Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ năm, 25 Tháng 4, 2024 - 01:25

Một vài suy nghĩ sau khi tham dự “Lớp bồi dưỡng phương pháp giảng dạy lý luận chính trị” ở Trường Chính trị Bến Tre

Nguyễn Thị Mai Trâm
Tập sự giảng viên Khoa Dân vận

Trong tháng 11 năm 2016, Trường Chính trị phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy mở lớp Bồi dưỡng phương pháp giảng dạy lý luận chính trị cho giáo viên Trung tâm Bồi dưỡng chính trị  huyện, thành phố Bến Tre.

Là tập sự giảng viên của Trường Chính trị được tham dự lớp bồi dưỡng phương pháp giảng dạy lý luận chính trị đã giúp tôi có những kiến thức cơ bản và bài học bổ ích về kiến thức chuyên môn cũng như phương pháp giảng dạy của một người giảng viên.

Ngoài sự tâm huyết, nhiệt tình, phong cách, ngữ điệu, sự ngưng giọng để tạo sự diễn cảm của lời nói, cử chỉ, điệu bộ làm thuyết phục được người nghe, có trách nhiệm với công việc được giao. Tôi học hỏi được rằng, để trở thành người giảng viên của Trường Chính trị, để đem lại những tiết giảng sinh động, có hiệu quả cho người học thì giảng viên phải có một phương pháp giảng dạy thật tốt. Tôi nghĩ rằng, trong giảng dạy người giảng viên có thể sử dụng nhiều phương pháp, cả những phương pháp truyền thống lẫn những phương pháp hiện đại. Phương pháp giảng dạy, theo nghĩa chung nhất, đó là cách thức hoạt động, tác động giữa người dạy (chủ thể dạy - người thầy) trực tiếp hoặc gián tiếp với người học (vừa là đối tượng của giảng dạy, vừa là chủ thể học, tự học) cùng nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung giảng dạy. Với tư cách của một người tập sự vừa vào nghề phải học hỏi nhiều kinh nghiệm, kiến thức từ thầy, cô, anh chị đồng nghiệp tôi xin nêu một vài suy nghĩ của bản thân qua những buổi tham dự.

 Qua những buổi tham dự tôi rút ra được những bài học căn bản về phương pháp giảng dạy:

Thứ nhất, giảng viên cần tìm hiểu sơ lược về đối tượng mà mình giảng dạy. Cũng như, giảng viên cần nắm được đối tượng học viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy. Khi được khoa, trường phân công đến giảng dạy tại một lớp nào đó, giảng viên cần có sự liên hệ với phòng đào tạo của trường hoặc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện để tìm hiểu và nắm được cụ thể đối tượng của lớp học, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy để giảng viên chủ động có kế hoạch cho từng bài giảng, tiết giảng sẽ sử dụng những phương pháp nào, thiết bị gì cho phù hợp thì sẽ đạt được hiệu quả cao.

Từ đó, nắm được đối tượng học viên sẽ giúp cho giảng viên chủ động phối hợp các phương pháp và sử dụng thiết bị dạy học phù hợp để đạt hiệu quả tối ưu.

Thứ hai, giảng viên nghiên cứu giáo trình, nội dung bài giảng và tìm những thông tin, ví dụ, dẫn chứng có liên quan. Yêu cầu người dạy nắm chắc nội dung và chuyển hoá nội dung theo cách hiểu của mình, cách diễn đạt của mình mới tạo điều kiện để khi lên bục giảng thoát ly được giáo án và trình bày các vấn đề một cách lôgíc. Nhưng muốn có thông tin, người dạy cần có quá trình tích luỹ và nên ghi vào sổ những thông tin đã từng được đọc, nghe và chứng kiến rồi lựa chọn liên kết với nội dung dạy. 

Thứ ba, để thiết kế bài giảng, giảng viên cần soạn giáo án hoàn chỉnh trước khi lên lớp. Khi soạn giáo án điều quan trọng nhất là người dạy phải dự kiến được các tình huống dạy học có thể xảy ra và nên đưa một hệ thống câu hỏi trong đó có câu hỏi chính và câu hỏi gợi mở để dẫn dắt.

Thứ tư, một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với giảng viên lý luận chính trị là phải sử dụng các phương tiện kỹ thuật trong nghiên cứu và giảng dạy. Các phương tiện đó bao gồm: Vi tính, radio, ghi âm, video, máy chiếu…Các phương tiện này nhằm bổ sung và làm phong phú thêm cho những nội dung của bài giảng; thay đổi cách học và phương pháp học, tạo sự hứng thú, kích thích tìm tòi, đi sâu nghiên cứu và học tập của học viên, làm cho học viên phát huy được tính chủ động, sáng tạo nhằm thay đổi phương pháp dạy chay, học chay. Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ hiện đại, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, giảng viên phải sử dụng thành thạo vi tính. Đây là một trong những phương tiện hỗ trợ đắc lực, có hiệu quả cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên.

Vi tính giúp cho giảng viên soạn bài giảng Powerpoint, giới thiệu giáo trình, tài liệu tham khảo, hình ảnh hay phim tài liệu minh họa tạo nên sự hứng thú, sinh động.

Trong những buổi tham dự các tiết giảng tôi học được cách áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào các tiết giảng, thầy, cô đã đem các đoạn phim tài liệu, hình ảnh, sử dụng Powerpoint thành thạo vẽ các sơ đồ…để tạo sự sinh động cho tiết giảng và tạo cho các học viên dễ nhớ, dễ hệ thống được bài học.

Thứ năm, giảng dạy các môn lý luận chính trị cần liên hệ với thực tiễn, gắn liền lý luận với thực tiễn. Bài giảng muốn sinh động giàu sức thuyết phục, giảng viên cần phải liên hệ với thực tiễn của thế giới, của đất nước, của địa phương, của bản thân mỗi học viên, có thể giảng viên tự liên hệ trong bài giảng và chỉ cho học viên thấy rõ điều đó được thể hiện trong thực tế cuộc sống và công tác. Về thực tiễn, do học viên Trường Chính trị vô cùng phong phú từ cán bộ cấp xã, công chức ngành huyện, tỉnh, vì thế giảng viên có thể gợi mở, đàm thoại với học viên, dẫn ra những thực tiễn của địa phương, đất nước hay cá nhân và từ đó khái quát làm sáng tỏ về mặt lý luận.

Bên cạnh tiếp nhận được những phương pháp dạy học, tôi còn tiếp nhận được rằng, ngoài việc người giảng viên có những phương pháp tốt để dạy những tiết giảng sinh động đem bài học hay cho học viên thì người giảng viên cần có đầy đủ những tiêu chí:

Trước tiên, có tình yêu, tâm huyết với “ngành - nghề”

Tâm huyết của người giảng viên chính là lòng nhiệt tình của mình đối với công việc giảng dạy, nó xuất phát từ cái tâm của người giảng viên, đòi hỏi phải có tình cảm, nguyện vọng tha thiết và chân thành của người giảng với công việc mà mình thật sự yêu thích đó là dạy học. Người giảng viên có tâm huyết với nghề sẽ tự tìm tòi, lượm lặt, chắt chiu, sàng lọc những kiến thức để phục vụ cho bài giảng của mình qua từng đối tượng học viên.

Thứ hai, có phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng

Bất cứ người giảng viên giảng dạy môn khoa học nào đều phải có phẩm chất chính trị. Đối với giảng viên Trường chính trị thì yếu tố này càng trở nên quan trọng hơn, bởi lẽ đối tượng giảng dạy của họ chính là những cán bộ, công chức của Đảng, Nhà nước. Chính vì vậy, để có thể đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho học viên thì giảng viên cần phải là một người có “phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng” thật trong sáng.

Về phẩm chất chính trị: Người giảng viên cần có sự biểu biết thật sâu sắc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng; tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu hết mình cho sự thắng lợi, sự phát triển của công cuộc đổi mới vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh,  dân chủ, công bằng, văn minh” hết lòng, hết sức phục vụ cho sự nghiệp của Đảng, của Tổ quốc và nhân dân. Thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, kỷ cương, kỷ luật; ra sức học tập, rèn luyện không ngừng nâng cao trình độ, năng lực công tác, giữ gìn lối sống trong sạch và lành mạnh.

Về đạo đức cách mạng: Người giảng viên cần phải có đạo đức cách mạng thật trong sáng. Người giảng viên ở Trường Chính trị có đạo đức cách mạng được thể hiện rất rõ qua những tiết giảng hàng ngày, qua sự mê say với công việc, tìm tòi và nghiên cứu để có những tiết giảng đầy thuyết phục; tự phê bình và phê bình để phát huy ngày càng cao những ưu điểm và sửa chữa những khuyết điểm của chính bản thân; sự đam mê nghiên cứu khoa học; sự lao động sáng tạo quên đi mệt mỏi để phục vụ cho sự nghiệp giáo dục của Đảng; sự khiêm tốn, thật thà, giản dị của một nhà giáo; sự tôn trọng, quý mến học viên của những nhà giáo có đạo đức cách mạng thật trong sáng.

Thứ ba, có kiến thức lý luận chính trị và có kiến thức khoa học chuyên sâu

Về kiến thức lý luận chính trị: Theo quy chế giảng viên Trường Chính trị Bến Tre, ban hành kèm theo Quyết định số 63/QĐ-TCT ngày 01 tháng 9 năm 2016, của Hiệu trưởng Trường Chính trị Bến Tre, để trở thành một giảng viên Trường Chính trị thì bản thân người giảng viên phải là một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, có bằng tốt nghiệp đại học hệ tập trung, xếp loại khá trở lên phù hợp với chuyên môn giảng dạy. Có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hoặc phương pháp dạy học tích cực; giảng dạy đạt yêu cầu trở lên các bài trong phần học của chương trình đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường do khoa phân công. Có khả năng nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn; có bằng tốt nghiệp hoặc chứng nhận tương đương trung cấp lý luận chính trị hoặc trung cấp lý luận chính trị - hành chính trở lên; có trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A 2) trở lên hoặc tương đương theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT về trình độ tin học ngày 13/01/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đối tượng giảng dạy của giảng viên Trường Chính trị là cán bộ, công chức của Đảng, Nhà nước cấp cơ sở. Vì vậy,  giảng viên cần có kiến thức về lý luận chính trị thể hiện ở sự hiểu biết một cách sâu sắc về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Ở đây, người giảng viên không phải hiểu biết kiến thức lý luận theo lối rập khuôn, máy móc mà phải nắm cái tinh thần, cái bản chất của lý luận chính trị để từ đó vận dụng một cách khoa học vào bài giảng của mình.

Về tri thức khoa học: Tri thức khoa học được hiểu là những hiểu biết được tích lũy một cách có hệ thống nhờ hoạt động nghiên cứu khoa học, các họat động này có mục tiêu xác định và sử dụng phương pháp khoa học. Tri thức khoa học dựa trên kết quả quan sát, thu thập được qua những thí nghiệm và qua các sự kiện xảy ra ngẫu nhiên trong hoạt động xã hội, trong tự nhiên. Người giảng viên cần phải có tri thức khoa học chuyên sâu để có những kiến thức khoa học nhất định, để bổ trợ và phục vụ cho bài giảng của mình. Người giảng viên cần có trình độ, kiến thức sâu để người giảng viên có thể giải quyết được những vấn đề mà học viên chưa rõ, đồng thời qua đó cũng nâng cao uy tín cho nhà trường.

Thứ tư, người giảng viên phải là một nhà nghiên cứu khoa học

Người giảng viên ngoài khả năng giảng dạy cần phải hoàn thiện trên nhiều mặt, đặc biệt cần tham gia và đầu tư nghiên cứu khoa học.

Nghiên cứu khoa học là một họat động tìm kiếm, xem xét, điều tra, hoặc thử nghiệm. Dựa trên những số liệu, tài liệu, kiến thức…đạt được từ các thí nghiệm nghiên cứu khoa học để phát hiện ra những cái mới về bản chất sự vật, về thế giới tự nhiên và xã hội, và để sáng tạo phương pháp và phương tiện kỹ thuật mới cao hơn, giá trị hơn. Muốn làm nghiên cứu khoa học phải có kiến thức nhất định về lĩnh vực nghiên cứu và cái chính là phải rèn luyện cách làm việc tự lực, có phương pháp.

Đối với mỗi người giảng viên Trường Chính trị, ngoài thời gian lên lớp nên thực hiện hoạt động nghiên cứu về các vấn đề thực tiễn xảy ra trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, của địa phương... Để có được một bài giảng hay và thuyết phục học viên thì buộc người giảng viên phải kiên trì, không ngừng vươn lên trước những khó khăn trong quá trình nghiên cứu, khám phá bí ẩn của tự nhiên, xã hội và tư duy. Từ đó, lấy kết quả của quá trình nghiên cứu khoa học đưa vào bài giảng của mình giúp bài giảng sinh động, thực tế hơn.

Thứ năm, có kỹ năng sư phạm

Một vấn đề quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ giáo dục của người giảng viên đó là “kỹ năng sư phạm”. Kỹ năng sư phạm, một phần là do bẩm sinh, nhưng chủ yếu do sự khổ công rèn luyện để ngày càng hoàn hảo hơn. Muốn trở thành người giảng viên giảng dạy tốt, không thể thiếu kỹ năng sư phạm. Để rèn luyện kỹ năng sư phạm, bản thân mỗi giảng viên cần phải làm tốt các công việc như sau:

+ Xác định nhu cầu của học viên: Việc đầu tiên mà giảng viên cần chú ý trong kỹ năng sư phạm của mình chính là hiểu rõ nhu cầu của từng học viên khác nhau, cần có sự cân nhắc thực tế và lựa chọn những hành động thích hợp để có thể giảng dạy được hiệu quả và thuận tiện nhất. Bên cạnh đó mỗi giảng viên cũng cần phải xác định rõ được điểm mạnh, điểm yếu, bản chất và mong muốn của từng học viên để từ đó có thể xây dựng được những phương pháp giáo dục, những bài giảng chất lượng nhất và truyền đạt bằng phương thức thích hợp nhất.

+ Định hướng nguyên tắc học tập cho học viên: Chú ý hướng học viên tích cực hơn trong học tập; hướng dẫn học viên tìm hiểu bài học trong những tài liệu ôn tập cụ thể; khảo sát thực tế, vận dụng tối đa những thế mạnh của bản thân và chú ý đến ý kiến phản hồi của người khác để có thể hoàn thiện bài học của mình được tốt nhất.

+ Lập sẵn giáo án ở nhà: Để nghiệp vụ sư phạm hiệu quả, trước mỗi bài giảng,  giảng viên cần phải chú ý lập sẵn giáo án ở nhà để có thể chuẩn bị bài giảng của mình được hoàn hảo nhất, xây dựng giáo án một cách hiệu quả và chất lượng, chú ý trong giáo án cũng cần có những chú thích để có thể tìm phương pháp giảng dạy khác nhau cho từng đối tượng học viên.

+ Linh hoạt xử lý các tình huống phát sinh: Trong giờ học thường có một số tình huống bất ngờ phát sinh, chính vì vậy việc giải quyết linh hoạt những tình huống phát sinh cũng được xem là một trong những kỹ năng giảng dạy cần thiết của mỗi giảng viên. Muốn xử lý tốt các tình huống đòi hỏi người giảng viên phải có một kiến thức vững vàng và thật tự tin khi đứng trên lớp.

Vì vậy, người giảng viên đóng vai trò quan trọng và mang ý nghĩa quyết định. Họ không chỉ là người cung cấp kiến thức mà còn là người hướng dẫn, định hướng tư tưởng, tạo nền tảng, tư tưởng cho học viên. Vậy nên, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, giảng viên Trường Chính trị phải có lập trường chính trị vững vàng, có tâm huyết với nghề, được đào tạo môt cách cơ bản về chuyên ngành; có kiến thức sâu, rộng và chắc. Người giảng viên Trường Chính trị là những nhà sư phạm đồng thời phải là một nhà khoa học giỏi, phải thật sự là một tấm gương mẫu mực./.

 

Tin khác