Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 04:57

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ qua 5 năm thực hiện ở Trường Chính trị Bến Tre

                             Nguyễn Thị Hiền
Trưởng Phòng Đào tạo

Thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ đã được quy định tại Quyết định 184-QĐ/TW ngày 03/9/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định 1232-QĐ/TU ngày 18/5/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trường Chính trị Bến Tre đã phát huy được chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự định hướng về công tác chính trị, tư tưởng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Công tác đào tạo cán bộ của Ban Tổ chức Tỉnh ủy và thực hiện theo hướng dẫn nội dung, chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh có liên quan, Ban Tổ chức các Huyện ủy, Thành ủy thành phố Bến Tre. Hàng năm, Trường Chính trị Bến Tre đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đảm bảo theo kế hoạch đề ra.

- Kết quả đào tạo: Nhà trường đã tập trung đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức, dự nguồn của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cấp cơ sở; cán bộ đương chức, dự nguồn trưởng phòng, phó trưởng phòng, ban cấp huyện và tương đương; cán bộ đương chức, dự nguồn trưởng phòng, phó trưởng phòng thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh và tương đương; cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Năm năm qua, Trường đã đào tạo 48 lớp, 4.133 học viên.

+ Liên kết đào tạo đại học chuyên môn: 04 lớp, 426 học viên;

+ Phối hợp đào tạo Cao cấp lý luận chính trị: 07 lớp, 612 học viên;

+ Đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính: 37 lớp, 3.095 học viên;

- Kết quả bồi dưỡng: 157 lớp, 16.684 học viên.

+ Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ: 79 lớp, 8.763 học viên;

+ Bồi dưỡng chức danh: 02 lớp, 192 học viên;

+ Bồi dưỡng cán bộ nguồn: 05 lớp, 363 học viên.

. Nguồn Tỉnh ủy: 02 lớp, 155 học viên;

. Nguồn Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND cấp xã: 03 lớp, 208 học viên;

+ Kiến thức quốc phòng và an ninh: 07 lớp, 501 học viên;

+ Cập nhật kiến thức: 49 lớp, 5.502 học viên.

. Đối tượng 3: 01 lớp, 108 học viên;

. Đối tượng 4: 19 lớp, 1.787 học viên;

. Cập nhật thông tin cho Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND cấp xã: 29 lớp, 3.607 học viên.

+ Kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên: 15 lớp, 1.363 học viên.

Về thực hiện chương trình, nội dung của các loại hình đào tạo, bồi dưỡng

- Đối với các lớp đào tạo chuyên môn, liên kết: do các đơn vị liên kết tổ chức thực hiện (Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Hành chính, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Kinh tế - Luật…), Trường Chính trị tham gia phối hợp tổ chức quản lý.

- Đối với loại hình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính thực hiện theo quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Từ năm 2011 đến nay đã có sự thay đổi về nội dung, chương trình đào tạo theo hướng giảm lý luận, tăng kỹ năng, nghiệp vụ:

+ Năm 2011, chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính thời gian đào tạo là 8 tháng, tương đương 1.765 tiết.

+ Năm 2014, chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính thời gian đào tạo là 6 tháng, tương đương 1.056 tiết.

Nhìn chung, thời gian thực hiện chương trình đào tạo được rút gọn hơn so với trước đây, giảm thời gian lên lớp, tăng thời gian học viên tự học, tự nghiên cứu.

- Đối với nội dung, chương trình bồi dưỡng: do các ban, ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức đề xuất, biên soạn gắn với nhu cầu đối tượng thuộc ngành mình quản lý, tập trung hướng dẫn nghiệp vụ.

Thực hiện bồi dưỡng theo chức danh theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, dành cho đối tượng là Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy xã, và chương trình bồi dưỡng quản lý nhà nước thực hiện theo chương trình khung của Bộ Nội vụ.

Thực hiện theo Quy định số 164-QĐ/TW ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị (khoá XI) về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Nội dung, chương trình các lớp này bám sát thực hiện theo hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Về công tác tổ chức, quản lý đào tạo, bồi dưỡng

Đối với đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính, nhà trường cũng kết hợp cả hình thức đào tạo tập trung và tại chức, tổ chức mở lớp tại trường và ở huyện để tạo điều kiện cho cán bộ cơ sở vừa học vừa làm (theo chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy).

- Để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị, nhà trường đã cụ thể hóa các quy chế của Học viện thành bộ quy chế riêng của Trường để quản lý chặt chẽ quá trình dạy và học. 

- Việc tổ chức thi, đánh giá kết quả học tập của học viên được đổi mới từng bước theo hướng đánh giá cả về kiến thức lý luận và thực tiễn của học viên, sự liên hệ, vận dụng vào thực tiễn công tác lãnh đạo, quản lý ở cơ sở. Nhất là việc viết tiểu luận cuối khóa của chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính đã giúp học viên phân tích, đánh giá, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, tổng kết thực tiễn và đề xuất các giải pháp để giải quyết một vấn đề cụ thể thực tiễn đặt ra ở ngay cơ quan, địa phương, đơn vị.

- Công tác thanh tra giáo dục cũng được quan tâm thực hiện, thường xuyên giám sát các kỳ thi, xét điều kiện thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập đúng theo quy chế đề ra.

- Công tác quản lý giảng dạy đối với đội ngũ giảng viên nhà trường cũng được quan tâm đổi mới về phương pháp, từng bước áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực gắn với phương pháp truyền thống vào bài giảng nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Việc tổ chức thao giảng, dự giờ, thi giảng viên giỏi toàn quốc các trường chính trị do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức cũng được nhà trường quan tâm tổ chức thường xuyên.

- Công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế được nhà trường triển khai tích cực nhằm hỗ trợ cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.

Về  phối hợp tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng với cơ sở đào tạo

Trong những năm qua, Trường Chính trị luôn nhận được sự quan tâm phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ; phối hợp với các ban Đảng tỉnh; các sở, ngành, đoàn thể; các huyện và thành phố, các Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, duyệt sinh, chuẩn bị về cơ sở vật chất, tổ chức giảng dạy và quản lý học viên. Đồng thời, nhà trường cũng phối hợp với các Học viện, Trường Đại học để tổ chức học tập, quản lý học viên đối với các lớp Cao cấp LLCT, LLCT-HC và Đại học chuyên ngành đặt tại Trường Chính trị.

Về kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo

Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo có nhiều tiến bộ, từng bước chặt chẽ, chính xác, khách quan.

Đánh giá chung công tác đào tạo, bồi dưỡng 5 năm qua (2011-2015)

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường Chính trị luôn được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường.

- Việc xây dựng cũng như tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được tiến hành khoa học, nghiêm túc, tiết kiệm.

- Chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo các lớp nguồn Tỉnh ủy, các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý theo Quy định 164 của Bộ Chính trị hoàn thành tốt, tổ chức sớm nhất ở các tỉnh trong khu vực.

- Xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo yêu cầu của Tỉnh ủy, UBND tỉnh: Chương trình đào tạo nguồn Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND cấp xã; chương trình bồi dưỡng cán bộ biệt phái giữ nhiệm vụ phó chủ tịch UBND cấp xã…

- Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình khung đã từng bước được đổi mới theo hướng tập trung đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa tiêu chuẩn và trang bị cho cán bộ, công chức các kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý.

- Phương pháp, hình thức tổ chức được cải tiến, đổi mới theo hướng sát thực với điều kiện tình hình công tác của cán bộ, công chức.

Tuy nhiên bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường Chính trị Bến Tre cũng còn những hạn chế nhất định:

- Chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính có đổi mới nhưng chậm được cập nhật những kiến thức mới, chủ trương, đường lối, chính sách mới trên nhiều lĩnh vực, chủ yếu tùy thuộc vào trách nhiệm, trình độ, năng lực của mỗi giảng viên; về nội dung, chương trình cũng có những bất cập như: còn chồng chéo giữa các môn học, phần học, nội dung kiến thức và thời lượng bố trí… Quy chế đào tạo còn nhiều bất cập, nhiều đầu mối chỉ đạo thực hiện, phân cấp đào tạo, bồi dưỡng còn chồng lấn giữa thẩm quyền Trung ương với địa phương.

- Các chương trình bồi dưỡng theo chức danh do Bộ Nội vụ biên soạn quá lạc hậu, các chương trình bồi dưỡng khác chủ yếu nhà trường phối hợp với các đơn vị liên quan chọn và biên soạn theo yêu cầu công việc.

- Về phương pháp giảng dạy của giảng viên chưa áp dụng một cách thực sự hiệu quả phương pháp giảng dạy tích cực nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên. Một số giảng viên chưa biết cách tổ chức thảo luận cho thật sự hiệu quả, trong khi đó nhiều học viên rất thụ động trong quá trình lên lớp cũng như thảo luận. Một số học viên chưa xác định đúng động cơ, mục đích học tập, có biểu hiện học để đủ điều kiện về tiêu chuẩn, học để có bằng cấp…

- Hoạt động nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ bắt buộc đối với giảng viên để bổ trợ kiến thức cho bài giảng, góp phần tổng kết thực tiễn và giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương nhưng trong nhiều năm qua, Trường Chính trị không có đề tài khoa học cấp tỉnh, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học chưa tương xứng với tiềm năng của đội ngũ cán bộ, giảng viên; chất lượng một số bài nội san chưa cao, chưa có nhiều công trình nghiên cứu được đăng tải trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương.

- Hoạt động thao giảng, dự giờ chưa được duy trì thường xuyên, chưa thấy được đó là yêu cầu cần thiết của giảng viên, qua thao giảng, dự giờ là điều kiện để trao đổi, rút kinh nghiệm và học tập phương pháp giảng dạy lẫn nhau.

- Công tác phối hợp với các ngành, địa phương trong thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đôi lúc chưa đồng bộ và chặt chẽ nên chất lượng một số lớp chưa cao, một số cơ quan, đơn vị có cán bộ đi học chưa kết hợp chặt chẽ với nhà trường trong quản lý học viên.

- Lãnh đạo một số khoa, phòng, chưa quan tâm đúng mức công tác quản lý,  chưa chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn, chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra quản lý các khâu phục vụ.

- Công tác đánh giá chất lượng sau đào tạo, bồi dưỡng chưa được thực hiện thường xuyên, đúng mức.

Nguyên nhân hạn chế, yếu kém

- Sự chồng chéo trong chỉ đạo thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của các cơ quan, cơ sở đào tạo ở Trung ương.

- Do điều kiện cơ sở vật chất của trường còn hạn chế, hiện đang xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo.

- Chưa tuân thủ theo quy chế  phối hợp giữa các ngành, địa phương; giữa các phòng, khoa trong thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng.

- Tính chặt chẽ, trách nhiệm của lãnh đạo một số bộ phận chưa cao, chưa sâu sát.

Bài học kinh nghiệm

- Có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, có hiệu quả về mọi mặt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

- Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường phải thường xuyên quán triệt và triển khai tốt các định hướng của trên; Sự năng động, vận dụng có hiệu quả các quy định về đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với địa phương.

- Sự phối hợp chặt chẽ trong việc động viên, phân công nhiệm vụ rõ ràng, hợp lý cho cán bộ, công chức, viên chức của lãnh đạo các khoa, phòng.

- Tinh thần chủ động công tác của các bộ phận tham mưu, của cán bộ, công chức, viên chức trong việc đề ra kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch.

- Sự nhiệt tình, tâm huyết của đội ngũ giảng viên trong công tác.

- Thái độ học tập cầu thị, không ngại khó của đa số học viên…

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Chính trị Bến Tre sẽ tập trung thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp sau:

1. Mục tiêu

Xây dựng Trường Chính trị tỉnh Bến Tre trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đảng viên, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, yêu cầu đổi mới của tỉnh, của đất nước; phấn đấu công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường cơ bản đáp ứng yêu cầu chất lượng và hiệu quả.

2. Phương hướng, nhiệm vụ

- Triển khai học tập quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng cho đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường; thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng để cán bộ, giảng viên và học viên an tâm công tác, học tập và rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

- Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đã được Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt. Trong công tác đào tạo, tập trung đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng dạy và học; cải tiến quy trình quản lý đào tạo đảm bảo đúng theo quy chế; tiếp tục củng cố các khâu còn yếu trong quá trình dạy – học. Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy – học theo hướng tích cực, phát huy tính sáng tạo người học.

- Tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy – học và các hoạt động chung của nhà trường. Quản lý tốt tài chính, ngân sách, phục vụ kịp thời và đúng chế độ chính sách cho cán bộ, giảng viên và học viên.

- Thường xuyên cử giảng viên đi học tập, bồi dưỡng các lớp chuyên môn do cấp trên và Học viện tổ chức.

3. Giải pháp

Thứ nhất, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên: Tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên thật sự trong sạch, vững mạnh, có quan điểm lập trường chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức trong sáng; trình độ chuyên môn sâu, rộng và khả năng sư phạm tốt, có kiến thức thực tiễn sâu sắc, phong phú. Do đó:

- Tiếp tục đưa đi đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, đồng thời thực hiện cơ chế xét tuyển đặc thù đối với giảng viên Trường Chính trị để tuyển chọn sinh viên mới ra trường hội đủ các điều kiện làm giảng viên để đào tạo bổ sung lực lượng giảng viên kế thừa thật sự xứng đáng cả về tài năng và đức độ đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy. 

- Thường xuyên cử giảng viên đi tập huấn chuyên môn, cập nhật thông tin mới, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn do cấp trên và Học viện tổ chức.

- Thực hiện nghiêm túc chế độ đi nghiên cứu thực tế của giảng viên, tiếp tục duy trì cử giảng viên đi biệt phái với nhiệm vụ quan sát, tìm hiểu các mặt công tác đang diễn ra ở cơ sở nhằm tạo vốn kiến thức thực tế phục vụ cho công tác giảng dạy.

- Tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy: Tập trung hướng dẫn kỹ năng, xử lý tình huống gắn thực tiễn cơ sở, tăng cường mời đội ngũ báo cáo viên báo cáo các chuyên đề thực tế của các phần học nghiệp vụ công tác Đảng, công tác đoàn thể.

- Trường sẽ tăng cường đầu tư nghiên cứu đề tài khoa học nhằm khảo sát, thu thập tình huống và đưa ra các phương án xử lý tình huống diễn ra ở cơ sở. Qua đó chọn lọc những tình huống và phương án xử lý tình huống thiết thực, bổ ích đưa vào giảng dạy.

- Thực hiện tốt việc thao giảng, dự giờ của giảng viên nhằm động viên, khuyến khích giảng viên tích cực nghiên cứu hoàn thiện nội dung, cải tiến phương pháp, nâng cao chất lượng bài giảng; trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong giảng dạy.

Thứ hai, nâng cao chất lượng quản lý đào tạo

- Căn cứ vào kế hoạch đào tạo cán bộ, công chức của Trường hàng năm được Tỉnh ủy phê duyệt, thông báo ngay từ đầu năm về chương trình đào tạo, thời điểm chiêu sinh, tuyển sinh để các huyện, thị biết và chủ động chuẩn bị kế hoạch cử cán bộ, công chức đi học theo chương trình và thời điểm đã thông báo. Trong chiêu sinh, tuyển sinh phải đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn trên cơ sở quy hoạch đào tạo của đơn vị, địa phương.

- Tăng cường quản lý học viên về mặt hành chính và quản lý về nội dung làm điều kiện dự thi hết môn. Học viên chỉ được dự thi hết môn khi thỏa mãn các điều kiện quy định trong quy chế. Học viên không đủ điều kiện dự thi hết môn phải học trả nợ và thi với khóa khác. Tích cực cải tiến nâng cao chất lượng thi cử.

- Duy trì thông báo kết quả học tập, rèn luyện của học viên các lớp đào tạo về cơ quan, đơn vị, địa phương cử cán bộ đi học biết để cân nhắc, xem xét bố trí công tác sau khi cán bộ, công chức của mình học ra trường, nhất là đối với cán bộ đào tạo nguồn.

Thứ ba, phát huy tính tự giác học tập, rèn luyện của học viên

Để nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện, tập trung công tác quản lý học viên, tạo môi trường học tập thật sự thoải mái, dân chủ; phát huy tính năng động, sáng tạo của người học.

Thứ tư, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học

- Tiến hành thống kê, kiểm kê, phân loại các tài sản, trang thiết bị dạy học để thanh lý và trang bị mới kịp thời.

- Cơ sở vật chất của Trường đang xuống cấp, trang thiết bị phục vụ dạy và học chưa tương xứng so với yêu cầu. Triển khai kế hoạch nâng cấp, sửa chữa lại khu làm việc, hội trường tương xứng một trường đào tạo cán bộ, công chức của tỉnh; đảm bảo các trang thiết bị, phương tiện cần thiết phục vụ nhu cầu giảng dạy, học tập, sinh hoạt với chất lượng ngày càng cao.

Thứ năm, khảo sát đánh giá chất lượng, hiệu quả sau đào tạo

Trường đang và sẽ tiếp tục tổ chức khảo sát đánh giá chất lượng, hiệu quả sau đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2010-2015. Mục tiêu là để nắm về trình độ nhận thức, bản lĩnh chính trị, năng lực công tác; mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; những những hạn chế và nguyên nhân... từ đó có những giải pháp mang tính khoa học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, công chức ở cơ sở.

Đề xuất, kiến nghị

- Các Bộ, ngành và Học viện cần nghiên cứu lại toàn diện giữa chương trình đào tạo  trung cấp lý luận chính trị - hành chính với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng khác trong đó có đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh để tránh trùng lắp như hiện nay. Đồng thời Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính mang tính ổn định, phù hợp cho các đối tượng thuộc phạm vi Trường Chính trị đào tạo.

- Các Bộ, ngành và Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cần thống nhất phân thẩm quyền đào tạo, bồi dưỡng phù hợp đối với các Trường Chính trị, không phân cấp một chương trình đào tạo, bồi dưỡng vừa là thẩm quyền thực hiện của Trường Chính trị, vừa thẩm quyền của các cơ sở đào tạo Trung ương.

- Ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu nâng mức hỗ trợ tiền ăn cho cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, ấp, khu phố đi học hiện nay cho phù hợp với điều kiện thực tế./.

Tin khác