Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ tư, 24 Tháng 4, 2024 - 20:54

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi

                   Thạc sĩ Võ Thị Thúy Liễu
                                                Phó Trưởng Phòng NCKH - TT - TL

Giữa thế kỷ XIX, dân  tộc Việt Nam đứng trước thách thức nặng nề: Thực dân Pháp xâm lược, Việt Nam trở thành xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Thực dân Pháp đã xác lập bộ máy cai trị trên toàn cõi Đông Dương và bắt đầu khai thác kinh tế, bóc lột nhân dân Đông Dương. Chính sách thống trị, khai thác, bóc lột của thực dân Pháp làm cho cơ cấu giai cấp ở Việt Nam có nhiều thay đổi, cùng với tác động của tình hình thế giới, phong trào yêu nước Việt Nam cũng chuyển biến. Từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược, các phong trào yêu nước của nhân dân ta diễn ra rất sôi nổi và liên tục, nhưng tất cả đều không thành công là do thiếu đường lối và sự lãnh đạo đúng đắn của một tổ chức tiên phong. Trước yêu cầu bức thiết của dân tộc, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Sau nhiều năm bôn ba nước ngoài, hoạt động trong các phong trào của công nhân, nhân dân lao động và tìm hiểu các cuộc cách mạng điển hình của thế giới, Người đã tích cực chuẩn bị tư tưởng, chính trị và tổ chức cho chính đảng cách mạng Việt Nam. Đến đầu năm 1930, trước nhu cầu cấp bách phải thống nhất các tổ chức cộng sản trên cả ba miền đất nước, Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị đại biểu các tổ chức cộng sản trong nước để hợp nhất thành một Đảng Cộng sản. Hội nghị đã nhất trí thống nhất các nhóm cộng sản thành lập Đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thông qua các văn kiện do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo đó là Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những văn kiện được thông qua trong Hội nghị hợp nhất được coi là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Những nội dung cơ bản của Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã hình thành những nét cơ bản về đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam.

Sau cao trào 1930 - 1931, phong trào cách mạng bị khủng bố, nhiệm vụ cấp bách là khôi phục hệ thống tổ chức đảng và phong trào quần chúng. Với sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản, bản Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1932). Chương trình hành động tố cáo kịch liệt tội ác của đế quốc và phong kiến, phê phán các loại tư tưởng cải lương đang phát triển để khẳng định con đường cách mạng, con đường đấu tranh giai cấp; đồng thời tuyên bố rằng chỉ có đánh đổ hẳn chế độ đế quốc áp bức, phong kiến bóc lột, chỉ có thiết lập chính phủ công nông thì mới thự hiện triệt để yêu cầu của công nông. Đây là văn kiện hướng dẫn đấu tranh đưa cách mạng ra khỏi thời kỳ thoái trào.

Sau khi phân tích những biến động của Chiến tranh thế giới thứ hai, chính sách tăng cường bóc lột và đàn áp của thực dân Pháp để phục vụ chiến tranh làm biến đổi đời sống kinh tế và chính trị của các giai cấp ở Đông Dương, mâu thuẫn giữa nhân dân Đông Dương với đế quốc và tay sai ngày càng gay gắt, cuộc cách mạng đánh đổ đế quốc Pháp nhất định sẽ bùng nổ, Hội nghị Trung ương Đảng (11/1939) cho rằng cần có những thay đổi phù hợp: Cách mạng Đông Dương lúc này phải là cách mạng giải phóng dân tộc, đó là một kiểu của cách mạng tư sản dân quyền. Chống đế quốc và phong kiến là nhiệm vụ cơ bản của cách mạng tư sản dân quyền luôn luôn quan hệ khăng khít nhau. Nhưng hiện nay “nhiệm vụ chính cốt” là đánh đổ đế quốc.

Trước những diễn biến mới của tình hình trong nước và thế giới, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Người triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5 năm 1941). Hội nghị Trung ương 8 phân tích tình hình chiến tranh thế giới và biến chuyển ở trong nước, dự báo khả năng phát triển sắp tới, Hội nghị khẳng định: Đường lối cách mạng Đông Dương lúc này không phải là cách mạng tư sản dân quyền mà là cách mạng giải phóng dân tộc. Dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc, Mặt trận Việt Minh được xây dựng nhằm tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân vào hàng ngũ các đoàn thể cứu quốc.

Để cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi, ngày 6 tháng 6 năm 1941 gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước tham gia đánh Pháp đuổi Nhật, trong thư Người viết: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng. Hởi đồng bào yêu quý! Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: Người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng. Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, HN 2000, tập 3, trang 198)

Bức thư của Nguyễn Ái Quốc như lời hiệu triệu của non sông khơi dậy tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc của các tầng lớp nhân dân, động viên mọi người phát huy tính tự cường, đem sức mình để tự giải phóng. Để truyền tải tinh thần Mặt trận Việt Minh đến các địa phương trên cả nước, Đảng ta đã vận dụng nhiều hình thức tuyên truyền vận động phong phú, đa dạng như: Truyền đơn, ca dao, hò, vè,…nhất là xuất bản nhiều sách báo cách mạng. Tại Cao Bằng, Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập và trực tiếp phụ trách báo Việt Nam độc lập (gọi tắt là Việt Lập) làm cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh. Tháng 8 năm 1942, lấy tên là Hồ Chí Minh và với tư cách là đại diện Mặt trận Việt Minh, Người sang Trung Quốc nhằm tranh thủ sự ủng hộ từ bên ngoài.

Bên cạnh vũ khí sắc bén là báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn biên soạn nhiều tác phẩm như: Lịch sử nước ta, Địa lý Việt Nam,…nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết toàn dân, động viên tinh thần hy sinh chiến đấu của nhân dân.

Để xây dựng lực lượng tham gia kháng chiến giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhân rộng các đoàn thể cứu quốc ra cả nước, tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang với những hình thức từ thấp đến cao, từ tự vệ đến tự vệ chiến đấu, tiến lên xây dựng tổ du kích và đội du kích tập trung.      

Tháng 10 năm 1944, Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào cả nước kêu gọi chuẩn bị triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc, trong thư Người viết: “Phe xâm lược gần tới ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh! Tôi mong rằng các đảng phái và các đoàn thể đều ra sức chuẩn bị cùng nhau thảo luận, để khai cuộc Toàn quốc đại biểu Đại hội trong năm nay. Như vậy thì ngoại viện nhất định cầu được, cứu quốc nhất định thành công”. (Sđd, trang 506)

Ngày 9 tháng 3 năm 1945 phát xít Nhật đảo chính hất cẳng Pháp độc chiếm Đông Dương, chiến tranh thế giới thứ nhất cũng bước vào giai đoạn cuối với những thắng lợi của Liên Xô và các nước Đồng minh. Ngày 4 tháng 5 năm 1945, Hồ Chí Minh rời Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang) sau sự kiện Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản, Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hirôsima. Ngày 10 tháng 8 năm 1945, Hồ Chí Minh cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định Tổng khởi nghĩa vũ trang trong cả nước. Hồ Chí Minh viết thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, trong thư Người viết: “Hởi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định vận mệnh cho dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập, chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”. (Sđd, trang 554)

Trong vòng hơn 10 ngày cuộc Tổng khởi nghĩa đã thành công trên cả nước, chế độ thực dân hơn 80 năm, chế độ phong kiến hàng nghìn năm đã lật nhào, chính quyền cách mạng đã thuộc về nhân dân. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. (Sđd, trang 557)

Tóm lại, con đường dẫn tới thành công của Cách mạng Tháng Tám là con đường cách mạng vô sản với mục tiêu độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội như Hồ Chí Minh đã vạch ra. Đó là con đường cách mạng triệt để mà thành quả của nó là giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi áp, bức bất công, hướng tới tự do, hạnh phúc, công bằng và văn minh./.

Tin khác