Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 02:12

Đường Hồ Chí Minh trên biển góp phần làm nên thắng lợi Mùa xuân 1975 thống nhất nước nhà

Thạc sĩ Nguyễn Thị Nga
Phó Trưởng Khoa Dân Vận

Bến Tre sau Đồng khởi 17/01/1960, làn sóng cách mạng nhanh chóng lan ra khắp nơi. Nối tiếp cao trào Đồng Khởi, nhân dân miền Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng chống kẻ thù. Trong tình hình lực lượng vũ trang ngày càng phát triển, yêu cầu về vũ khí trang bị càng trở nên bức thiết đối với miền Nam nói chung và Bến Tre nói riêng, mà con đường vận chuyển trên bộ, đường Trường Sơn được xây dựng từ năm 1959 chưa thể đáp ứng được yêu cầu này, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở tuyến vận tải trên biển nhằm đáp ứng yêu cầu chi viện sức người, sức của  cho cách mạng miền Nam.

Việc mở đường Hồ Chí Minh trên biển là nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Đây còn là một chủ trương kiên quyết, táo bạo của Trung ương mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự quyết định sáng suốt đó là kết quả của sự kết hợp về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” và đã mang lại những đóng góp vô cùng to lớn. Đại tá Đỗ Mạnh Hà, Chính ủy Lữ đoàn 125 Hải quân đã làm một phép so sánh: mỗi chiến sĩ, giỏi cũng chỉ gùi được 20 kg hàng; muốn vận chuyển được 10 tấn hàng, cần có 500 người, đấy là chưa kể ốm đau, địch đánh phá và người phục vụ cho 500 người gùi hàng trên. Vậy 100 tấn hàng và hàng trăm ngàn tấn hàng cho chiến trường cần bao nhiêu người và phải làm trong bao nhiêu năm? Nếu mở thông con đường biển, 100 tấn vũ khí, chỉ một con tàu và 15 thủy thủ là trong một tuần, hàng có thể tới cực nam Nam Bộ. Và đây cũng chính là bài toán để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm mở con đường chiến lược trên biển Đông.

Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, hàng ngàn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh khác của Trung ương chi viện cho chiến trường miền Nam qua đường Hồ Chí Minh trên biển đã đến nhiều địa phương dọc theo duyên hải miền Trung đến tận mũi Cà Mau để tiếp sức cho cuộc kháng chiến. Riêng đối với đầu cầu tiếp nhận vũ khí ở xã Thạnh Phong (gồm vàm Khâu Băng, cồn Bửng, cồn Lợi, cồn Lớn) được chọn làm một trọng điểm. Tại đây, Bộ Tư lệnh miền đã thành lập Đoàn 962 có nhiệm vụ bảo vệ đầu cầu, tiếp nhận hàng chi viện, rồi từ đây lan tỏa ra các chiến trường Nam Bộ như Sài Gòn, các tỉnh miền Đông, miền Trung Nam Bộ và các đơn vị chủ lực của miền.

Bến Tre có địa hình lợi thế với bờ biển dài 65 km, bốn cửa sông lớn thông ra biển: Cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên. Rừng ngập mặn trải dài ven biển có diện tích hàng chục ngàn hecta, đi sâu vào đất liền từ 7 đến 10 km. Các vùng đất ven biển, ven sông đều có rừng che phủ với các loại cây như bần, mấm, đước, sú, chà là, dừa nước và các loại dây leo chen nhau dày đặc..., mọc sát mép nước, có loại cao hàng chục mét, cành lá um tùm rậm rạp là nơi trú ẩn cho tàu thuyền rất tốt. Xen kẽ với những vạt rừng là các sông, rạch, xẻo nước sâu thông nhau chằng chịt đổ ra cửa biển tạo thành nhiều ốc đảo nhỏ chia cắt địa bàn. Thêm vào đó, biển Bến Tre nước lớn ròng theo chế độ bán nhật triều, mực nước chênh lệch một mét thuận tiện cho giao thông đường thủy.

Dân cư Bến Tre sống ven biển, phần đông nghèo khó, sống tập trung trên những giồng cát. Đồng bào luôn hướng về Đảng, hết lòng hết dạ đùm bọc, giúp đỡ và trung thành với cách mạng. Hàng trăm miệng đáy làm kế sinh nhai được người dân tự giác tháo dỡ cho tàu cập bến dễ dàng, hàng loạt người dân phải chuyển nghề khác để đảm bảo bí mật cho ta. Quan tâm, chăm sóc chiến sĩ từng thùng nước ngọt, may vá quần áo, thức ăn. Hầu như gia đình nào cũng có người tham gia vào lực lượng bảo vệ hoặc vận tải của bến và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thêm vào đó, người dân nơi đây phải đương đầu với những mất mát lớn lao, biết bao người đã ngã xuống trong những trận càn quét dữ dội của kẻ thù và cũng biết bao người đã đương đầu, kề vai sát cánh, dũng cảm chiến đấu để bảo vệ, giữ vững bến tiếp nhận vũ khí ròng rã hơn mười năm trời. Mặc dù địch đã dùng mọi thủ đoạn đánh phá, ngăn chặn, nhưng chỉ có thể gây cho ta một số tổn thất nhất định, chúng không thể nào cắt đứt được mạch máu giao thông liên lạc Bắc Nam của cách mạng.

Trải qua 15 năm (1961-1975),  “Đường Hồ Chí Minh trên biển” đã lập nên những chiến công hiển hách và chi viện cho chiến trường miền Nam hàng chục ngàn tấn vũ khí, thuốc men và hàng trăm cán bộ chỉ huy, góp phần làm nên nhiều chiến thắng đi vào lịch sử. Từ cuối năm 1961 đến 1972, các tàu của Đoàn 125 có 108 chuyến thành công, chở chi viện cho chiến trường 5.713 tấn vũ khí, hàng quân sự và 300 cán bộ của các cơ quan Trung ương và quân đội vào tăng cường cho chiến trường Miền Nam, riêng bến Bến Tre với phiên hiệu A101 đã tiếp nhận 19 chuyến với tổng số 1.239,7 tấn hàng của các tàu Đoàn 125. Mặc dù điểm bến Bến Tre có thành lập muộn hơn so với các nơi khác (tháng 9 năm 1962) và đón chuyến tàu đầu tiên cập bến an toàn vào 28 tháng 6 năm 1963 nhưng nhiệm vụ của các cụm bến Bến Tre hết sức nặng nề. Bến Tre không chỉ tiếp nhận hàng mà còn làm nhiệm vụ trung chuyển hàng từ Cà Mau và Trà Vinh lên chiến trường Khu 8 và miền Đông Nam Bộ. Thực tế cho thấy trong 3 cung đường trung chuyển vũ khí từ các cụm bến Cà Mau lên Khu 7 (Cà Mau – Trà Vinh, Trà Vinh - Bến Tre, Bến Tre – Cần Giờ), thì cung đường Bến Tre  - Cần Giờ là khó khăn, gian khổ và nhiều hiểm nguy rình rập nhất. Vậy mà chỉ trong vòng 2 năm “cao điểm” vận chuyển 1964 – 1966, đã có 1400 tấn vũ khí được trung chuyển quan cụm Bến Tre an toàn, kịp thời bổ sung cho vũ khí cho quân và dân Khu 8, miền Đông Nam Bộ mở một số chiến dịch lớn trong hai mùa khô 1965 – 1966 và 1966 – 1967.

Tính đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, đơn vị A101 đã 27 lần tiếp nhận tàu, cất giữ và vận chuyển ra các chiến trường khoảng  4.000 tấn vũ khí, hàng quân sự, trực tiếp đưa đón hàng trăm cán bộ các cấp của Đảng và quân đội. Qua 15 năm hoạt động, để đạt được những thành tích trên, bến Bến Tre đã chiến đấu hàng trăm trận lớn nhỏ, đánh chìm 5 hải thuyền, phá tan 1 căn cứ hải thuyền, 1 tàu và 1 thuyền bay, bắn cháy 1 xe M113, đánh thiệt hại 1 phân chi khu, diệt và làm thiệt hại 8 đồn cấp tiểu đội, trung đội, bao vây bức rút hàng loạt đồn bót ở các xã xung quanh căn cứ, lập nên nhiều chiến công, giữ vững địa bàn hoạt động góp phần làm nên con đường huyền thoại – Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Khu di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc Nam ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú đã được Bộ Văn hóa – Thông tin ra Quyết định số 3777-VH/QĐ công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 23-12-1995; đồng thời xã Thạnh Phong cũng được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngày 23 tháng 10 năm 1961 đã trở thành ngày truyền thống của tuyến vận chuyển chiến lược, đường Hồ Chí Minh trên biển và Đoàn tàu không số nhằm ghi nhớ những kỳ tích thầm lặng, những đóng góp rất quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ để cho các thế hệ người Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng mãi mãi tự hào với lòng biết ơn sâu sắc về những người chiến sĩ Đoàn tàu không số dũng cảm, gan góc, mưu trí; về một “bến cảng lòng dân” với những tên đất, tên người còn sống mãi với thời gian. Ghi nhận và tri ân, trong bức điện gửi Lữ đoàn 125 Hải quân nhân kỷ niệm 35 năm mở đường Hồ Chí Minh trên biển, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khẳng định: “Năm tháng sẽ qua đi, nhưng những chiến công anh hùng và hy sinh cao cả của các lực lượng mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu trên biển Đông, của các con tàu “không số”, của quân và dân các bến bãi, làm nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại sẽ mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc ta... Tổ quốc và nhân dân ta đời đời ghi nhớ công lao của những người đã làm nên kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển”./.

Tin khác