Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 19:48

Kế thừa và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Đoàn Thị Mao
Khoa Dân vận

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi được đánh dấu bằng ngày lịch sử trọng đại 30/4/1975. Đó là biểu tượng cao đẹp của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, của tinh thần chiến đấu bền bỉ, kiên cường vì chân lý: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” . Đế quốc Mỹ với những âm mưu vô cùng thâm độc, hiểm ác kết hợp với những phương tiện chiến tranh tiên tiến nhất, hiện đại nhất, vũ khí có khả năng hủy diệt nhất nhằm đè bẹp phong trào cách mạng Việt Nam. Nhưng với một quyết tâm sắt đá và khí thế cách mạng nóng bỏng: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất không chịu làm nô lệ”. Để giành được thắng lợi, cả dân tộc ta đã phải trải qua những thử thách, gian truân, chịu những hy sinh, tổn thất lớn lao chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc để đi đến toàn thắng. Ngày nay ý chí quyết thắng đó càng thôi thúc chúng ta không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức đưa đất nước ngày càng phát triển. Một trong những nguyên nhân làm nên những thắng lợi ấy cả thời chiến và thời bình là chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

 Trong lịch sử dân tộc ta, đặc biệt là thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước chủ nghĩa anh hùng cách mạng lại được phát huy cao độ ở cả 2 miền Nam - Bắc. Ở miền Nam, khắp nơi chúng ta đều thấy những tấm gương chói lọi sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, từ trong các lực lượng vũ trang đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào từ nông thôn tới thành thị, từ đồng bằng tới miền núi, không phân biệt già trẻ, gái trai, không phân biệt sắc tộc và tôn giáo, cùng đồng cam, cộng khổ, chịu đựng mọi khó khăn, thiếu thốn, chủ động và sáng tạo tìm ra cách đánh hiệu quả nhất, lập nên vô vàn chiến công hiển hách, làm kẻ thù phải kinh ngạc, khiếp sợ. Thật vậy, chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã thể hiện ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân ta. Từ người lái đò chèo thuyền đưa thương binh dưới bom đạn địch, vẫn vững tay chèo nhanh chóng chuyển thương binh về đến nơi an toàn. Những người mẹ ra khỏi hầm giữa lúc đạn địch ác liệt để nhường chỗ cho thương binh, dù bị địch thường xuyên bao vây, rình rập, vẫn ngụy trang đón cán bộ vào nhà, đào hầm bí mật trong nhà, ngoài vườn nuôi dưỡng, che giấu hoặc tiếp tế lương thực, thực phẩm cho lực lượng cách mạng như: Mẹ Nguyễn Thị Rành ở Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), mẹ Nhu, mẹ Cộng (Quảng Nam - Đà Nẵng), mẹ Thạch Thị Thanh (Trà Vinh) hay như: Chị Nguyễn Thị Út (Trà Vinh) với tinh thần đánh giặc rất kiên quyết “còn cái lai quần cũng đánh” hay nữ anh hùng Tạ Thị Kiều (Bến Tre) tay không lấy bót giặc,…Những hành động rất anh hùng nhưng cũng rất bình thường ấy đã diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên khắp miền Nam.

Riêng miền Bắc, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì đồng bào miền Nam ruột thịt” đã thôi thúc toàn dân vừa sản xuất vừa chiến đấu. Từ lực lượng vũ trang, công nhân, nông dân, trí thức hay thợ thủ công,...đều ý thức rõ về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Các lực lượng vũ trang nêu cao khẩu hiệu: “Nhằm thẳng quân thù, bắn!” trong chiến đấu chống máy bay Mỹ. Giai cấp công nhân nêu quyết tâm “Chắc tay súng, vững tay búa”, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, mưu trí dũng cảm trong chiến đấu, bảo vệ và phát triển sản xuất. Nông dân với khẩu hiệu: “Chắc tay súng, vững tay cày”. Trí thức thi đua thực hiện “Ba quyết tâm”. Các phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ,…Các phong trào trên đã trở thành biểu tượng cho ý chí của nhân dân miền Bắc. Dù đời sống vật chất còn rất nhiều thiếu thốn nhưng từ nhà máy, công trường tới đồng ruộng, mọi người đều cố gắng thi đua lập thành tích trong sản xuất để chi viện cho miền Nam. Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh, miền Bắc trở thành chiến trường ác liệt. Dưới mưa bom bão đạn, nhân dân miền Bắc vẫn sản xuất và chiến đấu, vừa làm nên những “cánh đồng năm tấn” vừa bắn rơi và bắt sống hàng nghìn máy bay và giặc lái của Mỹ, làm nên những kỳ tích mà trận “Điện Biên Phủ trên không” là ví dụ điển hình cho nghị lực, quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Bắc. Ngoài cung cấp vật chất miền Bắc còn huy động sức người cho miền Nam. Chỉ tính riêng những năm 1973-1975, gần 50 vạn thanh niên miền Bắc nhập ngũ lên đường ra mặt trận. Sự tăng viện này có ý nghĩa rất lớn cho việc củng cố, phát triển khối quân chủ lực ở miền Nam. Hơn 3 vạn cán bộ, chiến sĩ, công nhân, thanh niên xung phong từ miền Bắc đã được điều động vào Trường Sơn cùng tham gia nâng cấp và mở đường Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây. Vì thế, hậu phương miền Bắc vừa là nơi cung cấp cơ sở vật chất, vũ khí đạn dược vừa là chỗ dựa tinh thần, sát cánh cùng nhân dân miền Nam chiến đấu nhằm tạo ra thế và lực để phát huy sức mạnh tổng hợp giành chiến thắng.

Chính vì lẽ đó mà những chiến thắng to lớn ta đã giành được ở cả 2 miền là chiến công của toàn thể dân tộc Việt Nam anh hùng. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần căm thù giặc sâu sắc, niềm tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng nhất định về ta. Đó là thắng lợi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã phát huy mạnh mẽ trong hành động của mỗi người dân Việt Nam.

Ngày nay, cũng với tinh thần, ý chí cách mạng ấy đang cổ vũ mỗi người dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. 30/4/1975 chỉ là một khoảnh khắc trong lịch sử hàng ngàn năm giữ nước và dựng nước của dân tộc ta nhưng thật sự là cột mốc lịch sử cực kỳ quan trọng trên bước đường xây dựng và phát triển đất nước, để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Với phương châm:“Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế;”(Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, trang 83).

Phát huy những thắng lợi trên, trong quá trình đổi mới chúng ta đã đạt được những thành tựu cơ bản về kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Đến tháng 9 năm 2012, lạm phát bước đầu được kiềm chế, giá tiêu dùng tăng 5,13%; xuất khẩu tăng 18,9%, đạt 83,79 tỷ USD, nhập khẩu tăng 6,6%, đạt 83,76 tỷ USD. Lĩnh vực ngoại giao, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 180 trong 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc; có quan hệ thương mại với gần 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Chúng ta đã có 98 cơ quan đại diện tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khắp 5 châu trên thế giới. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao dân tộc, chúng ta đã đảm nhiệm thành công cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009 và Chủ tịch ASEAN năm 2010. Thế và lực của đất nước ngày càng vững mạnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Nạn tham nhũng, quan liêu vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch,… song không phải vì vậy mà tình hình kinh tế - xã hội của đất nước ta chỉ hoàn toàn là màu ảm đạm như giọng điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đông đảo các tầng lớp nhân dân ta đang sôi nổi hưởng ứng “Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; theo đó xuất hiện ngày càng nhiều các phong trào thi đua yêu nước ở nhiều ngành, nhiều đơn vị, địa phương,...tạo ra động lực tinh thần to lớn, vượt qua nhiều khó khăn. Đó là những biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế.

Với đại thắng mùa Xuân năm 1975, một kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc đã được mở ra - kỷ nguyên đất nước được độc lập, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội. 38 năm đã trôi qua kể từ thắng lợi vẻ vang đó, Việt Nam đã tiến những bước dài chưa từng có trong lịch sử, giành những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu mãi mãi cổ vũ các thế hệ người Việt Nam quyết tâm gìn giữ nền độc lập thống nhất - thành quả mà các thế hệ cha anh đã đổ biết bao xương máu mới giành được, chủ nghĩa ấy vẫn đang có ý nghĩa sâu sắc động viên toàn thể nhân dân Việt Nam hôm nay ra sức phấn đấu, nêu cao tinh thần yêu n­ước, yêu chủ nghĩa xã hội, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng; lao động, học tập và công tác có chất lượng, hiệu quả và khoa học để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và vững bước trên con đường xây dựng đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.

Tin khác