Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ tư, 24 Tháng 4, 2024 - 09:41

Những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý học viên ở Trường Chính trị tỉnh Bến Tre

Huỳnh Sĩ Tân
          Phòng Đào tạo
 
Ngày 05 tháng 09 năm 2012, khai giảng năm học 2012 - 2013, Hiệu trưởng Trường Chính trị Bến tre đã phát biểu chỉ đạo những công việc cần tập trung trong năm học mới, trong đó nhấn mạnh: Tiếp tục thực hiện việc mở các lớp theo kế hoạch được duyệt của năm 2012, đồng thời căn cứ vào nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của các địa phương, đơn vị trong tỉnh, Trường Chính trị sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2013 trình Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt và triển khai tổ chức thực hiện với chất lượng và hiệu quả cao hơn. Trong công tác đào tạo, tập trung đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng dạy và học; cải tiến quy trình quản lý đào tạo đảm bảo đúng theo quy chế; tiếp tục củng cố các khâu còn yếu trong quá trình dạy - học.
Trong phạm vi bài viết này xin đề cập đến những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý học viên ở Trường Chính trị tỉnh Bến Tre.

Thực tế cho thấy, quản lý học viên là một trong những hoạt động quan trọng, mang tính  thường xuyên, nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả  đào tạo. Bởi vì, kết quả học tập của học viên phụ thuộc vào nhiều yếu  tố như: Chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, động cơ, thái độ, phương pháp học tập của học viên. Trong đó, yếu tố chủ quan của người học là rất quan trọng, nếu không muốn nói là yếu tố quyết định. Chính vì vậy, việc quản lý, theo dõi quá trình học tập và rèn luyện của học viên có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy vai trò chủ động của người học từ đó nâng cao chất lượng và kết quả học tập.

Đối tượng đào tạo ở Trường Chính trị tỉnh là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng, chính quyền và  các đoàn thể ở cấp cơ sở và dự nguồn các chức danh trên. Đây là những người có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, cương vị công tác, sự hiểu biết xã hội và tuổi đời cũng khác nhau. Đa số đi học vì muốn nâng cao trình độ nhận thức để làm việc có hiệu quả trên thực tế. Song, cũng có những trường hợp do chưa xác định đúng động cơ  học tập, với tâm lý đi học để có bằng cấp, chứng chỉ đảm bảo chuẩn hóa văn bằng.

Từ  những đặc điểm nêu trên, công tác quản lý học viên có nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Nhất là, việc quản lý thời gian lên lớp nghe giảng, tỷ lệ chuyên cần, phương pháp học tập,...một số học viên thực hiện chưa nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả còn thấp.

 Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân. Có những học viên thực sự do yêu cầu công tác phải nghỉ học hoặc do có sự trùng lắp giữa các chương trình đào tạo; có nguyên nhân từ chất lượng giảng dạy của một số giảng viên còn hạn chế, làm cho học viên không hứng thú, ngại lên lớp; hiện tượng nêu trên theo chúng tôi, nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý học viên chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ.

Từ thực tế ở nhà trường và qua tham khảo kinh nghiệm ở một số trường khác, để tăng cường công tác quản lý học viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, theo tôi cần thực hiện đồng bộ một số biện pháp sau:

 - Một là: Phải thống nhất về trách nhiệm quản lý học viên cũng như hành động trong công tác quản sinh, từ Ban Giám hiệu, các khoa, phòng đến đội ngũ giảng viên, chủ nhiệm lớp. Đòi hỏi phải coi đây là một trong những khâu quan trọng của quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Muốn vậy, dựa trên cơ sở các quy định của Trung ương, nhà trường cần xây dựng thành những quy định cụ thể, mang tính khả thi. Mặt khác, yêu cầu giảng viên khi lên lớp phải điểm danh, nhận xét vào sổ đầu bài qua từng buổi học. Kiên quyết thực hiện nghiêm nội quy, quy chế thi, kiểm tra (bao gồm kiểm tra sĩ số học viên, kiểm tra việc đeo thẻ học viên, xét điều kiện thi, coi thi, chấm thi; những học viên thiếu bài nhất thiết phải được học bù, học lại trước khi thi).

  - Hai là: Làm tốt công tác giáo dục tư tưởng nhằm xây dựng động cơ, thái độ học tập đúng cho người học. Việc này phải được tiến hành ngay từ đơn vị cơ sở khi cử cán bộ đi học và phải được tiến hành thường xuyên trong suốt thời gian học viên học tập tại trường. Làm công tác tư tưởng đối với học viên  là trách nhiệm chung của Ban Giám hiệu, các khoa, phòng chức năng, chủ nhiệm lớp, ban cán sự và mỗi học viên phải tự làm tư tưởng cho chính mình.

  - Ba là: Lựa chọn, bố trí chủ nhiệm lớp có năng lực và trách nhiệm, không ngừng nâng cao vai trò của chủ nhiệm lớp và ban cán sự lớp. Chủ nhiệm lớp phải chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý học viên. Muốn vậy, chủ nhiệm lớp phải được tham gia quản lý, điều hành quá trình đào tạo từ khâu  phổ biến chương trình, kế hoạch đến việc quản lý theo dõi quá trình học tập và rèn luyện của học viên; ban cán sự lớp theo dõi tinh thần, thái độ học tập của từng học viên, thường xuyên và kịp thời báo cáo với Hiệu trưởng và Trưởng phòng Đào tạo về tình hình mọi mặt của lớp. Đồng thời, nắm chắc hồ sơ học viên để cung cấp cho Hội đồng xét tốt nghiệp, đảm bảo đánh giá chính xác kết quả học tập của từng học viên. Trường hợp học viên nghỉ học nhiều, nhà trường cần có công văn thông báo cho Đảng ủy, UBND nơi cử cán bộ đi học biết, để cùng có biện pháp khắc phục, đảm bảo sĩ số lớp học.

- Bốn là: Nhà trường cần phối kết hợp chặt chẽ với các đơn vị cử cán bộ đi học để quản lý học viên. Định kỳ 3 tháng, 6 tháng và hàng năm nhà trường gửi phiếu thông báo kết quả học tập và thời gian học trên lớp của học viên về đơn vị. Đề nghị đơn vị xác định việc đi học là một trong những nhiệm vụ chính của cán bộ, lấy kết quả học tập là tiêu chí bình xét thi đua, xét danh hiệu phấn đấu của đảng viên hàng năm.      

- Năm là: Tăng cường công tác Thanh tra giảng dạy, Thanh tra thi, kiểm tra của Ban Giám hiệu  đối với các lớp, các hệ  (đặc biệt là các lớp tại chức); chủ nhiệm lớp, bộ phận quản  sinh, kiểm tra giờ tự học của học viên nội trú, phát huy hiệu quả hoạt động của Thanh tra giáo dục nhà trường.

 Tóm lại, tuy không phải là mới, song nếu được thực hiện thường xuyên và đồng bộ những biện pháp nêu trên chắc chắn sẽ tạo nên những chuyển biến đáng kể trong công tác quản lý học viên.  Điều đó sẽ góp phần thiết thực nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước trong thời kỳ mới./.

 

Tin khác