Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 05:39

Sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930

Nguyễn Thị Ninh
Khoa Xây dựng Đảng

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành Cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc và thực dân, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới nhằm xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với những hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta. Thực tế đã chứng minh sự sáng tạo của Người trong việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 đã góp phần quan trọng làm nên những thắng lợi vẻ vang của Đảng ta.

Trước khi Đảng ra đời, với truyền thống yêu nước nồng nàn, nhân dân ta đã liên tiếp đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược và bọn phong kiến tay sai ở khắp mọi nơi, dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu và các nhà yêu nước đương thời theo nhiều khuynh hướng khác nhau như các phong trào chống Pháp theo ý thức hệ phong kiến (phong trào Cần Vương do Tôn Thất Thuyết dẫn đầu, phong trào tự phát của nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo…), các phong trào chống Pháp theo khuynh hướng tư sản (xu hướng bạo động do Phan Bội Châu tổ chức lãnh đạo, xu hướng cải cách do Phan Châu Trinh đề xướng, khởi nghĩa Yên Bái của tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo…). Như vậy, vào những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, các phong trào cứu nước diễn ra sôi nổi, liên tục nhưng tất cả đều không thành công, nguyên nhân chủ yếu là thiếu một đường lối chính trị đúng đắn, thiếu một tổ chức lãnh đạo cách mạng chặt chẽ, thiếu lực lượng cách mạng. Vì vậy, cách mạng Việt Nam đứng trước sự bế tắc và khủng hoảng về đường lối cứu nước. Nhiệm vụ lịch sử đặt ra cho các thế hệ yêu nước đương thời là cần phải có một tổ chức cách mạng tiên phong, có đường lối cứu nước đúng đắn để giải phóng dân tộc.

Giữa lúc cách mạng Việt Nam còn đang chìm trong cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành quyết định ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Trong quá trình đó, Người vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm của các cuộc cách mạng tư sản (Pháp, Mĩ) và tham gia hoạt động trong Đảng Xã hội Pháp (sau đó trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp). Bước ngoặt lớn trong tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc diễn ra khi Người đọc bản: Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đăng trên báo L’Humanite (Nhân đạo), số ra ngày 16 và 17/7/1920. Những luận điểm cách mạng của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa đã giải đáp những vấn đề cơ bản và chỉ dẫn hướng phát triển của sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc mà sau gần mười năm tìm kiếm, Người mới bắt gặp. Người hiểu sâu sắc những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc, đó là con đường cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc gắn với giải phóng giai cấp, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, giai cấp vô sản phải nắm lấy ngọn cờ giải phóng dân tộc, gắn cách mạng giải phóng dân tộc từng nước với phong trào cách mạng vô sản thế giới. Từ đây, Người tiếp tục học tập để bổ sung hoàn thiện tư tưởng cứu nước, đồng thời với tư cách là một chiến sĩ cộng sản, Người đã tham gia hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, tích cực vận động phong trào cách mạng thuộc địa, nghiên cứu và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam nhằm chuẩn bị các tiền đề về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời chính đảng tiên phong ở Việt Nam.

Những tài liệu tuyên truyền của Nguyễn Ái Quốc lôi cuốn những người yêu nước Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản. Người nhấn mạnh cách mạng muốn giành thắng lợi, trước hết phải có Đảng cách mạng nắm vai trò lãnh đạo: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững, cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững, thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bản chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin[1]. Với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường cách mệnh”, đặc biệt là việc xuất bản tờ báo Thanh niên in bằng chữ Quốc ngữ tuyên truyền giới thiệu về chủ nghĩa Lênin và cách mạng Tháng Mười Nga; giải thích đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam, Người đã chuẩn bị đầy đủ về tư tưởng, đường lối chính trị, tập hợp, giác ngộ và từng bước tổ chức quần chúng đấu tranh từ thấp tới cao. Nhờ vậy, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhiều tầng lớp nhân dân từ đó phát triển ngày càng mạnh mẽ, liên tục và rộng khắp cả nước.

Trong thời gian này, Người cũng tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ. Người lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (năm 1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu (Trung Quốc) và gửi cán bộ đi học tại trường Đại học Cộng sản Phương Đông (Liên Xô) và trường Quân chính Hoàng Phố (Trung Quốc) nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Chính vì vậy, điều kiện thành lập Đảng ngày càng chín muồi.

Cách mạng Việt Nam từ đó ngày càng phát triển. Chỉ trong một thời gian ngắn, ở Việt Nam đã có ba tổ chức cộng sản được tuyên bố thành lập (Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ, An Nam Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ và Đông Dương Cộng sản liên đoàn ở Trung Kỳ). Song sự tồn tại của ba tổ chức cộng sản hoạt động biệt lập dẫn đến tình trạng phân tán, chia rẽ lực lượng cách mạng. Yêu cầu bức thiết của cách mạng là cần phải thống nhất các tổ chức cộng sản thành một chính đảng duy nhất ở Việt Nam. Với tinh thần chủ động, sáng tạo và uy tín chính trị, Người đã kịp thời giải quyết yêu cầu cấp bách của cách mạng Việt Nam: thống nhất các tổ chức cộng sản thành một chính đảng duy nhất. Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập vào mùa xuân năm 1930 là một bước ngoặt quyết định trong sự phát triển của dân tộc ta, là nhân tố hàng đầu mang tính chất quyết định đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác.

Để thống nhất được toàn dân trong công cuộc giải phóng dân tộc, tên gọi của Đảng đòi hỏi phải có sự đồng thuận và đáp ứng được nguyện vọng của quần chúng. Việc đặt tên là Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện rõ nét sáng tạo trong tư duy cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Trong khi Quốc tế Cộng sản chủ trương thành lập một Đảng Cộng sản chung cho ba nước Đông Dương thì Người đã phân tích trong thảo luận tại hội nghị thành lập Đảng“Cái từ Đông Dương rất rộng…, vấn đề dân tộc là vấn đề rất nghiêm túc, người ta không thể bắt buộc các dân tộc khác gia nhập Đảng… Còn cái từ An Nam thì hẹp, mà nước ta có ba miền: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Do đó, từ Việt Nam hợp với cả ba miền và cũng không trái với nguyên lý của chủ nghĩa Lênin về vấn đề dân tộc”[2] và được Hội nghị nhất trí đặt tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ trương đó của Người tuân thủ những nguyên lý xây dựng đảng kiểu mới của chủ nghĩa Mác - Lênin, có tính đến yếu tố dân tộc, nhằm thức tỉnh ý thức dân tộc, đồng thời tạo ra sự tin cậy về chính trị góp phần tăng sự đoàn kết và tinh thần tự lực giữa các nước Đông Dương. Đây chính là một cống hiến quan trọng của Người trong kế thừa và vận dụng sáng tạo kho tàng lý luận Mác - Lênin.

Chủ nghĩa Mác - Lênin về Đảng Cộng sản đã chỉ ra quy luật ra đời của Đảng Cộng sản là sự kết hợp chủ nghĩa xã hội khoa học và phong trào công nhân. Song, lúc bấy giờ, dưới tác động của chính sách cai trị và chính sách kinh tế, văn hoá, giáo dục thực dân, xã hội Việt Nam đã diễn ra quá trình phân hoá sâu sắc. Giai cấp địa chủ câu kết với thực dân Pháp tăng cường bóc lột, áp bức nông dân. Nội bộ địa chủ Việt Nam lúc này có sự phân hoá, trong đó có một bộ phận địa chủ phong kiến nêu cao tinh thần dân tộc khởi xướng và lãnh đạo các phong trào yêu nước nhưng đều bị thất bại. Tư sản Việt Nam, một bộ phận trở thành tầng lớp tư sản mại bản, một bộ phận mâu thuẫn với tư bản Pháp, triều đình phong kiến nhưng thế lực yếu ớt, phụ thuộc, do vậy tư sản dân tộc tuy có tinh thần yêu nước chống đế quốc và phong kiến nhưng không có khả năng lãnh đạo cách mạng. Trong khi đó, giai cấp nông dân là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội Việt Nam, bị thực dân và phong kiến áp bức, bóc lột nặng nề. Đây là giai cấp có tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất cho nền độc lập tự do của dân tộc, khi có lực lượng tiên phong lãnh đạo, giai cấp nông dân sẵn sàng vùng dậy làm cách mạng lật đổ chính quyền thực dân và phong kiến. Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời từ cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp, ngoài những đặc điểm của giai cấp công nhân quốc tế (đại diện cho lực lượng sản xuất tiến bộ nhất, không có tư liệu sản xuất, bị bóc lột nên là giai cấp kiên quyết cách mạng nhất, có ý thức tổ chức kỉ luật cao) thì còn mang những đặc điểm riêng (ra đời trước giai cấp tư sản dân tộc, kế thừa truyền thống yêu nước của dân tộc, phần lớn xuất thân từ giai cấp nông dân là cơ sở khách quan, thuận lợi cho công nhân và nông dân liên minh chặt chẽ trong quá trình đấu tranh cách mạng). Căn cứ vào thực trạng và đặc điểm cơ cấu giai cấp tại Việt Nam, Người đã chủ trương tập hợp, lôi kéo các giai cấp, các tầng lớp, kể cả giai cấp tư sản dân tộc có tinh thần tiến bộ, yêu nước, dân chủ vào mặt trận đoàn kết dân tộc chống đế quốc và phong kiến (trong đó công - nông làm gốc và đặt dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân với đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam). Với sự kết hợp này, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam mà còn là Đảng của dân tộc Việt Nam: “Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị[3]. Chính vì vậy, ngay khi vừa mới ra đời, với đường lối cách mạng cứu nước đúng đắn, Đảng ta đã nắm ngọn cờ lãnh đạo duy nhất đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời Đảng cũng đã quy tụ, đoàn kết chung quanh mình tất cả các giai cấp, các tầng lớp yêu nước, xây dựng nên lực lượng cách mạng to lớn và rộng khắp. Đây không chỉ là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn là đóng góp quan trọng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa, phụ thuộc trên thế giới.

Sáng tạo của Người trong quá trình thành lập Đảng cộng sản Việt Nam còn thể hiện ở chỗ Người đã chủ trương “Đánh đổ đế quốc và bọn phong kiến tay sai”, “làm cho nước Nam độc lập”; đặt nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc lên hàng đầu bởi đây là vấn đề căn cốt của cách mạng Việt Nam lúc này, tập trung giải quyết những mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu của một xã hội thuộc địa, nửa phong kiến. Yêu cầu trước hết của dân tộc Việt Nam là tiến hành cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và tay sai phản động, giành độc lập dân tộc. Xét về tính chất, cuộc đấu tranh ở thuộc địa là một cuộc đấu tranh dân tộc, chứ chưa phải là cuộc đấu tranh giai cấp như ở các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây: “Có đánh đổ đế quốc chủ nghĩa mới phá được cái giai cấp địa chủ và làm cách mạng thổ địa được thắng lợi; mà có phá tan chế độ phong kiến thì mới đánh đổ được đế quốc chủ nghĩa”.[4] Sự kết hợp hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến đã khẳng định tính toàn diện, triệt để của đường lối cách mạng Việt Nam trong khi vẫn gắn kết chặt chẽ với lập trường của giai cấp công nhân.

Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kiện lịch sử trọng đại, một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta. Đây cũng là điều kiện cơ bản quyết định phương hướng phát triển, bước đi của cách mạng Việt Nam trong suốt 85 năm qua. Trên cơ sở nắm vững nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong điều kiện mở cửa hội nhập quốc tế, chúng ta cần nghiên cứu vận dụng sáng tạo, nhạy bén từ tư duy lý luận khoa học đến hành động thực tiễn để công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của toàn Đảng, toàn dân ta giành nhiều thắng lợi to lớn.

 20 năm qua, là một tổ chức cơ sở của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ Trường Chính trị Bến Tre luôn là hạt nhân lãnh đạo Trường vượt qua những khó khăn và thách thức trong các giai đoạn, từng bước trưởng thành và phát triển. Toàn cán bộ, giảng viên, học viên của Trường luôn khẳng định niềm tin với Đảng, thực hiện một cách hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh thi đua lập thành tích trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, thiết thực chào mừng đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII sắp tới./.

 
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.2, tr.267-268.
[2] Vấn đề thống nhất các tổ chức cộng sản, tr. 25, Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.10, tr.467.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1998, t.2, tr.94.

 

Tin khác