Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ năm, 25 Tháng 4, 2024 - 09:17

Sự cần thiết phải phân định giữa pháp quyền và pháp trị

Thạc sĩ Võ Thái Bình
Phó Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật

Khi bàn về việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một số tác giả cho rằng xây dựng nhà nước pháp quyền của chúng ta hiện nay thực chất là đang xây dựng chế độ pháp trị với lập luận cho rằng: pháp trị ở đây có nội hàm khác hoàn toàn với tư tưởng pháp trị của Trung Hoa thời cổ đại mà đại diện tiêu biểu cho học thuyết này là Hàn Phi Tử. Chế độ pháp trị muốn nói ở đây chính là sự cai trị của pháp luật chứ không phải của con người.

Tuy nhiên lập luận như vậy có luận cứ chưa thật sự chắc chắn bởi các lý do sau:

- Pháp luật là hệ thống quy tắc sử xự chung, nếu nói chế độ pháp trị là chế độ thượng tôn hệ thống quy tắc xử sự mang tính “pháp lý” ấy và độc lập tương đối với các quy tắc xử sự của tôn giáo, tập quán,…Đồng thời, các quy tắc xử sự của tôn giáo, tập quán phải phù hợp với quy tắc pháp luật chung thì lập luận đó là phù hợp.

- Nhưng nếu nói pháp trị là sự cai trị của pháp luật thì không thỏa đáng bởi lẽ: pháp luật chỉ là các quy tắc xử sự nên bản thân pháp luật không có các thiết chế để thật sự buộc mọi chủ thể phải tuân theo. Vì vậy, nếu không có một thiết chế  để đưa pháp luật vào trong cuộc sống thì pháp luật ấy cho dù đẹp đến mấy, hay đến mấy cũng chỉ là thứ ánh sáng hào quang trong trí tưởng tượng của con người mà thôi.

- Pháp luật tự thân nó không phải là chủ thể cai trị xã hội (pháp luật chỉ là các quy tắc xử sự) mà nó phải được một chủ thể sử dụng quyền lực ban hành, thừa nhận và bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của chủ thể sử dụng quyền lực ấy – Nhà nước. Nghĩa là, pháp luật không phải là một chủ thể cai trị, chỉ có nhà nước mới thật sự là một chủ thể để thực hiện quyền cai trị (nhà nước là một thực thể trừu tượng nhưng là một thực thể có thật). Vấn đề đặt ra là nhà nước ấy sử dụng pháp luật như thế nào? Xem pháp luật là phương tiện hay mục đích hướng tới, nhà nước đặt dưới sự điều chỉnh của pháp luật hay nhà nước đứng trên pháp luật…

Để hiểu rõ hơn, chúng ta cần so sánh sự giống và khác nhau giữa pháp quyền và pháp trị.

Đặc điểm nổi bật của pháp quyền và pháp trị chính là đều đề cao vai trò của pháp luật trong đời sống nhà nước và đời sống xã hội. Chính đặc điểm này gây nên sự nhầm lẫn và cho rằng pháp quyền và pháp trị tương đồng với nhau. Tuy nhiên, sự khác nhau ở đây chính là do nội dung, tính chất và mục đích của pháp luật trong chế độ pháp trị hoàn toàn khác với nội dung, tính chất và mục đích của pháp luật trong chế độ pháp quyền.

Thứ nhất, về mặt nội dung của pháp luật

- Nội dung của pháp luật theo chế độ pháp trị chủ yếu thể hiện ý chí của nhà nước. Nhà nước ban hành pháp luật chỉ để phục vụ cho mục tiêu củng cố địa vị của nhà vua, của tập đoàn cai trị nên nội dung của pháp luật gắn liền với sự hà khắc và áp đặt lên dân chúng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của đế chế nhà Tần.

- Trong chế độ pháp quyền (nhà nước pháp quyền) thì nội dung của pháp luật phải thể hiện các quyền tự nhiên vốn có của con người, trong những quyền ấy có quyền tự do, dân chủ,…của nhân dân. Các quyền tự nhiên vốn có của con người phải được đề lên thành pháp luật và nhà nước với tư cách là thiết chế công quyền phải bảo đảm các quyền cơ bản ấy của công dân phải được thực thi trong thực tiễn. Tuy nhiên, khi bàn về nhà nước pháp quyền, dù muốn hay không chúng ta cũng không thể bỏ qua tính giai cấp của nhà nước và pháp luật. Có như vậy chúng ta mới cách nhìn toàn diện về nhà nước pháp quyền.

Thứ hai, về mặt tính chất

- Pháp luật trong chế độ pháp trị có tính chất như là thứ phương tiện hữu hiệu để nhà nước thực hiện chức năng cai trị của mình. Nhà nước sử dụng pháp luật  để áp đặt ý chí của nhà nước (của giai cấp, tập đoàn thống trị) lên toàn xã hội. Lúc này pháp luật chỉ đóng vai trò là công cụ để duy trì và củng cố quyền lực của kẻ tạo ra nó. Vì vậy, Nhà nước - chủ thể ban hành pháp luật sẽ được đặt lên trên và đứng trên pháp luật.

- Ngược lại, trong nhà nước pháp quyền, pháp luật không chỉ là công cụ quản lý của nhà nước mà pháp luật còn là công cụ thật sự hữu hiệu để những công dân tự do tự bảo vệ những quyền tự do, lợi ích hợp pháp của mình trước sự xâm phạm của các chủ thể khác trong xã hội. Trong đó nhà nước là chủ thể có nguy cơ xâm phạm quyền tự nhiên vốn có của công dân nhiều nhất. Vì vậy, pháp luật trong nhà nước pháp quyền hướng đến bảo vệ các quyền tự nhiên vốn có của con người. Đồng thời, pháp luật trong nhà nước pháp quyền luôn hướng đến sự hạn chế và kiểm soát quyền lực nhà nước, đảm bảo cho nhà nước sử dụng quyền lực ấy đúng mục đích là bảo vệ những quyền tự nhiên vốn có của công dân, ngăn chặn sự lạm quyền của nhà nước theo phương châm “công dân có thể làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm, còn nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”. Tóm lại, nhà nước pháp quyền (chủ thể ban hành pháp luật) không được đứng trên pháp luật mà phải đặt dưới pháp luật và tuân thủ pháp luật một cách triệt để.

Thứ ba, về mục đích

- Mục đích của pháp luật: Mục đích của pháp luật trong chế độ pháp trị chính là bảo vệ và củng cố địa vị của nhà nước (đại diện cho giai cấp, tập đoàn thống trị, thậm chí là nhà vua). Còn trong nhà nước pháp quyền, mục đích của pháp luật là bảo vệ cho địa vị của nhân dân, bảo vệ những quyền tự nhiên vốn có của họ.

- Mục đích của sử dụng pháp luật: Trong chế độ pháp trị, nhà nước sử dụng pháp luật như là thứ công cụ hữu hiệu để cai trị nhân dân. Ngược lại trong nhà nước pháp quyền, pháp luật được sử dụng như là thứ công cụ hữu hiệu để bảo vệ con người, bảo vệ những quyền tự nhiên vốn có của họ.

Tóm lại, xét về mặt hình thức, giữa pháp quyền và pháp trị có những nét tương đồng, nhưng xét về mặt nội dung, tính chất và mục đích của pháp luật trong hai chế độ ấy có sự khác nhau rõ rệt. Nếu pháp quyền gắn liền với tự do, dân chủ thì pháp trị gắn liền với chuyên quyền độc đoán và luôn hướng đến độc tài (độc đoán cá nhân hoặc độc tài quả đầu chế). Vì vậy, về mặt lý luận chúng ta nhất thiết phải phân định rành mạch giữa pháp quyền và pháp trị, chống lại tư tưởng đánh đồng giữa chúng, làm lệch hướng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thật sự của dân, do dân, vì dân./.

Tin khác