Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ năm, 28 Tháng 3, 2024 - 23:32

Nghề giáo - Để nghề thực sự là nghề

Thạc sĩ Nguyễn Thị Yến
                                                           Trưởng khoa Dân vận

Đề cập đến giá trị cao quý của nghề giáo, được xã hội xem là nghề trồng người, có nhiều danh nhân, văn hóa, nhân sĩ trí thức và cả những người bình dân nhất cũng thấy rõ điều đó, họ đã để lại những câu nói rất hay về một nghề được xã hội tôn vinh. Theo Jan.Amos.Comexki là một nhà giáo dục vĩ đại người Séc (Tiệp Khắc) cho rằng: “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”;  Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Là một nghề được xã hội tôn vinh cho nên đội ngũ thầy, cô giáo làm nghề này phải làm sao cho giá trị của nghề ngày càng được giữ vững, được xã hội khẳng định và mãi mãi được tôn trọng.

Là một giảng viên của môi trường trường chính trị, tôi rất tâm đắc với nghề mình đã chọn, xem đây là cái nghiệp mình đã gắn bó gần suốt cuộc đời. Luận về chữ nghề và nghiệp, tôi xin giới thiệu qua một số ý kiến của một số người từng là nhà giáo.

Với  thầy giáo Phan Duy Nghĩa (Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho rằng: Nghề là nói đến sự hiểu biết và kỹ năng chuyên sâu về một lĩnh vực chuyên môn nào đó. Còn “nghiệp” hiểu theo nghĩa thông thường chính là “duyên nợ” với một nghề mà mình đã tự nguyện lựa chọn và đeo đuổi suốt cả cuộc đời .

Giáo sư. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng cho rằng: Nghề thầy không chỉ là nghề mà còn là một nghiệp, chữ nghiệp cao hơn chữ nghề rất nhiều, nếu như chữ nghề của người thầy là những người chở đò lý tưởng, những người để lại mãi mãi dấu ấn cho các thế hệ học sinh của mình những điều tốt đẹp nhất, hay nhất, là trí tuệ, là tri thức của nhân loại thì chữ nghiệp mà người thầy đa mang sẽ rất nặng nề vì bản thân họ phải góp phần đào tạo ra những trí thức vừa có tài, vừa có đức, người thầy phải nỗ lực quên mình vì “sự nghiệp trồng người”.  

Trong thực tế, người có nghề phải có chuyên môn đây là một lĩnh vực lao động sản xuất hẹp mà ở đó con người bằng năng lực thể chất và tinh thần của mình làm ra những giá trị vật chất hoặc giá trị tinh thần với tư cách là những phương tiện sinh tồn và phát triển của xã hội. Với nghề giáo cũng vậy, chuyên môn của họ là những kiến thức chuyên sâu, những kỹ năng phù hợp, phong cách tác phong chuẩn mực gắn với môi trường và đối tượng hoạt động là giáo dục và đào tạo. Nghề giáo là công việc vô cùng tinh tế, giàu sức sáng tạo, tràn đầy cảm hứng, nó được xác định bởi các yếu tố:

a. Về đối tượng: Trước hết họ là những con người có nhận thức, suy nghĩ, có những mong đợi, nhu cầu muốn được thỏa mãn từ kiến thức được dung nạp qua các buổi học mà chính những người thầy chạm trổ nên. Với Trường Chính trị, đối tượng học viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân ở cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn và các đơn vị tương đương); trưởng, phó phòng huyện và các ban ngành cấp tỉnh; cán bộ dự nguồn các chức danh trên. Đây là lực lượng thực hiện nhiệm vụ gắn trực tiếp với địa phương, đơn vị, họ rất cần những kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, về các kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết. Với người giảng viên của Trường Chính trị phải xác định đúng đối tượng để khi truyền đạt kiến thức sẽ đáp ứng nhu cầu học tập của học viên.

b. Về sản phẩm lao động: Sản phẩm của ngành sư phạm là những con người phát triển toàn diện về năng lực và phẩm chất, họ là những con người, là tương lai của cả dân tộc, đất nước. Với học viên của môi trường trường chính trị là đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, họ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là những người trực tiếp tổ chức và  thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, họ còn là những người gần dân, sát dân và chăm lo mọi mặt đời sống nhân dân đồng thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của nhân dân. 

c. Tính ổn định, bền vững: Một trong các lĩnh vực mà bất cứ quốc gia nào cũng quan tâm thực hiện và đầu tư đó là giáo dục. V.I.Lênin chỉ rõ: Không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội”; Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu; vì vậy mỗi quốc gia dù hoàn cảnh của đất nước như thế nào thì giáo dục và đào tạo vẫn luôn là một trong lĩnh vực thiết yếu, trọng điểm cần phát triển đầu tiên và không ngừng lớn mạnh. Giáo dục góp phần đào tạo nên những người có tâm, có tầm để đưa đất nước phát triển bắt kịp với thế giới. Với trường Chính trị, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có tâm, có tầm, vừa hồng, vừa chuyên là một nhiệm vụ rất quan trọng, trong đó “hồng” của người cán bộ cơ sở là tư tưởng, là đạo đức, nhân cách, lối sống,…“chuyên” là chuyên môn, vốn sống, là tri thức, nghiệp vụ,…giữa hồng và chuyên gắn bó chặt chẽ với nhau nhằm phát triển người cán bộ toàn diện.

d. Vị trí, vai trò của nhà giáo trong xã hội. Nghề giáo là một nghề đặc biệt, đối tượng lao động của người thầy chính là nhân cách, tâm hồn và thể chất con người; công cụ lao động của nghề dạy học, chủ yếu là bằng bản thân, là toàn bộ nhân cách của người thầy; phương pháp lao động của người thầy là phương pháp nêu gương, cảm hoá đối tượng bằng tư tưởng, tình cảm của mình… để tạo ra những “sản phẩm” đặc biệt - là những con người có ý thức, biết vận dụng tri thức, kỹ năng  được đào tạo, được thực hành hiệu quả nhất tại vị trí làm việc của mình. Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục. Giáo viên được đặt ra dưới góc độ năng lực, phẩm chất, điều kiện sống, điều kiện làm việc. Người Việt Nam có truyền thống tôn sư, trọng đạo: “muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”… Trong nghề dạy học, người thầy với tư cách mô phạm phải biết giữ mình cho trong sáng về phẩm chất, đạo đức, nhân cách; phải không ngừng luyện rèn, dung nạp những kiến thức chuyên môn, kỹ năng sư phạm để nâng cao hơn chất lượng giảng dạy của mình. Có được điều này, rất cần người thầy phải có sự đam mê nghề mình đã được đào tạo, nghiệp mình đang theo.

Với môi trường trường chính trị, người thầy không đơn thuần chỉ truyền đạt kiến thức mà quan trọng hơn là phải tạo ra những người học có khả năng sáng tạo, khả năng tự thích nghi với mọi hoàn cảnh. Đạt được điều này, người học phải nắm những điều bản chất nhất, những cái cơ bản nhất trong những bài giảng trên lớp. Với người Thầy, phải là một điển hình tốt về tinh thần tự học, tự vươn lên, một tấm gương sáng ngời về đạo đức, về nhân cách. Đối với học viên, phải chú tâm vào kỹ năng, nghiệp vụ, những vấn đề đã và đang đặt ra ở cơ sở mà học viên là những cán bộ cấp xã đang phải đối mặt, phải thực hiện thật hiệu quả, được nhân dân địa phương ủng hộ, đồng tình. Như vậy, để người thầy thực sự là thầy, đòi hỏi người thầy phải có nghề và nghề thực sự là nghề.

Trong môi trường trường chính trị, để nghề thực sự là nghề không đơn giản, vì bản thân người thầy khi đứng trên bục giảng truyền thụ kiến thức cho người học sẽ không thể thành công để “đổ vừa khuôn” cho từng học viên trên lớp. Nguyên nhân cơ bản vì đối tượng học viên không giống nhau về trình độ, tâm lý, điều kiện, hoàn cảnh, mỗi người đều có “gót chân Asin”, Do vậy người giáo viên dù cố gắng đến thế nào cũng không bao giờ hiểu hết được học viên của mình, song điều cần thiết phải thực hiện được đó là phải đóng tròn vai của người thầy, đây là điều không hề đơn giản. Ví dụ, khi truyền thụ kiến thức cho học viên. Chúng ta thấy rằng mỗi ngày, ta đang đứng giữa và phải đối phó với rất nhiều các yếu tố đang không ngừng chuyển động, đổi khác, mâu thuẫn,…trong đó có tri thức mà chúng ta muốn truyền cho học viên của mình mỗi ngày cũng một khác. Từ đó, ngoài việc đảm bảo kiến thức chuyên môn, người thầy phải luôn cập nhật kiến thức, phải nói đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; phải có bản lĩnh, đủ kiến thức sâu rộng, đủ thông tin, khả năng giải thích những vấn đề mà học viên chưa rõ, còn vướng mắc thậm chí chưa đồng tình…Người thầy khi giảng dạy rất cần sự sáng tạo, linh hoạt, có kinh nghiệm xử lý tình huống khi đứng lớp. Nếu thiếu những điều này, người thầy sẽ biến mình thành cái máy giảng bài biết đi, không khí lớp học sẽ phẳng lặng im ắng bởi phương pháp một chiều “độc giảng” diễn ra. Đây là điều không nên vì vô tình chúng ta là một “barie” cản trở sự sáng tạo của người học, một giáo viên muốn thật sự có nghề không nên tự nhốt chặt mình bằng cách không chịu tiếp thu những kiến thức mới, không chịu hiểu thế giới đang không ngừng chuyển động còn mình cứ mãi đứng im, thậm chí thích công kích hoặc cản trở những người luôn đầu tư không ngừng cho nghiệp vụ chuyên môn mà với họ đó là niềm vui, là đam mê, là cái tâm trong nghề họ đang theo đuổi.

Người thầy giáo có nghề phải biết trăn trở, biết day dứt những gì mình không đáp ứng được nhu cầu người học trên lớp, không tạo được cảm hứng cho họ khi họ là những đối tượng đang mong mõi được tiếp thu những cái hay, cái mới. Trong vô vàn nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là người thầy bị thiếu hụt kiến thức, đang có khoảng cách với người học, bản thân thiếu sáng tạo trong giảng dạy. …Qua thời gian công tác trong môi trường trường chính trị, tôi nghiệm ra một điều: Ngoài những yêu cầu, kỹ năng cần thiết, nghề giáo rất cần sự sáng tạo. Đây là một nghề lao động bằng trí óc, bằng chất xám để họ chạm trổ những con người, là những học viên của trường ngày càng đẹp hơn về nhân cách, tri thức, niềm tin, đạo đức, là những người có lương tâm, hoài bão, ước mơ để qua thời gian học tập ở trường, khi về địa phương công tác, họ thực sự xứng đáng là cán bộ tin yêu của dân.

Như vậy để nghề giáo - nghề thực sự là nghề đòi hỏi chữ “tâm” trong nghề của mỗi người làm thầy không ngừng được trau chuốt và chữ nghề ngày càng lung linh, sáng giá. Với tôi, nếu ai hỏi: “Nếu được chọn nghề lần nữa, bạn chọn nghề gì? Không đắn đo, suy nghĩ, tôi sẽ mĩm cười nói rằng: Nghề giáo”./.

Tin khác