Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 19 Tháng 4, 2024 - 15:02

Sức sáng tạo của Đảng bộ, nhân dân Bến Tre trong phong trào Đồng Khởi

Nguyễn Thị Ninh
Khoa Xây dựng Đảng

Vào cuối năm 1959, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm dựa vào bộ máy kìm kẹp khổng lồ và hàng chục vạn quân ngụy đã thẳng tay đàn áp, khủng bố Đảng ta và phong trào cách mạng của nhân dân ta một cách khốc liệt. Tính riêng tại Bến Tre, đến cuối năm 1959, giặc bắt tù đày trên 17.000 người; từ chỗ toàn tỉnh có 115 chi bộ với trên 2.000 đảng viên, đã bị giặc bắt bớ, bắn giết tới mức chỉ còn 18 chi bộ với 162 đảng viên. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15, với sự sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân địa phương, khởi nghĩa đồng loạt ở Bến Tre đã giành thắng lợi lớn, mở đầu cho một cao trào mới mà từ đó, làn sóng Đồng Khởi lan ra khắp các tỉnh ở miền Nam.

Một là, trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối, phương châm của Đảng, Đảng bộ Bến Tre đã vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện cụ thể của địa phương, động viên được toàn dân đứng lên chống địch.

Khi tiếp nhận Nghị quyết 15 về không họp Tỉnh ủy được, vẫn tranh thủ họp Đảng bộ khu vực Cù Lao Minh phổ biến. Trong triển khai Nghị quyết có nhiều sáng tạo phong phú, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm với cấp trên. Nhờ đó mà Nghị quyết 15 quán triệt xuống cán bộ đảng viên nòng cốt nhanh lẹ, kịp thời. Nội dung phổ biến theo từng cấp, ai làm được việc gì thì phổ biến việc ấy, phổ biến đến đâu, kế hoạch cụ thể đến đó. Sau từng đợt ngắn ngày có sơ tổng kết rút kinh nghiệm, bổ sung kế hoạch. Cứ như thế, Nghị quyết ngày càng thấm sâu trong cán bộ, đảng viên và quần chúng.

Các cuộc đấu tranh từ lẻ tẻ 5, 10 đến 20 người và những cuộc đấu tranh tập trung từ 1.000 đến 2.000 người rồi đến những cuộc đấu tranh tập trung quy mô 5.000, 10.000 người sôi nổi diễn ra liên tục ngày một quyết liệt. Nhờ đó, ta càng tấn công càng mạnh, đợt sau cao hơn đợt trước. Từ thắng lợi đạt được trong đợt 1 (từ ngày 17 - 25/01/1960), đến đợt hai từ ngày 24/09/1960, Đảng bộ Bến Tre đã chỉ đạo một cuộc đấu tranh quy mô đồng loạt trong tỉnh tập trung vào thị xã, thị trấn trên 60.000 quần chúng tham gia. Kết quả, địch phải nhượng bộ và giải quyết những yêu sách cho quần chúng.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, nhạy bén, kịp thời của Đảng bộ Bến Tre đã đưa phong trào cách mạng vượt qua những đoạn đường khó khăn, gian khổ và đã trưởng thành nhanh chóng. Cụ thể từ tháng 1/1960, trong tỉnh chỉ có 18 chi bộ và 162 đảng viên nhưng đến tháng 12 năm 1960 theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì tỉnh đã có trên 80 chi bộ, 50.000 hội viên nông dân giải phóng, 40.000 phụ nữ giải phóng và hơn 30 ngàn thanh niên giải phóng (trong số này có một số anh chị em đứng tuổi)[1].

Hai là, từ quan điểm quần chúng của Đảng, Đảng bộ luôn luôn bám sát dân, tin vào dân, dựa vào dân, quan tâm đến quyền lợi của dân, đã phát động được cao trào cách mạng rộng lớn của quần chúng, tạo nên bước ngoặt lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở địa phương. Bến Tre đã xây dựng được cơ sở Đảng ngay trong ấp chiến lược. Ở đâu có dân là người cộng sản bám dân ở đó và nổi dậy ngay từ trong ấp chiến lược.

Đi đôi với phát động quần chúng tấn công địch, Đảng bộ kịp thời giải quyết quyền lợi thiết thân cho quần chúng, nhất là quyền lợi về ruộng đất. Nhờ đó, phong trào ở nông thôn ngày càng mạnh, thúc đẩy lôi cuốn phong trào đô thị tiến lên, tạo điều kiện liên tục chủ động, giành thắng lợi ngày càng lớn hơn. Đảng bộ đã sử dụng hàng ngàn lực lượng quần chúng đi tuyên truyền thắng lợi để cổ vũ động viên phong trào Đồng Khởi, cùng tác động kìm chân địch không cho chúng đi tiếp viện. Đồng thời, Đảng bộ đưa một số gia đình binh sĩ - sĩ quan, công chức ngụy đi tới Sài Gòn, Mỹ Tho tuyên truyền gây tác động hoang mang hàng ngũ địch, tạo thanh thế cho phong trào. Nhờ đó, sau cả tuần lễ, địch mới đưa quân thọc vào vùng ta mới giải phóng, nên khi chúng càn quét đến đâu cũng bị quần chúng tấn công. Thực tế chứng minh cuộc càn quét trên 10.000 quân trong một vùng nhỏ hẹp mà vẫn không làm gì ta được, trong khi đó, ta tiêu diệt chúng trên 200 tên, quần chúng lấy hàng ngàn viên đạn và lựu đạn cho ta. Khí thế quần chúng càng lên mạnh, sự tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng rộng khắp trong nhân dân. Cố Thượng tướng Trần Văn Trà nói về Đồng Khởi Bến Tre: “… Cuộc Đồng Khởi 1959 – 1960 ở Nam Bộ là một giai đoạn chiến lược vô cùng quan trọng, một chuyển biến về chiến lược của cả cuộc cách mạng. Cho nên, đây là mốc chiến lược đầu tiên mà ta vượt qua những khó khăn để đi lên thế ổn định. Thế thì không chỉ Bến Tre làm đồng khởi đâu, nhiều tỉnh cũng làm đồng khởi, có khi có nơi làm đồng khởi trước nữa kia. Nhưng mà Bến Tre tiêu biểu hơn ở chỗ là cuộc Đồng Khởi Bến Tre thật sự là một cuộc đồng khởi, một cuộc khởi nghĩa có nhân dân rõ ràng. Có nhân dân, tuy rằng vũ trang không có bao nhiêu, nhưng nó rất tiêu biểu ở cái chỗ huy động được toàn dân đứng lên cướp chính quyền từ một số xã rồi mới lan rộng ra các huyện cả tỉnh…”[2].

Ba là, trước đế quốc Mỹ thực hiện chủ nghĩa thực dân mới với việc vận dụng những thủ đoạn tàn bạo nhất, khốc liệt nhất kết hợp với những thủ đoạn lừa mị, xảo quyệt nhất như lập ấp chiến lược, tát nước bắt cá, chiêu hồi,…Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã sáng tạo ra phương thức đấu tranh thích hợp là phương thức kết hợp hai chân ba mũi đã phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của địa phương nhằm đánh bại kẻ thù.

Hai chân là phát huy sức mạnh của hai lực lượng gồm lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang. Đảng bộ đã sớm nhận thức quy luật phát triển từ khởi nghĩa vũ trang tất yếu phải tiến lên chiến tranh cách mạng, do đó đã kịp thời xây dựng lực lượng chính trị hùng hậu và lực lượng vũ trang ngày càng mạnh để đẩy mạnh tiến công và kiên quyết phản công địch, phát triển và giữ vững thành quả cách mạng.

Trong Đồng Khởi, Đảng bộ đã dựa vào lực lượng chính trị quần chúng là chủ yếu để lật đổ địch giành quyền làm chủ của dân. Có đợt thì Đảng bộ cho lực lượng vũ trang và quần chúng nổi dậy trong đêm diệt ác, phá kìm, đoạt bót, sáng đưa quần chúng ra thị xã, thị trấn tuyên truyền phát huy chiến thắng và tác động hù dọa phá rã hàng ngũ binh sĩ. Có đợt thì đưa lực lượng chính trị ra thị xã, thị trấn tấn công trước tạo thanh thế và nghi binh làm cho địch lầm tưởng ta sắp tấn công vào thị xã, thị trấn để địch đưa lực lượng chủ lực về phòng thủ thì vùng nông thôn bị sơ hở. Đảng bộ liền đưa lực lượng vũ trang kết hợp quần chúng nổi dậy tấn công tiêu diệt, bức hàng bức rút đồn bót. Nếu địch khủng bố ác liệt, ta phát động đưa quần chúng tản cư tố giác. Đặc biệt, đội quân chính trị còn có một binh chủng đặc biệt là “Đội quân tóc dài”. Ngay sau cuộc Đồng Khởi nổ ra, chính quyền Sài Gòn huy động nhiều lực lượng quân sự càn quét ba xã Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh thuộc quận Mỏ Cày nhằm đè bẹp phong trào cách mạng quần chúng và tiêu diệt lực lượng vũ trang giải phóng còn đang trong thời kỳ trứng nước. Trước âm mưu đó, toàn chị em phụ nữ kéo lên quận Mỏ Cày với danh nghĩa “tản cư” tránh cuộc hành quân càn quét đang diễn ra. Lực lượng tham gia đấu tranh lên đến hơn 5.000 người. Bà con tràn cả vào “dinh quận trưởng”, “nhà thông tin”, các quảng trường công cộng,…vừa tố cáo tội ác của địch, vừa yêu cầu quận trưởng ra lệnh chạy chữa những người bị thương, cung cấp thuốc men, thực phẩm cho đồng bào và ra lệnh rút quân để bà con có thể trở về yên ổn làm ăn. Trước cảnh hàng ngàn người già, phụ nữ, trẻ em nheo nhóc, vật vạ khắp nơi, đồng bào thị trấn vô cùng xúc động. Các chị, em phụ nữ mang cơm, nước, thuốc men, tiền bạc,…đến giúp đỡ. Nhiều vị tu hành, nhân sĩ kêu gọi ủng hộ bà con “tản cư”. Thậm chí, giới công chức, binh lính và cảnh sát chính quyền Sài Gòn có người còn công khai biểu lộ thái độ đồng tình với đồng bào. Trước áp lực của quần chúng, quận trưởng Mỏ Cày hứa chuyển ngay yêu sách của đồng bào lên tỉnh trưởng Bến Tre và ra lệnh giúp đỡ đồng bào để xoa dịu dư luận. Đến ngày thứ 12 của cuộc đấu tranh, chính quyền Sài Gòn phải ra lệnh rút quân. Như vậy, trước sức mạnh của những người phụ nữ không một tấc sắt trong tay, cả binh đoàn sừng sỏ của địch phải rút lui, bỏ dở cuộc hành quân.

Sức mạnh to lớn đó còn được phát huy cao độ khi Đảng bộ đã sáng tạo kết hợp hai chân với ba mũi. Song song với việc tổ chức, giáo dục nhân dân thành một đạo quân chính trị to lớn, hùng hậu, Đảng bộ Bến Tre đã huấn luyện đội quân có thể vận dụng đa dạng phương thức ba mũi gồm: Đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang và đấu tranh binh vận. Điểm mới ở phong trào chính là đấu tranh chính trị đã được nâng lên vị trí cao, dựa vào tiền đề hợp pháp, biến bất hợp pháp thành hợp pháp, dùng lý lẽ để đấu tranh trực diện với địch, dựa vào khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng để thắng địch. Nhờ đó, tính mạng, tài sản của người dân được bảo đảm, tạo điều kiện phát triển lực lượng của cách mạng, hình thành thế tiến công mạnh mẽ vào quân địch, tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghĩa vũ trang, cho tác chiến du kích, cho các chiến dịch lớn của các binh đoàn chủ lực. Tính sơ bộ năm 1960, Bến Tre đã tổ chức được 6.875 cuộc đấu tranh lớn nhỏ với 584.705 lượt người tham gia[3].

Không chỉ trong đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre có nhiều phát triển mới. Cách đánh du kích mưu trí, độc đáo như đánh bằng ong vò vẽ, giàn thun bắn lựu đạn,…đã góp phần làm nên thành công của nhiều chiến dịch tổng hợp.

Cùng với đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang, mũi binh vận làm cho quần chúng thấy được ta vận động rã một tên lính cũng giống như một người chiến sĩ ra mặt trận tiêu diệt được một tên địch làm cho chính nghĩa cách mạng ngày càng sáng tỏ trong hàng ngũ địch. Trong vùng giải phóng và tranh chấp, chính sách ta không phân biệt đối xử với gia đình binh sĩ và nhân viên ngụy quyền, chăm sóc, giúp đỡ họ, nâng cao giác ngộ cách mạng cho họ, đối với gia đình không ruộng đất vẫn cấp đất cho họ và thi hành thật tốt chính sách nhân đạo và khoan hồng với tù hàng binh.

Chính vì vậy, địch đã buộc phải thừa nhận quyền làm chủ của nhân dân Bến Tre về cả chính trị và kinh tế, đồng thời địch cũng càng ngày càng suy yếu về cả tinh thần và tổ chức. Cuộc Đồng Khởi mưu trí, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã mở màn cho phong trào Đồng Khởi của toàn miền Nam, góp phần tạo ra bước ngoặt chiến lược, đưa cách mạng miền Nam từ thoái trào, giữ gìn lực lượng chuyển hẳn sang thế tiến công chiến lược. Trên ý nghĩa đó, Đồng Khởi chính là bước thắng lợi đầu tiên, rất cơ bản trên chặng đường đấu tranh lâu dài, gian khổ của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược.

55 năm đã trôi qua nhưng khí thế những ngày Đồng Khởi đầu năm 1960 vẫn luôn là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre. Hiện nay, phong trào “Đồng Khởi mới” đang ngày càng được đẩy mạnh trên mọi lĩnh vực hoạt động. Ngày 07/01/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 16 về việc phát động phong trào thi đua Đồng Khởi mới nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày Bến Tre Đồng Khởi với quyết tâm thực hiện phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”, biến tinh thần Đồng Khởi trong đấu tranh giải phóng dân tộc thành phong trào Đồng Khởi trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo ra xung lực chính trị mới, quyết tâm đưa kinh tế xã hội tỉnh nhà phát triển nhanh, toàn diện hướng tới mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh với phương châm đẩy mạnh phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt gắn với phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Kế thừa và phát huy sức sáng tạo năm xưa trong phong trào Đồng Khởi, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre quyết tâm xây dựng thành công quê hương xứ dừa ngày càng giàu đẹp./.

 

[1] Tỉnh ủy Bến Tre: Huyền thoại quê hương Đồng Khởi, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008, tr.84.

[2] Trích trong phim tư liệu “Bến Tre Đồng Khởi”

[3] Tỉnh ủy Bến Tre: Huyền thoại quê hương Đồng Khởi, Sđd, tr.82.

 

Tin khác