Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ bảy, 20 Tháng 4, 2024 - 19:53

Độc lập, tự chủ, sáng tạo - Truyền thống và sức mạnh của Đảng

Nguyễn Ngọc Diễm
Tập sự giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập[1]. Đó là lời khẳng định cho sự kiên quyết của Người về tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo; và Đảng ta đã vận dụng tinh thần ấy trong suốt chiều dài lịch sử: Giữ nước và xây dựng đất nước.

Độc lập, tự chủ và sáng tạo không chỉ là truyền thống mà còn là nét nổi bật thuộc về bản lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam; là bài học xuyên suốt trong lịch sử lãnh đạo và đấu tranh cách mạng của Đảng, một yếu tố đảm bảo cho Đảng hoàn thành sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

 Những năm đầu thế kỷ XX, giữa lúc cách mạng Việt Nam đang trong tình hình đen tối như không có đường ra; dân tộc ta đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước. Nhiều nhà yêu nước đương thời tiếp tục cứu nước theo lối cũ, thì người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với trái tim đầy nhiệt huyết đã ra đi tìm đường cứu nước theo phương hướng mới. Nguyễn Tất Thành chọn con đường cứu nước khác với con đường của những người đương thời, cũng không giống những con đường duy tân của các nước trong khu vực. Người hướng sang phương Tây và bằng đôi tay lao động, thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ của mình.

Bằng nhãn quan chính trị sắc bén, khả năng phân tích các cuộc cách mạng trên thế giới tài tình của Nguyễn Ái Quốc cùng với sự chuẩn bị đầy đủ về mặt chính trị, tư tưởng và cả mặt tổ chức, đến mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chính là sự kết hợp của chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, khác với sự ra đời của các Đảng Cộng sản ở các nước tư bản. Ngay từ khi ra đời, “Chánh cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt” đã đặt cách mạng Việt Nam vào quỹ đạo trào lưu tiến bộ nhất của loài người trong thế kỷ XX. Đó là sáng tạo lớn nhất, là nền tảng vững chắc cho những giai đoạn phát triển của đất nước sau này. Từ trong bản thân sự ra đời của Đảng ta đã có sự kết hợp chặt chẽ yếu tố giai cấp và dân tộc; tiêu biểu cho lợi ích, nguyện vọng của giai cấp và dân tộc; gắn dân tộc với thời đại. Chỉ có con đường cách mạng vô sản mới thực hiện được “Ba giải phóng” - giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người; chỉ có con đường đó mới gắn được giai cấp với dân tộc, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, dân tộc với quốc tế.

Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã xác định con đường tiến lên của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[2], tức là cách mạng Việt Nam phải trải qua 2 giai đoạn: Trước hết là cách mạng dân tộc dân chủ, sau đó đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Trong đó độc lập dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng.

Trong khi các nhà kinh điển cho rằng, chỉ khi nào cách mạng ở chính quốc thành công thì sự nghiệp giải phóng ở các nước thuộc địa mới có thể hoàn thành. Nguyễn Ái Quốc đã cho rằng, sự nghiệp giải phóng ở các nước thuộc địa có thể chủ động dựa vào sức mình mà giành thắng lợi trước, hơn nữa còn có thể giúp đỡ, ủng hộ nhiều cho sự nghiệp cách mạng ở chính quốc. Luận điểm của Nguyễn Ái Quốc đã góp phần làm phong phú thêm lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa, về mối quan hệ giữa cách mạng vô sản và cách mạng thuộc địa. Luận điểm đó được minh chứng qua sự thắng lợi của các cuộc cách mạng Việt Nam. Hội nghị Trung ương 6 - khóa I của Đảng (11/1939) đã khẳng định quan điểm nêu ở hội nghị thành lập Đảng là: Gương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc. Như vậy, gần mười năm tính đúng đắn, sáng tạo của quan điểm của Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng đã được chứng minh.

Tháng 2 năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cao trào giải phóng dân tộc. Hội nghị Trung ương 8 (5/1941) đã quyết định những vấn đề cơ bản và cụ thể để dẫn đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Với sứ mệnh lịch sử là lãnh đạo toàn dân tộc giành cho được độc lập, Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ra sức xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, xây dựng căn cứ địa cách mạng để phát triển phong trào ở cả miền núi, đồng bằng và đô thị, tập trung và tổ chức dân chúng “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Một nước thuộc địa nhỏ yếu phải đương đầu với những kẻ thù hùng mạnh (Pháp - Nhật) thì phải có phương pháp và hình thức đấu tranh thích hợp đó chính là đi từ khởi nghĩa từng phần đến Tổng khởi nghĩa; phải sáng tạo và năng động, chớp thời cơ để giành thắng lợi. Đảng cũng xác định rằng, cách mạng Việt Nam có thể và cần phải chủ động giành thắng lợi trước cách mạng chính quốc. Cách mạng tháng Tám là một biểu tượng về tinh thần dũng cảm vô song và trí sáng tạo phi thường của toàn Đảng, toàn dân. Nhiều nơi chưa nhận được lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương, song chính sự nhạy bén nhận thấy những chuyển biến nhanh chóng của thời cuộc và căn cứ vào Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Đảng, các Đảng bộ cùng với đoàn thể Việt Minh đã kịp thời lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng tháng Tám là một khởi nghĩa toàn dân “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, trong đó tinh thần chủ động tạo ra thời cơ và kịp thời nắm thời cơ để giành chính quyền về tay nhân dân là một sáng tạo vô giá, là một đóng góp to lớn vào thực tiễn phong trào giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX.

Như vậy, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo về việc xác định mục tiêu, hình thức và phương pháp đấu tranh; việc xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng; về chiến lược và chỉ đạo chiến lược và về phát huy nhân tố tự thân kết hợp với tranh thủ thời cơ do chiến tranh thế giới đem lại.

Ngay sau thắng lợi tháng Tám năm 1945, đất nước rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, nhiệm vụ hàng đầu là phải bảo vệ chính quyền nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng. Thành công lớn của Đảng ta từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946 là đã tăng cường thực lực cách mạng để có thể tự bảo vệ trong điều kiện chưa có sự giúp đỡ quốc tế. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, 5 năm đầu ta còn bị bao vây tứ phía, phải sau chiến thắng biên giới 1950 ta mới có điều kiện liên hệ với Trung Quốc và một số nước khác. Trong khoảng thời gian đó, tự lực, tự cường là một tất yếu. Sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện ở sự thành công trong sách lược lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, một yếu tố quyết định đến khả năng tự bảo vệ của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã có những quyết sách táo bạo, chính xác và kịp thời: Khi thì hòa với Tưởng để đánh Pháp, khi thì hòa với Pháp để gạt Tưởng. Tránh cho nhân dân ta cùng một lúc phải đương đầu với nhiều kẻ thù và có thời gian để củng cố và xây dựng lực lượng chuẩn bị cuộc chiến đấu lâu dài. Những biện pháp cực kỳ sáng suốt đó được coi như một mẫu mực tuyệt vời trong sách lược Lêninnít về lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù. Phải là một Đảng có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mới có thể chèo lái đưa con thuyền cách mạng vượt qua ghềnh thác, hiểm nguy đó.

Ngay từ đầu cuộc kháng chiến, Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh. Với đường lối đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã “Chín năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” và Việt Nam là nước đầu tiên đánh bại chủ nghĩa thực dân kiểu cũ.

Với hiệp định Giơnevơ (7/1954) nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền. Đảng quyết định tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng là đặc điểm lớn nhất và cũng là nét sáng tạo độc đáo của cách mạng nước ta từ tháng 7/1954 đến tháng 4/1975. Chúng ta đã đánh Mỹ, thắng Mỹ bằng phương pháp cách mạng khoa học, sáng tạo là sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; kết hợp khởi nghĩa của quần chúng và chiến tranh cách mạng, nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy; đánh địch trên cả ba vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn đồng bằng và thành thị; đánh địch bằng ba mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận; nắm vững phương châm chiến lược đánh lâu dài, đồng thời biết tạo thời cơ và nắm thời cơ… Đường lối chính trị, quân sự, phương pháp tiến hành cách mạng và chiến tranh cách mạng đã tạo nên sức mạng tổng hợp cực kỳ to lớn để nhân dân ta thắng Mỹ.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là thành quả nổi bật nhất, quý giá nhất của đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng - sự kết tinh ý chí độc lập tự chủ, tự lực tự cường, kết tinh của nền khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Chỉ riêng sự kiên trì tiến hành kháng chiến suốt 30 năm với biết bao thách thức của thời gian và những tác động phức tạp của tình hình thế giới đã thể hiện bản lĩnh độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng và nhân dân ta. Có thể thấy rằng, trong hai cuộc kháng chiến Đảng và nhân dân ta đã nhận được sự giúp đỡ và ủng hộ to lớn, có hiệu quả của các nước xã hội chủ nghĩa và các lực lượng tiến bộ trên thế giới, nhưng Đảng ta luôn giữ vững độc lập, tự chủ trong hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối chiến tranh cách mạng. Nhờ sáng tạo trong hình thức và phương pháp đấu tranh với việc sử dụng linh hoạt hai hình thức đấu tranh (đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự) và hai lực lượng cách mạng (lực lượng chính trị và lực lượng quân sự) mà chúng ta đã giành thắng lợi từng bước, tiến tới thắng lợi hoàn toàn.

Suốt chặng đường 45 năm liên tục chiến đấu và hy sinh để giành thắng lợi trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân có thể thấy độc lập, tự chủ, sáng tạo đã trở thành truyền thống và bản lĩnh chính trị chi phối toàn bộ hoạt động của Đảng. Kinh nghiệm của từng thời kỳ cũng như bài học chung trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam là: Nếu không độc lập, tự chủ và sáng tạo, phạm vào chủ nghĩa giáo điều, dập khuôn kinh nghiệm của nước ngoài, chịu ảnh hưởng từ bên ngoài thì cách mạng sẽ phạm phải sai lầm và tổn thất.

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và cả nước tiến hành quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Trải qua hai cuộc kháng chiến, nhân dân ta nhận được sự giúp đỡ to lớn, có hiệu quả của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của bầu bạn quốc tế, Đảng và nhân dân ta coi đó là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Nhưng thời kỳ đó cũng xảy ra sự bất đồng giữa các nước anh em, một số nước có những toan tính đối với cách mạng Việt Nam, gây cho cách mạng nước ta nhiều khó khăn, phức tạp, cản trở lớn. Với bản lĩnh độc lập, tự chủ, sáng tạo, đứng vững trên lập trường Mác-xít Lê-nin-nít, kết hợp sự khôn ngoan về chính trị với sự dày dạn trong kinh nghiệm, Đảng ta đã sáng suốt, có tầm nhìn xa, trông rộng, khả năng ứng phó nhạy bén, kịp thời, khắc phục có hiệu quả mọi chướng ngại để giành thắng lợi cho cách mạng Việt Nam, góp phần củng cố sự đoàn kết trong phong trào cộng sản quốc tế.

Tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong cách mạng xã hội chủ nghĩa của Đảng càng được thể hiện nổi bật trong sự nghiệp đổi mới từ năm 1986. Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước trong bối cảnh đặc biệt: Thế giới trải qua một thời kỳ đầy biến động, cách mạng thế giới đang lâm vào thoái trào, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu bị tan rã, thị trường truyền thống bị đảo lộn. Đất nước đứng trước những nguy cơ lớn: Mỹ tiếp tục bao vây cấm vận đối với Việt Nam, các thế lực thù địch tấn công từ nhiều phía mưu toan phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội. Một số nước thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập làm cho bộ phận cán bộ, đảng viên hoang mang, dao động. Đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh hết sức phức tạp đó, Đảng ta vẫn kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, kiên trì đổi mới, đổi mới có nguyên tắc, không hoang mang dao động, không bắt chước người khác, không vì sức ép từ bất cứ phía nào mà thay đổi phương hướng mục tiêu đã định.

Đảng đã hoạch định đường lối đổi mới toàn diện, đồng bộ. Đổi mới bắt đầu từ đổi mới tư duy chính trị thể hiện trong việc hoạch định đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại. Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng đã khẳng định: “Ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh[3].

Nghiên cứu quá trình Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, chúng ta có thể khẳng định: Ở những bước ngoặt khó khăn nhất của cách mạng, tinh thần sáng tạo và bản lĩnh độc lập, tự chủ của Đảng có ý nghĩa quyết định đưa cách mạng Việt Nam vượt lên mọi thách thức để giành thắng lợi. Như nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng đã chỉ rõ: “Cách mạng chỉ giành được thắng lợi khi chúng ta kiên định mục tiêu, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường, đổi mới, sáng tạo”[4].

Như vậy, lịch sử cách mạng minh chứng Đảng ta đã nêu cao trách nhiệm trước đất nước và nhân dân, có bản lĩnh độc lập, tự chủ và sáng tạo. Đảng ta với tinh thần độc lập, tự chủ đã động viên ý thức tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh của cả dân tộc; xây dựng và phát triển đất nước với quy mô và tốc độ lớn; vị thế chính trị của Việt Nam ngày càng được đề cao trên trường quốc tế. Ngày nay, khi lịch sử dân tộc bước sang trang mới, cạnh tranh kinh tế của mỗi quốc gia đang diễn ra căng thẳng trên phạm vi toàn cầu, đi liền với những thách thức về an ninh chủ quyền, biển đảo thì tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường càng trở nên cần thiết và phải thực sự là kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta./.

________________________________

Chú thích
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.6, tr.522.
[2] ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, H.1998, t.2, tr.2.
[3] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tr.423.
[4] Đỗ Mười, “Diễn văn kỷ niệm 105 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Báo Nhân dân, ngày 20-05-1995.

Tin khác