Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 02:01

Đoàn giảng viên Trường Chính trị nghiên cứu thực tế tại trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bến Tre

Thạc sĩ Nguyễn Thành Phương
                                                         Trưởng khoa LL Mác-Lênin, TT Hồ Chí Minh

Đồng chí Võ Hoài Chân, Phó Giám đốc Trung tâm cùng làm việc với đoàn

 Vào ngày 29 tháng 12 năm 2015, giảng viên của Khoa Lý luận Mác-Lênin,Tư tưởng Hồ Chí Minh và Khoa Dân vận cùng với đồng chí Đỗ Nam Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị đã đến nghiên cứu thực tế tại Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bến Tre, tọa lạc tại Hương lộ 173, ấp Phước Thạnh, xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoạt động trên 3 lĩnh vực chính gồm giống cây trồng, giống vật nuôi và giống thuỷ sản, thực nghiệm ứng dụng công nghệ cao.

Về lịch sử hình thành, vào năm 1992, Trung tâm giống cây trồng của tỉnh ra đời; đến năm 2006-2007, Trung tâm nhập với giống vật nuôi hình thành Trung tâm giống vật nuôi; đến năm 2011 Trung tâm giống vật nuôi nhập với thủy sản, hình thành nên Trung tâm giống nông nghiệp của tỉnh. Đến ngày 16/8/2013, Trung tâm được đổi tên thành Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bến Tre theo quyết định số 1412/QĐ-UBND ngày 16/8/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre. Tổng diện tích Trung tâm là 6,2ha. Trong đó có 05 ha dành cho cây trồng, 01 ha dành cho khu chăn nuôi, còn hơn 01 ha dành cho khu sản xuất giống lúa thuần chủng.

Tiếp đoàn chúng tôi có đồng chí Võ Hoài Chân, Phó Giám đốc Trung tâm, cùng một số nhân viên tại đơn vị. Bằng sự cởi mở, nhiệt tình, đồng  chí Võ Hoài Chân đã giới thiệu cho đoàn nắm về lịch sử hình thành Trung tâm, những hoạt động trọng yếu, các hướng đi mà ban lãnh đạo Trung tâm đề ra với các nội dung cụ thể như sau:

1.Về cơ cấu tổ chức: Trong ban giám đốc gồm 01 Giám đốc và 03 Phó giám đốc điều hành các bộ phận trực thuộc gồm:

+ Phòng chuyên môn, nghiệp vụ: Phòng Tổ chức Hành chánh Tổng hợp; Phòng Kỹ thuật; Phòng Kế hoạch cung ứng; Phòng Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

+ Các trại giống: Trại giống cây ăn trái Châu Thành; Trại giống lúa Ba Tri; Trại heo giống Châu Thành; Trại giống thủy sản CADET Bình Đại; Trại giống thủy sản Thới Thuận; Trại giống thủy sản Sơn Đông.

2.Về nhân lực: Để Trung tâm hoạt động thông suốt, hiệu quả đòi hỏi đội ngũ cán bộ, nhân viên nơi đây phải không ngừng phát huy tính sáng tạo, nhanh chóng tiếp cận, cập nhật được những thành tựu công nghệ cao đưa vào ứng dụng tại Trung tâm, nhất là tạo nên những giống mới chất lượng cao, phù hợp thổ nhưỡng của vùng đất Bến Tre. Vì vậy, tại Trung tâm đội ngũ nhân viên phải đảm bảo kiến thức, kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Tính đến thời điểm hiện nay, tổng số nhân viên là 47 người, trong đó có 01 nghiên cứu sinh trồng trọt; 03 thạc sĩ chuyên về công nghệ sinh học, phát triển nông thôn và trồng trọt; 22 người đạt trình độ đại học, trong đó có 08 người ngành trồng trọt, 02 người thuộc ngành công nghệ sinh học, 05 người ngành chăn nuôi, 04 người ngành thủy sản, 03 người ngành tài chính và 12 người trình độ trung cấp.

3. Về chức năng của Trung tâm là tập trung công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp công nghệ cao; hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực; đầu tư dịch vụ khoa học kỹ thuật.

4. Về các nhiệm vụ của Trung tâm gồm:

+ Nhiệm vụ thứ nhất, thực hiện hoạt động: nghiên cứu ứng dụng; thử nghiệm; trình diễn các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

+ Nhiệm vụ thứ hai, khảo nghiệm, sản xuất và kinh doanh: giống cây trồng, giống vật nuôi; giống thủy sản được tiếp nhận, lưu giữ giống gốc, bảo tồn nguồn gen, giống cây trồng, vật nuôi của tỉnh.

+ Nhiệm vụ thứ ba, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao, bằng cách: đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực; mời gọi nhân lực trình độ cao về nghiên cứu, làm việc.

+ Nhiệm vụ thứ tư, cung cấp thông tin và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; trưng bày, giới thiệu sản phẩm, cung ứng vật tư thiết bị chuyên ngành và tư vấn dịch vụ nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao như: hoa, kiểng, giống cây, trái cây đặc sản, rau an toàn, các loại nấm thực phẩm và nấm dược liệu.

Trong năm qua, Trung tâm đã hoàn chỉnh các đề cương đề tài, dự án thuộc chương trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao; thực hiện Dự án Quản lý, nâng cao chất lượng đàn heo, đàn bò đực giống; triển khai đề tài Ươm và nuôi thử nghiệm giống tôm càng xanh toàn đực, đề tài đã thực hiện xong giai đoạn ươm giống, hiện đang nuôi thử nghiệm giống tôm càng xanh toàn đực tại Trại giống thủy sản Sơn Đông. Triển khai thực hiện đề tài Cải tiến quy trình sản xuất cua giống nhân tạo tại Trại giống thủy sản CADET Bình Đại. Đề tài Chuyển giao công nghệ sản xuất giống sò huyết đã được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản III thực hiện trong tháng 8/2015 tại Trại giống thủy sản Thới Thuận, huyện Bình Đại. …. Ngoài ra, Trung tâm đã sản xuất và cung ứng trên 12 ngàn cây giống các loại gồm các giống chủ lực như bưởi da xanh, dừa dứa, dừa xiêm xanh, cam, quýt, xoài cát Hòa Lộc, xoài tứ quý cao sản. Tổ chức trình diễn giống rau màu, cây ăn trái trồng trong chậu, trồng dưa lê, dưa hấu trong nhà lưới và các kỹ thuật canh tác rau màu mới.

Trung tâm thực hiện xây dựng mô hình giống vật nuôi, thuỷ sản; nâng cao đàn bò thịt chất lượng cao bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo được tiếp tục lấy số liệu 4 mô hình nuôi bò vỗ béo ở 2 huyện Bình Đại và Ba Tri đồng thời tổ chức giám định, bình tuyển heo đực giống của các cơ sở chăn nuôi heo đực giống khai thác tinh đạt chất lượng cao. Qua việc kiểm tra tinh và quy trình sử dụng khai thác, pha chế bảo quản tinh của các cơ sở chăn nuôi đều đạt yêu cầu và đúng quy trình. Heo giống nhập về có lý lịch con giống, nguồn gốc rõ ràng, tiêm phòng đầy đủ, góp phần hạn chế dịch bệnh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đàn heo của tỉnh.

Sau phần trình bày những hoạt động của Trung tâm, đồng chí Võ Hoài Chân tiếp tục hướng dẫn đoàn chúng tôi tham quan khu thực nghiệm, các sản phẩm cây giống, cây đầu dòng, hoa kiểng, nấm ăn và nấm dược liệu…. Từ những hiệu quả mà thời gian qua Trung tâm đã gặt hái được cùng với lòng nhiệt huyết, hăng say, hồ hởi của một người yêu nghề, đồng chí Phó Giám đốc đã giải đáp và giới thiệu thêm những kinh nghiệm trong nghề của mình. Đoàn chúng tôi đã nghe cách giải thích rất tỉ mĩ, rõ ràng trong việc chọn giống cây đầu dòng như thế nào; cách tuyên truyền để bà con có sự ủng hộ cao trong việc mua giống của Trung tâm ra sao… đồng chí đưa ra ví dụ việc chọn giống dừa dứa lùn, để có những cây giống thuần chủng, phải đến khu rừng u minh, nơi đây có dự án cây có dầu và giống dừa có nguồn gốc từ Thái Lan, hơn 1000 cây, được trồng cách ly. Khi chọn giống dừa dứa lùn một lần chọn từ 300-400 cây, đoàn đi chọn giống có 4 người, phải là những người có dày dạn kinh nghiệm. Người thứ nhất cắt rễ cho vào túi nylon, người thứ hai đập cho dập, người thứ ba ngửi mùi, người thứ tư đánh dấu, ký tên. Chu trình chọn giống này có sự luân phiên để khâu ngửi mùi thật chính xác. Từ những công đoạn về việc chọn giống như đồng chí Võ Hoài Chân mô tả, đã tạo cho chúng tôi niềm tin về những giống cây được ươm mầm, chăm sóc để nhân giống cho bà con quê hương trồng và đạt chất lượng, hiệu quả cao, từ đó dấy lên trong tôi sự cảm mến về cái tâm của những cán bộ, nhân viên nơi đây trong việc chọn giống, quan tâm đến tương lai của ngành nông nghiệp tỉnh nhà…

Đối với bà con nông dân, giống cây trồng, vật nuôi đang là vấn đề vô cùng bức xúc. Hàng năm nhu cầu giống trong nông dân là rất lớn, trong khi các cơ sở sản xuất kinh doanh giống chưa thể đáp ứng đủ. Đó là chưa kể đến nhiều loại giống trôi nổi ngoài thị trường tự do rất khó đảm bảo chất lượng. Chính vì vậy, Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là đơn vị chủ lực trong việc tìm tòi, nghiên cứu triển khai nhiều chương trình, dự án liên quan đến việc đáp ứng cung cấp nguồn giống thuần chủng cho bà con nông dân.

Sau những giây phút hào hứng để trình bày, giới thiệu với đoàn tham quan,  thỉnh thoảng giọng của đồng chí Phó Giám đốc trầm xuống khi nói về những khó khăn, tồn tại, nhất là đầu ra sản phẩm; sự chọn giống không thuần chủng của bà con nông dân; với tư tưởng thấy người ta ăn khoai, mình vác mai mà chạy vẫn còn đeo bám ở một số bà con khi thất thu trong gieo trồng,;…việc sử dụng quá nhiều phân thuốc, hóa chất trong nuôi trồng đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất cây con giống sạch và hậu quả lâu dài là sự ô nhiễm nguồn đất, nước, trực tiếp nhất là ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Qua một buổi làm việc, chúng tôi đã thu nhận rất nhiều về những thuận lợi, kết quả đạt được, những tồn tại, khó khăn, trăn trở của trung tâm trong việc bảo tồn nguồn gen quý hiếm cũng như việc lai tạo ra các loại giống vật nuôi, cây trồng của tỉnh nhằm đáp ứng cho nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên và môi trường trong chiến lược phát triển bền vững của tỉnh nhà.

Nhìn vườn bưởi da xanh đầu dòng đang sung sức, thẳng hàng khoe quả dưới ánh nắng ban mai, với những hàng dừa dứa trĩu nặng quả đang nghiêng mình soi gương in bóng xuống dòng kênh xanh, những khu nhà ươm với công nghệ sinh học hiện đại đầy ắp những loại giống mới hứa hẹn cho những vụ mùa bội thu trong tương lai.

Bằng sự quyết tâm và tinh thần, ý thức trách nhiệm cao của mỗi cán bộ, nhân viên của Trung tâm trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, chúng tội tin chắc rằng một ngày không xa, sản phẩm của Trung tâm sẽ vươn xa ra thị trường trong nước và khu vực với niềm tự hào của đất và người trên quê hương Đồng Khởi anh hùng đang tiến lên trên con đường đổi mới./.

Tin khác