Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 19:18

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giảng dạy lý luận chính trị, trọng tâm là giảng dạy Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh tại Trường Chính trị Bến Tre

Công tác giảng dạy lý luận chính trị là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng lý luận của Đảng, thông qua công tác giảng dạy lý luận chính trị giúp từng bước nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, giữ vững bản lĩnh chính trị, lập trường giai cấp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở.

Xác định được vị trí và tầm quan trọng như vậy nên trong những năm qua Trường Chính trị Bến Tre rất quan tâm và thực hiện tốt công tác giảng dạy lý luận chính trị.

I. KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ, TRỌNG TÂM LÀ GIẢNG DẠY CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN VÀ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Việc giảng dạy, học tập các môn khoa học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh càng trở nên cấp bách trong giai đoạn hiện nay, khi mà các thế lực thù địch đang đẩy mạnh phá hoại ta về mọi mặt bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”. Tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là cơ sở để cán bộ, đảng viên định hướng và xử lý các tình huống chính trị trong thực tiễn công tác và trong đời sống.

Trong những năm qua, trình độ, kinh nghiệm giảng dạy của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị được nâng lên, 100% giảng viên của trường đều có trình độ đại học, trong đó gần 60% đã đạt trình độ thạc sĩ. Đội ngũ giảng viên của trường có bản lĩnh chính trị trong quá trình thực hành giảng dạy, tự tin trong xử lý kỹ năng sư phạm.

Nội dung, chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính đã được đổi mới theo hướng “cơ bản, thiết thực, gắn với thực tiễn” công tác ở cơ sở, tăng cường kiến thức về kỹ năng lãnh đạo, quản lý (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở hệ trung cấp lý luận chính trị - hành chính, năm 2009).

Nhà trường thực hiện phương châm lý luận liên hệ với thực tiễn, gắn lý thuyết với thực hành; gắn việc học tập lý luận ở trường với đời sống xã hội, thực tiễn công tác ở cơ sở; liên hệ, vận dụng lý luận với thực tiễn lãnh đạo, quản lý ở địa phương; gắn học tập với rèn luyện tư cách đạo đức của người cán bộ. Trong khóa học, học viên có 3 lần đi nghiên cứu thực tế và viết báo cáo thực tế (sau khi kết thúc phần học lý luận cơ bản, phần học nhà nước - pháp luật, khoa học hành chính và viết tiểu luận tốt nghiệp).

100% giảng viên của trường đã được bồi dưỡng phương pháp dạy học tích cực và đã áp dụng phương pháp dạy học tích cực (kết hợp thuyết trình, phỏng vấn nhanh, thảo luận nhóm, sàng lọc, chuyên gia, tình huống…) phát huy tính tự giác, chủ động học tập của học viên trên cơ sở hướng dẫn gợi mở của giảng viên; tăng cường thảo luận, liên hệ, vận dụng những kiến thức đã học với việc giải quyết các tình huống trong lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, làm tốt các bài tập thực hành về kỹ năng, nghiệp vụ công tác; tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế và viết tiểu luận cuối khóa.

Tình hình học tập và rèn luyện của học viên chấp hành nghiêm các quy định, quy chế đào tạo, kết quả học tập đạt 100%, trong đó tỉ lệ khá, giỏi chiếm khoảng 40%.

Nhà trường tổ chức thao giảng, dự giờ cấp khoa, cấp trường và dự giờ của Ban Giám hiệu, cử giảng viên dự hội thi giảng viên dạy giỏi do Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức 2 năm/lần, qua đó nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên cũng như tạo điều kiện để giảng viên trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.

Tóm lại, công tác giảng dạy lý luận chính trị của trường đã bám sát nhiệm vụ, mục tiêu đào tạo, coi trọng nâng cao chất lượng, thực hiện đa dạng hóa hình thức đào tạo (tập trung, vừa làm vừa học); từng bước đổi mới nội dung, chương trình theo hướng thiết thực, hiệu quả, phương pháp giảng dạy và học tập bước đầu được đổi mới, gắn lý luận với thực tiễn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu học tập lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên cơ sở.

II. GIẢI PHÁP TIẾP TỤC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY VÀ HỌC TẬP CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN VÀ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG THỜI GIAN TỚI

Chất lượng giảng dạy lý luận chính trị của nhà trường thời gian qua có nâng lên. Tuy nhiên, hoạt động của trường còn một số hạn chế trong công tác quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học của giảng viên, trong học tập và rèn luyện của học viên.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời gian tới, Trường Chính trị Bến Tre phải tập trung thực hiện tốt và đồng bộ các giải pháp:

1. Biên soạn lại một số bài giảng vận dụng Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào chương trình đào tạo Trung cấp LLCT-HC

Nhà trường tổ chức biên soạn lại bài giảng vận dụng Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính (có 56/123 bài giảng). Đồng thời trong giảng dạy, giảng viên phải vận dụng Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa IX và các nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy Bến Tre vào bài giảng có liên quan.

2. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên là nhiệm vụ trung tâm, then chốt của nhà trường

Đảng ủy, Ban Giám hiệu cần quan tâm tuyển dụng mới, bổ sung đủ số lượng giảng viên chiếm 2/3 tổng biên chế; tiếp tục đưa giảng viên đi đào tạo sau đại học,  phấn đấu đến năm 2015, có 80% giảng viên đạt chuẩn cao cấp lý luận chính trị - hành chính và chuyên môn từ thạc sĩ trở lên.

Cùng với nhiệm vụ giảng dạy nhà trường tổ chức hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt khoa học nhằm trao đổi, thảo luận làm sáng tỏ những vấn đề từ thực tiễn, bổ sung lý luận và đề xuất cho lãnh đạo tỉnh những chính sách, giải pháp trong công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tóm lại, đội ngũ giảng viên của trường phải đạt chuẩn về nhận thức chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất, đạo đức, lối sống để truyền thụ kiến thức, là cán bộ tuyên truyền của Đảng và là tấm gương sáng cho học viên.

3. Đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng phương pháp dạy học tích cực vào quá trình dạy học chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận, nâng cao chất lượng giảng dạy là nhiệm vụ quan trọng góp phần đổi mới công tác lý luận của Đảng ta. Vì trong công cuộc đổi mới hiện nay, lý luận là cơ sở cho sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và trong xã hội, làm cơ sở cho việc xây dựng chủ trương, đường lối chính trị của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là công cụ, phương pháp luận và luận cứ khoa học hàng đầu giúp cho Đảng ta thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Từ nhiệm vụ giảng dạy của phần học lý luận chính trị, để gắn lý luận với thực tiễn, giảng viên phải biết khai thác và giúp học viên hiểu và vận dụng lý luận vào lĩnh vực công tác ở hệ thống chính trị cơ sở. Ngược lại, từ thực tế sát thực, sinh động ở cơ sở làm ví dụ minh họa cho các nội dung trong bài giảng ở các phần học.

Lý luận được tổng kết từ thực tiễn, thông qua giáo dục tới người học vận dụng vào thực tiễn, trở về với thực tiễn, đi vào cuộc sống, đó là những hoạt động cụ thể, thiết thực.

Khi giảng phần nghiệp vụ công tác Đảng, công tác dân vận, khoa học hành chính, giảng viên giúp học viên làm quen với nghiệp vụ công tác Đảng, đoàn thể,…học đi đôi với hành, thực hành ngay trên lớp, học viên nhớ lâu, thành thạo một số kỹ năng cần thiết, khi trở về cơ sở công tác học viên có thể vận dụng trong hoạt động thực tiễn.

Khi tổ chức thảo luận, xêmina, giảng viên cần phải định hướng, hướng dẫn học viên liên hệ với bản thân, với cơ quan, đơn vị mình đang công tác trong việc chấp hành chủ trương, đường lối, pháp luật và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức cơ sở Đảng cũng như nhiệm vụ của mỗi đảng viên.

4. Ban Giám hiệu tập trung làm tốt công tác quản lý, điều hành quá trình dạy học

Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nội dung, chương trình, giảng dạy, quy trình, quy chế đào tạo, đánh giá chất lượng đào tạo, khảo sát hiệu quả sau đào tạo.

5. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý cán bộ học viên  trong quá trình đào tạo và sau đào tạo

Định kỳ 3 tháng, 6 tháng thông báo kết quả học tập và rèn luyện của học viên về các Ban Tổ chức Huyện ủy, Thành ủy để phối hợp quản lý tốt việc học tập và rèn luyện của học viên.

Sau khi học viên ra trường trở về địa phương, cơ sở công tác, nhà trường tổ chức khảo sát hiệu quả sau đào tạo và những nhu cầu cập nhật thông tin, bồi dưỡng chức danh để cải tiến nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo.

Tóm lại, để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời gian tới có nhiều việc phải làm, song việc trước hết cần nâng cao nhận thức về công tác giảng dạy lý luận chính trị đồng thời đổi mới mạnh mẽ phương pháp thực hiện. Đây là khâu quan trọng góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác giảng dạy lý luận chính trị./.

Thạc sĩ Trần Trung Dung
                                                                           Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị

Tin khác