Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ bảy, 20 Tháng 4, 2024 - 19:13

Lấy ý kiến phản hồi từ người học - Một yêu cầu cần thiết đối với hoạt động dạy và học ở Trường Chính trị Bến Tre

Nguyễn Thị Hiền

Trưởng Phòng Đào tạo

Trường Chính trị Bến Tre là một cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật và quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong những năm qua, Ban Giám hiệu Trường Chính trị Bến Tre đã tập trung triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh nhà đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thực hiện theo chủ trương của Ủy ban nhân tỉnh về việc triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Trường Chính trị Bến Tre đã xây dựng và thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 9001:2008 trong lĩnh vực đào tạo kiến thức về lý luận chính trị và nghiên cứu khoa học, đáp ứng ổn định các yêu cầu của khách hàng (là những học viên, các tổ chức, cơ quan ban ngành trong tỉnh) và các yêu cầu của luật định. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, tập thể cán bộ, viên chức, giảng viên của Trường cam kết cải tiến thường xuyên mọi mặt hoạt động đúng theo chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm đáp ứng các yêu cầu của xã hội, đã được Trung tâm đánh giá (Quacert) chứng nhận phù hợp năm 2012.

Trong các điều khoản đã được xây dựng trong sổ tay chất lượng của bộ tiêu chuẩn ISO 9001:2008 của Trường Chính trị Bến Tre, điều khoản 8.2.1 – Sự thỏa mãn của học viên và các tổ chức liên quan. Theo yêu cầu của điều khoản này, Trường Chính trị Bến Tre tổ chức thu thập và phân tích các thông tin về sự thỏa mãn của học viên và các tổ chức liên quan, xem đó là một trong những thước đo về mức độ thực hiện hệ thống quản lý chất lượng. Sự thỏa mãn của học viên và các tổ chức liên quan có thể được đánh giá thông qua:

- Thường xuyên khảo sát ý kiến học viên và các tổ chức liên quan về công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học do cán bộ, viên chức, giảng viên của Trường thực hiện, thông qua các hình thức thích hợp như: phát phiếu khảo sát, phỏng vấn…

- Ý kiến phản hồi hoặc khiếu nại của học viên và các tổ chức liên quan về chất lượng đào tạo và cách thức, trình tự giải quyết công việc của Trường Chính trị Bến Tre.

Tuy nhiên, trong điều kiện giới hạn của việc nghiên cứu, người viết chỉ đề cập đến sự thỏa mãn của khách hàng là học viên – tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ người học. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để đổi mới quản lý, nhằm đảm bảo lợi ích của người học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học của nhà trường trong thời kỳ mới.

Tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ người học là việc làm cần thiết, góp phần thực hiện quy chế dân chủ trong trường học, là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm phục vụ người học tốt hơn. Thông qua hoạt động này để đánh giá thực trạng chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên, tinh thần thái độ phục vụ đội ngũ viên chức, người lao động về điều kiện cơ sở vật chất phục vụ, các hoạt động phục vụ cho dạy và học (phục vụ đào tạo, phục vụ tài liệu nghiên cứu và học tập…). Qua đó, xây dựng đội ngũ giảng viên, viên chức và người lao động có phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, nâng cao năng lực sư phạm và chất lượng bài giảng, đồng thời thông qua hoạt động này còn giúp cho nhà trường nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay. Về phía học viên, cũng góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện các quy chế về đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao ý thức trách nhiệm trong học tập, nghiên cứu; tạo điều kiện để người học phản ánh tâm tư, nguyện vọng, để thể hiện chính kiến về chất lượng bài giảng của giảng viên, tinh thần và thái độ phục vụ đội ngũ viên chức, người lao động.

Thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc lấy ý kiến phản hồi từ người học, trong thời gian qua Trường Chính trị Bến Tre cũng đã xây dựng phiếu tham khảo ý kiến học viên, và ngày 23/01/2015 lần đầu tiên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có văn bản hướng dẫn việc lấy ý kiến phản hồi từ người học về chất lượng bài giảng của giảng viên. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chưa mang tính đầy đủ và đúng ý nghĩa của việc lấy ý kiến phản hồi, bởi các lý do sau:

- Các phiếu tham khảo chưa mang tính toàn diện, chỉ dừng lại ở việc lấy ý kiến phản hồi từ người học về chất lượng bài giảng của giảng viên dù đó là khâu quyết định trong tất cả các khâu phục vụ đào tạo.

- Thời gian tổ chức phát phiếu chưa phù hợp, trước đây thường là phát phiếu trong thời điểm lớp học chuẩn bị thi. Do đó, người học sẽ thiếu sự tập trung, làm qua loa, đại khái.

- Một số học viên có quan niệm rằng việc lấy ý kiến chỉ là hình thức, hay né tránh nên chỉ làm cho xong việc, không đảm bảo tính khách quan.

Chính vì vậy, để đảm bảo truyền thống tôn sư trọng đạo và những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc cũng như đảm bảo đúng mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động lấy ý kiến phản hồi từ người học, tạo sự tin cậy cao, hoạt động lấy ý kiến phản hồi từ người học phải đảm bảo những yếu tố sau:

Thứ nhất, cần hoàn thiện mẫu phiếu lấy ý kiến phản hồi từ người học.

Trên cơ sở hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và điều kiện cụ thể của nhà trường, các phòng chức năng có sự phối hợp, thống nhất thiết kế lại phiếu tham khảo mang tính toàn diện hơn, trong đó phải đáp ứng các yêu cầu về đánh giá chất lượng bài giảng của giảng viên, tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ viên chức, người lao động đối với các hoạt động phục vụ đào tạo, về điều kiện cơ sở vật chất… có thể thông qua các dạng câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng và ý kiến khác ở cuối mỗi phiếu.

Thứ hai, cần quán triệt rõ mục đích, yêu cầu của việc tổ chức lấy ý kiến phản hồi.

Trước khi tổ chức phát phiếu lấy ý kiến phản hồi của học viên, nhà trường cần quán triệt rõ mục đích, yêu cầu của công tác này và đề nghị học viên cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm cũng như ý thức trong việc ghi ý kiến phản hồi vào phiếu, tránh không để bị chi phối bởi cảm tính, định kiến chủ quan và những yếu tố không tích cực, làm cho thông tin trong phiếu bị sai lệch, dẫn đến kết quả không xác thực. Hơn nữa phải làm cho học viên hiểu được vai trò và trách nhiệm của mình trong mọi hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, người chịu trách nhiệm phát phiếu phải hướng dẫn cho học viên cách ghi phiếu và ghi đúng vào phiếu.

Thứ ba, học viên phải có thái độ khách quan, công bằng, trung thực và nghiêm túc trong việc cung cấp thông tin phản hồi.

Học viên được thực hiện quyền dân chủ của mình qua việc ghi ý kiến vào phiếu tại lớp và sau đó nộp lại cho người đi phát phiếu (do Phòng Đào tạo phân công). Do đó, để việc lấy ý kiến của học viên được khách quan, vấn đề quan trọng là thiết kế phiếu, cách đặt câu hỏi, hỏi người học cái gì để lấy thông tin đó là một yêu cầu không hề đơn giản, tránh những câu hỏi nhận xét cảm tính.

Thứ tư, xử lý và sử dụng thông tin phản hồi.

Những thông tin trong phiếu là một trong những kênh giúp cho đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên nghiên cứu thông tin để rút kinh nghiệm, cải tiến phương pháp, điều chỉnh trong hoạt động của mình, cũng như giúp Ban Giám hiệu nhà trường đổi mới quản lý nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học. Vì vậy, những cá nhân được phân công phát phiếu và tổng hợp xử lý báo cáo kết quả phải trung thực, chính xác, kịp thời.

Tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ người học là một trong những hoạt động sẽ trở thành hoạt động dân chủ thường xuyên, giúp cho Trường Chính trị Bến Tre có thêm thông tin tham khảo để đánh giá chính xác hơn chất lượng đào tạo của mình, ngày càng hoàn thiện chương trình và nội dung đào tạo, củng cố niềm tin để đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng tăng cao của công tác quản lý./.

Tin khác