Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 16:44

Bài học về xây dựng lực lượng cách mạng vững mạnh tiến tới tổng khởi nghĩa trong Cách mạng tháng tám 1945

Hồ Thị Thùy Dung

Khoa LL MLN - TT HCM

Cách mạng tháng Tám là cuộc cách mạng Dân tộc dân chủ nhân dân của nhân dân Việt Nam, bùng nổ và giành thắng lợi vào tháng Tám năm 1945. Cuộc cách mạng như một làn gió mới thổi tràn sinh khí vực dậy một dân tộc đang bị giày xéo dưới những tầng áp bức, thêm sức mạnh quật khởi để cả dân tộc vùng lên giành lại độc lập, giành tự do cho chính mình. Dưới sự lãnh đạo của một Đảng chỉ vừa tròn mười lăm tuổi, dưới ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác-Lênin, nhân dân ta đã làm nên cuộc cách mạng long trời lở đất vừa đánh đổ thực dân Pháp xâm lược, vừa đập tan xiềng xích phong kiến, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Nhắc đến cách mạng tháng Tám, tất cả chúng ta ai cũng nhớ ngay đến nghệ thuật chớp thời cơ “nghìn năm có một” của Đảng và nhân dân ta. Thời cơ ấy chỉ diễn ra trong một giai đoạn lịch sử nhất định, chỉ có những con người có tư duy nhạy bén, óc phán đoán chính trị tinh tường thì mới có thể chớp lấy thời cơ vàng làm nên chiến thắng, những con người Việt Nam trong thời khắc lịch sử đó là những con người như thế. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan rằng thời cơ không tự nhiên mà có được, Đảng ta đã khẳng định: “Thời cơ không phải tự nó đến, một phần lớn do ta sửa soạn nó, thúc đẩy nó” [1]. Hơn ai hết, dân tộc Việt Nam ta biết rõ điều đó, khát khao có được độc lập tự do cháy bỏng, cùng với lòng yêu nước nồng nàn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã trải qua một quá trình tích cực chuẩn bị, xây dựng lực lượng cách mạng vững mạnh  trên cơ sở “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Quá trình xây dựng lực lượng cách mạng đã được Đảng và Bác Hồ quan tâm chú ý ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, qua quá trình mười lăm năm tôi luyện cũng là khoảng thời gian Đảng cùng nhân dân tích cực xây dựng lực lượng cách mạng vững mạnh cho tổng khởi nghĩa. Bài học về xây dựng lực lượng cách mạng của Đảng trong cách mạng tháng Tám không chỉ đem lại thành công vang dội cho cuộc cách mạng, giành độc lập cho dân tộc, mà nó còn là bài học quý giá cho dân tộc ta hôm nay và cả mãi về sau.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, cách mạng xã hội theo nghĩa rộng là cả một thời kỳ lịch sử bắt đầu bằng cuộc cách mạng giành chính quyền và kết thúc khi chế độ mới, hình thái kinh tế xã hội mới đã hoàn toàn chiến thắng chế độ cũ, hình thái kinh tế xã hội cũ. Cách mạng theo nghĩa hẹp là việc lật đổ một chế độ chính trị lỗi thời, thiết lập chế độ chính trị tiến bộ hơn. Dù theo nghĩa rộng hay hẹp, việc giành chính quyền vẫn là vấn đề cơ bản của cách mạng xã hội. Phương pháp của cách mạng chính là dùng bạo lực các mạng để trấn áp bạo lực phản cách mạng. Cách mạng bạo lực không chỉ là sức mạnh của lực lượng vũ trang, mà còn bao gồm lực lượng chính trị của quần chúng dưới sự lãnh đạo của giai cấp cách mạng để tạo thành sức mạng tổng hợp của cuộc đấu tranh giành chính quyền.

Năm 1858 Pháp chính thức nổ phát súng đầu tiên xâm lược Việt Nam, biến Việt Nam từ một nước phong kiến độc lập thành một nước thuộc địa nữa phong kiến. Nhân dân Việt Nam phải oằn mình gánh chịu sự thống trị, áp bức, bóc lột của bọn thực dân xâm lược. Từ lúc Pháp đặt chân xâm lược Việt Nam, các phong trào yêu nước của nhân dân nổi lên mạnh mẽ, đó là: khởi nghĩa Trương Định, Phong trào Cần Vương của Vua Hàm Nghi, Phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh, khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám… Các phong trào đã thu thút được đông đảo quần chúng tham gia, thổi bùng được ngọn lửa đấu tranh giải phóng dân tộc. Tuy nhiên do chưa có đường lối lãnh đạo đúng đắn nên sau đó tất cả các phong trào đều đi vào thất bại, thực dân Pháp “…thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi của ta trong biển máu” [2]. Năm 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trên cơ sở kết hợp chặt chẽ ba yếu tố: chủ nghĩa Mác-Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Đảng ta xác định con đường của cách mạng Việt Nam không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản. Tuy nhiên do tình hình cách mạng Việt Nam có những đặc điểm riêng, vấn đề đấu tranh giai cấp chưa phải là vấn đề chính, nhiệm vụ đấu tranh chống giặc ngoại xâm giành độc lập do dân tộc là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Bởi tồn tại trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ đó chính là mâu thuẫn gây gắt giữa một bên là toàn thể dân tộc Việt Nam và một bên là thực dân Pháp xâm lược. Tiến trình của cách mạng Việt Nam sẽ là một quá tiến trình cách mạng không ngừng, sau khi thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đánh đuổi thực dân xâm lược, đánh đổ chế độ phong kiến giành được độc lập tự do, giành quyền làm chủ đất nước,  thì cả dân tộc Việt Nam sẽ bước vào cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tiến lên chế độ Cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu của nó là Chủ nghĩa xã hội với lượng cách mạng chính là giai cấp công nhân trong khối liên minh công nhân – nông dân và tầng lớp trí thức. Nhiệm vụ cách mạng đặt lên hàng đầu mà Đảng ta xác định lúc bấy giờ đó chính là nhiệm vụ đánh đuổi thực dân xâm lược, giành độc lập tự do, giành quyền làm chủ đất nước cho nhân dân, với lực lượng cách mạng là toàn dân tộc. Dưới ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác-Lênin Đảng lãnh đạo thúc đẩy phong trào cách mạng của nhân dân ta ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ. Trải qua các cao cào cách mạng 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945 Đảng đã nhận thức rằng, phải tập hợp được nhân dân mới xây dựng được lực lượng cách mạng vững mạnh để giải phóng dân tộc.

Trên cơ sở vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề xây dựng lực lượng cách mạng vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam. Xác định đúng đắn đường lối cách mạng cho dân tộc, từ khi về nước cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ và Đảng ta đã nêu ra nhiều quan điểm mới, đồng thời đề ra nhiều giải pháp để thực hiện và phát triển thực lực cách mạng hùng hậu, rộng khắp trên địa bàn cả nước. Trong tác phẩm “Đường Cách mạng”, Người đã khẳng định: “Cách mạng là việc chung của dân chúng chứ không phải việc của một hai người”[3]. Đồng thời Người cũng khẳng định rằng “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”[4]. Trong Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng, Người xác định lực lượng cách mạng bao gồm toàn dân tộc: Đảng phải tập hợp đại bộ phận giai cấp công nhân, tập hợp đại bộ phận nông dân… lãnh đạo nông dân làm cách mạng ruộng đất; lôi kéo tiểu tư sản, trí thức, trung nông... đi vào phe vô sản giai cấp; đối với phú nông, trung tiểu địa chủ và tư bản Việt Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, chí ít là làm cho họ đứng trung lập. Có như vậy Đảng ta mới có thể tập hợp được một lực lượng lớn nhân dân đứng về phía cách mạng.

Năm 1940, chiến tranh thế giới thứ hai trở nên nóng bỏng với việc phát xít Đức quay nòng súng về phía Tây Âu, Pháp bị mất nước vào tay phát xít Đức. Ở Châu Á, Nhật chiếm Trung Quốc, bành trướng xuống toàn bộ Đông Nam Á. Từ cuối năm 1940, Nhật và Pháp câu kết với nhau cùng thống trị Đông Dương. Nhận thức được đây là thời cơ để đứng lên giải phóng dân tộc, Đảng ta đã kịp thời lãnh đạo phong trào dân tộc, chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và sách lược, đề ra đường lối và phương pháp cách mạng thích hợp với yêu cầu lịch sử. Với nhiệm vụ đưa giải phóng dân tộc lên hàng đầu và hoàn chỉnh chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, sách lược đấu tranh trong thời kỳ mới, từ giữa năm 1941 cả dân tộc bước vào thời kỳ tích cực chuẩn bị lực lượng trực tiếp cho cuộc cách mạng tháng Tám.

 Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám (5/1941) đã xác định lực lượng cách mạng của ta bao gồm: Tiền phong quân chính là giai cấp vô sản trong nước; đội quân hậu bị trực tiếp: trong nước gồm nông dân và các tầng lớp nhân dân, ngoài nước: cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của các dân tộc thuộc địa và cuộc cách mạng của nhân dân ở chính quốc… Đồng thời Hội nghị cũng nhấn mạnh nếu không có lực lượng cách mạng (bao gồm lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang) hùng hậu thì không thể có khởi nghĩa thắng lợi, chúng ta phải dựa trên sức ta mà giải phóng cho ta. Quán triệt sâu sắc quan điểm trên Đảng ta đã tích cực bắt tay vào xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang vững mạnh để chuẩn bị cho khởi nghĩa.

Về xây dựng lực lượng chính trị, Đảng ta xác định lực lượng chính trị của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ đó chính là lực lượng toàn dân. Để tập hợp được toàn dân thì bước đầu Đảng ta ra sức chú trọng công tác tuyên truyền, giác ngộ, cổ vũ quần chúng tham gia cách mạng. Đảng xác định: “Phải khêu gợi tinh thần ái quốc mạnh mẽ thức tỉnh một cách thống thiết những tình ái quốc của nhân dân” [5]. Dưới nhiều hình thức đa dạng như: Bác Hồ viết thư “Kính cáo đồng bào” tố cáo tội ác của đế quốc xâm lược, đồng thời phân tích cho nhân dân ta thấy rõ những cuộc khởi nghĩa điển hình như: khởi nghĩa Nam Kỳ, khởi nghĩa Bắc Sơn, binh biến Đô Lương… các cuộc khởi nghĩa trên chưa đi tới thành công là do “không phải vì đế quốc mạnh, nhưng một là vì cơ hội chưa chín, hai là vì dân ta chưa hiệp lực đồng tâm”[6]. Sau đó Người kêu gọi nhân dân ta “Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi máu sôi lửa nóng” [7]. Ngoài ra Người còn sáng lập tờ báo Việt Nam độc lập nhằm kịp thời vạch trần những âm mưu thủ đoạn thâm độc của phát xít Nhật, thực dân Pháp đồng thời cổ động, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia cách mạng. Bên cạnh đó Đảng thường xuyên có những bài viết cô động, dễ hiểu phân tích sâu sắc nhiệm vụ cách mạng, giúp cho cán bộ và nhân dân hiểu đúng tình hình và hành động đúng với chủ trương của Đảng.

Sau khi khơi gợi lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc, bồi đắp niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng, Bác đã có những bài viết, biên dịch những tác phẩm quân sự như: Cách đánh du kích [8], Phép dùng binh của ông Tôn Tử [9], Cách huấn luyện bộ đội quân sự của Khổng Minh[10], … nhằm khái quát kinh nghiệm tổ chức và đấu tranh để trang bị cho cán bộ và Nhân dân ta những kiến thức quân sự cần thiết. Chuẩn bị một nền vững chắc cho thực lực cách mạng của ta, tiến tới khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Việc đầu tiên của xây dựng lực lượng chính trị là thổi bùng ngọn lửa yêu nước cho cả dân tộc, khẳng định vị trí vai trò của Đảng lãnh đạo, hướng quần chúng nhân dân theo đường lối đấu tranh chung của cả dân tộc, sau khi thực hiện được đều đó thì Đảng ta đã tập hợp tất cả quần chúng về một mặt trận. Thành lập mặt trận Việt Minh, tổ chức quần chúng vào các hội cứu quốc do Đảng lãnh đạo. Tháng 5/1941, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh gọi tắt là Việt Minh. Ngay khi mới ra đời, Mặt trận Việt Minh đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia cách mạng. Ngày 25/10/1941, Việt Minh công bố tuyên ngôn, chương trình, điều lệ.  Mặt trận Việt Minh đã phất cao ngọn cờ dân tộc, đưa ra những chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội phù hợp với nguyện vọng của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam nên được nhân dân ủng hộ mạnh mẽ, lực lượng Việt Minh ngày càng vững mạnh, rộng khắp. Các hội Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Tự vệ cứu quốc…lần lượt ra đời với tinh thần “…tổ chức một đoàn thể cứu quốc điều cốt yếu là không phải những hội viên phải hiểu chủ nghĩa cộng sản, mà điều cốt yếu hơn hết là họ có tinh thần cứu quốc và muốn tranh đấu cứu quốc…” [11]. Chính vì vậy mà Đảng ta thông qua mặt trận Việt Minh đã tập hợp đông đảo quần chúng yêu nước tham gia cách mạng. Từ đó cùng với sự mở rộng mặt trận Việt Minh thì phong trào cách mạng phát triển nhanh ở khắp nơi trên cả nước, từ địa bàn rừng núi đến nông thôn và cả thành thị.

Sau khi đã tập hợp được đông đảo quần chúng vào mặt trận Việt Minh, hướng tiếp theo của Đảng là đưa quần chúng đấu tranh với các hình thức thích hợp. Thông qua mặt trận Việt Minh, các cấp ủy đảng địa phương đã lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân, trên khắp các địa bàn và ngay cả trung tâm kinh tế chính trị của địch. Đó là các cuộc đấu tranh của công nhân bến tàu Sài Gòn, công nhân Hòn Gai, nông dân Thái Bình, công nhân nhà máy xe lửa Gia Lâm… nổi bật nhất trong thời kỳ này là phong trào phá kho thóc để cứu đói cho nhân dân. Các cuộc đấu tranh tạo nên khí thế cách mạng mạnh mẽ, thí thế của ngày khởi nghĩa sắp đến gần.

Các công tác chính trị của Đảng đã tích cực “động viên quần chúng tham gia công việc sửa soạn khởi nghĩa, gây ra một bầu không khí náo nhiệt cách mạng, kích thích tinh thần khởi nghĩa của quần chúng, đẩy cho phong trào tiến tới khởi nghĩa một cách mau lẹ”[12]. Đồng thời Đảng ta cũng khẳng định nếu “Không gắng sức làm những công tác chính trị quần chúng nói trên thì công việc sửa soạn khởi nghĩa về mặt quân sự sẽ không có kết quả”  [13].

Về lực lượng chính trị đã được xây dựng vững mạnh, thì bên cạnh đó lực lượng vũ trang là một lực lượng nòng cốt quyết định sức mạnh của cách mạng. Để phát triển lực lượng vũ trang Đảng ta đã tổ chức đội vũ trang tuyên truyền, mở con đường quần chúng thúc đẩy lực lượng cách mạng phát triển mạnh mẽ trên nền tảng tư tưởng: “Cuộc kháng chiến của ta là kháng chiến của toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân [14]. Tháng 5 năm 1945, trong chỉ thị về sửa soạn khởi nghĩa, Tổng bộ Việt Minh nhấn mạnh: “Một dân tộc bị áp bức cũng như một giai cấp bị bóc lột, muốn tự giải phóng phải cầm võ khí trong tay mà chiến đấu. Không thể tay vo mà đánh đuổi được giặc. Dân ta muốn đánh đuổi Nhật Pháp không thể không sắm sửa và tập dùng võ khí. Có hai cách kiếm võ khí là: tự chế, mua và chiếm của giặc”[15]. Bên cạnh việc trang bị vũ khí, vũ trang toàn dân thì vấn đề xây dựng căn cứ địa cách mạng đã được Đảng và Bác Hồ quan tâm. Trong tác phẩm “Cách đánh du kích”, Người đã dành riêng một chương bàn về xây dựng căn cứ địa cách mạng. Người nêu lên tầm quan trọng của của căn cứ địa đối với hoạt động của du kích: nơi tích trữ lương thực, thuốc đạn, súng ống, nơi dừng chân để nghỉ ngơi luyện tập. Vì vậy căn cứ địa cần phải có địa hình hiểm yếu để che chở và phải có quần chúng có cảm tình ủng hộ. Căn cứ địa chỉ được thành lập và củng cố khi đã thành lập được chính quyền cách mạng của địa phương. Và chỉ khi có được chính quyền cách mạng ở địa phương và căn cứ địa thì đội du kích mới có thể phát triển lực lượng và  trở thành quân chính quy. Dưới sự lãnh chỉ đạo của Đảng, các khu căn cứ, an toàn khu, được xây dựng và mở rộng trên khắp các địa bàn, không chỉ ở nơi rừng núi mà cả vùng ven thành phố, các khu đô thị lớn. Thực hiện chủ trương của Đảng, các cấp ủy đã lãnh đạo quần chúng đấu tranh cách mạng, từ thực tiễn phong trào, các căn cứ địa được củng cố, khu giải phóng được bảo vệ và mở rộng. Ở các căn cứ địa và khu giải phóng, chính quyền cách mạng được thành lập, các chính sách cơ bản về kinh tế, chính trị của Việt Minh được tổ chức thực hiện, lực lượng vũ trang được tăng cường, tạo đà cho đấu tranh vũ trang phát triển mạnh.

Tháng 10 năm 1944 Hồ Chí Minh đã dự báo: Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ trong một hoặc năm rưỡi nữa. Để chuẩn bị cho công cuộc giải phóng dân tộc, tháng 12/1944 người đã ra chỉ thị thành lập đội “Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”, người nhấn mạnh “Tên đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự [16]. Quân sự phải phục tùng chính trị, phải gắn với chính trị, vũ trang gắn với tuyên truyền. Đội phải tham gia vận động, tổ chức quần chúng, phải dựa chắc vào dân, và dựa chắc vào dân thì nhất định sẽ thắng lợi. Về chiến thuật, do cuộc kháng chiến của ta là kháng chiến toàn dân nên muốn giành thắng lợi phải có cách đánh sáng tạo. Đội quân chủ lực vừa thành lập, muốn hành động có kết quả phải vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực.

Trong thời gian này, tình hình trong nước chuyển biến nhanh chóng. Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật đảo chính Pháp. Ngày 12/3/1945, ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị: Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Về nhiệm vụ quân sự, Đảng ta chủ trương “Tổ chức thêm nhiều bộ đội du kích và tiểu tổ du kích”, thống nhất các chiến khu, tổ chức ủy ban quân sự cách mạng để chỉ huy du kích các chiến khu.

Từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 4 năm 1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập hội nghị quân sự Bắc Kỳ. Sau khi phân tích tình hình thế giới, đánh giá cuộc đảo chính Nhật – Pháp và phong trào kháng Nhật cứu nước của nhân dân ta, hội nghị quyết định gắp rút phát triển lực lượng vũ trang, đẩy mạnh chiến tranh du kích. Hội nghị chủ trương thống nhất đội Việt Nam Tuyên Truyền giải phóng quân cùng Cứu quốc quân thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 15 tháng 5 năm 1945 Việt Nam Giải phóng quân chính thức được thành lập tại Thái Nguyên.

Sau khoảng thời gian chạy đua tích cực chuẩn bị, xây dựng được lực lượng chính trị hùng hậu, lực lượng vũ trang vững mạnh thì tình thế cách mạng trực tiếp xuất hiện, thời cơ nghìn năm có một để giành độc lập cho dân tộc ta đã xuất hiện.

Ngày 12 tháng 8 năm 1945, Phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng Minh vô điều kiện, ở Đông Dương quân đội Nhật dao động, trong nước chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim hoang man cực độ. Đây là cơ hội nghìn năm có một, chỉ cần sự thống nhất ý chí và kiên quyết hành động của toàn dân đem sức ta mà giải phóng cho ta, phải nhanh chóng giành lấy chính quyền về tay nhân dân, trước khi quân đội các nước Đồng minh kéo vào giải giáp quân phát xít.

Ngày 13 tháng 8, Đảng ta tổ chức Hội nghị toàn quốc ở Tân Trào quyết định phát động và lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc được thành lập. Đêm 13 tháng 8 Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hạ lệnh tổng khởi nghĩa.

Ngày 16 và 17 tháng 8, Đại hội Quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập, tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng, đồng thời Quốc dân đại hội thông qua Lệnh khởi nghĩa của tổng bộ Việt Minh, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh. Cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh là chủ tịch, giao nhiệm vụ cho Ủy ban Dân tộc giải phóng thành lập chính phủ lâm thời sau khi giành chính quyền.

Cả dân tộc Việt Nam hừng hực một khí thế, ý chí quyết tâm cao ngút trời, dù hi sinh tới đâu, dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, toàn dân ta đã thực hiện tổng khởi nghĩa, ngày 19 tháng 8, khởi nghĩa thành công ở Hà Nội. Ngày 23 tháng 8 nhân dân Huế đã lật nhào chính phủ tay sai thân Nhật, đánh đổ chế độ phong kiến triều Nguyễn, tạo điều kiện cho nhân dân miền Trung nổi dậy giành lại chính quyền. Ngày 30 tháng 8, trước cửa Ngọ Môn, dưới sự chứng kiến của hàng vạn đồng bào, Vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị, trao ấn kiếm cho chính quyền cách mạng. Ngày 25 tháng 8 khởi nghĩa thành công vang dội ở Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ. Ngày 28 tháng 8 khởi nghĩa thành công ở Hà Tiên. Ngày 2 tháng 9 Côn Đảo được giải phóng. Cách mạng tháng Tám thành công trên cả nước. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên Ngôn Độc lập tại vườn hoa Ba Đình Hà Nội, long trọng tuyên bố khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trước sự chứng kiến của hàng triệu người dân Việt Nam và đông đảo bạn bè thế giới. Việt Nam chính thức ghi tên mình vào bản đồ thế giới với một tư cách đáng tự hào, tư cách của một quốc gia độc lập.

Như vậy chúng ta thấy rằng qua một quãng thời gian dài tích cực chuẩn bị lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, Đảng đã khéo léo lãnh đạo nhân dân ta chớp lấy thời cơ để giành lại chính quyền, giành quyền làm chủ cho nhân dân. Để xây dựng được một lực lượng cách mạng vững mạnh, Đảng ta xác định lực lượng cách mạng của ta chính là toàn dân tộc. Với tinh thần cách mạng toàn dân, toàn diện, tự lực cách sinh, tự đem sức ta mà giải phóng cho ta, Đảng khẳng định nhân tố con người là nhân tố quan trọng nhất, quyết định sự thành bại của cách mạng. Chính vì vậy mà Đảng đã từng bước thực hiện xây dựng lực lượng chính trị với các công tác: Tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, thành lập mặt trận Việt Minh, tập hợp toàn dân vào một mặt trận để cùng giải phóng dân tộc, sau đó lựa chọn đưa quần chúng nhân dân vào những hình thức đấu tranh thích hợp để kích thích lòng yêu nước, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh chống bọn phát xít, thực dân. Song song với công tác chuẩn bị lực lượng chính trị thì công tác chuẩn bị lực lượng vũ trang cũng được Đảng ta chú trọng. Đảng thực hiện vũ trang toàn dân, kêu gọi nhân dân ta tích cực: “Sắm vũ khí đuổi thù chung”, “Sắm vũ khí sửa soạn khởi nghĩa…” đồng thời xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh với các đội quân du kích, tiểu tổ du kích, thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân sau này là lực lượng Giải phóng quân trên cơ sở hợp nhất đội Việt Nam Tuyên tuyền giải phóng quân và Cứu quốc quân. Ngoài ra Đảng ta còn mở rộng căn cứ địa cách mạng với các khu giải phóng, an toàn khu, khu căn cứ tạo điều kiện cho phát triển lực lượng cách mạng vững mạnh. Chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt cho cuộc tổng khởi nghĩa, quyết tâm giành cho được độc lập cho nước nhà, tự do cho nhân dân.

Bài học về xây dựng lực lượng cách mạng vững mạnh tiến tới tổng khởi nghĩa của cách mạng tháng tám có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nước ta trong mọi giai đoạn cách mạng. Với tinh thần tự lực cách sinh, kháng chiến toàn dân, toàn diện, Đảng đã lãnh đạo nhân dân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động năm châu, lừng lẫy địa cầu, giải phóng hoàn toàn miền Bắc đưa miền Bắc bước vào cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng lực lượng cách mạng vững mạnh, làm chỗ dựa vững chắc, giúp miền Nam hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước.

Cách mạng tháng Tám thành công mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trải qua cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đầy đau thương và mất mát, cả dân tộc Việt Nam lại bước vào cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đảng ta xác định đây là cuộc cách mạng lâu dài, cam go và đầy thử thách. Chính vì vậy mà Đảng ta phải xác định đúng đắn lực lượng cách mạng của từng thời kỳ mà có phương pháp xây dựng lực lượng cách mạng cho phù hợp đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng đề ra. Ngày nay cả thế giới đang hòa mình vào xu thế hội nhập và phát triển, hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, thời cơ và thử thách tồn tại đan xen lẫn nhau. Thời kỳ cách mạng hiện nay của Việt Nam là thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, toàn Đảng toàn dân và toàn quân ta cần phải tập trung tất cả tinh thần và lực lượng cách mạng để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội…đã đề ra. Đồng thời mỗi người dân Việt Nam cần phải tự mình tu dưỡng rèn luyện bản lĩnh chính trị, hoàn thiện đạo đức cách mạng để xứng đáng là con người mới xã hội chủ nghĩa, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đưa nước ta vững bước tiến trên con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Chú thích:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng: Toàn tập, Tập 7, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 498

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 555

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 2, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.261-262

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 18

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng: Toàn tập, Tập 7, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 126

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 197

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 198

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 469

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 511

[10] Cách huấn luyện cán bộ quân sự của Khổng Minh, quyển này có đề ở ngoài bìa: “Hồ Chí Minh biên dịch và bình luận'', nói về tiêu chuẩn đức tài, tư cách đạo đức và phép dùng bình cơ bản của một người tướng. Khổng Minh là nhà quân sự nổi tiếng thời Tam Quốc.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng: Toàn tập, Tập 7, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 125

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng: Toàn tập, Tập 7, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 500

[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng: Toàn tập, Tập 7, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 500

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 507

[15] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng: Toàn tập, Tập 7, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 494

[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 507

Tin khác