Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ bảy, 20 Tháng 4, 2024 - 21:03

Vận dụng sáng tạo quan điểm của Bác về công tác giáo dục lý luận chính trị cho thanh niên Việt Nam hiện nay

Hồ Thị Thùy Dung

                                                    Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của Nhân dân Việt Nam. Người suốt đời cống hiến, hi sinh vì độc lập tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc cho nhân dân và hòa bình toàn nhân loại. Lúc sinh thời khi nói về vai trò của thanh niên, Người khẳng định rằng: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”; “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên” [1]. Trước lúc ra đi về cõi vĩnh hằng, Người đã để lại bản Di Chúc với “muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Trong đó, đối với thanh niên, Người đã căn dặn rằng: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên” [2]. Hiện nay, cả nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo đà vững chắc cho Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực thì việc đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận chính trị cho thế hệ thanh niên – những người chủ tương lai của nước nhà có vai trò quan trọng. Góp phần bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, hoàn thiện nhân cách người thanh niên Việt Nam vừa hồng vừa chuyên, đủ đức đủ tài để gánh vác được trọng trách mà Đảng, Bác Hồ, và nhân dân ta đã tin tưởng giao phó.

Luật Thanh niên được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ 8, khóa XI nêu: “Thanh niên quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ mười sáu tuổi đến ba mươi tuổi”. Có thể nói, giai đoạn từ đủ mười sáu đến ba mươi tuổi là giai đoạn đỉnh cao về thể chất lẫn tinh thần của mỗi cá nhân. Giai đoạn này cá nhân có sự phát triển hoàn thiện về thể chất, trí tuệ phát triển mạnh mẽ, nhạy bén, năng động, sáng tạo, có nhiều ước mơ, hoài bão, lý tưởng. Lý tưởng là những khát khao, nguyện vọng về tương lai tốt đẹp mà con người hằng mong tới. Lý tưởng cách mạng là những khát khao, nguyện vọng của mỗi người và toàn thể dân tộc Việt Nam về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Lý tưởng cách mạng của thanh niên Việt Nam không tách rời lý tưởng của Đảng, của dân tộc, đó là những khát khao, nguyện vọng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Hiện nay trong điều kiện của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, lý tưởng cách mạng của thanh niên Việt Nam là tiếp tục phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thanh niên nước ta là một tầng lớp xã hội rộng lớn, luôn có những đóng góp quan trọng trong các giai đoạn lịch sử phát triển của đất nước. Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc luôn có những người thanh niên yêu nước với lý tưởng cách mạng sáng ngời như: Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu, Trần Văn Ơn, Nguyễn Văn Trỗi, Cù Chính Lan, Nguyễn Viết Xuân… Những người thanh niên ấy đã không ngại hi sinh gian khổ, cống hiến tuổi thanh xuân và cả tính mạng của mình cho lý tưởng cách mạng, cho mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của đất nước. Anh hùng Lý Tự Trọng đã từng khẳng định đanh thép rằng: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng, chứ không thể là con đường nào khác”, đó cũng là khẳng định của bao thế hệ thanh niên Việt Nam.

Ngày nay đất nước ta đang thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, lực lượng thanh niên chiếm phần lớn dân số cả nước, đóng vai trò là nguồn nhân lực dồi dào, có tiềm năng to lớn trong sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc. Tuy nhiên do tác động tiêu cực của quá trình hội nhập, những tư tưởng văn hóa lai căng, trái với thuần phong mỹ tục, trái với đạo lý nghìn đời của dân tộc Việt Nam, bằng cách này hay cách khác len lỏi và xâm nhập vào một bộ phận thanh niên. Làm cho một bộ phận thanh niên bị phai nhạt về lý tưởng cách mạng; thiếu niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta; sống ích kỷ, thực dụng, đua đòi, hám vật chất, thờ ơ, bàng quan, vô cảm trước cuộc sống, trước tình hình chính trị xã hội của đất nước… Những vấn đề trên ngày càng trở nên nổi cộm, là một vấn đề quan trọng mà Đảng và Nhà nước ta phải quan tâm.

Chính vì vậy nên hiện nay, bên cạnh công tác giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng tri thức khoa học thì Đảng ta phải tăng cường công tác giáo dục lý luận chính trị cho thanh niên để bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, bồi đắp lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Để thế hệ thanh niên hiện nay thật sự trở thành những người vừa hồng vừa chuyên, có đủ đức đủ tài, có bản lĩnh chính trị vững vàng để thật sự xứng đáng với cương vị là những người chủ tương lai của nước nhà.

Công tác giáo dục lý luận chính trị là một bộ phận của công tác tư tưởng, có vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng. C.Mác đã chỉ rõ: “Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thể thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất; nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng” [3]. V.I.Lênin thường nhấn mạnh: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng” [4] và “chỉ Đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong” [5].

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề giáo dục lý luận chính trị, Bác đã chỉ rõ mục đích của việc học tập lý luận chính trị: Học để sửa chữa tư tưởng; Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng; Học để tin tưởng vào Đoàn thể, Nhân dân, tương lai của dân tộc, tương lai của cách mạng; Học để mà hành: Học với hành phải đi đôi.

Theo Bác, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình, là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin, để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm và nói cần phải đi đôi với làm. Người yêu cầu thanh niên phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lênin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp cách mạng để vận dụng sáng tạo vào việc giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng.

Bác xác định nội dung giáo dục lý luận Mác-Lênin cho thanh niên là phép biện chứng duy vật, là những nguyên lý phổ biến trong học thuyết khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Căn cứ vào từng thời kỳ cách mạng, xuất phát từ các mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra, Người căn dặn khi xác định nội dung cơ bản trong giáo dục lý luận chính trị cho thanh niên phải phù hợp với tình hình và nhiệm vụ của mỗi thời kỳ cách mạng. Người chỉ rõ để học tập lý luận chính trị có hiệu quả cần phải có thái độ, động cơ học tập đúng đắn, đồng thời phải có phương pháp học tập hiệu quả, phải gắn lý luận với thực tiễn công tác, thực hành đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước. Phải nghiên cứu công việc thực tế. Lúc học rồi có thể tự mình tìm ra phương hướng chính trị có thể làm công việc thực tế, có thể trở nên người tổ chức và lãnh đạo.

Đồng thời Bác phê phán phương pháp giáo dục lý luận khô khan, lối học theo cách máy móc giáo điều: học thuộc lòng một số sách vở về chủ nghĩa Mác-Lênin, khi gặp thực tế thì hoặc là máy móc hoặc là lúng túng, lời nói và việc làm thường không nhất trí. Đó là do học chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng không học tinh thần Mác-Lênin, học để trang sức, chứ không phải để vận dụng vào công việc cách mạng.

Đối với những tài liệu cơ bản trong giáo dục lý luận lý luận để hình thành tri thức lý luận cho thanh niên. Theo Bác, trước hết phải lấy những tài liệu về chủ nghĩa Mác-Lênin là gốc. Nhưng tài liệu phải lựa chọn, xếp đặt lại, vì trình độ người học không đều nhau, cần có tài liệu thích hợp cho từng đối tượng. Ngoài những tài liệu gốc về chủ nghĩa Mác-Lênin còn có những tài liệu thiết thực. Đó là những kinh nghiệm thành công cũng như kinh nghiệm thất bại. Những kinh nghiệm đó đem ra trau dồi, gom góp lại, đúc kết thành bài học, rút ra các kết luận lý luận. Một nguồn quan trọng để giáo dục tri thức lý luận là những chỉ thị, nghị quyết, luật, lệnh của Đảng, Chính phủ.

Theo Hồ Chí Minh, giáo dục lý luận chính trị cho thanh niên cần phải đảm bảo những nguyên tắc, đó là: Phải thể hiện được tính đảng trong giáo dục; nguyên tắc lý luận gắn với thực tế, học đi đôi với hành, nói đi đôi với làm; Phải xác định trọng tâm, trọng điểm trong quá trình giáo dục; Phải coi nguyên tắc tự học là quan trọng. Bác dạy: một phương pháp đặc thù trong công tác giáo dục lý luận chính trị cho thanh niên, theo người là “Phải liên hệ vào dư luận xã hội, lực lượng của chính phủ để ngăn ngừa những cái gì có thể ảnh hưởng xấu đến thanh niên”.

Việc giáo dục thanh niên phải có sự phối hợp, liên hệ chặt chẽ giữa trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên. Người chỉ rõ trách nhiệm: trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên cần phải chú ý đến giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng, thái độ, hoạt động và sinh hoạt hằng ngày của thanh niên để kịp thời khuyến khích, uốn nắn, sữa chữa.

Hiện nay cả nước tích cực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi lĩnh vực. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tập trung lực lượng để hoàn thành thắng lợi những mục tiêu mà nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đề ra, lập thành tích chào mừng đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Bước sang giai đoạn mới, tình hình kinh tế chính trị xã hội trong nước và quốc tế diễn biến khó lường. Các lực lượng phản động luôn dòm ngó, dùng mọi thủ đoạn, chiêu bài chính trị như diễn biến hòa bình, âm mưu bạo loạn lật đổ, kích động, dụ dỗ, mua chuộc nhân dân ta, nhất là thanh niên – lực lượng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta xác định là những người chủ tương lai của đất nước, nhằm thực hiện âm mưu chính trị phản động chống phá Đảng và Nhà nước. Những vấn đề trên đã, đang và tiếp tục diễn ra hằng ngày, hằng giờ, nó đe dọa đến lợi ích quốc gia, đến hòa bình dân tộc, an ninh trật tự và an toàn xã hội của đất nước. Chính vì vậy, nhiệm vụ mới đặt ra cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nói chung và thế hệ thanh niên Việt Nam nói riêng ngày càng nặng nề hơn nữa. Để có thể gánh vác trọng trách là những người chủ tương lai của nước nhà, thanh niên cần phải tích cực học tập rèn luyện, bồi dưỡng tri thức khoa học, rèn luyện bản lĩnh chính trị, giữ vững lập trường của một người thanh niên yêu nước trong thời đại mới. Để thực hiện tốt được đều đó, cần phải có sự tích cực quan tâm của đảng và nhà nước, phải tăng cường công tác giáo dục lý luận chính trị cho thanh niên, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, rèn luyện họ thành những nhân tố quyết định cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện tốt công tác giáo dục lý luận chính trị cho thanh niên, ngoài những chính sách đường lối đúng đắn, Đảng cần phải nhờ đến cánh tay nối dài của mình, đó chính là tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam, là đội quân xung kích cách mạng, là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, đại diện chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tuổi trẻ; phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; là lực lượng nòng cốt chính trị trong phong trào thanh niên và trong các tổ chức thanh niên Việt Nam.

Phát huy vai trò là trường học xã hội chủ nghĩa của Thanh niên, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện nội dung giáo dục lý luận chính trị cho thanh niên Việt Nam hiện nay đó chính là: Giáo dục thế giới quan, lập trường, thái độ chính trị (giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước), phẩm chất đạo đức, tư cách (đạo đức cách mạng và lối sống văn hóa)… Phải làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; đạo đức cách mạng và lối sống văn hóa thấm nhuần vào nền tảng nhân cách của mỗi thanh niên, trở thành kiến thức nền tảng của bản thân thanh niên.

Quán triệt tư tưởng của Bác, thực hiện đường lối của Đảng và nhà nước về chăm lo giáo dục đạo đức cho thanh niên, Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ X đã ra Nghị quyết xác định một trong các phương hướng của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2012- 2017 đó là: “Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cách mạng, truyền thống, lịch sử dân tộc, văn hoá, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật cho thanh thiếu nhi. Xác định nội dung xuyên suốt trong công tác giáo dục của Đoàn là bồi đắp lý tưởng, ước mơ, hoài bão, niềm tin, khát vọng cao đẹp của thanh niên đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới; góp phần hình thành lớp thanh niên ưu tú trên mọi lĩnh vực, kế thừa trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, “vừa hồng, vừa chuyên” theo tư tưởng của Bác Hồ”.

Thanh niên Bến Tre là một bộ phận của thanh niên Việt Nam, quán triệt quan điểm của Bác và đường lối, chính sách của Đảng về công tác giáo dục chính trị cho thanh niên. Tuổi trẻ Bến Tre đã tích cực đẩy mạnh việc học tập lý luận chính trị bằng những chương trình hành động cụ thể thiết thực. Đánh giá đúng tình hình thanh niên Bến Tre, Tỉnh Đoàn Bến Tre đã có những hình thức tuyên truyền giáo dục lý luận chính trị thích hợp. Thực hiện lồng ghép giáo dục lý luận chính trị trong những chương trình hành động như: Phong trào xung kích tình nguyện phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Phong trào đồng hành cùng với thanh niên lập thân lập nghiệp; Tổ chức những buổi tọa đàm, những chương trình tình nguyện, về nguồn, tri ân; Tổ chức những cuộc thi như Olympic Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; Tuổi trẻ Bến Tre tự hào tiến bước dưới cờ Đảng với hình thức trực tuyến, giải ô chữ… Nhằm thiết thực tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Đường lối chính sách của đảng, Nhà nước; Lý tưởng cách mạng; Lối sống văn minh… vào sâu trong thanh niên biến những tri thức lý luận trên trở thành nền tảng tư tưởng của mỗi thanh niên. Bên cạnh đó tiếp tục phát động phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới với mục đích giúp thanh niên vận dụng những tri thức lý luận đã được trang bị vận dụng vào đời sống thực tiễn của địa phương nhằm tổng kết lý luận khái quát chúng thành những tri thức lý luận khoa học. Qua những chương trình hành động, những phong trào cụ thể thiết thực Tuổi trẻ Xứ dừa đã thắm nhuần hơn nữa lòng yêu quê hương đất nước, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thật sự trở thành những thanh niên trẻ giỏi về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, vững về lý luận.

Là một trong số rất nhiều đoàn viên của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Tỉnh Bến Tre, tương lai là giảng viên của Trường Chính trị tỉnh, tôi nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị đối với thanh niên. Để thực hiện tốt được nhiệm vụ trong tương lai là giảng dạy lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho các đối tượng trong đó có thanh niên, tôi xác định bản thân phải học tập thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững lập trường chính trị, kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Đồng thời học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ. Nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; nói, viết và làm đúng với đường lối chính sách pháp luật; thực hiện nghiên cứu khoa học, thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị cho thanh niên, góp phần phát triển lý luận, đường lối, đấu tranh chống những luận điểm sai trái, bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tích cực rèn luyện tác phong làm việc, lối sống lành mạnh, trong sạch, tham gia tích cực các hoạt động Đoàn, phong trào Thanh niên, rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng để xứng đáng với nhiệm vụ của một giảng viên Trường Chính trị, góp phần tích cực vào công tác giáo dục lý luận chính trị cho thanh niên tỉnh nhà.

Đối với các bạn đoàn viên là học viên của Trường Chính trị, chúng ta cần hiểu rõ vai trò của việc học tập lý luận chính trị, để từ đó xác định động cơ, thái độ và phương pháp học tập lý luận chính trị đúng đắn. Mục đích học tập theo Bác trước hết là học để làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp, nhân dân, tổ quốc và nhân loại, chứ không phải học để làm quan cách mạng. Chúng ta cần xác định rằng học tập lý luận chính trị là để bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Sau khi đã được truyền thụ những tri thức lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta phải vận dụng sáng tạo những nguyên lý, quan điểm trên vào thực tế công tác tại địa phương, tại đơn vị. Góp phần đưa đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước vào trong quần chúng nhân dân. Để Nhân dân tin Đảng, yêu Đảng và làm theo Đảng, để toàn Đảng, toàn dân và toàn dân chung sức xây dựng, phấn đấu vì một mục tiêu xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để thế hệ thanh niên học viên của Trường Chính trị Bến Tre hòa mình cùng thanh niên cả nước tích cực lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Bác khẳng định: “Chính trị là linh hồn, chuyên môn là thể xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn”. “Nói tóm lại, chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng… đức phải có trước tài” [6]. Chính vì vậy mà Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương cần phải tăng cường công tác giáo dục lý luận chính trị cho thanh niên để góp phần xây dựng những con người mới xã hội chủ nghĩa, vừa hồng vừa chuyên, đủ đức đủ tài để xứng đáng với vai trò là người chủ tương lai của nước nhà, đưa nước ta vững bước trên con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Chú thích

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 5, trang 185.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 12, trang 516.

[3] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 1, trang 580.

[4] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1975, tập 6, trang 30.

[5] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1975, tập 6, trang 32.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 5, trang 492.

Tin khác