Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ năm, 25 Tháng 4, 2024 - 08:16

Sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa góp phần vào thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Thạc sĩ Trần Văn Hòa
                                                                                        Khoa Xây dựng Đảng

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam kéo dài 21 năm (1954 - 1975), có quy mô rộng lớn, tính chất và cường độ vô cùng quyết liệt. Việt Nam phải đương đầu với một đối phương có tiềm lực và sức mạnh kinh tế, quân sự lớn hơn gấp nhiều lần, có bộ máy chiến tranh khổng lồ. Trong cuộc đối đầu lịch sử, ngọn cờ chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã tạo ra sức mạnh vượt trội cho cuộc kháng chiến thần kỳ. Sức mạnh ấy sẽ được nhân lên gấp nhiều lần, tính chính nghĩa càng tỏa sáng, khi được gắn với thế hợp pháp, gắn với các giá trị tiến bộ của nhân loại được thế giới đồng tình, cổ vũ, ủng hộ, giúp đỡ. Trên tinh thần đó, Đảng, Nhà nước Việt Nam ra sức vận động, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế và trong từng giây phút chiến tranh đấu trí, đấu lực đầy cam go ấy, Việt Nam không hề đơn độc, mà luôn có bạn bè quốc tế giúp đỡ nhiệt tình, hiệu quả, đặc biệt là sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em.

Trong những năm kháng chiến ác liệt của quân và dân ta với sự ủng hộ về tinh thần, vật chất của khối các nước xã hội chủ nghĩa đã làm tăng lên đáng kể sức mạnh mọi mặt của Việt Nam hình thành những điều kiện cần và đủ để nhân dân ta chiến đấu và chiến thắng. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước không tách rời sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô và Trung Quốc.

* Từ chủ trương, chính sách đối ngoại của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Độc lập là vô giá, quyền dân tộc là thiêng liêng! Lúc này, lợi ích tối cao của dân tộc là độc lập, tự do; nhiệm vụ trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân là bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ chế độ. Trên tinh thần đó “Tổ quốc trên hết”, “Dân tộc trên hết”, Đảng ta chủ trương: “Củng cố chính quyền, dùng chính trị, ngoại giao, vũ khí cần thiết, đến dùng quân sự để giữ vững nền độc lập”[1]. Ngày 3/10/1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức ra thông cáo về chính sách ngoại giao, chỉ rõ mục tiêu bất di, bất dịch các chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam là “đưa nước nhà đến sự độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn”[2]. Trong điều kiện chính quyền non trẻ vừa mới ra đời chưa được bất kỳ một nước nào trên thế giới công nhận, đất nước bị bao vây bốn phía, nên việc mở rộng quan hệ, tranh thủ thêm bạn bè trở thành mục tiêu chiến lược quan trọng hàng đầu được Đảng ta xác định đối với các mặt đấu tranh chính trị, ngoại giao. Kiên trì ngoại giao với các nước theo nguyên tắc: Hữu nghị, bình đẳng, tôn trọng và tương trợ. Đảng chủ trương mở các mũi đột phá ngoại giao, kết nối Việt Nam với các bạn bè dân chủ trên thế giới. Trên quan điểm ngoại giao, đa phương Đảng ta xác định:

1.“Việt Nam là một bộ phận trong đại gia đình Châu Á. Vận mệnh Việt Nam rất mật thiết quan hệ với vận mệnh các dân tộc Á Châu” [3]  

2. “Việt Nam là một bộ phận trong nền hòa bình chung của thế giới”[4];

Đặt đất nước vào mối liên hệ với khu vực và thế giới, Chính phủ Việt Nam tuyên bố:

Thứ nhất, “đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực” [5]

Thứ hai, “đối với những nước Á Châu là một thái độ anh em, đối với ngũ cường là một thái độ bạn bè”[6]

Thứ ba, “thân thiện với tất cả các nước láng giềng Trung Hoa, Ấn Độ, Xiêm La, Cao Mên, Ai Lao..., mà không thù gì với nước nào”[7]. 
Như vậy, quan hệ của Việt Nam với bất kỳ nước nào trên thế giới, không phân biệt sang hèn, được xây dựng trên một trục cơ bản: Bình đẳng; mọi dân tộc sinh ra trên thế giới, dù sớm muộn, lớn nhỏ khác nhau, song đều có chung quyền cơ bản, đều có quyền được sống, quyền tự do, quyền bình đẳng mưu cầu hạnh phúc.

Thực hiện chủ trương đối ngoại phá thế bao vây của các thế lực thù địch, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành các hoạt động ngoại giao trên hai hướng chính: Thứ nhất, đề nghị các nước lớn (Liên Xô, Hoa Kỳ, Trung Quốc (Quốc dân Đảng)...) công nhận nền độc lập và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam; Thứ hai, phá thế bao vây, cô lập, thiết lập trên phạm vi rộng nhất có thể các mối liên hệ với các nước. Một trong những mũi nhọn đột phá, nhằm nối Việt nam với thế giới bên ngoài, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của khối các nước xã hội chủ nghĩa, đăc biệt là Liên Xô.

Ngày 22/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi mật điện cho I.V.Stalin, thông báo về sự ra đời của Chính phủ Cách mạng ở Việt Nam, đề nghị Liên Xô giúp đỡ vượt qua những thách thức, khó khăn do thiên tai gây nên,...sau đó Người tiếp tục gửi bức công hàm với nội dung cụ thể hơn, chi tiết hơn, trình bày tình hình Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám thành công. Trong bức công hàm Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do đến cùng của nhân dân Việt Nam. Bức công hàm được phía Liên Xô đón nhận và hồi âm.

Nêu cao nguyên tắc: “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”[8]. Thực hiện chính sách ngoại giao láng giềng thân thiện, bên cạnh các nổ lực hướng đến Liên Xô, Việt Nam đặt trọng tâm tranh thủ sự giúp đỡ của Trung Quốc - quốc gia láng giềng, núi liền núi, sông liền sông, và có mối quan hệ chính trị - kinh tế, văn hóa gần gũi.

Trên cơ sở đường lối vận động quốc tế, trong từng bước phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng Lao động Việt Nam, Nhà nước Việt Nam tiếp tục nghiên cứu diễn biến tình hình, có biện pháp, giải pháp phù hợp, hạn chế những yếu tố tiêu cực, tranh thủ mọi yếu tố có lợi, tích cực thuyết phục, vận động các nước xã hội chủ nghĩa anh em đồng tình, giúp đỡ nhân dân Việt Nam; đặt trọng tâm vào hai nước xã hội chủ nghĩa lớn là Liên Xô và Trung Quốc.

* Đến sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc

Cuối năm 1948 đánh dấu một bước tiến mới trong sự ủng hộ của Liên Xô đối với Việt Nam: Liên Xô đề nghị Hội đồng kinh tế  Châu Á - Viễn Đông kết nạp Việt Nam làm hội viên nhưng đề nghị của Liên Xô bị một số nước bác bỏ. Từ năm 1948 đến khi hai nước đặt quan hệ ngoại giao chính thức (1950), nhờ có sự hỗ trợ của Liên Xô, các phái đoàn của Việt Nam mở rộng khả năng ra nước ngoài tham dự các hội nghị quốc tế và nhận được sự ủng hộ của một số nước dân chủ nhân dân khác. Sự ủng hộ của Liên Xô là nguồn động viên to lớn đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh bắt buộc để giải phóng dân tộc ra khỏi ách đô hộ của giặc ngoại xâm.

Với mục tiêu trao đổi quan điểm, phối hợp hoạt động trên trường quốc tế, Việt Nam và Liên Xô thường xuyên trao đổi các đoàn thăm hỏi cấp cao. Từ năm 1954 đến 1959 có bốn chuyến thăm cấp cao của Việt Nam đến Liên Xô, trong đó, có ba chuyến thăm của Chủ tịch nước (Hồ Chí Minh), một chuyến thăm do Tổng Bí thư Trường Chinh dẫn đầu. Về phía Liên Xô, tháng 7/1957 ở Liên Xô, Hội Hữu nghị Xô - Việt được thành lập; từ sau khi đặt Đại xứ quán ở Việt Nam (11-1954), các chuyến thăm hữu nghị đến Việt Nam, ký kết các hiệp định hợp tác của các đoàn đại biểu Đảng, chính phủ Liên Xô khá thường xuyên. Đây là cơ hội để lãnh đạo hai nước trao đổi quan điểm về những vấn đề hai bên cùng quan tâm, tháo gỡ những khúc mắc, hiểu lầm, tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô, phối hợp hành động trên trường quốc tế.

Với Liên Xô, từ năm 1955, Việt Nam, Liên Xô đã ký kết hàng loạt hiệp định, hình thành một hành lang pháp lý thông thoáng, thuận tiện cho hợp tác giữa hai nước: Hiệp định về đào tạo lưu học sinh Việt Nam trong các cơ sở giáo dục của Liên Xô (27/8/1955); Hiệp định về hợp tác văn hóa (15/2/1957); Hiệp tác về trao đổi hàng hóa, thương mại (30/3/1957); Hiệp định về thương mại và vận tải biển (12/3/1958); Hiệp định về hợp tác khoa học - kỹ thuật (7/3/1959); Hiệp định cung cấp và viện trợ kinh tế, kỹ thuật giúp Việt Nam thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất năm 1961-1965,... để thuận tiện cho việc thanh khoản.

Liên Xô tích cực giúp đỡ nhân dân Việt Nam thực hiện các kế hoạch kinh tế. Đặc điểm nổi bật trong sự giúp đỡ của Liên Xô đối với Việt nam là viện trợ không hoàn lại. Theo hiệp định ngày 18/7/1955 Liên Xô viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 400 triệu rúp, giúp khôi phục và xây dựng 25 xí nghiệp [9]. Đồng ý hỗ trợ tiến hành các công việc khảo sát địa chất ở Việt Nam và phòng chống các bệnh truyền nhiễm, giúp xây dựng và khôi phục các xí nghiệp công trình công nghiệp, cơ quan thuộc các ngành cơ khí, than, điện lực, công nghiệp nhẹ. Những năm 1955-1956, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam số lượng hàng hóa trị giá 45 triệu rúp. Riêng năm 1956, khi Việt Nam thiếu lương thực trầm trọng Liên Xô lập tức chở sang Việt Nam 170 nghìn tấn gạo mua ở Mianma, 8,5 nghìn tấn đường và một số lượng lớn hàng tiêu dùng...

Như vậy, từ năm 1954 đến năm 1964 Liên Xô giúp Việt Nam  thiết lập cấu trúc kinh tế của đất nước, đặt nền móng cho một số ngành công nghiệp hiện đại (nhiệt điện, thủy điện, cơ khí, hóa chất, vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm…), ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Việt Nam khôi phục và phát triển kinh tế, đào tạo cán bộ cho miền Bắc. Về sự ủng hộ, giúp đỡ của Liện Xô đối với Việt Nam như Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu: “Sự giúp đỡ to lớn và quý báu của Liên Xô đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng cuộc sống mới của nhân dân miền Bắc Việt Nam...Toàn bộ sự giúp đỡ của Liên Xô có ý nghĩa cực kỳ to lớn đối với việc hoàn thành thắng lợi kế hoạch 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa”[10]. Ngoài ra Liên Xô còn viện trợ cho Việt Nam một lượng lớn vũ khí, đạn vượt để giúp nhân dân Việt Nam đánh bại đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai xâm lược.

Với Trung Quốc, do bề dày quan hệ và vị trí địa lý liền kề, Trung Quốc được xác định là hậu phương lớn của Việt Nam trong cuộc đối đầu với đế quốc Mỹ, nên sự trao đổi, bàn bạc giữa lãnh đạo hai nước thường xuyên hơn, chặt chẽ hơn. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung quốc đã kề vai, sát cánh, ủng hộ Việt Nam suốt chiều dài cuộc chiến. Sau năm 1954, sự hiện diện của Mỹ ở miền Nam Việt Nam khiến Trung Quốc lo lắng về an ninh biên giới phía Nam; do vậy, Trung Quốc lập tức có những động thái cụ thể ủng hộ Việt Nam. Cũng giống như đối với Liên Xô, trao đổi các đoàn cấp cao Việt - Trung là một trong những hoạt động quan trọng. Ngoài các đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam liên tục tới thăm Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hàng chục cuộc hội đàm trao đổi không chính thức với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Trung Quốc là một trong những quốc gia lên tiếng phản đối mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam. Các nhà lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc tổ chức nhiều hoạt động phong phú thể hiện tình đoàn kết hữu nghị với nhân dân Việt Nam. Ngày 19/7/1960, hơn một vạn nhân dân Thủ đô Bắc Kinh tổ chức míttinh trọng thể lên án tội ác của Mỹ - Diệm, ủng hộ Việt Nam. Tháng 12/1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra đời và khi các nước xã hội chủ nghĩa khác còn chần chừ thì Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên, sớm nhất công nhận và đồng ý để Mặt trận mở cơ quan đại diện tại nước mình. Ngay sau khi xảy ra sự kiện vịnh Bắc Bộ (8/1964) thì thái dộ Trung Quốc khá quyết liệt “nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là nước láng giềng khăng khít như môi với răng của Trung Quốc. Nhân dân Việt Nam là những người anh em thân như ruột thịt của nhân dân Trung Quốc. Nhân dân Trung Quốc quyết không khoanh tay ngồi nhìn mà không cứu”[11]. Thảo luận với Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đang ở thăm Trung Quốc (8/1964, Mao Trạch Đông tuyên bố: Trung Quốc không có ý định khiêu khích Mỹ, nhưng đã lên kế hoạch triển khai 30.000 - 50.000 quân ở phía nam Trung Quốc, xây dựng hai sân bay ở Nam Ninh cho máy bay cất cánh sang Việt Nam nếu Bắc Việt Nam bị đe dọa. Liên tiếp trong 5 ngày từ ngày 7 đến ngày 11/8/1964, hơn 20 triệu nhân dân Trung Quốc ở các tỉnh, thành khác nhau xuống đường tuần hành cực lực lên án Mỹ mở rộng chiến tranh chống miền Bắc Việt Nam. Đến ngày 25/8/1964, Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh nhận được gần 30.000 bức thư của các tầng lớp nhân Thượng Hải ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Sự ủng hộ tích cực về chính trị của Trung Quốc đối với Việt Nam được thể hiện qua những tuyên bố, những bức điện gửi các nhà lãnh đạo Việt Nam, phát biểu của các nhà lãnh đạo Trung Quốc; qua những bức điện của các tổ chức đoàn thể Trung Quốc gửi cho các đoàn thể tương ứng Việt Nam...Ngoài ra Trung Quốc còn giúp đỡ Việt Nam cơ sở vật chất, các trang thiết bị, các loại vũ khí, đạn vượt để nhân dân Việt Nam chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược.

Ngoài Liên Xô và Trung Quốc các nước xã hội chủ nghĩa khác cũng tích cực ủng hộ nhân dân Việt Nam. Trong thời gian này, nhiều đoàn đại biểu của Đảng, Chính phủ các nước Ba Lan, Hunggari, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, Cộng hòa Dân chủ Đức, Cu ba,...đã đến thăm Việt Nam. Các nước đều khẳng định lập trường ủng hộ nhân dân nhân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do. Những cuộc viếng thăm đó là sự cổ vũ to lớn đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa. Trên các mặt hợp tác, giúp đỡ về văn hóa, giáo dục, y tế, Ba Lan, Tiệp Khắc, Bungari, Hunggari, Cộng hòa Dân chủ Đức,...luôn tạo những điều kiện thuận lợi để mở rộng, phát triển các chương trình hợp tác về văn hóa, giúp đào tạo về cán bộ chuyên môn và cử chuyên gia sang giúp Việt Nam. Những nghĩa cử chí nghĩa, chí tình của các nước xã hội chủ nghĩa không chỉ là nguồn động viên tinh thần to lớn đối với nhân dân Việt Nam, mà còn trực tiếp tăng cường sức mạnh cho Việt Nam trên vũ đài chính trị thế giới.

Sự giúp đỡ nhiệt thành của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam trong tình thế Việt Nam đơn độc trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc, là vô cùng quan trọng, hết sức to lớn và quý báu. Nhân dân Việt Nam sử dụng sự giúp đỡ ấy một cách hiệu quả, từng ngày, từng giờ tạo ra sức mạnh cần và đủ để chiến đấu chống ngoại xâm giành thắng lợi, đưa Việt Nam thống nhất đất nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội./.

 

Số liệu lấy từ: Nguyễn Thị Mai Hoa: “Các nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)” Nxb Chính trị quốc gia – sự thật, Hà Nội, 2013, tr.134, 135.
Tài liệu tham  khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8.
3. Bộ Quốc phòng: yêu cầu các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ kinh tế trong năm 1969, tài liệu lưu tại trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phong năm 1969.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập,, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, t.10.
5. Thông cáo về chính sách ngoại giao của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, báo Cứu quốc ngày 3-10-1945, t.1.
6. Vụ Liên Xô, Bộ ngoại giao vế quan hệ Việt – Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, tr.4.
7. Nguyễn Thị Mai Hoa: Các nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb Chính trị quốc gia – sự thật, Hà Nội-2013.


[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8, tr.6

[2].Thông cáo về chính sách ngoại giao của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, báo Cứu quốc ngày 3-10-1945, t.1.

[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8, tr.27

[4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập,, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.30

[5],[6],[7]. Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4. tr.520; t.5, tr.163, 199

[8]. Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.256

[9]. Hồ Chí Minh: Toàn tập , t.10, tr.143

[10] . Vụ Liên Xô, Bộ ngoại giao vế quan hệ Việt – Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, tr.4

[11] . Tuyên bố ngày 6-8-1964

 

Tin khác