Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 02:29

Vận dụng một số quan điểm đào tạo, huấn luyện cán bộ của Hồ Chí Minh trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận Mác-Lênin ở Trường Chính trị tỉnh Bến Tre

Thạc sĩ Trần Văn Hòa
                                                                            Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng

Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể ở nước ta, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Bằng tư duy lý luận và thực tiễn đào tạo, huấn luyện cán bộ, Bác đã để lại cái “cẩm nang thần kỳ” giúp những người làm công tác đào tạo, huấn luyện và người học lý luận chính trị có thêm phương pháp, nghệ thuật truyền đạt, giàu thêm tri thức,  trong công tác này.

Bác đã giải thích rất cặn kẽ: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng” và “chỉ có một Đảng có lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có thể làm tròn được vai trò chiến sĩ tiền phong”.[ 1] .Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh việc tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện lý luận Mác – Lênin  có hiệu quả cần chú ý hai khâu: người học và người huấn luyện. Trước hết, đối tượng là người học phải được tuyển chọn đúng. Đó phải là những người có ý chí cách mạng, có lý tưởng, niềm tin và nghị lực, khao khát đối với lý luận Mác – Lênin, học để “phụng sự Tổ quốc, để làm việc và để làm người”. Trong những năm 1925 – 1927, tại Quãng Châu (Trung Quốc), Bác đã tuyển chọn những người tiêu biểu, hạt nhân của phong trào yêu nước chân chính để tổ chức lớp học, đào tạo cán bộ cốt cán cho cách mạng Việt Nam. Trong những lớp ấy, Người đã xác định cho mỗi học viên thấy rõ vai trò của lý luận, rằng cách mạng muốn thành công không thể thiếu lý luận dẫn đường.

Thông qua thực tiễn các phong trào cách mạng, Bác xác định: Còn cán bộ yếu về lý luận, nên gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Vì thế Đảng phải tổ chức việc học tập để nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ Đảng và đoàn thể. Công việc đầu tiên là phải xác lập ý chí học tập cho họ bằng chính việc chỉ ra cho mỗi học viên thấy rõ người cán bộ cách mạng không thể tồn tại và phát triển nếu thiếu lý luận cách mạng. Khi đến thăm lớp học lý luận khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc năm 1957 (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Bác đã định hướng cho học viên trong nhận thức về vai trò của lý luận cách mạng để mỗi người xác lập ngay ý thức học tập. Người nói: “Trước hết, Đảng ta tổ chức trường học lý luận cho cán bộ là để nâng cao trình độ lý luận của đảng ta đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Đảng ta, để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình”.[2] Để huấn luyện cán bộ cách mạng, Bác chỉ ra: Học tập lý luận nhằm mục đích “học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận, hoặc vì tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa ra mặc cả với Đảng. Tất cả những động cơ học tập không đúng đắn đều phải tẩy trừ cho sạch”.[3]

Kế thừa những quan điểm của Bác, rõ ràng, muốn đào tạo có kết quả thì không phải chỉ tuyển chọn đối tượng là người học mà vấn đề giảng viên cũng cực lỳ quan trọng. Theo Bác, bản thân mỗi giảng viên phải trở nên thành thục về kiến thức trên cơ sở say sưa nghiên cứu, học tập để không ngừng hoàn thiện về trình độ. Mỗi giảng viên và công tác tổ chức quản lý giảng viên cần phải quán triệt quan điểm của Hồ Chí Minh là: “Không phải ai cũng huấn luyện được” [4]. Nghĩa là người giảng viên phải được xác định trên cơ sở nền tảng của kiến thức, có bề dày và chiều sâu của kiến thức. Từ thực tế cho thấy là giảng viên không chỉ có kiến thức, mà phải có năng khiếu và phương pháp sư phạm...Vì thế, nên “Người huấn luyện nào tự cho mình là mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất” [5]. Và để không trở thành người dốt nhất, thì mọi giảng viên đều phải tiến hành việc học tập, học thêm mãi, bởi trong thời đại ngày nay, việc học thêm mãi cũng sẽ trở thành nhu cầu và sự đòi hỏi tự thân của mọi cán bộ, đảng viên. Vì thế nâng cao trình độ là yêu cầu của mỗi giảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra nhiệm vụ của người làm công tác huấn luyện là phải liên tục học tập. Người nói: người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình.

Học thêm mãi không chỉ thuần túy đào sâu nghiên cứu những kiến thức cơ bản mà còn là học phương pháp giảng dạy, để tạo ra và phát triển kỹ năng giảng dạy; phương pháp sử dụng và truyền tải thông tin, lý giải được những vấn đề đặt ra trong cuộc sống, mà đang đòi hỏi sự soi sáng của lý luận. Người giảng viên tốt, thiết nghĩ phải là những giảng viên đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi như vậy.

Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030; Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh, hệ thống trường lớp, phương tiện dạy và học lý luận Mác – Lênin ở tỉnh Trường Chính trị Bến Tre tương đối tốt. Vấn đề còn lại là mỗi giảng viên của Trường Chính trị tỉnh Bến Tre chúng ta ra sức rèn luyện ý chí, tu dưỡng đạo đức, năng lực công tác và tự giác trong quá trình học tập, nhằm nâng cao kiến thức, phương pháp truyền đạt lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin.

Tuy nhiên, một thực tế đang đặt ra đối với một số đội ngũ giảng viên ở các trường chính trị tỉnh hiện nay, trong đó có trường chính trị Bến Tre là còn có giảng viên thiếu thực tiễn, yếu về phương pháp truyền đạt đã làm cho việc giảng dạy kém hiệu quả, xa rời thực tế, không đáp ứng tốt sự mong mõi ở người học.

Để khắc phục hạn chế trên, giảng viên cần phải tăng cường tính Đảng, không ngại khó, không ngại khổ, học không biết chán với ý nghĩa đầy đủ: học ở sách vỡ, học ở nhân dân, học ở đồng nghiệp, học ở thực tế. Tiếp thu phê bình và tự phê bình, rút kinh nghiệm theo quan điểm Hồ Chí Minh để không ngừng nâng cao kiến thức, thành thạo về phương pháp trong giảng dạy, tăng cường nghiên cứu thực tế nhằm đáp ứng tốt những đòi hỏi của công tác giáo dục lý luận mà Đảng bộ tỉnh nhà đã đề ra. Ngoài ra, người giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bến Tre còn phải vận dụng những lời dặn của Bác Hồ: việc cốt yếu là phải làm cho người học hiểu thấu vấn đề. Nhưng muốn làm cho học viên hiểu thấu vấn đề, giảng viên cần phải cho họ hiểu thật tỷ mỷ, căn kẽ vấn đề, dạy theo cách đó cũng phải có nhiều thời gian. Giảng viên trường chính trị tỉnh Bến Tre cũng có thể dạy theo cách khác, dạy bao quát lớp vẫn làm cho người học hiểu thấu được. Cách bao quát chính là khả năng khái quát trên cơ sở kiến thức rộng, khả năng nhận thức chính trị sâu sắc, trên cơ sở bản thân giảng viên phải thật sự tâm đắc, có trách nhiệm nghề nghiệp, sự nhiệt tình tâm huyết với nghề nghiệp. Dạy theo cách này là rất khó nhưng hiện nay lại là một đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Bởi lẽ:

Thứ nhất, là do trình độ của học viên tỉnh nhà ngày càng nâng lên, thậm chí có những học viên có học vị rất cao: cử nhân, thạc sỹ, chuyên khoa 1, 2…

Thứ hai, do nhu cầu công việc tại địa phương nên học viên cần có phương pháp tiếp cận, nghiên cứu lý luận nhanh, có chiều sâu, lý giải thực tiễn đang đặt ra…

Đó là những lý do mà trường chính trị Bến Tre đòi hỏi mỗi cán bộ giảng dạy phải có kiến thức chuyên sâu, phải am hiểu thực tiễn, có phương pháp dạy tốt.

Bên cạnh đó cũng cần phê phán những hoạt động giảng dạy xa rời thực tiễn, không tâm huyết với nghề nghiệp, không thấy sự mong mõi của người học.

Tóm lại, dù ở bất cứ môi trường đào tạo nào, người giảng viên của trường chính trị tỉnh Bến Tre cũng phải trăn trở, suy gẫm, vì sự nghiệp của bản thân gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đó cũng là một đòi hỏi, cần thiết phải tiếp cận tốt hơn những quan điểm huấn luyện cán bộ của Hồ Chí Minh để không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học trong giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay. Tiếp cận tốt hơn những quan điểm của Hồ Chí Minh về việc nâng cao năng lực cán bộ giảng dạy lý luận ở Trường Chính trị tỉnh Bến Tre. Bên cạnh đó, cần xác lập ý chí học tập của người học, đối tượng phải được tuyển chọn đúng tiêu chuẩn của một cán bộ cơ sở trong việc thực hiện nhiệm vụ cách mạng của Đảng ta. Do đó, đòi hỏi các cấp, các ngành của cả hệ thống chính trị tại các địa phương cần tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ ngang tầm với nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới hiện nay.

__________________________________________

Tài liệu tham khảo:

[1]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8,  Nxb CTQG, H 1995, tr.495
[2]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8,  Nxb CTQG, H 1995, tr.492
[3]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8,  Nxb CTQG, H 1995, tr.497
[4]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6,  Nxb CTQG, H 1995, tr.46
[5]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6,  Nxb CTQG, H 1995, tr.46

Tin khác