Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ năm, 25 Tháng 4, 2024 - 21:28

Bàn thêm một số vấn đề về phương pháp nghiên cứu, giảng dạy các môn học Mác-Lênin ở Trường Chính trị Bến Tre

Các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có vị trí, vai trò rất quan trọng trong mục tiêu đào tạo toàn diện của các trường chính trị hiện nay. Trường Chính trị Bến Tre rất coi trọng công tác dạy học các môn học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, xem đây là mắc khâu quan trọng trong toàn bộ hệ thống chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Chất lượng giảng dạy và học tập các môn học này phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác nhau, trước hết là đội ngũ cán bộ giảng dạy.

1. Bám sát đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu, vận dụng các môn học Mác-Lênin

Chủ nghĩa Mác-Lênin gồm có ba bộ phận hợp thành: Triết học Mác-Lênin, kinh tế chính trị Mác-Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học. Mỗi bộ phận là một khoa học tương đối độc lập, có đối tượng nghiên cứu riêng, có hệ thống phạm trù, quy luật riêng. Triết học Mác-Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học là cơ sở lý luận của kinh tế chính trị Mác-Lênin và ngược lại.

 Đối tượng nghiên cứu của các môn học Mác-Lênin là những quy luật và tính quy luật kinh tế - xã hội của quá trình phát sinh, hình thành và phát triển của hình thái kinh tế-xã hội cộng sản chủ nghĩa; những nguyên tắc cơ bản, những điều kiện, hình thức và phương pháp thực hiện quá trình chuyển biến từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Do đó, cần tập trung làm rõ một số vấn đề sau:

- Thứ nhất, những vấn đề mà các môn học Mác-Lênin nghiên cứu không phải là phổ quát ở mọi giai đoạn vận động của xã hội loài người mà chỉ giới hạn trong sự vận động, phát triển của xã hội từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

- Thứ hai, nội dung hệ thống các khái niệm, phạm trù, quy luật của các môn học Mác-Lênin mang tính kinh tế, chính trị- xã hội sâu sắc. Đây là đặc điểm để phân biệt đối tượng nghiên cứu của các môn học Mác-Lênin với đối tượng của các môn học khác trong hệ thống chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Do tính đặc thù của các bộ phận hợp thành chủ nghĩa Mác-Lênin nên hoàn toàn không giống với các môn học khác trong chương trình tổng thể.

- Thứ ba, tính kinh tế, chính trị-xã hội trong đối tượng nghiên cứu đã quy định phạm vi nghiên cứu, ứng dụng của các môn học Mác - Lênin. Kinh tế, chính trị-xã hội không chỉ nghiên cứu các quy luật và tính quy luật kinh tế-xã hội khách quan mà còn nghiên cứu những điều kiện chủ quan (những điều kiện, hình thức, phương pháp, mục tiêu, chiến lược…) trong công cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân để thực hiện quá trình chuyển biến từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Là một hệ thống của các bộ phận hợp thành chủ nghĩa Mác-lênin, nó gắn bó chặt chẽ với thực tiễn công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Chính thực tiễn này sẽ kiểm nghiệm tính đúng đắn các nguyên lý, quy luật của tình hình kinh tế, chính trị-xã hội và là cơ sở để khái quát, bổ sung, phát triển những nguyên lý mới làm phong phú thêm lý luận chính trị - xã hội trong đời sống. Người giảng dạy cần nhận thức và làm rõ tính sáng tạo và biện chứng, tính cách mạng và khoa học ngay trong đối tượng nghiên cứu của các môn học Mác-Lênin, bởi đó chính là giá trị và sức sống của khoa học này.

2. Thiết kế bài giảng phù hợp với đối tượng

Năm 2009 Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành chương trình và xuất bản giáo trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, trong đó có phần học về “Những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin” (dùng trong các Trường Chính trị tỉnh, hệ đào tạo trung cấp lý luận chính trị-hành chính). Giáo trình này đã có sửa chữa, bổ sung, rút ngắn so với trước đây. Nhìn chung, giáo trình mới đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới nội dung chương trình, đã quán triệt quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng, thể hiện sự kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời bám sát thực tiễn tình hình đổi mới của đất nước. So với giáo trình cũ trước đây, giáo trình mới hiện nay có nhiều ưu điểm cả về kết cấu chương trình cũng như nội dung kiến thức, bảo đảm tính khoa học, tính thống nhất trong khung chương trình đào tạo. Tuy nhiên, thực tiễn giảng dạy từ năm 2009 đến nay cho thấy rằng, dù đã có sửa chữa, bổ sung, cắt giảm nhưng giáo trình các môn học những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đó là khối lượng kiến thức quá nhiều, nặng về lý luận, trong khi đó thời gian cho giảng dạy, học tập và nghiên cứu còn quá ít. Một số chương, mục kết cấu chưa rõ ràng, nội dung còn dàn trải, trùng lặp. Phần lớn nội dung của giáo trình đem lại cho người học sự thừa nhận một cách xuôi chiều, tính thực tiễn và tính phê phán còn ít…

Giảng viên phải nghiên cứu kỹ, chủ động biên soạn bài giảng, điều chỉnh, bổ sung những thiếu sót của giáo trình theo nguyên tắc bám sát nội dung chương trình và phù hợp với đối tượng, chuyên ngành đào tạo. Bài giảng phải được thiết kế một cách khoa học, hợp lý, đảm bảo phần bài học ở trên lớp và phần hướng dẫn cho học viên tự học, tự nghiên cứu ở nhà.

Phần bài học trên lớp giảng viên phải bảo đảm giảng đủ kiến thức cơ bản, trọng tâm theo quy định của Học viện. Đặc biệt, lưu ý việc liên hệ với thực tiễn của đất nước với chuyên ngành đào tạo lý luận chính trị - hành chính. Phần hướng dẫn tự nghiên cứu giảng viên cần yêu cầu học viên thực hiện nghiêm túc việc tự học. Nên giới thiệu rõ những nội dung tự học, hướng dẫn cách đọc tài liệu, cách ghi chép. Có thể cung cấp cho học viên một số câu hỏi mang tính định hướng và những tài liệu cần thiết giúp cho người học tham khảo. Tuỳ theo đối tượng học viên (học viên học tập trung hay tại chức) mà giảng viên có các biện pháp kiểm tra nội dung tự học một cách phù hợp (Ví dụ: Có thể yêu cầu học viên trả lời câu hỏi trước khi học bài mới; hoặc viết thu hoạch nhỏ, viết tóm tắt những nội dung tự học…). Các nội dung xêmina phải phân công cho từng cá nhân, nhóm, tổ chuẩn bị trước và phải được giảng viên thông qua.

Giảng dạy các môn học Mác-Lênin cần gắn liền với đặc thù của từng đối tượng. Lâu nay, vẫn còn không ít giảng viên chỉ chú ý đến bài giảng mà không chú ý đến đối tượng người học, do đối tượng nguời học cũng rất khác nhau và đa dạng, nên phương pháp truyền đạt cũng phải đa dạng. Chẳng hạn, học viên hệ đào tạo tập trung thường có cùng độ tuổi, cùng trình độ kiến thức và kinh nghiệm. Nhưng ở các hệ đào tạo tại chức thì học viên đa dạng về độ tuổi, khác nhau về nghề nghiệp, lĩnh vực công tác, về kiến thức và kinh nghiệm, động cơ học tập cũng không giống nhau. Vì vậy, để cho bài giảng phù hợp với đối tượng, giảng viên cần chú ý đến khả năng, trình độ tiếp thu của người học để mở rộng hay thu hẹp mức độ nông, sâu của bài học.

3. Nghiên cứu và sử dụng hợp lý kinh điển

Nghiên cứu và sử dụng hợp lý kinh điển là một việc cần thiết, là yêu cầu bắt buộc đối với giảng viên giảng dạy các môn học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhất là đối với các giảng viên mới chưa có kinh nghiệm.

Kinh điển là quan điểm “gốc” của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó là những tác phẩm (bài nói, bài viết, thư,…) của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, Hồ Chí Minh đã được in chính thức thành những tác phẩm riêng hoặc xuất bản theo bộ (Tuyển tập, Toàn tập). Nghiên cứu kinh điển giúp cho người giảng viên hiểu đúng thực chất, chính xác các quan điểm, nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó là cơ sở lý luận tin cậy nhất trong quá trình nghiên cứu, biên soạn bài giảng. Sử dụng hợp lý kinh điển sẽ nâng cao chất lượng bài giảng, đem lại sự hấp dẫn và niềm tin cho người học.

Sử dụng hợp lý kinh điển trước hết là hiểu đúng kinh điển và trích dẫn đúng chỗ, phù hợp với vấn đề. Khi cần nhấn mạnh một nội dung nào đó thì cần thiết phải sử dụng kinh điển. Những câu trích kinh điển có chiều sâu sẽ giúp cho người học hiểu rõ, nắm vững hơn nội dung bài giảng. Nhưng cũng không trích dẫn quá nhiều gây phức tạp thêm nội dung bài làm cho người học bị lúng túng nếu giảng viên không làm rõ hết được nội dung trích.

4. Cải tiến phương pháp giảng dạy theo hướng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau nhằm tích cực hóa hoạt động nhận thức của học  viên

- Trước hết, các môn học Mác-Lênin là một trong những môn học nặng về lý luận, tính kinh tế - chính trị và xã hội trực tiếp, vừa mang tính trừu tượng vừa khái quát cao. Bên cạnh những tri thức khoa học với nhiều khái niệm, thuật ngữ, phạm trù, quy luật cần phải được giải thích rõ, môn học này còn phải chuyển tải đến người học nhiều nội dung quan trọng trong đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước ta, nên việc sử dụng các phương pháp này đã khắc phục được sự thiếu hụt về tài liệu, giúp cho người học nắm được một cách cơ bản nội dung môn học.

- Thứ hai, phương pháp thuyết trình phù hợp với lớp học đông học viên, việc giảng viên sử dụng khá phổ biến phương pháp thuyết trình bởi vì nó đơn giản, dễ vận dụng, không đòi hỏi những phương tiện thiết bị dạy học hiện đại, người học và người giảng đỡ vất vả.

Với kinh nghiệm giảng dạy của nhiều giảng viên trong thực tiễn, các ý kiến đều cho rằng trong giờ lên lớp, giảng viên nên kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau tuỳ thuộc vào nội dung bài giảng, điều kiện lớp học và đối tượng học viên. Nên kết hợp phương pháp thuyết trình với nêu vấn đề, vấn đáp và đối thoại. Sự kết hợp này cùng một lúc phát huy được những ưu điểm và khắc phục được những hạn chế của từng phương pháp, hạn chế tính thụ động, ỷ lại trong việc tiếp thu kiến thức của học viên, buộc người học phải tập trung vào bài giảng, phải suy nghĩ, đóng góp ý kiến xây dựng bài học. Sự kết hợp này đòi hỏi cả thầy và trò phải nỗ lực cao, phải đầu tư nhiều thời gian và công sức cho bài học.

Việc tăng cường dạy học nêu vấn đề và vấn đáp, đối thoại đòi hỏi giảng viên phải có kiến thức sâu rộng, phải chuẩn bị kỹ giáo án và thường xuyên cập nhật những tri thức, thông tin mới. Trong từng chương, từng phần, giảng viên phải xây dựng được các tình huống có vấn đề. Đó là các tình huống đòi hỏi sự tìm tòi, đào sâu suy nghĩ, phát triển và mở rộng kiến thức. Trong giờ học nên khuyến khích học viên trả lời, đối thoại. Giảng viên không nên “bỏ lửng” những câu hỏi, những thắc mắc của học viên, kể cả khi học viên có những ý kiến không thuận với mình, phải chủ động giải đáp một cách ngắn gọn và thuyết phục. Tuỳ điều kiện cụ thể mà mở rộng không gian giao tiếp. Đối với những vấn đề mới, khó mà giảng viên chưa đủ điều kiện giải đáp thì cần khuyến khích học viên tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu nhằm phát huy tính tích cực, sáng tạo của người học.

Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc giảng dạy với sự trợ giúp của máy tính, sử dụng đa phương tiện (Mutimedia) ngày càng trở nên thông dụng. Tuy nhiên, trong điều kiện như hiện nay, Trường Chính trị Bến Tre đã phấn đấu giảng bài bằng giáo án điện tử đạt trên 90% và học viên đã tiếp thu tốt.

5. Chú ý liên hệ với thực tiễn trong nước và quốc tế, với đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, trong từng bài giảng, giảng viên cần chú ý liên hệ với thực tiễn trong nước và quốc tế, với đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Có thực tiễn minh họa bài giảng sẽ hay hơn và sinh động hơn, người học sẽ tiếp thu nhanh và dễ hiểu bài. Tuy nhiên, không phải tất cả các nội dung trong bài giảng đều có ví dụ thực tế, mà phải tuỳ thuộc vào từng vấn đề cụ thể. Với những nội dung quan trọng, cần thiết phải làm rõ hay muốn tăng thêm tính thuyết phục cho người học dễ hiểu thì giảng viên phải chú ý liên hệ thực tiễn. Các sự kiện thực tế đưa vào bài giảng phải có thực, có ý nghĩa, mang tính điển hình, tính thời sự và phải có sự phân tích, lý giải ở những mức độ nhất định để bảo đảm sự thống nhất, sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn.

Vận dụng đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào chương trình môn học là một trong những chức năng, nhiệm vụ của kinh tế, chính trị và xã hội. Trong bối cảnh kinh tế chính trị thế giới có những biến động sâu sắc ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta. Liên hệ tránh vận dụng một cách chung chung, gò ép, trùng lặp một vấn đề, một quan điểm trong nhiều chương. Cần chủ động bám sát đối tượng nghiên cứu của các môn học Mác-Lênin để không lạm dụng hoặc đi quá xa nội dung môn học.

Tóm lại, nâng cao chất lượng giảng dạy các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng trong công tác lý luận hiện nay của Trường Chính trị tỉnh Bến Tre. Để nâng cao chất lượng giảng dạy các môn Mác-Lênin mỗi giảng viên cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò của môn học; tích cực nâng cao chất lượng bài giảng; thực hiện đổi mới nội dung chương trình; cải tiến phương pháp giảng dạy; nắm vững tình hình thời sự, chính trị trong nước và quốc tế để đáp ứng những yêu cầu mới của sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Mỗi giảng viên phải có kế hoạch tự phấn đấu để nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và khả năng sử dụng các phương tiện hiện đại phục vụ cho việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Thạc sĩ Trần Văn Hòa
                                                                                              Khoa Xây dựng Đảng
 

Tin khác