Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 21:48

Cách mạng Tháng Tám và bản Tuyên ngôn độc lập đã đánh dấu một kỷ nguyên độc lập và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Thạc sĩ Trần Văn Hòa
                                                                           Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng

Trong ngày lễ độc lập 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước toàn thể quốc dân và thế giới, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cách mạng Tháng Tám 1945 và Tuyên ngôn độc lập lịch sử là một sự kiện vĩ đại có ý nghĩa lịch sử, thời đại của cách mạng và lịch sử dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Thắng lợi vẻ vang đó đã đánh đổ chế độ thuộc địa của thực dân gần một thế kỷ và chế độ quân chủ phong kiến nghìn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước cách mạng kiểu mới thật sự của dân, do dân, vì dân. Thắng lợi đó đã chấm dứt thời kỳ cơ cực, lầm than của dân tộc, đưa nhân dân thoát khỏi áp bức, bất công trở thành người chủ của đất nước và xã hội, mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc, phát triển theo con đường của chủ nghĩa xã hội, bước đầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân dân ta đã vùng dậy, lật đổ ách thống trị của thực dân đế quốc và phong kiến, lập nên chính quyền cách mạng do nhân dân lao động làm chủ trong cả nước, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập tự do. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cùng với bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo và tuyên đọc đã khai sinh ra chế độ dân chủ cộng hòa của Việt Nam.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chế độ thực dân phong kiến bị xóa bỏ, từ đây, Tổ quốc được độc lập, dân tộc và nhân dân được hưởng quyền tự do, hạnh phúc. Ngót một thế kỷ với ách thống trị tàn bạo của đế quốc thực dân, nhân dân ta sống trong cảnh bị đọa đầy, đau khổ, bị chìm đắm trong những đêm dài tăm tối đã chấm dứt.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thực sự là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc vĩ đại làm thay đổi số phận của cả dân tộc, đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ tới tự do và làm chủ. Là một cuộc cách mạng kiểu mới và điển hình trong một xã hội thuộc địa thực dân nửa phong kiến, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam được cổ vũ và chịu ảnh hưởng sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và thời đại mới do chính cuộc cách mạng đó sinh ra. Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng chống đế quốc thực dân và phong kiến, đập tan mọi xiềng xích nô lệ, khẳng định những quyền cơ bản thiêng liêng của con người - quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Cách mạng đã thực hiện những quyền đó trên nền tảng của quyền tự quyết của dân tộc, độc lập, chủ quyền của dân tộc là cơ sở để thực hiện các quyền tự do, dân sinh, dân chủ của con người.

Tuyên ngôn độc lập trở thành một văn kiện chính trị - pháp lý và thấm nhuần sâu sắc các giá trị nhân văn của thời đại mới đề cao dân chủ và tự do, công bằng và bình đẳng xã hội. Với con người - đó là quyền được tồn tại thực sự xứng đáng với những con người tự do, quyền được phát triển như một “chủ thể nhân cách sáng tạo”, ở đó phẩm giá làm người được tôn trọng, những áp bức, bóc lột, bất công, tình cảnh nô dịch...được xóa bỏ. Tuyên ngôn độc lập là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định quyền tự do, độc lập của nhân dân và dân tộc Việt Nam với toàn thế giới. Văn kiện pháp lý này thay cho tất các văn kiện pháp lý của chế độ cũ trước đó và khẳng định rõ ràng nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam.

Bản tuyên ngôn đã tuyên bố chính thức một chính quyền cách mạng mới của nhân dân Việt Nam được xây dựng và sẽ trưởng thành theo ý nguyện của mọi tầng lớp nhân dân và của cả quốc gia, dân tộc Việt Nam. Bản tuyên ngôn còn là bản cáo trạng tuyên bố kết liễu sự tồn tại các chính quyền của các triều đại phong kiến và chế độ thực dân nửa phong kiến đã suy tàn. Chính quyền cách mạng mới được thành lập là chính quyền thật sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, đấy cũng là chính quyền tồn tại mãi mãi đúng với ý nguyện của quần chúng nhân dân.

Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - thành quả lớn nhất của cuộc Cách mạng Tháng Tám, trong những năm đầu tiên đã phải ngoan cường và khôn khéo chống giặc ngoài, thù trong, củng cố thực lực và cở sở pháp lý của một nhà nước cách mạng, đảng viên và tổ chức lực lượng toàn dân xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng, chăm lo cuộc sống của nhân dân. Đó là Nhà nước do chính nhân dân tổ chức và xây dựng trong cuộc cách mạng do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Nhà nước đó ngay từ đầu đã mang bản chất cách mạng, bản chất nhân dân.

Những ngày tháng đầu tiên của Nhà nước cách mạng, Chính phủ vừa phải lo tổ chức xây dựng, phát triển kinh tế, giáo dục, văn hóa, xây dựng chế độ mới, chăm lo đời sống nhân dân, vừa phải lo chỉ đạo cuộc kháng chiến của đồng bào Nam Bộ từ ngày 23/9/1945, động viên cả nước chi viện, cổ vũ Nam Bộ kháng chiến để giữ gìn nền độc lập non trẻ. Nhiệm vụ kháng chiến và xây dựng đất nước có quan hệ mật thiết với nhau và phụ thuộc rất lớn vào sự vững mạnh của chính quyền nhà nước. Đảng cộng sản đã nắm chính quyền toàn quốc, chính quyền đó phải mạnh mới có thể bảo đảm kháng chiến, kiến quốc thành công. Ngày 06/1/1946 cử tri cả nước đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, ngày 02/3/1946, Quốc hội Khóa I kỳ họp đầu tiên đã thành lập Chính phủ chính thức do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Ngày 09/11/1946 tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam - Hiến pháp năm 1946.

Xây dựng chính quyền nhân dân gắn liền với củng cố nền độc lập, chính quyền mạnh thì độc lập được bảo đảm, độc lập được giữ vững thì chính quyền ngày càng vững mạnh. Nền độc lập thật sự và chính quyền cách mạng chân chính đều hướng tới mục tiêu làm cho toàn dân được hưởng quyền lợi hạnh phúc của một nước độc lập, tự do. Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân chứa đựng hai vấn đề cơ bản:

Một là, xây dựng bộ máy, lựa chọn cán bộ trên cơ sở tín nhiệm của dân, chính quyền do nhân dân xây dựng, tổ chức nên;

Hai là, phải thường xuyên giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ chính quyền, sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm, giữ cho chính quyền trong sạch, vững mạnh, được dân yêu quý và tin cậy. Đó là cái gốc tạo nên sức mạnh và uy tín của chính quyền và do đó, chính quyền nhà nước mới hoàn thành được chức năng, nhiệm vụ tổ chức sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, chăm lo đời sống nhân dân và bảo vệ vững chắc nền độc lập.

Trong công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam từng bước xác định quan điểm và thực hiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền đã được Hồ Chí Minh đề cập rất sớm (1919) và trên thực tế Người đã tập trung chỉ đạo từ những ngày đầu sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945. Trong điều kiện phải trải qua 2 cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm nên những vấn đề về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chưa đề cập sâu cả về lý luận và thực tiễn. Phải đến khi thực hiện công cuộc đổi mới, vai trò Nhà nước pháp quyền từng bước được nhận thức ngày càng rõ hơn. Đặc biệt là Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (01/1994) đã xác định quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đến Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (23-1-1995) đã nêu rõ: “Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quan điểm, đường lối xây dựng chính quyền nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân là nhất quán, đã và đang hiện thực hóa. Để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước theo phương thức đó, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.

Tóm lại, từ cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến Tuyên ngôn độc lập (02/9/1945) đã mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kỷ nguyên đó gắn liền với xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân. Bản chất cách mạng, bản chất nhân dân của Nhà nước bảo đảm cho độc lập vững chắc và vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

Tin khác