Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 19 Tháng 4, 2024 - 04:27

Bến Tre phát triển sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững

Thạc sĩ Võ Thị Thúy Liễu
                                                                             Phó Trưởng phòng NCKH - TT - TL

1. Khái niệm chuỗi giá trị

Theo GS. Michael Porter (Trường Đại học Harvard, Hoa Kỳ), chuỗi giá trị (Value chain) là một mô hình thể hiện một chuỗi các hoạt động tham gia vào việc tạo ra giá trị của sản phẩm và thể hiện lợi nhuận từ các hoạt động này. Chuỗi giá trị bao gồm 3 thành phần:

Thứ nhất, hoạt động chính. Bao gồm các hoạt động diễn ra theo thứ tự nối tiếp nhau. Nhóm hoạt động này liên quan trực tiếp đến việc tạo ra giá trị cho sản phẩm. Các hoạt động trong nhóm này gồm:

- Vận chuyển đầu vào (Inbound Logistics): Nhận hàng, vận chuyển, lưu trữ nguyên liệu đầu vào.

- Chế tạo (Operations): Tạo ra sản phẩm.

- Vận chuyển đầu ra (Outbound Logistics): Vận chuyển thành phẩm, lưu giữ trong các kho bãi.

- Tiếp thị và bán hàng (Marketing and Sales) : Giới thiệu sản phẩm, bán sản phẩm.

- Dịch vụ (Service): Bảo hành, sửa chữa, hỗ trợ khách hàng.

Thứ hai, hoạt động hỗ trợ. Bao gồm các hoạt động song song với hoạt động chính nhằm mục đích hỗ trợ cho việc tạo ra sản phẩm. Đây là các hoạt động gián tiếp góp phần tạo ra giá trị cho sản phẩm. Các hoạt động trong nhóm này gồm:

- Mua hàng (Procurement): Mua máy móc thiết bị và nguyên liệu đầu vào.

- Phát triển công nghệ (Technology development): Cải tiến sản phẩm, quy trình sản xuất.

- Quản lý nguồn nhân lực (Human resource management): Tuyển dụng, đào tạo, phát triển, và đãi ngộ.

- Cơ sở hạ tầng doanh nghiệp (Firm infrastructure): Quản lý, tài chính, kế toán, pháp lý.

Thứ ba, lợi nhuận. Lợi nhuận là phần chênh lệch giữa doanh thu và chi phí. Doanh nghiệp sẽ được coi như là có lợi nhuận nếu doanh thu bán hàng lớn hơn chi phí bỏ ra. Trong mô hình chuỗi giá trị thì doanh thu chính là giá trị bán ra của các hàng hóa và các giá trị này được tạo ra thông qua các hoạt động được thể hiện trên mô hình về chuỗi giá trị. Chi phí chính là các khoản tiêu hao để thực hiện các hoạt động trên.

2. Phát triển sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị ở Bến Tre

Bến Tre là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, được hình thành bởi 3 cù lao lớn. Với địa thế nằm ở cuối nguồn Cửu Long và gần như bao trùm toàn bộ vùng hạ lưu sông Tiền, bốn nhánh đổ ra biển, đã tạo ra cho Bến Tre một hệ sinh thái khá độc đáo của một vùng cù lao cửa sông với 65km bờ biển, địa hình có nhiều sông ngòi, kênh rạch lớn nhỏ, đây là tiềm năng rất lớn để Bến Tre phát triển nông nghiệp. Vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã xác định“Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững” (ĐCSVN, Tỉnh ủy Bến Tre, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ X, trang 41).

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra, trong những năm qua Bến Tre chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, trong đó tập trung hai mũi nhọn là kinh tế vườn và kinh tế biển. Nguồn tài nguyên chủ yếu và quan trọng của tỉnh là tài nguyên đất nông nghiệp, nên Tỉnh ủy xem trọng việc phát triển nông nghiệp. Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp là 67.382 ha.

Trong sản suất nông nghiệp, bước đầu đã hình thành tổ liên kết, hợp tác sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp, hiện nay toàn tỉnh có 29 tổ hợp tác bưởi, 18 tổ hợp tác chôm chôm, 6 tổ hợp tác nhãn. Đối với chăn nuôi, trong đó nuôi heo và bò là chủ lực, hiện có 49 tổ hợp tác, 138 trang trại nuôi heo đã ký hợp đồng cung ứng thức ăn, con giống, tiêu thụ với Công ty Greenfeed Vissan; 73 tổ hợp tác nuôi bò.

Hiện nay, Bến Tre xác định 7 sản phẩm chủ lực: dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, hoa kiểng, heo, bò và tôm sẽ được sản xuất theo chuỗi giá nhằm tăng lợi thế cạnh tranh giai đoạn 2016 – 2020. Việc sản xuất 7 sản phẩm trên được thực hiện theo các mô hình sản xuất an toàn, được chứng nhận GAP, đã hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã và có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Tuy nhiên, việc xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh còn nhiều hạn chế, mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ còn lỏng lẻo, quy mô nhỏ, mang tính thời vụ; đầu vào và đầu ra còn nhiều khâu trung gian; chưa phát huy hiệu quả vai trò từng tác nhân trong chuỗi giá trị, còn gặp nhiều rủi ro trong sản xuất nên năng suất và hiệu quả chưa cao; cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý chưa đáp ứng yêu cầu….Trước thực trạng trên, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về “Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng đến năm 2025”, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trên thị trường thế giới. Chuỗi giá trị thực hiện theo hướng ổn định và bền vững với 8 sản phẩn chủ lực: dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, heo, bò và tôm. Được phân kỳ thực hiện qua các giai đoạn sau:

- Giai đoạn 2016 – 2018: Xây dựng thương hiệu; hình thành ít nhất 01 hợp tác xã kiểu mới/sản phẩm; thành lập 02 hợp tác xã dừa, xây dựng thương hiệu dừa thành thương hiệu mạnh.

- Giai đoạn 2019 – 2020: Hình thành ít nhất 01 hợp tác xã kiểu mới/sản phẩm/năm.

- Giai đoạn 2021 – 2025: Tiếp tục phát triển chuỗi giá trị và nhân rộng thêm một số sản phẩm khác.

Để thực hiện mục tiêu trên đòi hỏi Nhà nước phải định hướng, hỗ trợ thông qua thể chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để các tác nhân tham gia chuỗi giá trị; nhà khoa học cần nghiên cứu, phát minh thiết bị, công nghệ, phương pháp canh tác, phòng chống dịch bệnh, bảo quản sản phẩm trong nông nghiệp; doanh nghiệp đầu vào phải ký kết hợp đồng cung ứng vật tư đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn và giá cả hợp lý; doanh nghiệp đầu ra và thương lái, cơ sở thu gom, sơ chế, bảo quản phải chủ động, tự nguyện tham gia vào chuỗi giá trị, chia sẻ hài hòa lợi ích với nông dân, trong đó doanh nghiệp đầu ra là hạt nhân trong chuỗi giá trị để thực hiện kết nối với thị trường; người sản xuất (nhất là nông dân) phải chủ động tham gia hợp tác sản xuất, liên kết, giữ chữ tín, tuân thủ quy định về an toàn, chất lượng và thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững là việc cần thiết và cấp bách, nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020, vì vậy cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

- Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được tầm quan trọng của chuỗi giá trị từ đó giúp người dân hiểu, có trách nhiệm trong sản xuất và tự nguyện tham gia liên kết thông qua tổ hợp tác và hợp tác xã.

- Hai là, nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đồng thời tăng cường tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và xây dựng thương hiệu gắn với bảo quản sau thu hoạch.

- Ba là, triển khai các chính sách hỗ trợ về khoa học công nghệ và tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp.

- Bốn là, tăng cường hoạt động nghiên cứu thị trường, tổ chức xúc tiến thương mại nhằm kết nối thị thường và quảng bá thương hiệu, đồng thời chú trọng vai trò của doanh nghiệp đầu ra.

- Năm là, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp thông qua các hình thức như duy trì ổn định môi trường đầu tư, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư…

- Sáu là, tạo điều kiện cho nông dân và doanh nghiệp tiếp cận với vốn vay ưu đãi và phát huy vai trò của ngân hàng trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án.

- Bảy là, đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn và hỗ trợ, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị./.

 

Tin khác