Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 15:01

Những cống hiến của C.Mác đối với nhân loại và cách mạng Việt Nam

Hòa với niềm vui chiến thắng của dân tộc ngày 30/4/1975 và kỷ niệm Quốc tế lao động 1/5/2012. Những chiến công vang vội có được ấy, có thể khẳng định rằng xuất phát từ C.Mác người thầy vĩ đại không chỉ của cách mạng Việt Nam nói riêng mà là của toàn thể giai cấp vô sản, toàn thể loài người tiến bộ nói chung.
Trong điều kiện thời đại ngày nay đã có nhiều biến đổi sâu sắc, nhiều quan điểm khác nhau về con đường và xu thế phát triển của từng dân tộc cũng như nhân loại, song con đường mà C.Mác đã vạch ra cho sự nghiệp giải phóng các dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người mãi mãi là chân lý của loài người tiến bộ.
Kỷ niệm 194 năm ngày sinh của C.Mác, ôn lại những cống hiến về lý luận của Người đối với nhân loại nói chung và đối với con đường giải phóng dân tộc Việt Nam nói riêng là một việc làm hết sức cần thiết trong điều kiện hiện nay.
Nghiên cứu chủ nghĩa tư bản trong điều kiện tự do cạnh tranh, cùng với Ph.Ăngghen, C. Mác đã cống hiến cho nhân loại ba phát minh vĩ đại nhất đó là lý luận về hình thái kinh tế - xã hội; học thuyết về giá trị thặng dư mà đặc biệt hơn cả là sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Đồng thời chính C.Mác là người sáng lập hàng đầu chủ nghĩa cộng sản khoa học, học thuyết giúp cho giai cấp công nhân hoàn thành sứ mệnh lịch sử của giai cấp mình trước dân tộc và nhân loại.
Nhờ phương pháp luận biện chứng và thế giới quan duy vật khoa học, chủ nghĩa Mác đã tìm ra quy luật phát triển của xã hội với lý luận về hình thái kinh tế - xã hội và khẳng định loài người rồi sẽ đi đến xã hội cộng sản chủ nghĩa như là một quá trình lịch sử tự nhiên.
Ở điều kiện phát triển tự do cạnh tranh, giai cấp tư sản trong quá trình tích lũy nguyên thủy đã tước đoạt không công sức lao động của người công nhân một cách tàn bạo nhất. Học thuyết về giá trị thặng dư ra đời đã chỉ rỏ giai cấp tư sản sống vì giá trị thặng dư và chết cũng vì giá trị thặng dư bởi vì trong từng lổ chân lông của nó đã nhuốm đầy bùn nhơ và máu của giai cấp công nhân.
 Với học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, C.Mác đã chỉ ra lực lượng xã hội có thể tiêu diệt chế độ tư bản và sáng tạo xã hội mới; đó là giai cấp vô sản. C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ ra cho giai cấp vô sản, trước hết phải tự mình vùng lên đánh đổ chế độ tư bản chủ nghĩa. Đảng Cộng sản, chính đảng của giai cấp công nhân, có lý luận tiền phong soi đường, là lực lượng lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động làm cách mạng để phá bỏ chế độ áp bức, bóc lột cũ, xây dựng chế độ mới - chế độ cộng sản chủ nghĩa.
Chủ nghĩa Mác với mục tiêu cao nhất là giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng con người, giải phóng nhân loại thoát khỏi sự áp bức bóc lột của chủ nghĩa tư bản, xây dựng xã hội mới - XHCN tiến tới xã hội cộng sản. Cho đến nay, chưa có học thuyết nào chỉ rõ con đường giải phóng giai cấp, giải phóng con người như chủ nghĩa Mác.
C.Mác và Ph.Ăngghen từng nói, học thuyết của hai ông không phải là giáo điều, mà là kim chỉ nam cho hành động. V.I.Lênin là người thừa kế sự nghiệp của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã phát triển toàn diện chủ nghĩa Mác trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, thời đại cách mạng vô sản. Tháng 3 năm 1919 tại Moskva, Đại hội Quốc tế Cộng sản được thành lập Quốc tế 3 (Quốc tế Cộng sản), thống nhất Chủ nghĩa Mác với chủ nghĩa Lênin thành chủ nghĩa Mác-Lênin đó chính là đỉnh cao của trí tuệ loài người.
Sau này chính V.I.Lênin đã đánh giá học thuyết của C.Mác là một học thuyết cách mạng và khoa học, nó trang bị cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động, các dân tộc bị áp bức toàn thế giới những nguyên lý cơ bản và phương pháp đấu tranh để giải phóng khỏi chế độ tư bản, vững bước tiến lên xây dựng thành công CNXH.
Trong những năm đầu thế kỷ XX, nhân dân Việt Nam lầm than, cơ cực dưới sự bóc lột của thực dân Pháp, nhiều con đường, xu hướng cứu nước khác nhau nhưng tất cả đều thất bại. Trước sự khủng hoảng về đường lối cứu nước và tiếp sau đó là những năm tháng khó khăn gian khổ đi tìm đường cứu dân, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cách mạng Việt Nam đầu tiên tìm thấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin soi tỏ con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Người khẳng định rằng: Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng học thuyết cách mạng nhất và chủ nghĩa chân chính nhất là chủ nghĩa Lênin. Muốn cứu nước, muốn giải phóng dân tộc, không còn con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Từ đó, chủ nghĩa Mác-Lênin luôn là ngọn đuốc soi đường cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Việc Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3 tháng 2 năm 1930 với Cương lĩnh đầu tiên vạch ra đường lối cách mạng Việt Nam và tạo nên những chiến thắng thần kỳ: Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng và đi tới xã hội cộng sản; thắng lợi của Cách mạng Tháng 8 năm 1945 với việc khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; thắng lợi lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm chống Pháp đưa miền Bắc đi lên CNXH làm hậu phương lớn cho miền Nam chống Mỹ cứu nước thống nhất Tổ quốc.
Thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và cả nước tiến hành xây dựng, bảo vệ CNXH trên quy mô cả nước từ sau năm 1975 đến nay mà đặc biệt những thành tựu rất to lớn và có ý nghĩa lịch sử về lý luận cũng như thực tiễn của công cuộc đổi mới ở nước ta trong hơn 25 năm qua là minh chứng sinh động về sự kiên định và vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Những năm gần đây, thế giới trải qua nhiều biến động, chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào thoái trào. Các thế lực thù địch ra sức bôi nhọ, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin. Thế nhưng, chủ nghĩa xã hội khoa học vẫn thu hút trái tim, khối óc của hàng triệu nhân dân lao động trên toàn thế giới. Đấu tranh chống áp bức, bất công, chống chủ nghĩa đế quốc, bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH. Dù đường đi còn lâu dài, có những bước thăng trầm, nhưng lịch sử nhân loại tất yếu dẫn tới chủ nghĩa cộng sản mà người đã chỉ ra từ tháng 2 năm 1848 không ai khác hơn chính là C.Mác, người thầy vĩ đại không chỉ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam mà còn là người thầy vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân tiến bộ toàn thế giới.
Kỷ niệm 194 năm ngày sinh của C.Mác, bằng tất cả những gì mà thực tiễn cách mạng Việt Nam và thế giới đã diễn ra trong những thế kỷ qua, cùng những thăng trầm lịch sử chính là điều tri ân công lao to lớn mà C.Mác đã dành suốt cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. /.
Nguyễn Thành Phương
Trưởng khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

 

Tin khác