Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 19 Tháng 4, 2024 - 15:59

Đôi điều rút ra từ “Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị” năm 2017

Thạc sĩ Phan Văn Thuận
Trưởng khoa Xây dựng Đảng

Nhân kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiến tới kỷ niệm 70 năm thành lập Trường, Trường Chính trị Bến Tre tổ chức “Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị” năm 2017 với mục đích tiếp tục triển khai thực hiện 113 đầu việc theo tinh thần Đại hội X Đảng bộ tỉnh về “đổi mới và nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị theo yêu cầu mới”; đánh giá thực chất việc giảng dạy và học tập lý luận chính trị của học viên các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính của Trường; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo động lực nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường; đồng thời giúp học viên tìm ra phương pháp học tập có hiệu quả nhất nhằm nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị. Qua thời gian làm việc tích cực, khẩn trương, trải qua 3 vòng thi: Thi trắc nghiệm, thi viết và thi thuyết trình, với sự cổ vũ nhiệt tình của cán bộ, viên chức nhà trường và học viên các lớp có thí sinh dự thi; Hội thi kết thúc khá thành công với 03 học viên đạt “Học viên học giỏi lý luận chính trị”, 07 học viên xếp loại khá, 01 xếp loại trung bình. Kết quả đó không chỉ là sự ghi nhận, vinh danh những học viên học giỏi, làm cơ sở để nhân rộng các điển hình tiên tiến về học tập lý luận chính trị; mà quan trọng hơn là: Từ những kết quả tích cực cũng như những hạn chế của hội thi, về chuyên môn, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học bổ ích.

Thạc sĩ  Nguyễn Trúc Hạnh, Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường
tặng giấy khen cho các thí sinh đạt giải “Học viên học giỏi lý luận chính trị”

1. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ mục đích tổ chức trường học lý luận cho cán bộ là để “nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình”. Người nhấn mạnh: “Trường Đảng là trường học đào tạo những chiến sĩ tiên tiến phấn đấu cho sự nghiệp của giai cấp vô sản”. Trường Đảng dạy lý luận Mác-Lênin để trang bị tri thức, nâng cao trình độ lý luận cho đội ngũ cán bộ cốt cán của Đảng, song điều quan trọng hơn là để đội ngũ cán bộ ấy học được cách vận dụng đúng đắn, vận dụng sáng tạo lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lênin “để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”.

Điều đó có ý nghĩa rất lớn khi nước ta nói chung, Bến Tre nói riêng đang đứng trước những thời cơ lớn đan xen với những thách thức không nhỏ. Vì vậy, qua học tập, học viên Trường Chính trị, nhất là “học viên học giỏi lý luận chính trị” không chỉ phải có sự nhận thức đầy đủ, toàn diện hệ thống các kiến thức cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về Đảng Cộng sản, Nhà nước và pháp luật; khoa học hành chính; về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trên các lĩnh vực của đời sống xã hội,…mà còn phải rèn luyện và nâng cao phương pháp vận dụng các kiến thức ấy và thực tiễn, từng bước hình thành các kỹ năng cần thiết của người lãnh đạo, quản lý, giải quyết tốt nhất các vấn đề thực tiễn đặt ra.

Những kết quả đạt được có thể khẳng định: Hội thi đã bước đầu “kiểm chứng”, đánh giá được các kỹ năng của học viên bao gồm kỹ năng viết, kỹ năng thuyết trình và nhất là kỹ năng ứng xử. Đặc biệt trong phần thi thuyết trình và trả lời câu hỏi tình huống do Ban Giám khảo đưa ra, nhiều học viên dự thi đã thể hiện sự tự tin, bình tĩnh, chững chạc, nhạy bén, sáng tạo biết kết hợp lí luận gắn với thực tiễn, kinh nghiệm công tác. Các tình huống được học viên xử lý bằng sự vận dụng sáng tạo lí luận và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kiến thức thực tiễn sinh động ở cơ sở; giải quyết có lý, có tình các tình huống đặt ra trong công tác tại địa phương, cơ quan, đơn vị.

2. Tuy nhiên, qua đánh giá của Ban Tổ chức, Hội thi cũng còn những hạn chế nhất định trong cả về kỹ năng viết, thuyết trình và ứng xử, giải quyết tình huống. Một số học viên nắm kiến thức chưa vững, thiếu phương pháp, còn máy móc, lệ thuộc quá nhiều vào đề cương lý thuyết, thiếu sự gắn kết giữa lý luận với thực tiễn...; nên chưa linh hoạt, sắc bén trong diễn đạt, thiếu sự sáng tạo, uyển chuyển trong thuyết trình, sự tự tin, nhanh nhạy,...trong các tình huống. Từ đó phần nào cũng cho thấy những hạn chế, bất cập trong nghiên cứu, học tập lý luận chính trị của người học. Đồng thời, xét một cách nghiêm túc cũng cho thấy những hạn chế, bất cập trong hoạt động giảng dạy của nhà trường nói chung và chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên nói riêng. Vì vậy, Hội thi là cơ sở quan trọng để nhà trường, nòng cốt là đội ngũ giảng viên, tìm ra những phương pháp tốt nhất và phù hợp giúp cho học viên nâng cao hiệu quả học tập, góp phần nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị tại Trường, thực hiện tốt phương châm “Học thực chất, thi thực chất và kết quả thực chất”. Trong đó, cần đặc biệt chú ý cập nhật các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm, hướng tới hình thành và phát triển các kỹ năng trong lãnh đạo, quản lý ở cơ sở.

3. Hội thi “Học viên học giỏi lý luận chính trị” tuy mới được triển khai thực hiện, kết quả bước đầu cho thấy không chỉ là thành quả cả quá trình học tập, nghiên cứu của thí sinh – học viên mà còn là thành quả của quá trình giảng dạy lý luận chính trị của nhà trường. Hội thi đã cho thấy những hiệu ứng tích cực cho học viên các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính và các thầy giáo, cô giáo của nhà trường. Vì vậy, nếu duy trì nền nếp thường xuyên và tổ chức tốt sẽ ngày càng có ý nghĩa, tác dụng tích cực đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của nhà trường chính trị trong thời gian tới. Qua đó sẽ nâng cao hơn ý thức, trách nhiệm trong học tập của học viên, giúp tạo ra “sân chơi” bổ ích và có dịp được giao lưu học hỏi, trao đổi về phương pháp học tập; giảng viên sẽ đúc rút được các kinh nghiệm, hiểu hơn về học viên và thường xuyên đổi mới hơn về phương pháp trong quá trình giảng dạy để ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.

Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị là một trong những hình thức khuyến khích người học chủ động, tích cực tham gia vào quá trình học tập, nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị, đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, Chính quyền, đoàn thể cấp cơ sở, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

Đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo của Trường Chính trị theo yêu cầu mới” chính là “dạy thực chất” - biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo là từng bước chuyển dần từ trao truyền tri thức sang cung cấp phương pháp hướng dẫn để người học tự nghiên cứu,…và hình thành các kỹ năng cần thiết của người lãnh đạo, quản l‎ý. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần “đào tạo một đội ngũ cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc, ham làm việc, như thế Đảng mới thành công” (Bác Hồ).

Vì vậy, ngoài các hoạt động giảng dạy và đổi mới phương pháp giảng dạy, việc duy trì thường xuyên và tổ chức tốt “Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị” sẽ ngày càng có ý nghĩa, tác dụng tích cực đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng ở Trường; góp phần quan trọng đến việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ ở cơ sở cả về phẩm chất lẫn năng lực thực tiễn, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cuộc “Đồng khởi mới”, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, đẩy lùi nghèo nàn và lạc hậu, từng bước xây dựng quê hương Đồng khởi giàu đẹp, văn minh./. 

Tin khác