi bị đe dọa chính quyền Ngụy nhiều lần tỏ thái độ chống lại Mỹ, có lúc tỏ ra độc lập; mâu thuẫn giữa các thế lực thân Mỹ luôn ở trong trạng thái âm ỉ, ngấm ngầm có cơ hội là bùng phát, điển hình là việc sát hại Ngô Đình Diệm. Những mâu thuẫn trên tạo nên yếu tố thường xuyên không ổn định và ngày càng làm cho chính quyền Sài Gòn suy yếu; mâu thuẫn giữa quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn làm cho chúng số lượng đông, cùng với vũ khí hiện đại nhưng vẫn không phát huy được sức mạnh; đặc biệt là mâu thuẫn giữa chính quyền Mỹ - Ngụy với nhân dân miền Nam. Chính quyền Mỹ - Ngụy đề ra mục đích là tranh thủ trái tim của nhân dân miền Nam nhưng thực tế lại thi hành những chính sách tàn bạo, nhất là với nông dân như: Cướp đất, dồn dân, bắt lính, bình định,…làm cho nhân dân căm ghét.

Thứ hai, Mỹ đã phạm nhiều sai lầm trong việc áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, cả đường lối tiến hành chiến tranh xâm lược. Mỹ phạm sai lầm cơ bản khi nhảy vào xâm lược nước ta khi chọn lầm thời gian, địa điểm, đối tượng. Về thời gian xâm lược Việt Nam từ những năm 50 về thực lực Mỹ đã giảm sút so với trước trong khi Liên Xô, Nhật Bản, Tây Âu mạnh lên trở thành đối trọng với Mỹ. Về địa điểm, Mỹ nhảy vào khi Pháp vừa thua xong, trong khi Pháp đã cố gắng nhưng vẫn thất bại thì Mỹ lại chọn. Về đối tượng, Mỹ đã sai lầm khi chọn Việt Nam? Bởi Việt Nam giàu nhất là truyền thống anh hùng chống ngoại xâm từ thời dựng nước đến nay, gần nhất là Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Chiến thắng Điện Biên Phủ. Chính vì vậy, dân tộc Việt Nam không thể cho bất cứ một thế lực hung bạo nào được áp đặt tại đây. Mỹ không hiểu gì về đối tượng của mình. Taylor nhận xét: “Ta phải nhớ lại lịch sử của nước đó, đó không phải là một dân tộc như chúng ta thường nghĩ và nó chưa bao giờ có cơ hội trở thành một dân tộc. Nó thật sự là một nơi các thiểu số dựa trên chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, các miền, tôn giáo. Do đó trong lịch sử nó chưa từng bao giờ có khả năng phát triển ý thức dân tộc” (Trích tác phẩm Trách nhiệm và phản ứng). Một tác giả người Mỹ đã sửa sai cho Taylor, cho rằng: “Người Việt Nam có một lịch sử và phong tục mấy ngàn năm trước Mỹ, những người dân nhỏ bé, lì lợm này chiến đấu giành tự do nhiều lần hơn Mỹ tham gia và cuối cùng họ đã thắng trong mọi cuộc đấu tranh chống nền đô hộ nước ngoài. Người Việt Nam coi quá khứ như một phần của hiện tại, người Việt Nam ở cả hai miền đều tự coi mình là một dân tộc và cụ Hồ Chí Minh thắng lợi trở về Việt Nam là chiến thắng của dân tộc cũng như quần chúng. Việc Mỹ không biết đến sự thật đó là một trong những nguyên nhân lớn vì sao Mỹ trong 21 năm đã bị thất bại ở Việt Nam”

Như vậy, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là kết quả sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta với đường lối chính trị, quân sự, ngoại giao đúng đắn, sáng tạo, đã không ngừng phát huy trên mọi trận tuyến đấu tranh. Đồng thời, khoét sâu mâu thuẫn của địch - với tính chất chiến tranh là phi nghĩa, sự chỉ đạo chiến lược của Mỹ đã mắc sai lầm, tinh thần thấp kém, hậu phương không vững chắc và thường xuyên rối loạn, làm cho lực lượng địch ngày càng suy yếu. Tất cả các yếu tố trên, trong đó yếu tố căn bản nhất, mang tính quyết định nhất là sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng ta đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam: Độc lập, thống nhất, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày nay đất nước tiến hành đổi mới với những thành tựu mới càng khẳng định giá trị của Đại thắng mùa Xuân 1975 là chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng./.

Tin khác