Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 18:22

Đảng bộ và nhân dân xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre với việc xây dựng thành công nông thôn mới

Trong lãnh đạo cách mạng, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng nông thôn. Nghị quyết số 26-NQ/TW và Bộ tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ ban hành, vấn đề xây dựng nông thôn mới lần đầu tiên được đề cập một cách cơ bản, toàn diện và sâu sắc, đáp ứng mong muốn của nhân dân và yêu cầu chiến lược xây dựng đất nước cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Trong xu thế phát triển hiện nay, không thể có một nước công nghiệp nếu nông nghiệp, nông thôn, nông dân còn lạc hậu và đời sống nông dân còn thấp. Vì vậy, xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng góp phần quyết định cho thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05-8-2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với mục tiêu: "Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường".
Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2015: 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2020: 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (theo 19 tiêu chí được Thủ tướng Chính phủ cụ thể hóa tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009) trên tổng số 9.121 xã hiện nay của cả nước ta.
Ở Bến Tre, chủ trương của tỉnh đến 2015 có 25 xã đạt xã nông thôn mới; đến năm 2020, 100% xã đạt xã nông thôn mới. Đặc biệt, năm 2013 tỉnh chọn 05 xã điểm hoàn tất xây dựng nông thôn mới, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách là 01 trong 05 xã được tỉnh chọn hoàn thành xã nông thôn mới trong năm 2013.

1. Xây dựng nông thôn mới một yêu cầu cấp thiết ở xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre

1.1. Sự cần thiết khách quan của việc xây dựng nông thôn mới

Cho đến thời điểm này, hơn 900 xã trên địa bàn nông thôn toàn quốc đã triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là chương trình rất lớn và toàn diện, lần đầu tiên được thực hiện tại nước ta trên quy mô cả nước. Theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW của Trung ương, phải xây dựng  nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Với tinh thần đó, nông thôn mới có năm nội dung cơ bản:
Một là, nông thôn có làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại.
Hai là, sản xuất bền vững, theo hướng hàng hóa.
Ba là, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Bốn là, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát triển.
Năm là, xã hội nông thôn được quản lý tốt và dân chủ.
Để xây dựng nông thôn với năm nội dung trên, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 491/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới bao gồm 19 tiêu chí.
Xây dựng nông thôn mới ở xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre không nằm ngoài xu thế ấy. Đặc biệt hơn, Sơn Định còn là một trong năm xã được tỉnh chọn hoàn thành xã nông thôn mới trong năm 2013.

1.2. Vai trò của nông dân xã Sơn Định trong việc xây dựng nông thôn mới

Để thực hiện tốt chương trình xây dựng xã nông thôn mới, vấn đề đặt ra cần phát huy vai trò chủ thể của người nông dân. Chính họ là chủ thể của quá trình xây dựng đồng thời là chủ thể thừa hưởng những thành quả của sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.
Phát huy vai trò của nông dân nói chung đặc biệt vai trò của nông dân xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre trong xây dựng xã nông thôn mới chính là thực hiện đồng bộ, có hệ thống các biện pháp về kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, y tế, môi trường,…nhằm khơi dậy và phát triển trên tất cả các yếu tố: Số lượng, chất lượng, cơ cấu đội ngũ nông dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng xã nông thôn mới  hiện nay, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Vai trò của nông dân xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre trong xây dựng xã nông thôn mới văn minh, hiện đại, được thể hiện:
Một là, chủ thể tích cực tham gia vào quá trình xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới;
Hai là, chủ thể chủ động và sáng tạo trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn;
Ba là, chủ thể trực tiếp trong phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn;
Bốn là, chủ thể tích cực, sáng tạo trong xây dựng và gìn giữ đời sống văn hoá - xã hội, môi trường ở nông thôn;
Năm là, nhân tố góp phần quan trọng vào xây dựng hệ thống chính trị - xã hội vững mạnh, bảo đảm an ninh trật tự xã hội ở cơ sở.
Xây dựng xã nông thôn mới là nhiệm vụ chiến lược, đang đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung nỗ lực của Nhà nước và nhân dân mà đặc biệt là nông dân, nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách, đồng thời tạo ra tiền đề cho những giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, phát huy vai trò của nông dân, của cả hệ thống chính trị xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre trong xây dựng xã nông thôn mới hiện nay theo chúng tôi là rất cần thiết.

2. Tình hình xây dựng nông thôn mới ở xã Sơn Định

2.1. Đặc điểm tình hình

* Vị trí địa lý
Xã Sơn định giáp thị trấn Chợ Lách, có quốc lộ 57 xuyên qua với chiều dài 3,2km được nhựa hóa – là tuyến đường huyết mạch nối liền giữa tỉnh Bến Tre và tỉnh Vĩnh Long. Diện tích đất tự nhiên 1468,8 ha, được chia ra thành 8 ấp: Sơn Long, Sơn Lân, Sơn Phụng, Sơn Châu, Phụng Châu, Tân Thới, Tân Phú, Thới Lộc.
* Ranh giới hành chính tiếp giáp
- Phía Đông giáp thị trấn Chợ Lách.
- Phía Tây giáp xã Vĩnh Bình.
- Phía Nam giáp sông Cổ Chiên.
- Phía Bắc giáp sông Tiền.
* Địa hình
Sơn Định có địa hình bằng phẳng, là vùng đất trũng thấp, lượng phù sa hàng năm nhiều, có sông rạch chằng chịt, nằm ven 2 con sông lớn là sông Cổ Chiên và sông Tiền, thuận tiện cho việc trồng cây ăn trái lâu năm và nuôi thủy sản.
* Về khí hậu, thủy văn và nguồn nước
- Nhiệt độ trung bình là 27,3o C, cao nhất là 34,4o C, thấp nhất là 20,2o C. Mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11. Khí hậu chia ra thành 2 mùa rõ rệt, mùa mưa có gió Tây Nam kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô có gió Đông – Đông Bắc kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.
- Thủy văn: Chịu ảnh hưởng chế độ bán nhật triều Biển Đông thông qua cửa sông Cổ Chiên. Trong ngày có 2 lần nước lên xuống, triều cường cao nhất từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm, kết hợp với mưa lớn nên thường bị vỡ đê bao cục bộ ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái.
- Sơn Định có nguồn nước ngọt quanh năm (tuy nhiên những năm gần đây vào mùa khô có lượng nước mặn xâm nhập vào khoảng tháng 3 nhưng không đáng kể).
* Tài nguyên đất
Là đất bùn đen có pha cát, giữ nước tốt nên thích hợp cho trồng các loại cây ăn trái lâu năm. Diện tích đất tự nhiên là 1468 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp trồng cây ăn trái lâu năm là 857,41 ha, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản 6,2 ha, đất phi nông nghiệp là 604,39 ha.
* Nhân lực
Toàn xã có 3.262 hộ với 12.954 nhân khẩu trong đó nam 6.313 người chiếm 48,7%, nữ 6.641 người chiếm 51,3%. Lao động trong độ tuổi là 8.109 người chiếm 62%, tập trung chủ yếu là lực lượng lao động trong nông nghiệp.

2.2. Những kết quả đạt được trong việc xây dựng nông thôn mới ở xã Sơn Định

Tính đến nay, Sơn Định đã và đang thực hiện hoàn tất 12/19 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới.
* Tiêu chí 1 – Quy hoạch và thực hiện quy hoạch.
Đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chung theo đề án và quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã.
Đã công bố quy hoạch công khai, niêm yết tại trụ sở UBND xã, khu vực phà Thới Lộc và các ấp trong xã.
* Tiêu chí 4 – Điện.
Hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện có tổng chiều dài 29,84km.
Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt 99,8% (theo tiêu chí là 98%).
Ngành điện lực và địa phương đã khảo sát các trụ điện gây ảnh hưởng đến thi công các tuyến đường giao thông. Kết quả có 130 trụ hạ thế, 7 trụ trung thế, 8 dây chằng, 4 trụ Viettel và 36 trụ viễn thông cần di dời. Đã di dời 57 trụ hạ thế , 6 trụ trung thế, 3 dây chằng và 3 trụ Viettel trên 9 tuyến đường đang thi công.
* Tiêu chí 8 – Bưu điện.
Có điểm phục vụ bưu chính viễn thông và có Internet đến các ấp.
* Tiêu chí 9 – Nhà ở dân cư.
Đã xóa được 25 nhà tạm, dột nát trên địa bàn xã.
Số hộ có nhà đạt tiêu chuẩn của bộ xây dựng: 2.283/3.262 hộ, chiếm tỷ lệ 70% (theo tiêu chí là 70%).
* Tiêu chí 10 – Thu nhập.
Thu nhập bình quân đầu người là 23 triệu đồng/người/năm (năm 2012). Tăng 3 triệu đồng so với năm 2011 và tăng 6 triệu đồng so với năm 2010.
* Tiêu chí 11 – Hộ nghèo.
Đầu năm 2013, sau khi rà soát bình xét hộ nghèo, số hộ nghèo trên địa bàn xã là 215/3.262 hộ, chiếm tỷ lệ 6,59% (theo tiêu chí là <7%).
 * Tiêu chí 12 – Cơ cấu lao động.
Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 99,92% (theo tiêu chí là ≥90%).
*Tiêu chí 13 – Hình thức tổ chức sản xuất.
Trong năm 2012, thành lập thêm 2 tổ hợp tác cây giống và hoa kiểng ở ấp Tân Phú và Sơn Châu, nâng tổng số tổ hợp tác của toàn xã lên 19 tổ với 673 hộ tham gia. Đã hướng dẫn các tổ lập kế hoạch hoạt động năm 2013 và củng cố ban quản lý tổ.
*Tiêu chí 15 – Y tế.
Số dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế là 9.065/12.954 người, chiếm tỷ lệ 70% (theo tiêu chí là ≥70%).
Y tế xã đạt chuẩn quốc gia: đã bàn giao cho chủ đầu tư, tiến hành xây dựng và hoàn thành trong năm 2013.
*Tiêu chí 16 – Văn hóa.
Xã đạt chuẩn xã Văn hóa theo quy định của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch vào năm 2006. Giữ vững 8/8 ấp văn hóa trên địa bàn xã.
Số hộ được công nhận gia đình văn hóa là 3.221/3.262 hộ, chiếm tỷ lệ 98,7%. Ban Phát triển các ấp thường xuyên tuyên truyền, vận động củng cố các thiết chế hộ gia đình.
*Tiêu chí 18 – Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh.
Tổng số cán bộ chuyên trách, công chức: 22 người.
Chuyên môn nghiệp vụ:
+ Sơ cấp: 0 người (0%).
+ Trung cấp: 11 người (50%).
+ Đại học: 4 người (18,18%).
+ Chưa đủ chuẩn: 7 người (31,82%). Hiện 7 người đang học.
*Tiêu chí 19 – An ninh trật tự xã hội.
Tình hình an ninh trật tự luôn được giữ vững và ổn định, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán Quý Tỵ.

2.3. Những hạn chế, tồn tại trong việc xây dựng nông thôn mới ở xã Sơn Định

Các tiêu chí đang phấn đấu hoàn thành cuối năm 2013 (7 tiêu chí).
*Tiêu chí 2 – Giao thông.
Đường loại A: Chưa đạt.
- Đường Cầu Đình – Bến phà Phụng Châu dài 3,375km, rộng 3,5m với kinh phí thực hiện là 4,6 tỷ đồng.
+ Đường Cầu Đình - Cầu Xếp – Cầu Sụp (Sơn Phụng) dài 1,8km, kinh phí 3,486 tỷ đồng. Chưa có vốn thực hiện giai đoạn II.
+ Đường Cầu Sụp – Bến phà Phụng Châu (Phụng Châu): dài 0,575km, kinh phí 1,114 tỷ đồng, chưa có vốn.
- Trên tuyến có 4 cầu:
+ Cầu Chan Chán: đã sửa chữa, kinh phí do dân đóng góp.
+ Cầu Xép: đang thay bằng cầu cống.
+ Cầu Chín Châu: hướng sẽ thay bằng cầu cống.
+ Cầu Sụp: thiết kế dài 66m, rộng 3,2m, tải trọng 8 tấn, kinh phí dự kiến 3,5 tỷ đồng, chưa có vốn.
Đường loại B: Chưa đạt, gồm 22 tuyến với tổng chiều dài 24,168km,
- Đã thi công xong 3 tuyến với tổng chiều dài 2,394km (đạt 9,9%) bao gồm: đường Tư Nhan – Cầu 2/9 (Sơn Lân), đường Sáu Lọ - cầu Bảy Dương – đường tránh QL.57 (Tân Phú, Sơn Lân), đường Giáo Chức – Chín Gồm + xây dựng 1 cầu (Tân Phú).
- Đang thi công 3 tuyến trong dự án biến đổi khí hậu với tổng chiều dài 4,36 km, bao gồm: đường Cầu Sụp – Bến phà Cái Kè (Phụng Châu, Sơn Châu), đường Cầu Xóm Chài – cầu Cái Mít (Sơn Long, Sơn Lân), đường Cầu Đình – Cầu Xã (Sơn Phụng), mở rộng nâng cấp đê bao 2 tuyến đường Bảy Kiệt – Lộ Mới và đường Cầu Cái Mít – Cầu Hàn.
- 8 tuyến hoàn thành thi công trong năm 2013, bao gồm: đường Lộ Ngã Tư – Cầu Rạch Ranh (Sơn Long), đường tránh QL.57 – Hai Du – Cầu Ba Nghi (Tân Phú), đường Má Năm – Hai Di (Sơn Phụng), đường Cống Cô Lan – Cầu 17/1 (Tân Thới), đường Tư Trình – Ba Lẹ (Thới Lộc), đường Hai Quan – Lộ Mới (Sơn Long), đường QL.57 – Cầu Bảy Tèng (Sơn Lân).
- 2 tuyến đường trong dự án cây ăn quả sẽ hoàn thành trong quý III năm 2013 bao gồm: đường QL.57 – Cầu Xã – Cầu Út Khoe (Sơn Phụng), đường Cầu Út Khoe – Bến phà Cái Kè (Sơn Châu).
- 6 tuyến còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2014 với tổng chiều dài 6,365km, tổng kinh phí 7,638 tỷ đồng.
Đường loại C: Chưa đạt.
- Gồm 8 tuyến với tổng chiều dài 7,48km, tổng kinh phí dự kiến là 2,244 tỷ đồng.
- Đã thi công xong 4 tuyến với tổng chiều dài 3,23km (chiếm 43,2%).
*Tiêu chí 3 – Thủy lợi.
Theo quy hoạch có 9 tuyến với tổng chiều dài là 19,54km.
Năm 2012, bàn giao mặt bằng cho Dự án biến đổi khí hậu đầu tư 4 tuyến với tổng chiều dài 7,7km (chiếm 39,4%), tổng kinh phí là 22,11 tỷ đồng. Bao gồm: tuyến Khu phố IV – Lộ Mới, tuyến Cầu Sụp – phà Cái Kè, tuyến cầu Cái Mít (Hai Quan) – Lộ Mới, tuyến Cầu Đình – Cầu Xã.
Còn 5 tuyến chưa có vốn thi công: tuyến Khu phố IV - cầu Bảy Tèng, tuyến đê bao cập sông Cổ Chiên, tuyến cặp hai bên rạch Chan Chán, tuyến rạch Sơn, tuyến cầu Sụp – sông Cổ Chiên.
Có 90% số km kênh mương do xã quản lý chủ động được tưới tiêu.
*Tiêu chí 5 – Trường học.
Trường tiểu học và trung học cơ sở đã đạt chuẩn.
Trường mầm non chưa đạt. Hiện đang xây dựng 1 phòng học, 1 phòng ăn và 8 phòng chức năng. Chưa có vốn xây dựng thêm 3 phòng học để đạt chuẩn.
*Tiêu chí 6 – Cơ sở vật chất văn hóa.
Đã có hồ sơ thiết kế xây dựng Nhà văn hóa xã, hoàn chỉnh trung tâm hành chính xã và sửa chữa, nâng cấp trụ sở ủy ban xã với kinh phí dự kiến là 20,119 tỷ đồng nhưng chưa có vốn.
Sân vận động xã quy hoạch tại ấp Sơn Lân. Quý II tiến hành đo đạt, cắm móc và hoàn thành hồ sơ xây dựng. dự kiến cuối quý IV sẽ hoàn thành công trình nhưng chưa có vốn.
 Tụ điểm sinh hoạt của 8/8 ấp đều chưa đạt (diện tích hiện tại là khoảng 32m2/ấp). đã thống nhất mua hoặc trao đổi mặt bằng để mở rộng diện tích và xây dựng mới để đạt chuẩn.
*Tiêu chí 7 – Chợ nông thôn.
Chợ Thới Lộc với diện tích 1,600m2, chưa đạt cuẩn theo quy hoạch chung.
Đang hoàn thành hồ sơ thiết kế nâng cấp mặt bằng  nhà lồng chợ và họp dân lấy ý kiến về mức vốn đóng góp. Dự kiến cuối quý II sẽ hoàn thành công trình.
*Tiêu chí 14 – Giáo dục.
Phổ cập giáo dục THCS đạt 100%.
Số học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học chiếm tỷ lệ 97% (theo tiêu chí là 80%).
Số lao động qua đào tạo đạt 1.534/7.653 người, chiếm tỷ lệ 20% (theo tiêu chí là >40%).
Đã triển khai thu nhập thông tin lao động, giữa tháng 4 sẽ tổng hợp thống kê và đề nghị mở lớp đào tạo nghề cho lao động.
*Tiêu chí 17 – Môi trường.
Số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh là 3.264/3.264 hộ, chiếm tỷ lệ 100%. Trong đó có 2.016 hộ sử dụng nước máy, chiếm tỷ lệ 61,8%.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều đạt chuẩn vệ sinh môi trường. Không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có tác động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp. các chất thải được thu gom và xử lý đúng quy định.
Nghĩa trang quy hoạch xây dựng tại ấp Tân Thới. Quý II tiến hành cắm mốc, hoàn thành mặt bằng xây dựng. Dự kiến đến quý IV sẽ hoàn thành công trình song chưa có vốn.

2.4. Nguyên nhân của những kết quả đạt được và những hạn chế, tồn tại trong việc xây dựng nông thôn mới ở xã Sơn Định

2.4.1. Nguyên nhân của những kết quả đạt được trong việc xây dựng nông thôn mới ở xã Sơn Định

Điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, địa hình thuận lợi đây là tiền đề cơ bản cho việc thực hiện thắng lợi xây dựng nông thôn mới ở xã.
Truyền thống lịch sử của quân dân địa phương là nguồn động lực to lớn, nhân tố cực kỳ quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi xây dựng nông thôn mới ở xã.
Có BCĐ các cấp biết phát huy, khai thác, sử dụng tốt thế mạnh của quần chúng nhân dân và cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, nghị quyết phù hợp với tình hình và nguyện vọng của nhân dân, được quần chúng nhân dân tin và làm theo thì không có sự cản trở nào mà không vượt qua được.
Có sự đồng thuận cao của nhân dân vì đây là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân nhằm giải phóng cho nhân dân hướng đến dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Sự lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể một cách khoa học, sáng tạo, trong việc ra nghị quyết và kịp thời vận động quần chúng nhân dân thực hiện thắng lợi nghị quyết.
Sự gương mẫu, tiên phong của đội ngũ cán bộ, công chức xã là điều kiện để dân tin và làm theo một cách nhiệt tình. Sức dân là nhân tố quyết định khi nó được khơi dậy đúng lúc.

2.4.2. Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong việc xây dựng nông thôn mới ở xã Sơn Định

Trình độ dân trí chưa thực sự cao nên sự nhận thức về xây dựng nông thôn mới của quần chúng nhân dân còn nhiều vấn đề bất cập nhất là việc nhận thức và thực hiện 19 tiêu chí chưa thông suốt.
Tình hình thu nhập, đời sống của quần chúng nhân dân chưa cao, chưa thật sự ổn định nên việc cùng một lúc huy động và đóng góp cho xây dựng nông thôn mới về sức người, sức của quá lớn vì thế khó khăn lại chồng chất khó khăn.
Số lượng vốn ban đầu quá lớn so với việc quy động từ sức dân, nên nếu huyện, tỉnh đầu tư mạnh thì mới hoàn tất được
Tư tưởng trông chờ, ỷ lại còn tồn tại trong một bộ phận cán bộ, công chức và quần chúng nhân dân đây là sức ỳ, lực cản cho quá trình xây dựng nông thôn mới của xã.

2.5. Một số kinh nghiệm ban đầu về việc xây dựng nông thôn mới ở xã Sơn Định

2.5.1. Phải biết dựa vào dân, do dân quyết định

Thứ nhất, nói một cách khái quát, mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ, thay vì như khẩu hiệu mà chúng ta đang thực hiện hiện nay là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Khâu này người dân phải bàn và tham gia ngay từ đầu, là khâu hết sức quan trọng, có tính chất lâu dài.
Thứ hai, thảo luận, bàn bạc xong rồi, khi triển khai, người dân quyết định cái gì làm trước cái gì làm sau, phù hợp với nguồn lực của chính họ, phù hợp nguồn lực của địa phương và của Trung ương hỗ trợ cho họ để hiệu quả nhất.
Thứ ba, là công trình nào mà người dân làm được thì để người dân làm, không phải cái gì cũng thuê. Họ có thể có thu nhập, đồng thời có thể đóng góp sức lực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới thông qua việc xây dựng công trình đó.
Thứ tư, là làm cho từng người dân tự giác chỉnh trang nhà họ theo quy hoạch chung của xã, đóng góp cho văn minh sạch đẹp của làng xã từ chính nhà mình. Không phải trong nhà sạch mà ngoài ngõ bẩn hay ngược lại.
Thứ năm, người nông dân phải thực sự hiểu được, thấy được là họ làm cho chính mình và vì thế họ sẽ thực hiện theo chủ trương của Đảng và Nhà nước một cách nhất quán.

2.5.2. Vai trò của cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể

Trình độ năng lực đội ngũ cán bộ công chức của xã được nâng cao nên việc đề ra và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết cấp trên một cách năng động, sáng tạo phù hợp với tình hình nhiệm vụ địa phương. Ý Đảng hợp lòng dân, dân tin Đảng.
Uy tín đội ngũ cán bộ, công chức của xã không ngừng được củng cố, nâng cao tạo được sự tin tưởng trong quần chúng nhân dân được quần chúng nhân dân ủng hộ, nghe, tin và làm theo.
Tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết của cấp trên một cách cụ thể hóa phù hợp với tình hình nhiệm vụ địa phương, hợp với xu thế chung của tỉnh và của quốc gia. Đặc biệt là hợp với lòng dân, được dân tin và quyết tâm thực hiện.
Đoàn kết nội bộ tốt thống nhất ý chí và hành động, nói và làm theo nghị quyết tạo sự thống nhất cao, được nhân dân tin và ủng hộ.
Biết khai thác, phát huy và sử dụng truyền thống, thế mạnh của nhân dân, của địa phương làm động lực cho sự thành công của việc xây dựng nông thôn mới ở xã.

2.6. Một số kiến nghị, đề xuất ban đầu về việc xây dựng nông thôn mới ở xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre

2.6.1. Đối với địa phương

Đội ngũ cán bộ, công chức xã cần phải tập trung các biện pháp tốt hơn nữa trong việc khai thác, phát huy và sử dụng một cách có hiệu quả truyền thống, thế mạnh của nhân dân, của địa phương làm động lực cho sự thành công của việc xây dựng nông thôn mới ở xã.
Cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và nhân dân Sơn Định cần tận dụng một cách triệt để các nguồn đầu tư từ nhiều thành phần bên ngoài xã nhằm tạo động lực tổng hợp cho quá trình xây dựng thành công nông thôn mới của xã.
Cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể xã cần phải xây dựng Chiến lược cán bộ một cách khoa học có đủ ba thế hệ nhằm kế tục một cách xứng đáng hơn nữa trong quá trình thực hiện thắng lợi xây dựng nông thôn mới của xã.
Đội ngũ cán bộ, công chức xã cần thường xuyên gần dân, nắm dân, gương mẫu, tiên phong…xứng đáng hơn nữa là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân.
Suy cho cùng, nhân tố quyết định sự thành bại, nhanh hay chậm của quá trình xây dựng nông thôn mới ở Sơn Định là quần chúng nhân dân, vì thế cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể xã cần phải thường xuyên tuyên truyền vận động nâng cao hơn nữa nhận thức của quần chúng nhân dân, tạo đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân thì khó trăm lần dân liệu cũng xong.

2.6.2. Đối với huyện, tỉnh

* Giao thông
- Chưa có vốn để xây dựng cầu, 6 tuyến loại B (nằm trong kế hoạch thực hiện 2013) chưa có vốn thi công. Kiến nghị: Đầu tư vốn để thi công các tuyến đường và xây dựng cầu đồng bộ.
- Một số tuyến chủ đầu tư đang thi công nhưng chậm tiến độ. Kiến nghị: tác động để đẩy nhanh thi công các công trình, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ.
* Trường học
Trường mầm non Sơn Định chưa đạt chuẩn. Kiến nghị: Đầu tư vốn xây dựng thêm 3 phòng học để trường được công nhận đạt chuẩn.
* Cơ sở vật chất văn hóa
7/8 ấp chưa có cổng ấp (thiết kế cổng bằng pê-tông cốt thép, chữ mica, nền alu), tụ điểm sinh hoạt của 8 ấp đã có mặt bằng xây dựng nhưng chưa có vốn (diện tích 300m2/tụ điểm). Kiến nghị: Hỗ trợ vốn để thi công các công trình.
* Giáo dục
Số lao động chưa qua đào tạo (theo thống kê trước đây) đạt 1.534/7.653 người, chiếm tỷ lệ 20%. Kiến nghị: Hỗ trợ kinh phí tiến hành khảo sát thị trường lao động và mở các lớp đào tạo nghề.
Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nhằm chuyển đổi cơ bản nền nông nghiệp với lối sản xuất nhỏ lên nền nông nghiệp hiện đại, xanh phát triển bền vững, đồng thời cũng thay đổi căn bản diện mạo nông thôn. Xây dựng nông thôn mới là nhằm rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị trong quá trình huy hoạch đô thị hóa, vì thế việc Sơn Định xây dựng nông thôn mới cũng nhằm thực hiện những mục tiêu cơ bản trên.
Xây dựng nông thôn mới nói chung là nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu của CNXH làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chính vì thế, xây dựng nông thôn mới ở Sơn Định mà mục tiêu cơ bản là phát huy, khai thác, sử dụng một cách có hiệu quả mọi tiềm năng vốn có của điều kiện tự nhiên và xã hội, đất và người ở đây cũng nhằm mục tiêu trên.
Việc xây dựng nông thôn mới là việc làm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, song quần chúng nhân dân là lực lượng chủ thể quyết định của cả hai quá trình xây dựng và hưởng thụ các thành quả của quá trình ấy. Chính vì thế việc phát huy vai trò của nông dân một cách có hiệu quả đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức xã phải thật sự gương mẫu, tiên phong, thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân.
Với những kết quả bước đầu đã đạt được (12/19 tiêu chí) với sự đồng thuận cao của quần chúng nhân dân, sự gương mẫu tiên phong của đội ngũ cán bộ, công chức của xã, chúng ta đủ điều kiện, tiền đề tin tưởng rằng dến cuối năm 2013, Sơn Định sẽ hoàn tất các tiêu chí còn lại. Rồi đây diện mạo Sơn Định sẽ có sự đổi thay một cách căn bản. Đảng bộ và nhân dân Sơn Định có quyền tự hào rằng mình là một trong những xã điểm, lá cờ đầu hoàn tất xây dựng nông thôn mới của tỉnh, kế thừa và phát huy một cách xứng đáng hơn nữa với truyền thống của các thế hệ đi trước chuyển giao lại./.
ThS. Nguyễn Thành Phương
                                                                    Trưởng khoa LL MLN, TTHCM

 

Tin khác