Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ năm, 28 Tháng 3, 2024 - 15:22

Một số kinh nghiệm rút ra từ công tác tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý

Nguyễn Thị Hiền
Phó Trưởng phòng Đào tạo

Thực hiện theo Quy định số 164-QĐ/TW ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị (khoá XI) về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Từ tháng 6/2014, được sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trường Chính trị Bến Tre đã tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh.

 Đối với lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ nguồn của Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 và những năm tiếp theo, Bến Tre đã tổ chức được 02 lớp với 158 học viên. Đây là lớp đầu tiên ở miền Tây Nam bộ. Đối tượng là các cán bộ được quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 và những nhiệm kỳ tiếp theo. Mục tiêu của lớp học là nhằm bổ sung, cập nhật một số vấn đề về lý luận, chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước; những kết quả nghiên cứu mới về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tình hình thế giới đương đại. Cung cấp những kiến thức hiện đại và khoa học trong công tác lãnh đạo, quản lý góp phần hình thành tầm nhìn và tư duy chiến lược cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh. Nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn và khả năng vận dụng thông qua các bài học kinh nghiệm được rút ra từ quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trang bị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý một số kỹ năng cần thiết, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý để giải quyết tốt các tình huống, các vấn đề đặt ra trong thực tiễn công tác. Ngoài ra, qua đó cũng để nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của người cán bộ lãnh đạo, quản lý theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và xây dựng ý thức trách nhiệm của người cán bộ trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Với mục tiêu đó, hầu hết giảng viên tham gia giảng dạy đều từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Công an,...có kinh nghiệm giảng dạy. Khoá học diễn ra trong thời gian 6 tuần, với tổng số 265 tiết, được kết cấu gồm 04 học phần cơ bản về hệ thống các vấn đề lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những vấn đề quốc tế; đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam; Xây dựng Đảng và Nhà nước; về khoa học lãnh đạo và quản lý; cùng các chuyên đề bổ trợ và nghiên cứu thực tế.

Cùng với việc tổ chức lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ nguồn của Tỉnh uỷ, được sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trường Chính trị Bến Tre tiếp tục tham mưu cho Tỉnh uỷ tổ chức mở lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc đối tượng 3.

 Nội dung chương trình lớp học bao gồm 8 chuyên đề chính thức và 01 chuyên để bổ trợ, với tổng số 80 tiết lên lớp và thảo luận. Lớp được tổ chức với 108 học viên theo học là những đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương trong tỉnh, kể cả các đồng chí là Uỷ viên Ban Thường vụ và Tỉnh uỷ viên đương chức.

 Sau khi kết thúc lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ nguồn của Tỉnh uỷ và lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc đối tượng 3. Trường Chính trị Bến Tre đã chủ động tham mưu cho Thường trực Tỉnh uỷ xây dựng kế hoạch phối hợp với Thường trực Huyện uỷ các huyện, thành phố Bến Tre và các Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy để tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện uỷ, Thành uỷ, Đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ quản lý. Lớp đầu tiên được tỉnh tổ chức chọn làm điểm và rút kinh nghiệm tại huyện Bình Đại với 81 đồng chí dự học là những cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý.

Trong thời gian 07 ngày, với 07 chuyên đề, lớp bồi dưỡng sẽ bổ sung, cập nhật những kiến thức mới về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng và tu dưỡng đạo đức cách mạng trong tình hình hiện nay; đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước Việt Nam hiện nay; nội dung cơ bản trong đường lối, chính sách phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay; vấn đề mới trong đường lối, chính sách phát triển văn hoá, giải quyết các vấn đề xã hội của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới; chiến lược quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới và cải cách hành chính, xây dựng đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức địa phương. Đội ngũ giảng viên, báo cáo viên là các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, lãnh đạo Trường Chính trị. Lớp học được tổ chức đảm bảo tốt nội dung từng chuyên đề và toàn bộ chương trình lớp học, vừa cung cấp kiến thức cơ bản, vừa bổ sung những kiến thức mới về lý luận và thực tiễn, phù hợp với đối tượng; đặc biệt chú trọng thảo luận, trao đổi về đạo đức, lối sống, tác phong của người cán bộ; chủ động và tích cực gắn bồi dưỡng lý luận, quan điểm, đường lối với nghiên cứu, tổng kết thực tiễn.

Nhìn chung, qua kết quả việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, với những kết quả đạt được là hết sức to lớn. Đánh giá về những kết quả đạt được cũng như những hạn chế của công tác tổ chức, mở lớp. Để tiếp tục triển khai thực hiện các lớp còn lại trong năm 2014 và những năm tiếp theo theo Quy định 164-QĐ/TW của Bộ Chính trị, bản thân xin đề xuất một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, để lớp học được tổ chức và diễn ra theo kế hoạch cần phải hình thành đội ngũ Ban Chỉ đạo và Ban Quản lý lớp nhiệt tình, trách nhiệm, theo dõi, nắm bắt sát tình hình lớp học và những vấn đề phát sinh để kịp thời giải quyết, tháo gỡ.

Thứ hai, phải có đội ngũ Ban Cán sự lớp nhiệt tình, gắn bó mật thiết với tập thể, duy trì chế độ sinh hoạt nghiêm túc, dân chủ. Trong điều hành thảo luận với tinh thần chủ động, gợi mở vấn đề gắn với lĩnh vực công tác của từng người học để điều hành thảo luận.

Thứ ba, đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, năng lực chuyên môn sâu, trong giảng dạy gợi mở nhiều vấn đề lý luận, định hướng học viên nghiên cứu gắn lý luận với thực tiễn, để học viên tham gia trao đổi, giải quyết những tình huống thực tiễn đặt ra.

Thư tư, mỗi học viên cần xác định rõ động cơ, thái độ học tập, nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Từ đó, thể hiện được tinh thần trách nhiệm cao trong việc chấp hành các quy định, quy chế lớp học, trách nhiệm với tập thể và trách nhiệm với bản thân trong suốt quá trình học tập, rèn luyện, chủ động sắp xếp việc chung, việc riêng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và nội dung của khoá học đề ra.

Tóm lại, để đào tạo được lực lượng cán bộ như mong muốn, đòi hỏi chúng ta phải thực sự công phu, vừa coi trọng đào tạo cán bộ trong thực tiễn vừa hết sức coi trọng mở các lớp đào tạo cơ bản và các lớp bồi dưỡng theo chức danh. Đây chính là cơ hội quý giá để cán bộ trau dồi kiến thức cơ bản, bổ sung cập nhật kiến thức mới về lý luận cũng như tổng hợp thực tiễn theo chuyên đề hay theo nội dung công việc, vị trí công tác của mình. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức là nhiệm vụ quan trọng vừa nhằm bổ sung kiến thức, vừa nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý để mỗi đồng chí học viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hiện tại, vừa đáp ứng được tiêu chuẩn và yêu cầu của chức danh quy hoạch, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh hiện tại cũng như trong tương lai./.

Tin khác