Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ năm, 28 Tháng 3, 2024 - 23:37

Thu hoạch từ Tọa đàm “Những giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính hệ tập trung”

Thạc sĩ Nguyễn Thị Nga

Phó Trưởng phòng TC-HC-QT

 

Một trong những đóng góp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dạy và học chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính hệ tập trung nói riêng, chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính của Trường Chính trị nói chung phụ thuộc vào sự nỗ lực phấn đấu vô cùng to của cả người dạy và người học. Dưới góc độ là một giảng viên, qua các bài tham luận trong tọa đàm và ý kiến đóng góp của đại biểu, một lần nữa tôi được nhận thức sâu sắc về phương pháp giảng dạy, một trong những yếu tố quan trọng nhất của quá trình dạy học góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường. Sau tọa đàm, bản thân tôi đã tâm đắc và rút ra một số bài học để vận dụng nâng cao chất lượng bài giảng:

Từ quan điểm cần xác định động cơ học tập đúng đắn cho học viên, làm cho mỗi học viên nhận thức rằng việc học lý luận chính trị, học chủ nghĩa Mác - Lênin là “học một lần xài cả đời”, từ đó học viên phải lựa chọn phương pháp học phù hợp, hiệu quả; trong đó chú ý cần học thuộc lòng những nội dung cơ bản (những nội dung đó còn sử dụng nhiều, không cũ, vẫn mới tinh so với thời gian như định nghĩa vật chất của Lênin, một số khái niệm cơ bản…) để vận dụng vào công tác, cuộc sống, lưu ý học thuộc lòng nhưng phải hiểu cặn kẽ chứ không phải là học vẹt, với người giảng viên, chúng ta cần hiểu rõ chất xúc tác nào tạo ra động cơ này cho học viên, phần lớn phụ thuộc vào đội ngũ giảng viên của nhà trường.

Trước hết, người giảng viên phải bồi dưỡng lòng say mê nghề nghiệp. Điều đó cũng rất quan trọng và giống như việc học viên xác định đúng động cơ học tập. Từ lòng say mê nghề nghiệp sẽ tạo ra động lực cho người giảng viên nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất; tận tâm, tận lực với sự nghiệp đào tạo những con người làm “công bộc”, “đầy tớ” của nhân dân.

Thứ hai, cần tập trung đầu tư cho bài giảng, nắm chắc nội dung. Bởi vì, nội dung giảng dạy và phương pháp giảng dạy có mối quan hệ biện chứng hữu cơ, một bài giảng tốt là một bài giảng kết hợp nhuần nhuyễn giữa nội dung và phương pháp giảng dạy. Nội dung tốt, phương pháp phù hợp là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Phương pháp là sự vận động của nội dung. Muốn đạt được điều này, người giảng viên phải có sự tận tâm, cần mẫn, năng động và luôn biết cách làm mới bài giảng bằng những kiến thức lý luận và kiến thức thực tiễn.

Thứ ba, hiểu rõ đối tượng để lựa chọn phương pháp phù hợp, tránh được những vấn đề nhạy cảm về nghề nghiệp, tôn giáo,…và xác định mức độ truyền đạt thông tin, tập trung sâu một số nội dung cần cung cấp phù hợp với đối tượng.

Thứ tư, khiêm tốn, chủ động, tự tin. Đây là những đức tính không bao giờ thừa. Người giảng viên khiêm tốn, chủ động, tự tin sẽ bao quát được lớp học, tạo được lòng tin đối với học viên và từ đó truyền “lửa” sang cho học viên.

Thứ năm, tích lũy kiến thức để bổ sung cho bài giảng. Đây là việc làm không thể thiếu đối với giảng viên. Tuy nhiên, mỗi người sẽ lựa chọn cho mình những biện pháp phù hợp. Hiện nay, chúng ta có thể tích lũy kiến thức trên giấy hoặc bằng file mềm. Nội dung tích lũy không chỉ dừng lại ở sự cập nhật kiến thức mới mà cần chú ý một số vấn đề: Học thuộc các câu kinh điển đắc giá. Đây chính là phương pháp riêng biệt của người giảng viên lý luận chính trị. Người giảng viên có thuộc làu kinh điển, thấm vào từng câu từng chữ thì mới chuyển tải được tinh thần, sức mạnh, ý chí của quan điểm vào trong học viên, giúp học viên nhận thức sâu sắc vấn đề hơn. Học thuộc ca dao, tục ngữ, thơ cổ, thơ hiện đại, chuyện tiếu lâm, điển cố, điển tích,…Đây là tài sản quý giá của kho tàng văn học Việt Nam cũng như của cả nhân loại, là chất liệu góp phần tạo nên nội dung bài giảng cô động, sâu sát vấn đề và tạo cho phương pháp giảng dạy sinh động, hấp dẫn người nghe, làm giảm đi cảm giác khô khan của chính trị như trong nhận thức của nhiều người. Song, cần chú ý đưa vào liều lượng vừa phải, tránh sa đà, quá lố.

Thứ sáu, gợi mở vấn đề để học viên tìm tòi, nghiên cứu. Thời gian trên lớp có hạn, nhất là với chương trình mới sắp vận dụng từ năm học 2014 - 2015, liều lượng kiến thức nhiều, người giáo viên chủ động về nội dung, chú trọng khai thông, gợi mở một số vấn đề để học viên nghiên cứu. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Chủ nghĩa Mác - Lênin trang bị thế giới quan, phương pháp luận, vì vậy học chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập tinh thần xử trí mọi việc. Giảng viên khi lên lớp không những trang bị cho học viên về nội dung mà cả về phương pháp nghiên cứu, tiếp cận vấn đề, giới thiệu cho học viên tìm tòi và nâng cao khả năng tự nghiên cứu để phục vụ cho quá trình hoạt động thực tiễn sau này.

Để có được một bài giảng tốt phụ thuộc vào nhiều yếu tố và đó cũng chính là niềm ao ước, mục tiêu phấn đấu của người giảng viên. Người giảng viên phải học cả đời để tiếp cận kiến thức và quan tâm học tập, đổi mới phương pháp giảng dạy. Chúng ta học từ đồng nghiệp, từ sách vở, từ thực tiễn theo lời dạy của Lênin: “Học, học nữa, học mãi!” để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính của nhà trường.

Thông qua tọa đàm, tôi xin kiến nghị nhà trường: Đổi mới phương pháp nghiên cứu thực tế - đưa giảng viên đi cơ sở. Đối với giảng viên, ngoài việc tăng cường nắm bắt thực tiễn qua thông tin đại chúng, tài liệu, báo cáo; nghiên cứu thực tế là một vấn đề quan trọng cấp thiết. Trong thời gian qua, chúng ta cũng có nhiều hình thức nghiên cứu thực tế bổ ích: Từng bộ phận, chủ yếu là đội ngũ giảng viên ở Khoa xây dựng kế hoạch đi cơ sở, xây dựng các tổ công tác gắn với các xã, tham dự các kỳ họp đảng bộ, sơ kết chuyên đề,…tuy nhiên, khả năng nắm bắt tình hình, hoạt động, quy chế làm việc vẫn chưa sâu, sát. Vì vậy, việc đổi mới phương pháp đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở là cần thiết, phải chăng chúng ta nên thực hiện phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” để giảng viên tiếp cận đối tượng (con người, quy chế, tác phong, lề lối làm việc…) nhằm nắm bắt được những điều học viên cần, nắm được khoảng cách giữa lý luận và thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, đưa vào bài giảng những nội dung gần với yều cầu, đòi hỏi mà thực tiễn đặt ra./.

 

Tin khác