Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 13:17

Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ và kỷ cương - Chìa khóa tạo nên sự đồng thuận, xây dựng Trường Chính trị vững mạnh

Thạc sĩ Phan Văn Thuận
Trưởng Khoa Xây dựng Đảng


Người ta thường nói "Dân chủ và kỷ luật – kỷ cương là sức mạnh của một tập thể". Thực tế sinh động chứng minh rằng ở đâu, khi nào dân chủ được thực thi thì ở đó sẽ phát huy tốt tiềm năng, trí tuệ và sự sáng tạo của con người. Có dân chủ thì mọi người được biết, được tự do bàn bạc, tự do đóng góp ý kiến và tự do thực hiện quyền làm chủ của mình. Qua đó xuất hiện nhiều ý kiến hay, có giá trị cho công việc chung của tập thể. Còn kỷ luật, kỷ cương được hiểu là những quy định tạo nên tính thống nhất trong mọi hoạt động, giúp định hướng cho các thành viên trong tập thể tập trung vào giải quyết những công việc mà tập thể đang đòi hỏi ở mỗi cá nhân để hoàn thành nhiệm vụ chung. Như vậy, dân chủ và kỷ luật, kỷ cương sẽ góp phần tạo ra sự tự giác và thống nhất giúp huy động được một cách có hiệu quả tiềm năng và sự nhiệt huyết của mọi người đóng góp cho tập thể.

Giữa dân chủ và kỷ luật – kỷ cương có mối quan hệ lẫn nhau, bổ sung cho nhau, làm điều kiện, tiền đề cho nhau tồn tại và phát triển. Dân chủ phải đi đôi với tập trung, với kỷ luật – kỷ cương, tức là dân chủ phải có nguyên tắc, tuân thủ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tổ chức, đơn vị. Dân chủ cần phải có “chuyên chính” để giữ gìn lấy dân chủ. Kỷ luật chính là phương tiện để bảo vệ nền dân chủ, bảo vệ lợi ích của nhân dân, của đảng viên, của tập thể…

Việc phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật - kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, xây dựng nhà trường vững mạnh, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, trong giai đoạn cách mạng hiện nay là điều hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh chúng ta tập trung quán triệt và thực hiện “phương châm 10 chữ” của Đại hội lần thứ X Đảng bộ tỉnh: “Dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, năng động, đổi mới”. Muốn thực hiện có hiệu quả cao nhất, điều quan trọng trước hết là phải gắn với việc tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, các quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, quy định những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong toàn Trường... Trong đó, quán triệt và thực hiện nghiêm túc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ và kỷ cương là nền móng, là chìa khóa tạo nên sự đoàn kết thống nhất, năng động và đổi mới trong toàn Trường.

Thứ nhất, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định “dân chủ là của cải quý báu nhất”, thực hành dân chủ “là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”. Nhưng Người cũng đặc biệt yêu cầu thực hành dân chủ nghĩa là dân chủ với nhân dân phải gắn liền với chuyên chính, trừng phạt bọn phản động và giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật. Thái độ của Người không có sự thỏa hiệp, lơi lỏng kỷ luật, kỷ cương dưới bất cứ danh nghĩa nào, mà yêu cầu phải chú ý coi trọng, giữ vững kỷ luật, kỷ cương để bảo đảm cho Đảng luôn đoàn kết thống nhất, tăng cường sức mạnh, bảo đảm dân chủ trong hoạt động của Đảng, không có dân chủ chung chung, dân chủ hình thức hoặc dân chủ quá trớn. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cảnh báo việc đảng viên không chấp hành kỷ luật, xem thường kỷ luật, không thực hành dân chủ trong Đảng là: "Không nghiên cứu nghiêm chỉnh và chấp hành đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng, không tôn trọng pháp luật và thể lệ của Nhà nước. Tự cho mình là đúng, hành động theo ý riêng, phát biểu theo ý riêng, không báo cáo và xin chỉ thị của cấp trên, xem thường tổ chức và kỷ luật" (Hồ Chí Minh, toàn tập, t.11, Nxb CTQG, Hà Nội, 1996, tr.24). Người nhấn mạnh, không thể có đảng viên nào có thể đứng trên Đảng, tự cho mình là hơn Đảng. Chính vì vậy, cần phải tạo mọi điều kiện thu hút tất cả mọi người tham gia xây dựng chủ trương, nghị quyết, xác định các mục tiêu và biện pháp thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Cần có quan điểm dân chủ, thẳng thắn, không áp đặt và cần tạo môi trường, điều kiện để mọi người có sự đối thoại, trao đổi trong quá trình hoạt động. Bác chỉ rõ: “chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý” (Sđd, tập 8, tr.216), “được hoàn toàn tự do phát biểu ý kiến, dù đúng hoặc không đúng cũng vậy". Đối với mọi vấn đề, mọi người “cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt, thì hỏi, bàn cho thông suốt” (Sđd, tập 7, tr.456) và "khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hoá ra quyền tự do phục tùng chân lý" (Sđd, tập 8, tr. 216.)

Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi phải thật sự mở rộng dân chủ trong cơ quan, phải luôn luôn dùng cách thật thà tự phê bình và thẳng thắn phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên. Phải kiên quyết chống lại cái thói "cả vú lấp miệng em", ngăn cản quần chúng phê bình, đảng viên ở địa vị càng cao, thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ. Người cũng phê phán nghiêm khắc tình trạng “không thực hiện chế độ dân chủ tập trung, không tuân theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Phớt kỷ luật và chính sách của Đảng và của Chính phủ. Khinh rẻ ý kiến của cấp dưới. Xem thường chỉ thị của cấp trên. Không muốn chịu kiểm tra, không muốn nghe phê bình" (Sđd, t.7, tr.295). Đồng thời, Người yêu cầu: "Để làm cho Đảng mạnh, thì phải mở rộng dân chủ (thật thà tự phê bình và phê bình), thực hành lãnh đạo tập trung, nâng cao tính tổ chức và tính kỷ luật" (Sđd, t.7, tr.241) và "... thống nhất ý chí, thống nhất hành động, thống nhất kỷ luật, tập trung lãnh đạo là việc cực kỳ cần thiết và cực kỳ quan trọng" (Sđd, t.7, tr.335). Để giữ vững kỷ luật, để thực hành dân chủ thì phải nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng" (Sđd, t.12, tr.510). Muốn vậy, "tự phê bình và phê bình phải ráo riết, triệt để, không nể nang, không thêm, không bớt, không dùng những lời mỉa mai, cay độc, châm chọc, phải vạch rõ cả ưu điểm lẫn khuyết điểm, phê bình căn cứ vào việc làm chứ không suy diễn, quy kết", “không nên đao to, búa lớn” mà “phải có tình đồng chí yêu thương lẫn nhau” (Sđd, t.12, tr.510).

Thứ ba, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ phải được thể hiện trong mọi hoạt động, kể cả trong lề lối làm việc, sinh hoạt. Muốn cho dân chủ được thực hành rộng rãi, kỷ luật được chấp hành nghiêm túc thì phải coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, tự phê bình và phê bình, cả từ trên xuống và từ dưới lên. Người chỉ rõ: "Lề lối làm việc phải dân chủ. Cấp trên phải thường xuyên kiểm tra cấp dưới. Cấp dưới phải phê bình cấp trên... Tự phê bình và phê bình nhau theo tinh thần thân ái và lập trường cách mệnh" (Sđd, t.6, tr.9). Người cho rằng: “Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn “đèn pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng, chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười gấp trăm” (Sđd, H.2002, tập 5, tr.250-251).

Thứ tư, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, con người nói chung, đặc biệt là người phương Đông coi trọng thực tiễn hơn lý thuyết, “giàu tình cảm” và “đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” (Sđd, tập 1, tr.263). Do vậy,  Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo. Khi địa vị càng cao, uy tín càng lớn, Người càng ra sức tự hoàn thiện mình và trong thực tế, Người đã trở thành tấm gương sáng ngời về tư tưởng và phong cách, tâm hồn và đạo đức “vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ” của người cộng sản mẫu mực, một “nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp”. Người cũng thường nhắc nhở chúng ta: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” (Hồ Chí Minh, toàn tập, t.11, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr.552). Chính vì vậy, thực hiện dân chủ và kỷ luật - kỷ cương cần đặc biệt chú trọng việc đề cao trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu.

Trước hết cần tập trung thực hiện nghiêm túc Quy định số 101 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quy định số 06 của Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp cả về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong; về tự phê bình, phê bình; về quan hệ với nhân dân; về trách nhiệm trong công tác. Đặc biệt nhất là về ý thức tổ chức kỷ luật, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, gương mẫu chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, sự phân công, điều động của tổ chức; đi đầu thực hiện nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng, các nội quy, quy chế, quy định của tổ chức, cơ quan. Hết lòng chăm lo xây dựng và tăng cường đoàn kết nội bộ; quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của quần chúng trong cơ quan; công tâm với cán bộ dưới quyền; hợp tác với đồng chí, đồng nghiệp để không ngừng tiến bộ. Chân thành giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp trong công tác và trong cuộc sống; bảo vệ uy tín, danh dự chính đáng của đồng chí, đồng nghiệp; không tranh công, đổ lỗi, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, khuyết điểm cho người khác và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện chia rẽ, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ.

Thứ năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Chúng ta là những người lao động làm chủ nước nhà. Muốn làm chủ được tốt, phải có năng lực làm chủ. Chúng ta học tập chính là để có đủ năng lực làm chủ, có đủ năng lực tổ chức cuộc sống mới... Bởi vậy, ý thức làm chủ không phải chỉ tỏ rõ ở tinh thần hăng hái lao động, mà còn phải tỏ rõ ở tinh thần say mê học tập để không ngừng nâng cao năng lực làm chủ của mình” (Hồ Chí Minh, toàn tập, t.10, Nxb CTQG, Hà Nội, 1996, tr.103). Chính vì vậy, để thực hiện dân chủ, giữ vững kỷ luật – kỷ cương, xây dựng khối đoàn kết vững chắc, cần cụ thể hóa các quy định, chế độ… chung; xây dựng và thực hiện nghiêm túc các quy chế hoạt động trong nhà trường. Trong đó, chú trọng tính khoa học, tính cụ thể và tính pháp l‎ý của từng bản quy chế. Tất cả các điều khoản trong quy chế cần được nghiên cứu kỹ lưỡng về nhiều mặt, được thảo luận dân chủ, đạt sự thống nhất cao khi ban hành và thực hiện nghiêm túc trong mọi hoạt động… Trong đó, ai cũng thấy được vai trò và trách nhiệm của mình để không ngừng phấn đấu vươn lên về mọi mặt trình độ kiến thức, tri thức, năng lực và ý thức “làm chủ”, tinh thần trách nhiệm của mình trong “phụng công thủ pháp”.

Như vậy, thực hiện tốt dân chủ sẽ củng cố và giữ vững kỷ luật - kỷ cương. "Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hoá ra quyền tự do phục tùng chân lý". Đó chính là nền móng, là chìa khóa tạo nên sự đoàn kết thống nhất, năng động và đổi mới trong toàn đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Đó cũng chính là cách thiết thực nhất để cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả “phương châm 10 chữ” của Đại hội lần thứ X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020./.

Tin khác