Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ bảy, 20 Tháng 4, 2024 - 15:57

Trường Chính trị Bến Tre với nhiệm vụ đối mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo

                                                  Nguyễn Thị Hiền
 Trưởng Phòng Đào tạo

Trường Chính trị Bến Tre là một cơ sở đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan Đảng, bộ máy nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, nhiệm vụ chủ yếu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường là trang bị lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, nhằm trau dồi lập trường giai cấp, phẩm chất chính trị, đạo đức và kỹ năng, nghiệp vụ công tác cho cán bộ. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị Bến Tre đã tập trung triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh nhà đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương, khóa XI, sau 3 năm thực hiện, Trường Chính trị Bến Tre đã đạt được những thành tựu bước đầu đáng ghi nhận.

Qua 3 năm thực hiện (2013-2015), Trường Chính trị Bến Tre đã tổ chức quản lý, giảng dạy, phối hợp, liên kết đào tạo 40 lớp, với 3.363 học viên, bao gồm:

- Cao cấp lý luận chính trị - hành chính, cao cấp lý luận chính trị: 6 lớp, 562 học viên;

- Đại học chuyên ngành: 7 lớp, 797 học viên;

- Trung cấp lý luận chính trị - hành chính: 27 lớp, 2.004 học viên.

Có thể khẳng định rằng, trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường đã đáp ứng nhu cầu về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng. Công tác quản lý và quy trình đào tạo có nhiều đổi mới. Trong đào tạo, bồi dưỡng luôn chú ý đổi mới phương pháp giảng dạy, thực hiện nghiêm phương châm gắn lý luận với thực tiễn, khắc phục đáng kể tình trạng sách vở, giáo điều. Nhà trường đã thực hiện phương pháp dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm, kết hợp nhuần nhuyễn những yếu tố hợp lý trong các phương pháp truyền thống với năng lực vận dụng các phương pháp dạy học tích cực; tiến hành chuẩn hóa về phương pháp ở các hệ đào tạo, bồi dưỡng, tăng cường bổ sung kiến thức thực tế và lý luận chính trị cho học viên thuộc các hệ đào tạo khác nhau. Trong hoạt động dạy - học, vừa tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vừa tích cực đổi mới công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên môn theo hướng chặt chẽ, khoa học, đúng quy chế.

Nhìn lại kết quả đào tạo trên, Trường Chính trị Bến Tre đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ những nhiệm vụ và giải pháp về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo với những chuyển biến tích cực trên từng lĩnh vực cụ thể sau:

1.1. Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với việc đổi mới giáo dục, đào tạo

Đảng bộ Trường Chính trị với tổng số 33 đảng viên tham gia sinh hoạt ở 03 chi bộ khung trường và thành lập 01 chi bộ học viên sinh hoạt tạm thời. Thông qua các chi bộ, các tổ chức đoàn thể để triển khai thực hiện Nghị quyết. Đảng ủy Trường Chính trị đã xác định khâu tư tưởng, nhận thức là then chốt, nhất là đổi mới tư duy giáo dục một cách nhất quán, từ khâu quán triệt đến tổ chức thực hiện, qua đó để tạo sự chuyển biến sâu rộng trong tư tưởng, nhận thức, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên nhà trường.

1.2. Về đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp và giáo dục truyền thống, lịch sử địa phương; việc đổi mới cách dạy, cách học.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và bộ quy chế đào tạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhà trường đã xây dựng bộ quy chế đào tạo dùng cho các lớp đào tạo tại trường, đó là cơ sở để tổ chức quản lý học viên, nhằm hướng đến yêu cầu học viên học tại Trường Chính trị không chỉ để có cách nhìn nhận thế giới quan, phương pháp luận khoa học, kỹ năng trong lãnh đạo, quản lý điều hành mà còn hướng đến rèn luyện phẩm chất, đạo đức, học để làm việc, làm người rồi mới làm cán bộ.

Việc lồng ghép vào chương trình đào tạo, nhà trường đã chủ động mời báo cáo viên đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, sở, ngành tỉnh tham gia báo các các chuyên đề về Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bến Tre, tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Bến Tre, qua đó để giáo dục truyền thống, lịch sử địa phương cũng như định hướng những giải pháp nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng các cấp.

1.3. Về đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo bảo đảm trung thực, khách quan

Thực tế hiện nay, việc đánh giá kết quả học tập của học viên tại Trường Chính trị chủ yếu vẫn là hình thức và phương pháp truyền thống như: Thi viết tự luận, vấn đáp, viết tiểu luận tốt nghiệp tập trung vào các mặt công tác như: công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, vai trò quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở, hoạt động của tổ chức đoàn thể, lãnh đạo xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, hoặc viết theo dạng tình huống giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn lãnh đạo, quản lý ở cơ sở… nhằm hướng dẫn, định hướng cho học viên phương pháp tiếp cận từ thực tiễn, vận dụng lý luận đã học vào thực tiễn công tác để giải quyết những bất cập trong hoạt động lãnh đạo, quản lý. Việc tổ chức thi hết môn, thi tốt nghiệp cũng theo hướng mở, tăng cường liên hệ thực tiễn để phát huy tính sáng tạo của học viên, đảm bảo đúng quy chế, công tâm, khách quan nhằm nâng cao chất lượng học tập của học viên.

1.4. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị các cơ sở phục vụ giáo dục, đào tạo;

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học tiếp tục được đầu tư bổ sung từ ngân sách của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai đổi mới phương pháp dạy và học. Tính đến nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học về cơ bản đáp ứng được yêu cầu của chất lượng đào tạo. Hiện toàn trường có 13 hội trường, trong đó có 01 hội trường lớn với sức chứa 300 chỗ, 03 hội trường sức chứa 150-200 chỗ, 03 hội trường mới xây dựng dự kiến giữa tháng 5/2016 đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, các hội trường còn lại đang xuống cấp, hiện đang xây dựng kế hoạch sửa chữa, nâng cấp.

Trong hệ thống các trang, thiết bị phục vụ dạy và học, nhà trường đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống camera ở 02 hội trường chuyên phục vụ thi các lớp, 03 hội trường được lắp đặt máy điều hòa, 01 phòng học phục vụ dạy học tích cực và toàn bộ hệ thống các hội trường đều được lắp đặt hệ thống máy chiếu phục vụ cho đội ngũ giảng viên sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy: giáo án điện tử…

1.5. Về chú trọng đổi mới công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của cơ quan, coi trọng quản lý chất lượng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy; thực hiện cải cách hành chính; công tác phối hợp giữa nhà trường, … trong quản lý học viên và phối hợp triển khai các nhiệm vụ giáo dục.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy. Đặc biệt, hơn 90% đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, tạo bài giảng thêm sinh động.

- Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện cải cách hành chính, trong đó tập trung vào các mặt:

+ Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động; xây dựng đề án vị trí việc làm; có biện pháp đồng bộ để tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy theo quy định; đổi mới và nâng cao chất lượng xét tuyển viên chức; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, quản lý, điều hành cơ quan, lĩnh vực phụ trách, khoa, phòng, các đoàn thể.

+ Lãnh đạo cán bộ, viên chức, người lao động cải tiến phương pháp làm việc, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương và nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả.

+ Lãnh đạo nâng cao chất lượng soạn thảo ban hành văn bản phục vụ lãnh đạo, quản lý, điều hành đảm bảo đúng quy trình, kịp thời, hợp pháp, hợp lý và tính khả thi.

+ Bảo đảm nguyên tắc thu chi tài chính; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ.

+ Cải tạo, nâng cấp, đầu tư trang, thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường; sử dụng văn bản điện tử; giảm văn bản giấy tờ hành chính.

- Cơ chế phối hợp giữa nhà trường và nơi cử học viên đi học được duy trì thường xuyên, định kỳ hàng năm, thông qua các cuộc họp duyệt sinh, nhà trường tổ chức họp mặt với Huyện ủy các huyện và thành phố Bến Tre để phản ánh tình hình học tập và rèn luyện của học viên đang theo học tại Trường Chính trị cũng như phản ảnh những khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp. Song song đó, nhà trường cũng duy trì thông báo kết quả học tập của học viên sau khi kết thúc 3 môn học của chương trình để cơ quan cử cán bộ đi học nắm kết quả học tập của cán bộ thuộc quyền quản lý.

1.6. Về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; công tác quy hoạch phát triển nguồn nhân lực giáo dục, đào tạo; tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp; củng cố, phát triển giảng viên ở trường; việc tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, nhận xét, đánh giá đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; công tác liên kết giữa nhà trường với các đơn vị khác.

Trong 3 năm qua, nhà trường đã mạnh dạn đưa đi đào tạo, bồi dưỡng 59 lượt cán bộ, giảng viên, tính đến nay toàn trường có 01 đang nghiên cứu sinh, 15 thạc sĩ, 03 đang học cao học, 17 cao đẳng, đại học, 02 trung cấp.

Trường xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiện toàn tổ chức bộ máy; xin chủ trương bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng từ nguồn tại chỗ, thực hiện quy trình dân chủ, công khai, lấy ý kiến tín nhiệm toàn thể cơ quan đối với tất cả cán bộ trong diện quy hoạch được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt; điều chuyển, phân công lại nhiệm vụ cán bộ phù hợp với yêu cầu công việc, năng lực, sở trường; rà soát, bổ sung biên chế từng bộ phận; xin cơ chế đặc thù để tuyển dụng viên chức đưa đi đào tạo văn bằng 2 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhằm tạo lực lượng giảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện tại và nguồn kế thừa cho tương lai. Đồng thời, Đảng ủy, Ban Giám hiệu bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, giảng viên hiện tại đảm bảo đúng định hướng quy hoạch của nhà trường.

Mặt khác, việc nâng cao chất lượng đào tạo trong đó chú trọng trước hết là chất lượng đội ngũ giảng viên vì đây là yếu tố quyết định đầu tiên chất lượng đào tạo của Trường. Bắt đầu từ việc rà soát, đánh giá lại năng lực giảng dạy của từng giảng viên, phân công lại bài giảng một cách hợp lý cho cả giảng viên chính thức và giảng viên dự bị, tạo điều kiện cho giảng viên luân phiên tham gia giảng các bài trong chương trình vừa nâng tầm vừa đảm bảo kế hoạch giảng dạy của nhà trường. Ngoài việc thao giảng, dự giờ theo kế hoạch, theo dõi, quản lý chặt chẽ đội ngũ giảng viên, góp ý cả về nội dung, về phong cách, thái độ, tư tưởng, tâm lý khi lên lớp; kịp thời cập nhật Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào bài giảng; đổi mới phương pháp, nội dung giảng dạy hướng đến rèn luyện kỹ năng, xử lý tình huống, gắn lý luận với thực tiễn thông qua mời báo cáo thực tế, giới thiệu mô hình của các ngành, địa phương liên quan nội dung giảng dạy nhằm đảm bảo mục tiêu đào tạo cả về kiến thức, kỹ năng và thái độ cho người học.

Tiếp tục liên kết với các Học viện tuyến trên và Trường Đại học Kinh tế - Luật mở các lớp: Cao cấp lý luận chính trị, đại học các chuyên ngành (Hành chính, Kinh tế và Quản lý công, Đại học Luật chuyên ngành Luật Dân sự).

1.7. Việc thực hiện đổi mới chính sách, cơ chế tài chính; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo;

Từ năm 2009, Trường Chính trị Bến Tre đã thực hiện đề án kinh phí tự chủ theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP.

Về thực hiện chế độ chính sách giảng viên: Năm 2010, thực hiện theo Hướng dẫn số 39-HD/BTCTW ngày 19/7/2010 của Ban Tổ chức Trung ương về thực hiện chế độ phụ cấp giảng dạy 45% đối với giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đồng thời, nhà trường cũng triển khai thực hiện phụ cấp thâm niên nhà giáo từ năm 2011 theo Nghị định 54/2011/NĐ-CP, Thông tư Liên tịch số 68/2012/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 30/12/2011 về hướng dẫn thực hiện Nghị định 54/2011/BĐ-CP, Công văn số 3742-CV/BTCTW ngày 13/11/2012 của Ban Tổ chức Trung ương.

Đồng thời, Trường Chính trị Bến Tre đang lên kế hoạch xin chủ trương chuyển đổi mục đích đầu tư, từ đầu tư xây dựng khu ký túc xá sang đầu tư sửa chữa, mua sắm trang thiết bị các hội trường học, khu làm việc và khu ký túc xá cũ đã xuống cấp, nhằm nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu đào tạo trong giai đoạn hiện nay.

1.8. Về tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; việc hình thành và hoạt động của Hội đồng khoa học, phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu của trường; khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học, hình thành ý tưởng, sáng tạo trong cán bộ, giảng viên và học viên

Về nghiên cứu thực tế và nghiên cứu khoa học, đây là nhiệm vụ không tách rời với nhiệm vụ giảng dạy nhằm tăng tính thực tiễn cho bài giảng của giảng viên. Tất cả các khoa đều có kế hoạch nghiên cứu thực tế ngay từ đầu các năm học và triển khai thực hiện tùy vào điều kiện thời gian cụ thể, nhưng cơ bản đảm bảo đúng kế hoạch. Đối với nghiên cứu khoa học, cán bộ, giảng viên tham gia viết bài đăng website của Trường, tham gia tọa đàm nội bộ, nghiên cứu thực hiện đề tài khoa học cấp cơ sở…

Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học chưa tương xứng với tiềm năng của đội ngũ cán bộ, giảng viên; chất lượng một số bài nội san chưa cao, chưa có nhiều công trình nghiên cứu được đăng tải trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương; các đề tài khoa học cấp cơ sở thực hiện tiến độ còn chậm hoặc không thực hiện được, không có đề tài khoa học cấp tỉnh.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trong thời gian tới, Trường Chính trị Bến Tre sẽ tập trung thực hiện một số nội dung:

- Đảng ủy cần đẩy mạnh hơn nữa việc quán triệt, phổ biến sâu rộng đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và học viên về Nghị quyết số 29-NQ/TW nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động về đổi mới giáo dục và đào tạo; thực hiện Kết luận số 117-KL/TW ngày 20/11/2015 của Ban Bí thư về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình hành động của Đảng ủy Khối Các cơ quan, kế hoạch thực hiện của Đảng ủy Trường Chính trị về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

- Kiện toàn, sắp xếp bố trí lại đội ngũ cán bộ, đảng viên theo hướng nâng chất lượng đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên đảm bảo đủ biên chế, có lượng kế thừa phù hợp; có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống tốt, luôn gắn bó với nghề, có trình độ sư phạm đạt yêu cầu, từng bước đạt chuẩn theo quy định. Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch, bố trí, sử dụng. Tích cực đưa giảng viên đi thực tế tại cơ sở… Cùng với phát huy vai trò, trách nhiệm của Đảng ủy trong xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhà trường phát huy dân chủ, thường xuyên duy trì hoạt động lấy ý kiến phản hồi của người học đối với hoạt động giảng dạy của giảng viên.

- Đẩy mạnh đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp dạy – học theo hướng sát với từng đối tượng và yêu cầu thực tiễn. Chú trọng bồi dưỡng kỹ năng cho học viên, kết hợp nghiên cứu lý luận, mời báo cáo bổ sung các chuyên đề thực tiễn, bảo đảm tính khoa học và tính thực tiễn. Xây dựng ngân hàng đề thi hợp lý, chặt chẽ, đảm bảo học thực chất, thi thực chất, kết quả thực chất.

- Về phương pháp, nhà trường cần quan tâm đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ ở các hình thức dạy – học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của người học, đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa dạy và học. Nâng cao chất lượng tự học, tự nghiên cứu cho học viên, đồng thời thực hiện tốt phương pháp dạy học tích cực, tăng tính gợi mở, định hướng, nêu vấn để, xử lý tình huống; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong  dạy – học, khắc phục lối truyền thụ kiến thức một chiều, thụ động, coi trọng bồi dưỡng năng lực tư duy sáng tạo của người học.

- Gắn kết chặt chẽ giữa giảng dạy với nghiên cứu khoa học, lấy kết quả nghiên cứu khoa học làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ giảng viên.

- Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng hiện đại. Tập trung đầu tư nâng cấp, sửa chữa khu làm việc, hội trường, khu ký túc xá, hiện đại hóa trang, thiết bị dạy – học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng quản lý đào tạo, từ khâu: Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo đến khâu tổ chức quản lý các hoạt động đào tạo…

- Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), quan tâm giáo dục phẩm chất đạo đức và năng lực của người học.

Tóm lại, để góp phần cùng cả nước tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực đã đặt ra cho giáo dục, đào tạo nước nhà những yêu cầu, nhiệm vụ, thách thức mới. Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế tri thức đang là áp lực của ngành giáo dục nói riêng và của toàn Đảng, toàn dân nói chung. Điều này đòi hỏi phải có định hướng phát triển, có tầm nhìn chiến lược, ổn định lâu dài cùng những phương pháp, hình thức, tổ chức, quản lý giáo dục và đào tạo cho phù hợp, trong đó Trường Chính trị Bến Tre phải tập trung mọi nỗ lực, góp phần cùng tỉnh nhà nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong giai đoạn cách mạng mới./.

            

Tin khác