Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ bảy, 20 Tháng 4, 2024 - 19:00

Làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng Mỹ Lồng

Nguyễn Trần Phương Hiền
Tập sự giảng viên, Khoa LLMLN, TTHCM
 
Theo em về xứ Mỹ Lồng
Mời anh bánh tráng, bánh phồng quê hương
Đậm đà tình nghĩa người thương
Mỹ Lồng, Sơn Đốc chớ quên đường nghen anh.

Mỹ Lồng, Sơn Đốc là hai địa danh thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Từ lâu đã nổi tiếng với nghề bánh tráng, bánh phồng truyền thống. Trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, làng nghề vẫn được duy trì, phát triển, góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của địa phương. Là người con của quê hương Giồng Trôm, tôi luôn lấy làm tự hào với truyền thống làng nghề thấm đẫm tình đất, tình người nơi đây.

Nhân chuyến đi nghiên cứu thực tế cơ sở của Trường Chính trị Bến Tre do Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với Khoa Dân vận thực hiện với nội dung: “Mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững, tham quan làng nghề truyền thống và nâng chất xã nông thôn mới sau khi được công nhận”. Đoàn chúng tôi mới thấu hiểu sâu sắc nỗi nhọc nhằn, tỉ mỉ mà không kém phần tinh tế của làng nghề.

Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Mỹ Lồng trước đây còn có tên gọi là Mỹ Lung. Là một trong những chợ làng hình thành lâu đời nhất của tỉnh Bến Tre. Từ lâu chợ Mỹ Lồng nổi tiếng với 2 loại đặc sản là cau và bánh tráng. Theo Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức chép: “…vào sông này, tức sông Mỹ Lung (sông Bến Tre) đi xuống hướng Đông hai dặm rưỡi, nơi bờ phía Bắc là chợ Mỹ Lung, phố xá liền lạc, buôn bán tụ hội đông đảo. Có những vườn cau lớn đứng rậm như rừng, quả lớn lại sai trái nên có tiếng gọi là cau ở Mỹ Lung”[1].

Làng nghề được hình thành từ khi nào cũng chẳng mấy ai nhớ rõ, người dân cư ngụ lâu năm ở địa phương bảo rằng làng nghề này đã tồn tại cách nay trên dưới 100 năm. Có giả thiết cho rằng, thuở khai hoang, lập ấp vì cần lương thực nuôi quân lâu dài để ứng phó với quân của chúa Trịnh nên quân của chúa Nguyễn yêu cầu dân Mỹ Lung tập trung gạo và sức dân để tráng bánh làm lương khô cho quân đội dự trữ chiến đấu lâu dài. Vì thế, mà hình thành làng nghề bánh tráng lưu truyền đến nhiều thế hệ sau này. Bánh ngon khách gần xa mang đi khắp nơi, người thì hỏi mua ở đâu. Chỉ biết trả lời bánh mua ở Mỹ Lồng. Cái tên Mỹ Lồng gắn với bánh tráng là như vậy.

          Ngày xưa bánh tráng Mỹ Lồng cũng như bánh phồng Sơn Đốc, chủ yếu được các gia đình ở Bến Tre làm trong dịp Tết để dâng cúng ông bà, tổ tiên, do chính bàn tay khéo léo của các má, các chị thức khuya, dậy sớm tráng từng chiếc bánh, truyền tai bí quyết làm bánh từ đời ông bà đến đời con cháu mong giữ lấy cái nghề của cha ông.

Vị thơm ngọt ngon của bánh đã được người làm bánh chăm chút từ những công đoạn đơn giản nhất. Mỗi lò bánh đều có công thức bí truyền riêng, nhưng khâu quan trọng nhất vẫn là lựa chọn nguyên liệu: Gạo dẻo và nước cốt dừa đậm đặc. Dừa phải cơm dày, tách ra nạo cơm rồi ép lấy nước cốt dừa. Trước đây nạo dừa, ép nước cốt đều bằng thủ công nhưng nay các công đoạn này đã được máy hỗ trợ. Nước cốt dừa ép xong phải đun sao cho nước cốt thật sôi, thật sệt. Gạo làm bánh được vo sạch cho vào máy xay với nước cốt dừa, sau đó cho vừng đen hoặc trắng hòa lẫn vào bột để sau này chiếc bánh được thơm ngon hơn. Tùy theo loại bánh tráng mà người thợ sẽ thêm đường và gia vị vào.

Khi đoàn chúng tôi ghé thăm một cơ sở sản xuất bánh lâu năm của làng nghề cũng tầm vừa 7 giờ sáng. Lúc này, gia đình đang tất bật thực hiện các công đoạn làm bánh để kịp giao cho các mối đã đặt hàng. Lò bánh tráng được làm bằng thủ công phía dưới là nồi nước to, phía trên một lớp vải dày nhưng mịn. Bột sẽ được đổ từng vá lên tấm vải ấy. Cán mỏng đều khắp một lượt. Bánh vừa trở mình trong vắt là vít ra ống tre chuyển sang tấm đan làm bằng lá dừa (hay còn gọi là liếp dừa) để đưa ra sân phơi. Đây là công việc luôn đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo của những thợ lành nghề vừa tiết kiệm bột bánh vừa ngon vừa tròn bánh không dày, không mỏng và không bị dính khuôn. Những liếp dừa bánh tráng trải dài thẳng tắp được hong trước ánh nắng mặt trời trước sân, sau hè. Nếu gặp nắng tốt độ nửa ngày là đã khô hong. Nghề làm bánh tráng phụ thuộc vào thời tiết, nên người làm bánh phải dậy từ khuya để cán bánh cho kịp phơi đủ nắng vào sáng sớm, nắng không đủ, bánh sẽ bị chai.

Hiện nay các lò bánh tập trung nhiều nhất ở ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm. Ngoài loại bánh truyền thống nước cốt dừa, làng nghề còn sáng tạo ra nhiều loại bánh tráng như bánh tráng sữa và lòng đỏ trứng gà, bánh mặn lạp xưởng và tôm khô hay bánh gừng. Nhưng được khách thập phương ưa chuộng nhất vẫn là loại bánh truyền thống, phải chăng nhờ hương vị cốt dừa béo ngậy, dân dã thấm đẫm mùi vị quê hương chỉ có ở xứ sở rừng dừa.

Hàng năm vào đầu tháng 10 âm lịch, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng sôi nổi với hoạt động sản xuất phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, mỗi năm khi vào vụ làng nghề có trên 200 hộ tráng bánh, bình quân cho ra thị trường 144.000 cái/ngày, thời gian hoạt động xuyên suốt trong 3 tháng. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết không thuận lợi, làm cho sản lượng cung cấp ra thị trường vào dịp Tết không đủ cung cấp. Chính vì vậy, mà giá bánh trong năm 2017 có phần tăng hơn những năm trước. Giá bánh thị trường hiện nay dao động khoảng 280.000 đồng đến 300.000 đồng/100 bánh. Tùy theo từng loại bánh mà có giá thành khác nhau, bánh béo tùy loại khoảng 350.000 đồng đến 400.000 đồng/100 bánh; bánh mặn khoảng 500.000 đồng đến 600.000 đồng/100 bánh [2].

Bánh tráng Mỹ Lồng giờ đã thành thương hiệu, nhưng người dân làng nghề vẫn chưa giàu lên được với nghề. Có nhiều lý do như cách làm bánh còn thủ công nên khó sản xuất đại trà, định hướng đi lâu dài cho chiếc bánh tráng vẫn còn bỏ ngõ, thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng, có những nghi vấn về chất lượng bánh tráng và cả tin đồn bánh tráng sử dụng chất bột béo đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến thương hiệu “bánh tráng Mỹ Lồng”. Đối với người dân nơi đây, ai cũng xác định lưu truyền nghề truyền thống của ông bà để lại nên họ chăm chút cho chất lượng sản phẩm. Họ đến với nghề bằng cái tâm của người làm bánh. Bộn bề công việc để nghĩ đến việc làm sao để duy trì, tìm hướng đi cho làng nghề là thế. Nhưng mỗi ngày người dân vẫn nhóm lửa đốt lò. Bởi công việc đó từ làng nghề đã trở thành một phần trong đời sống của họ. Hy vọng chính cái nghĩa, cái tình của bà con nơi xứ cù lao sẽ giúp cho làng nghề tồn tại mãi với thời gian và chiếc bánh tráng Mỹ Lồng vẫn tiếp tục ra đời để kể cho khách gần xa sức hấp dẫn của quê hương xứ dừa.

Công cuộc phát triển các làng nghề truyền thống ở tỉnh Bến Tre trong điều kiện mới gắn chặt với việc thực hiện “Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020”. Chính trên cơ sở phát triển làng nghề phục vụ công cuộc phát triển nông thôn mới và ngược lại, chính việc phát triển, duy trì và bảo tồn nhiều làng nghề truyền thống sẽ làm cho nông thôn mới của tỉnh Bến Tre thể hiện rõ bản sắc văn hóa của địa phương, vừa rất hiện đại, lại vừa rất “Việt Nam”.

Trở về từ chuyến đi thực tế, đoàn chúng tôi như được hòa cùng niềm vui với những thành tựu trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững và nâng chất xã nông thôn mới của các xã trên địa bàn tỉnh mà đoàn đã đi qua. Cũng như những trăn trở, suy tư về sự duy trì và phát triển làng nghề truyền thống của tỉnh nhà nói chung. Sau chuyến đi nghiên cứu thực tế đặc biệt là đối với tôi, một giảng viên tập sự sẽ trưởng thành hơn, có vốn kiến thức vững chắc hơn về lý luận cũng như thực tiễn qua đó thúc đẩy công tác nghiên cứu giảng dạy của nhà trường có hiệu quả hơn./.

____________________________________

[1] Địa chí Bến Tre, Thạch Phương - Đoàn Tứ (chủ biên), Nxb Khoa học xã hội, H.2001, tr.557.
[2] http://mythanhgiongtrom.bentre.gov.vn, mục Hoạt động làng nghề, “Biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến sản lượng bánh tráng dừa cung cấp ra thị trường tết nguyên đán năm 2017.

Tin khác