Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 19:22

Những điều từ cuộc sống của cô đã cho em bài học làm người

                                                                Thạc sĩ Nguyễn Thị Nga
                                                                   Khoa Xây dựng Đảng

Cuộc sống ở làng quê rất bình dị, cuộc sống gia đình Cô càng bình dị hơn. Con cái đã thành đạt, yên bề gia thất, sống và làm việc ở chốn thành thị nhưng Cô vẫn ở quê nhà, cuộc sống vẫn giản dị, đơn sơ từ bấy đến giờ. Trong những lần về quê, tôi thường đưa con đến thăm Cô giáo cũ. Con đường về nhà Cô rất đỗi thân quen. Đó cũng chính là con đường mà một thời ấu thơ tôi đã đi lại lắm lần.

Mỗi lần gặp Cô, tôi thấy mình như được tiếp thêm sức lực. Cô là tấm gương để tôi soi vào đó và hoàn thiện bản thân mình. Ở mỗi vai trò khác nhau, cuộc sống của Cô đã cho tôi những bài học lớn.

Cô giáo tôi sống rất giản dị. Một ngôi nhà nhỏ, đơn sơ nhưng đầm ấm, chứa chan tình cảm của một đôi vợ chồng già tuổi ngoài 80, sáng sáng, chiều chiều trồng cây, hái trái, chăm mấy con gà ở sân sau. Suốt mấy mươi năm, nếp sống của gia đình Cô vẫn giữ vẹn nguyên như cũ, không trang hoàng mà chỉ mua sắm những vật dụng thật sự cần thiết. Nhà cất một mái, lợp tôn chỉ với một phòng khách, một phòng ngủ và gian nhà bếp lợp lá. Sáng sáng, chiều chiều khói bếp củi vẫn ngoằn ngoèo bay vào không trung của một làng quê yên tỉnh. Gian nhà trên, trước bàn thờ tổ tiên là cái bàn dài được kê giữa, một kệ sách báo, cái ván gõ, cái võng, cái ghế bố, vài ba cái quạt tay bằng mo cau…

Cô giản dị từ trong lối sống đến cách ăn mặc. Từ thời tôi còn là một học sinh tiểu học cho đến bây giờ (tôi đã là một cô giáo sắp vào độ tuổi 40), trang phục của Cô vẫn là chiếc quần đen, áo bà ba màu sậm khi đi ra ngoài; ở nhà là chiếc quần đen, áo túi ngắn tay.

Cô sống rất mô phạm, mực thước, quan tâm đến mọi người xung quanh. Con đường trong ấp (dài hơn 1 km) được pê-tông hóa từ sự đóng góp vật chất của gia đình cô. Hàng xóm có hữu sự, ốm đau, cô thăm viếng bằng giỏ trái cây, trứng gà, mật ong,…Thế mà đến khi mình đau ốm, cô giấu đi, tự bản thân chiến đấu chống lại bệnh tật và lại sống một cuộc sống bình dị với những công việc hàng ngày, chăm sóc mảnh vườn, làm bà nội trợ chăm chỉ.

Cô là một cô giáo đúng với nghĩa “làm thầy giáo cho ra thầy giáo”. Cô rất tâm huyết với nghề. Cách đây hơn 40 năm, cô đã là cô giáo nổi tiếng trong làng. Phụ huynh đều rất an tâm khi con của mình được học ở lớp Cô. Ở quê tôi, có gia đình 3 thế hệ đều có người là học trò của Cô. Cô kể, lúc còn đi dạy, cô gọi nhằm tên học trò, cứ gọi “học trò con” bằng tên của “học trò cha”, có trường hợp “học trò con” lúng túng, ấp úng thưa với Cô đó là tên của cha con.

Cô vốn rất nghiêm khắc. Học trò vô cùng nể sợ Cô. Thậm chí là tôi, chưa từng bị Cô quở trách nhưng rất sợ, mỗi lần thấy dáng Cô đi phía trước là nấp vào trốn, để Cô đi qua rồi lẳng lặng đi sau ở một khoảng cách khá xa. Thời trẻ con thật là vụng dại.

Đối với tôi, Cô còn là cô giáo của riêng tôi. Cô dạy tôi lớp 5 nhưng Cô đã dõi theo bước chân tôi trong suốt chặng đường đời.

Ngôi nhà của Cô, cái bàn dài đặt giữa nhà là nơi rất thân quen với tôi. Tôi đã từng ngồi vào đó để Cô rèn viết văn, nghe cô động viên, khuyến khích cố gắng học tập. Tôi nhớ rõ như in những ngày tôi chuẩn bị thi vào sư phạm, gia đình không ai ủng hộ, Cô đã động viên tôi. Sợ công việc gia đình chi phối, Cô đã xin cho tôi đến nhà Cô ở để ôn thi. Vào những ngày ấy, tại cái bàn dài này, vào hai buổi sáng trưa, bên cạnh sách vở là ly sữa, đĩa bánh, trái cây. Tôi cảm thấy rất ấm áp. Trong cuộc đời, tôi chưa từng đứng vào vị trí số 1 được quan tâm, chưa từng được sự chăm sóc chu đáo như thế. Chính vì vậy, tại cái bàn này, tôi đã cố gắng học, học phần cho mình và học cả phần để đền đáp công ơn của Cô. Ngoài ra, nó còn là nơi để tôi chạy về ngồi vào đó báo cáo thành tích học tập. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là cũng tại cái bàn này, khi tôi đang học sư phạm, Cô hỏi: Em có người yêu chưa? Điều đó càng chứng tỏ vốn sống phong phú của Cô. Cô nghiêm khắc, sống chuẩn mực, có nguyên tắc, song cũng rất dạt dào tình cảm. Cho đến mãi sau này, cái bàn đó vẫn là nơi tôi trở về bên Cô, ngồi vào và kể cho Cô nghe chuyện công tác, chuyện người yêu, chuyện chồng con,…Nhưng giờ đây, mỗi một lần ngồi vào cái bàn này, điều làm tôi xúc động hơn cả là chuyện thuộc quy luật ngàn đời - Cô giáo tôi đã già, mái tóc Cô đã bạc trắng.

Đối với tôi, Cô vừa là cô giáo, vừa là người mẹ hiền. Thời gian có qua đi với bao sự đổi thay, tôi vẫn nhớ mãi tấm lòng của Cô giáo và sự quan tâm của Cô cả về vật chất lẫn tinh thần. Tôi làm sao quên được những món quà mà cô đã tặng cho tôi bằng cả một tấm lòng. Cô thường bảo “một nắm khi đói bằng một gói khi no”, vì vậy quà cô tặng có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Cô tặng tôi chiếc áo mới để mặc vào ngày lĩnh thưởng cuối năm học. Cô tặng tôi số tiền ngót bằng một tháng lương để tôi mua xe đạp đi học sư phạm. Quà của cô còn là lộ phí cho cô sinh viên mới ra trường, vừa nhận việc lại tiếp tục đi học đại học bằng hai ở một nơi rất xa, cách làng quê gần hai ngàn cây số. Còn quà của tôi là gì? Chỉ một lần tôi tặng cô chiếc áo ấm nhưng bị cô mắng rất nhiều và suýt chút thì không nhận, cô bảo đây là lần đầu tiên cũng như lần cuối cùng. Từ đó, tôi lại càng hiểu rõ việc tôi đã từng chứng kiến, ngày 20/11 học trò chỉ mang hoa hồng đến tặng cho Cô.

Sắp đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày để những người làm thầy được tôn vinh, em rất nhớ về Cô - Cô giáo kính yêu của em. Trong bài viết này, em không viết tên Cô, cũng không viết tên em nhưng khi đọc được những dòng chữ này Cô và em sẽ tìm gặp được nhau. Xin Cô cho em nói lời cảm ơn công ơn dạy dỗ của Cô, cảm ơn những điều từ cuộc sống của Cô đã cho em bài học “làm người”./.

Tin khác