Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ bảy, 20 Tháng 4, 2024 - 12:08

Quản lý sĩ số học viên các lớp đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính

Thạc sĩ Nguyễn Phước Tuân 
Phòng Đào tạo

Quản lý sĩ số học viên học trên lớp là hoạt động bắt buộc, không thể xem nhẹ hay bỏ qua trong quá trình dạy - học của các nhà trường; đây là hoạt động giữ vai trò quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo của các nhà trường. Hoạt động này bao gồm: Quản lý sĩ số học viên của các lớp học ở từng môn học, sĩ số từng ngày học, từng buổi học. Những hoạt động này được xem là quan trọng vì liên quan đến các vấn đề cụ thể như sau:

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thì hoạt động học trực tiếp trên lớp với sự giảng dạy trực tiếp của giảng viên đến nay vẫn là hoạt động cơ bản nhất để quyết định sự tồn tại của trường học và đem lại hiệu quả cao nhất. Còn việc dạy học bằng các phương pháp như: Lấy người học làm trung tâm, giảng viên nêu vấn đề, định hướng nghiên cứu, kiểm tra kết quả và neo chốt kiến thức; hay tổ chức các buổi ngoại khóa, nghiên cứu thực tế,…hoặc giảng viên đặt vấn đề, học viên tự giải quyết; chỉ nhằm làm phong phú thêm phương pháp - phương thức truyền đạt kiến thức từ người dạy đến người học, ta thấy vẫn không thể thiếu vai trò của giảng viên. Từ đó, ta có thể thấy những quốc gia có nền giáo dục hiện đại nhất hiện nay vẫn duy trì nền giáo dục trường lớp và ở đó hoạt động dạy với hoạt động học vẫn là chủ yếu. Nên việc quản lý sĩ số học viên là hoạt động có ý nghĩa to lớn và mang tính thiết thực đối với công tác giáo dục và đào tạo của xã hội.

Cụ thể: Nghe thầy cô giảng bài là một trong những hoạt động cơ bản của quá trình học tập trên lớp và nếu nghe giảng tốt sẽ giúp cho quá trình tiếp nhận kiến thức hiệu quả hơn. Vì trong quá trình học tập của phần lớn những người đi học, kiến thức thu được từ hoạt động nghe giảng trên lớp chiếm đến 53% trong số tất cả các hoạt động dạy và học trên lớp như: Nghe, nói, đọc, viết, (nói - 16%, đọc - 17%, viết - 14%). Đối với hoạt động dạy - học nói chung nếu học viên thực hiện tốt, tích cực và đầy đủ nghe, nói và viết (hoạt động cơ bản nhất) theo nghiên cứu trên chúng ta có thể chiếm lĩnh đến hơn 80% lượng thông tin, hay lượng kiến thức cần thiết của bài học. Đây cũng là một lý do để khẳng định hoạt động quản lý sĩ số học viên là cần thiết.

Việc quản lý sĩ số học viên như thế nào và bằng hình thức nào còn tùy thuộc vào một số điều kiện sau: Cấp học, bậc học, chương trình học; ý thức tự giác của người học; điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện quản lý của nhà trường…

Có một số bậc học hay chương trình học không đặt quá nặng vấn đề quản lý sĩ số lớp vì ở đó người dạy chỉ nêu vấn đề và gợi ý, định hướng cho người học tự nghiên cứu để chiếm lĩnh tri thức. Quá trình đào tạo này vai trò tự học của người học đóng vai trò chủ yếu và quyết định.

Bên cạnh đó, trong xã hội có rất nhiều chương trình học đòi hỏi các nhà trường phải quản lý chặt chẽ sĩ số lớp học mới đảm bảo chất lượng đào tạo theo mục tiêu đã đề ra cũng như hoàn thành cam kết về chất lượng đào tạo đối với xã hội. Trong đó có chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính mà chúng ta đang thực hiện. Vấn đề này được quy định bởi những lý do sau:

Nội dung chương trình đào tạo Trung cấp LLCT - HC do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh quy định và biên soạn thành 01 bộ giáo trình cụ thể (mang tính chi tiết và bài bảng). Trong đó quy định rõ về số phần học, số bài học, số tiết giảng cũng như lượng thông tin được giới hạn phù hợp với cấp đào tạo Trung cấp. Bên cạnh đó, hiện nay người học có rất nhiều tài liệu (chính thức lẫn tham khảo) liên quan trực tiếp đến nội dung các bài học như: Giáo trình (Cao cấp, Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp,…chuyên và không chuyên) và rất nhiều tài liệu tham khảo khác, tài liệu từ các trang mạng,…đây là điều tốt - tuy nhiên sự phong phú đa dạng đó cũng bộc lộ sự hạn chế nhất định: Loãng thông tin, nhiễu thông tin,…đưa đến hậu quả không tốt đặc biệt là trong thi cử không đạt yêu cầu - lạc đề. Vì vậy, để đạt yêu cầu trong học tập, học viên Trung cấp LLCT - HC phải đảm bảo nhận thức đúng lượng kiến thức như Học viện đã quy định. Để có được điều đó học viên phải trực tiếp nghe giảng trên lớp.

Lượng kiến thức trong chương trình có rất nhiều quan điểm, khái niệm, thuật ngữ và nhiều vấn đề thực tiễn đòi hỏi phải lý giải bằng những kiến thức chuyên ngành sâu, rộng và khoa học thì mới có thể nhận thức, lĩnh hội một cách đúng đắn, đầy đủ và phù hợp với từng đối tượng. Điều này được đảm bảo bởi đội ngũ giảng viên được đào tạo chuyên môn sâu, bài bản, rất yêu nghề và rất tâm huyết của Trường Chính trị. Nên để có được đội ngũ cán bộ chủ chốt đảm bảo trình độ Trung cấp LLCT - HC theo yêu cầu của xã hội mà nhà trường đã cam kết bắt buộc người học phải đảm bảo giờ học trên lớp và trực tiếp nghe giảng viên giảng bài.

Để tốt nghiệp Trung cấp LLCT - HC, học viên cần phải học 6 phần học, 11 môn học với hơn 80 chuyên đề cụ thể. Song, tất cả đều được sắp xếp theo một logic chặt chẽ và khoa học. Kiến thức của những phần học, những môn học, những chuyên đề có sự gắn kết với nhau, nội dung của phần học này, chuyên đề này là cơ sở, là nền tảng để nhận thức nội dung của phần học khác, chuyên đề khác; thậm chí có nhiều chuyên đề là nền tảng cho cả chương trình. Do đó, học viên vắng học sẽ tạo ra những lổ hỏng lớn về kiến thức và chất lượng đào tạo sẽ bị kém đi. Đây là lý do cơ bản nhất quy định hoạt động quản lý sĩ số học viên học trên lớp của các nhà trường.

Học viên các hệ lớp đào tạo Trung cấp LLCT - HC của trường chính trị cấp tỉnh là cán bộ chủ chốt giữ vai trò quan trọng tại cơ quan đơn vị của mình, với cơ chế về biên chế và cán bộ hiện nay đòi hỏi cán bộ được cử đi học phải hoàn thành nhiệm vụ đã được phân công, kể cả học viên các lớp tập trung. Mặt khác, học Trung cấp LLCT - HC học viên không thấy có sự liên quan trực tiếp đến chuyên môn, nghiệp vụ hay nhiệm vụ được phân công tại đơn vị công tác của mình nên việc học viên đi học với tư tưởng đối phó, không thực sự tập trung, không xem là điều kiện, là dịp để nâng cao nhận thức cho quá trình công tác là có thật. Ngoài ra đa số học viên không có thời gian cũng như các điều kiện khác và càng không có sự thiết tha với việc tự nghiên cứu nhằm củng cố kiến thức đã học, chưa nói đến việc nghiên cứu các nguồn tài liệu khác nhằm mở rộng hay đào sâu thêm kiến thức liên quan nội dung các bài đã học. Từ đó, để đảm bảo chất lượng đào tạo của trường chính trị, quản lý sĩ số học viên là một trong những công việc bắt buộc phải thực hiện và phải thực hiện tốt.

Quản lý sĩ số học viên các lớp đào tạo Trung cấp LLCT - HC là công việc bắt buộc được quy định bởi nhiều nguyên nhân: Đó là Quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đó là yêu cầu từ lý luận của vấn đề dạy và học, đó là yêu cầu từ cam kết về chất lượng đào tạo của Trường Chính trị tỉnh, đó còn là yêu cầu từ thái độ tham gia học tập của học viên và các nguyên nhân khác như đã trình bày ở trên. Quản lý học viên là công việc tế nhị, nhạy cảm có người đồng tình cũng có người không thích, nhưng đây là nhiệm vụ bắt buộc và góp phần quyết định chất lượng đào tạo cũng như uy tín của nhà trường. Vì mục đích nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường hướng đến phương châm về chất lượng: “Học thực chất, thi thực chất, kết quả thực chất” để đào tạo đội ngũ cán bộ tỉnh nhà vừa hồng vừa chuyên đáp ứng yêu cầu về chất lượng cán bộ trong giai đoạn cách mạng hiện nay; đề nghị tất cả tổ chức, đơn vị và các cá nhân có liên quan hãy thực hiện tốt trách nhiệm quản lý học viên của mình cũng như của nhà trường./.

Tin khác