Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 09:35

Bài phát biểu Khai giảng Lớp Cao cấp Lý luận chính trị hệ tại chức C14 tỉnh Bến Tre 2014

TS Phan Quốc Khánh
Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện

Trước hết, cho phép tôi thay mặt Ban Giám đốc, Đảng ủy cùng toàn thể cán bộ, viên chức của Học viện Chính trị Khu vực II nhiệt liệt chào mừng các đồng chí học viên mới về dự khóa đào tạo lý luận chính trị cao cấp tại chức tại tỉnh Bến Tre khóa 2014-2016.

Công tác cán bộ là một trong những công tác quan trọng nhất của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Cán bộ luôn đóng vai trò quan trọng trong mọi giai đoạn cách mạng. Cách mạng luôn cần có đội ngũ cán bộ có đức, có tài. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn cách mạng, yêu cầu về phẩm chất và năng lực đối với cán bộ là không hoàn toàn giống nhau. Cách mạng xã hội chủ nghĩa chỉ có thể thắng lợi khi những người xây dựng nó nắm vững và biết vận dụng sáng tạo các quy luật khách quan, nó đòi hỏi đội ngũ cán bộ của Đảng phải thật sự có trình độ và năng lực lãnh đạo, quản lý. Chính vì vậy, Đảng ta luôn coi trọng công tác đào tạo cán bộ.

Lý luận mà chúng ta nghiên cứu không có mục đích tự thân, nghĩa là không phải nghiên cứu lý luận để mà lý luận, nếu lý luận không gắn với thực tiễn, không hướng tới giải quyết những vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra thì việc học tập, nghiên cứu lý luận trở thành công việc vô bổ. Do đó, một trong những nguyên tắc hàng đầu trong việc học tập, nghiên cứu lý luận chính trị là đảm bảo tính thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình học tập, chắc chắn nhiều học viên sẽ cảm thấy chưa thỏa mãn, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn chưa được giải quyết đến nơi đến chốn, sách vở, giáo trình cũng chỉ nêu vấn đề chứ chưa giải quyết rốt ráo, thậm chí có nhiều chỗ còn lạc hậu, chưa kịp cập nhật những vấn đề mới...Chúng tôi thiết nghĩ, đó cũng là chuyện bình thường, bởi vì bản thân lý luận chỉ phán ánh một cách khái quát, cô đọng về hiện thực, do đó, nó không bao giờ là đầy đủ mà luôn đòi hỏi người nghiên cứu nó phải biết vận dụng một cách sáng tạo vào hoạt động thực tiễn. Chính vì vậy, chúng tôi mong rằng các đồng chí không dừng lại ở việc tiếp thu một cách thụ động, một chiều theo kiểu thầy nói sao, trò nghe vậy mà phải cố gắng tự tìm tòi, cố gắng độc lập suy nghĩ, phải mạnh dạn trao đổi, tranh luận, phải tự mình vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, vào công việc của chính mình.

Khóa học của chúng ta khai giảng vào những ngày nhiệm kỳ khóa XI của Ban Chấp hành TW Đảng đã đi qua 4/5 chặng đường và sau những năm phát triển khá mạnh, nền kinh tế đất nước đang đứng trước những khó khăn: Tuy hiện nay kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi nhưng môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp trong khi yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao. Điều đáng lo ngại là nợ công đang trong tình trạng báo động đỏ. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều biện pháp tích cực tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu công, đã kiềm chế lạm phát, cán cân thương mại được cải thiện,...nhưng đó chỉ là những thành quả bước đầu, cần phải tiếp tục đổi mới, thậm chí có lĩnh vực phải đổi mới căn bản mới có thể đảm bảo phát triển nhanh và bền vững.

Về mặt chính trị, mặc dù hiện nay chúng ta đang ở đỉnh cao của sự phát triển, uy tín của Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường chính trị thế giới...nhưng không có nghĩa là chúng ta không gặp những khó khăn. Sau khi CNXH ở Liên xô và Đông Âu sụp đổ, Việt Nam là một trong những mục tiêu chính của chiến lược diễn biến hoà bình nhằm xoá bỏ hoàn toàn CNXH hiện thực trên phạm vi toàn thế giới. Các thế lực thù địch muốn thay đổi bản chất chế độ chính trị ở Việt Nam, muốn Việt Nam trong quá trình hội nhập sẽ hòa tan vào hệ thống của các nước tư bản. Bên cạnh đó, việc bảo vệ an ninh và chủ quyền biển đảo đang hết sức phức tạp.

Thực tế xã hội đặt ra trước chúng ta những bài toán vô cùng hóc búa trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, đòi hỏi những cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, vừa có đức, vừa có tài, làm sao để hòa nhập nhưng không hòa tan, làm sao để phát triển mạnh nền kinh tế thị trường nhưng vẫn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chúng tôi cho rằng đó là những bài học thực tế sinh động mà cả thầy trò chúng ta sẽ cùng nhau nghiên cứu, bổ sung thêm những bất cập của các tài liệu giáo khoa.

Khóa học của chúng ta sẽ diễn ra trong khoảng thời gian đảng bộ các cấp tiến hành đại hội để tiến tới đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII và sau đó là triển khai thực hiện NQ mới. Đây là điều kiện thuận lợi để chúng ta dùng lý luận soi rọi lại thực tiễn của 30 năm đổi mới, đặc biệt là xây dựng phương hướng và các giải pháp thực hiện cho sự nghiệp cách mạng nước ta trong giai đoạn mới. Chính vì vậy, để bảo đảm tính thiết thực của việc học tập nghiên cứu lý luận, chúng ta nhất thiết phải gắn chặt với thực tiễn của địa phương và cả nước.

Điều kiện Đảng cầm quyền là một thuận lợi nhưng cũng là một thử thách rất lớn về bản lĩnh, về phẩm chất chính trị, đạo đức đối với đội ngũ đảng viên, thực tế hiện nay nhiều cán bộ đảng viên trình độ, năng lực còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trước nhiệm vụ mới (chưa ngang tầm), bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ đảng viên thoái hoá, biến chất đã lợi dụng chức quyền (ở đây quyền lực vốn là của nhân dân nhưng họ đã biến thành đặc quyền của cá nhân) và dùng quyền lực ấy trục lợi cho cá nhân, gây hại cho đất nước, ảnh hưởng xấu đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng...Gần đây một số vụ cán bộ bất liêm được thanh tra và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng - đây thật ra là chuyện đáng buồn nhưng đó là dấu hiệu cho thấy quyết tâm xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của chúng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Phải làm sao bảo đảm hệ thống chính trị của chúng ta phải thể hiện thành quả một chế độ xã hội hết sức tốt đẹp, hết sức dân chủ,...Đảng và Nhà nước có nhiệm vụ lãnh đạo quản lý xã hội chứ không phải là cai trị,...làm thế nào cho dân vừa mến, vừa phục.

Đảng chỉ có thể thực hiện tốt sứ mệnh của mình khi có được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý vừa có đức, vừa có tài. Nhiệm vụ của khoá học là đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất và năng lực để các đồng chí có thể đảm nhiệm tốt vai trò của người cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt mà các đồng chí đang hoặc sẽ đảm nhiệm sau này. Đó là một trong những yêu cầu mà chúng tôi đặt ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo.

Để thực hiện được điều đó, chương trình đào tạo của Học viện sẽ tập trung trang bị những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, về khoa học lãnh đạo, quản lý. Đây là năm học đầu tiên thực hiện chương trình đổi mới - như ta thường nói vạn sự khởi đầu nan - chính vì vậy trong việc thực hiện chương trình cả thầy và trò sẽ khó tránh khỏi những khó khăn nhất định. Mặc dù giáo trình mới đã được Hội đồng biên soạn thông qua nhưng chắc chắn từ thực tế triển khai thực hiện sẽ có những bổ sung điều chỉnh cho thật hoàn thiện. Chúng tôi mong mỏi nhận được sự đóng góp từ phía người học làm cơ sở để Học viện II xây dựng bộ sách đề cương bài giảng cho phù hợp với thực tiễn đổi mới và thực tế của khu vực.

Trong nhà trường, vai trò của người thầy là rất quan trọng, nhưng cái quyết định đối với chất lượng đào tạo là ở việc học tập và rèn luyện của người học. Dù người thầy có tài giỏi đến đâu đi nữa nhưng người học lại không cố gắng thì sự cố gắng của người thầy trở thành vô nghĩa.

Trong những năm gần đây, một căn bệnh trầm kha khá phổ biến trong xã hội ta, nhất là trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, đó là bệnh thành tích. Thật ra, nếu là thành tích thật thì đó là điều đáng mừng và không thể gọi nó là bệnh. Cho nên, tên gọi đúng của nó là phải bệnh chạy theo thành tích ảo. Nhiều cán bộ đã chạy vạy để có trong tay những mảnh bằng (trong đó bằng giả thì dễ phát hiện nhưng đáng ngại hơn là có những bằng thật nhưng chất lượng là giả!). Bằng cấp là sự đánh giá, là sự công nhận về mặt hình thức của xã hội về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo. vấn đề là sự đánh giá, sự công nhận ấy có đúng với thực chất hay không? Đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, mạnh dạn tuyên chiến chống lại căn bệnh ấy, tạo sự chuyển biến thật sự trong công tác giáo dục và đào tạo. Trong hệ thống Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tất cả thầy và trò đều là đảng viên cộng sản, hoạt động đào tạo cần phải trở thành tấm gương, trở thành mẫu mực cho toàn xã hội. Nếu chúng ta không đảm bảo được học thật, thi thật, chất lượng thật, nếu trong Học viện còn hiện tượng lo lót, chạy điểm thì đừng nói đến việc chống tiêu cực trong xã hội. Chính vì vậy, trong buổi khai giảng hôm nay, chúng tôi kêu gọi các đồng chí cùng chúng tôi thực hiện tốt chủ trương của Học viện II: Xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh và nói không với tiêu cực trong thi cử. Môi trường sư phạm chỉ thật sự lành mạnh khi cả người dạy và người học có động cơ làm việc đúng đắn: Dạy để đào tạo ra lớp người có đức, có tài cho sự nghiệp cách mạng; học để làm việc, để cống hiến cho xã hội tốt hơn chứ không phải học để thăng quan tiến chức, để vinh thân phì gia. Chỉ như vậy, mới có thể đảm bảo thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học

Trong những năm qua, Học viện II đã và đang cố gắng phấn đấu để đảm bảo công tác đào tạo thật sự có chất lượng, đảm bảo sự khách quan công bằng trong việc đánh giá kết quả đào tạo, chính vì vậy đòi hỏi việc dạy và học phải thật sự nghiêm túc. Chúng tôi rất thông cảm và thấu hiểu những khó khăn của các đồng chí trong việc học tập. Nhiều đồng chí từng tâm sự với chúng tôi: Từng tuổi này mà còn phải đi học, phải nghe giảng, phải đọc sách, nghiên cứu, và còn phải thi là điều đáng ngại nhất...Đối với học viên các lớp tập trung thì hầu như toàn bộ thời gian là dành cho việc học còn học viên các lớp tại chức lại phải vừa học vừa đảm bảo hoàn thành công việc tại cơ quan, đơn vị mà chương trình đào tạo lại hoàn toàn như nhau, cho nên học viên các lớp tại chức sẽ vất vả hơn nhiều. Nhưng chúng tôi mong rằng với tinh thần của người cộng sản, vì Đảng, vì đất nước, vì nhân dân, chúng ta (tức là cả thầy và trò) sẽ cùng nhau cố gắng hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ khóa học.

Nhân buổi khai giảng hôm nay, tôi xin đề nghị:

- Lớp không lập quỹ để tiếp đón, chiêu đãi thầy.

- Học viện không có chủ trương kêu gọi đóng góp hỗ trợ thông qua hình thức quảng cáo của Tạp chí.

Đến đây, thay mặt Ban Giám đốc, chúng tôi xin tuyên bố chính thức khai giảng Lớp Cao cấp Lý luận chính trị tại chức khóa 2014-2016 dành cho cán bộ tỉnh Bến Tre.

Chuẩn bị bước sang năm mới 2015, cho phép tôi thay mặt Ban Giám đốc cùng toàn thể cán bộ viên chức của Học viện kính chúc các vị lãnh đạo, các vị đại biểu và tất các đồng chí Học viên của Lớp Cao cấp Lý luận chính trị C14 tại Bến Tre một năm mới tràn đầy hạnh phúc với nhiều niềm vui trong cuộc sống và trong công việc./.

Tin khác