Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 17:22

Tư tưởng chính trị của Lênin với việc thành lập Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam

Nguyễn Thị Thùy Giao
Khoa Xây dựng Đảng
 
V.I.Lênin – lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, Người đã đề ra hệ thống những tư tưởng chính trị dưới dạng những luận điểm, những nguyên lý mang tính chiến lược, sách lược góp phần làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Mười Nga. Những tư tưởng ấy đã được người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu và vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, dẫn đến việc thành lập chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân vào mùa xuân năm 1930. Nhân kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 và 3/2/2018), bài viết xin khái quát một số vấn đề cơ bản nhất về tư tưởng chính trị của Lênin với việc thành lập Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam.
Khi nói đến sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, Mác và Ăngghen đã khẳng định rằng, giai cấp công nhân là giai cấp cách mạng nhất, tiêu biểu nhất trong xã hội. Nhưng giai cấp công nhân chỉ có thể thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình khi nó tự tổ chức ra một chính đảng độc lập của mình – đó là Đảng Cộng sản. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga và thực tế lịch sử của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã chứng minh rằng Học thuyết Mác – Lênin về Đảng Cộng sản có một giá trị hết sức lớn lao. Tuy nhiên, việc vận dụng học thuyết đó đòi hỏi phải xuất phát từ điều kiện cụ thể của dân tộc, giai cấp, thực tiễn chính trị - xã hội của từng nước.
Ở Việt Nam, năm 1858, thực dân Pháp xâm lược, từng bước thôn tính và biến Việt Nam trở thành “một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác” [1]. Dưới chính sách áp bức bóc lột của thực dân Pháp, cơ cấu xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi: Giai cấp địa chủ phong kiến bị phân hóa, giai cấp công nhân và giai cấp tư sản hình thành. Trong đó giai cấp công nhân phải chịu sự áp bức bóc lột của đế quốc, phong kiến và giai cấp tư sản. Bên cạnh đó, giai cấp nông dân cũng là một lực lượng lớn trong dân cư, họ cũng chịu nhiều tầng áp bức, bóc lột của địa chủ, phong kiến và đế quốc, họ là những người khát khao độc lập và ruộng đất.
Trong hoàn cảnh đó, phong trào yêu nước của nhân dân diễn ra sôi nổi như phong trào Cần Vương, phong trào nông dân Yên Thế, phong trào Đông Du, cuộc vận động Duy Tân… Tuy nhiên, “Các phong trào cứu nước từ lập trường Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản, qua khảo nghiệm lịch sử đều lần lượt bị thất bại[2]. Nguyên nhân là do thiếu đường lối và sự lãnh đạo đúng đắn. Trong bối cảnh đó, năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Người đi nhiều nước, làm nhiều nghề lao động nặng nhọc để hiểu và cảm thông với những người lao động. Năm 1918, Người gửi bản Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam gửi đến Hội nghị Vecxay với nội dung trân trọng đòi quyền độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam và các dân tộc khác. Theo tờ báo “Thư tín Sài Gòn” (Le Courrier du Sai Gòn) viết: “Tài liệu này nguy hiểm hơn những quả bom... có khả năng đánh trúng tất cả chúng ta... hãy đề phòng, hãy đoàn kết lại để bênh vực quyền lợi của Pháp ở Đông Dương đang bị đe dọa...” [3]. Chính vì vậy đề nghị của Người không được hội nghị đáp ứng. Từ đây Người nhận thức sâu sắc: “Chủ nghĩa Uynxơn chỉ là một trò bịp bợm lớn” [4]. “Trong cuộc đấu tranh giành độc lập thì phải dựa vào sức mình để giải phóng mình, đừng bao giờ hy vọng trông chờ vào sự “ban ơn” của chính quyền tư sản.Và muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng bản thân mình[5].
Năm 1920, Người đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, Người nhận thức rõ Quốc tế Cộng sản đáp ứng được nguyện vọng tha thiết của nhân dân các nước thuộc địa là độc lập dân tộc. Tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp, Người đã tố cáo những tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương, kêu gọi những người xã hội chủ nghĩa chân chính ở Pháp hãy hành động thật sự để ủng hộ có hiệu quả cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Đông Dương và của các nước thuộc địa khác. Cùng với những người mácxít cánh tả ở Pháp, Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện này đánh dấu bước chuyển biến tư tưởng chính trị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, từ lập trường yêu nước chuyển sang lập trường cộng sản. Đồng thời cũng mở ra cho cách mạng Việt Nam một giai đoạn phát triển mới “giai đoạn gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân Việt Nam đi theo con đường mà chính Người đã trải qua, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác – Lênin[6]. Như vậy lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đi từ tinh thần yêu nước (lấy nghĩa nước gắn với tình dân, lấy lòng tự hào dân tộc chân chính gắn liền với chủ nghĩa quốc tế vô sản) đến chủ nghĩa Mác – Lênin. Chủ nghĩa yêu nước của Người sau khi bắt gặp chủ nghĩa Mác – Lênin đã trở thành nền tảng của đường lối cách mạng Việt Nam: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Việt Nam không chỉ có mục tiêu giành độc lập dân tộc mà còn gắn liền với yêu cầu bảo đảm cho nhân dân có tự do, hạnh phúc theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Từ đây Người tiếp tục học tập để bổ sung hoàn thiện tư tưởng cứu nước, đồng thời tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam và chuẩn bị mọi điều kiện cho sự ra đời của chính đảng cách mạng - đội tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam. Tác phẩm “Đường cách mệnh” xuất bản năm 1927 được xem là cuốn sách cẩm nang chuẩn bị cho việc thành lập chính đảng của giai cấp công nhân. Trong tác phẩm này, Người khẳng định: “Trước hết phải có đảng cách mệnh để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì con thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy,... Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin[7].
Bên cạnh việc chuẩn bị tư tưởng lý luận chính trị, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn tích cực chuẩn bị những điều kiện về mặt tổ chức cho việc thành lập Đảng,  mà đặc biệt là thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên – tổ chức tiền thân của Đảng để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng giải phóng dân tộc cho giai cấp cần lao ở trong nước. Những hoạt động tích cực của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên có tác dụng thúc đẩy phong trào yêu nước Việt Nam theo khuynh hướng vô sản, nâng cao ý thức giác ngộ và lập trường cách mạng của giai cấp công nhân. Sự ra đời ba tổ chức cộng sản trên cả nước (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) đã khẳng định bước tiến về chất của phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam theo khuynh hướng cách mạng vô sản, phù hợp với xu thế và nhu cầu bức thiết của lịch sử Việt Nam.
Tháng 10/1929, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đã gửi cho những người cộng sản Việt Nam chỉ thị “Về việc thành lập một Đảng Cộng sản ở Đông Dương”. Trong chỉ thị, Quốc tế Cộng sản nhận định rằng: “Nhiệm vụ quan trọng nhất và cấp bách nhất của tất cả những người cộng sản Đông Dương là thành lập một đảng cách mạng có tính chất giai cấp của giai cấp vô sản, nghĩa là một Đảng Cộng sản có tính chất quần chúng ở Đông Dương. Đảng đó phải chỉ có một và là tổ chức duy nhất ở Đông Dương[8].
Trước nhu cầu cấp bách của phong trào cách mạng trong nước, với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Đông Dương thành một đảng thống nhất là Đảng Cộng Việt Nam vào mùa xuân năm 1930, đến Hội nghị toàn thể lần thứ chín (1931) của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, Đảng ta được chính thức công nhận là một chi bộ, thành viên của Quốc tế Cộng sản.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã “đánh dấu một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng[9] .
Sự thành lập Đảng chứng tỏ rằng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng vô cùng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam – một xứ thuộc địa, nửa phong kiến, Đảng ra đời đã lấy lý tưởng cộng sản làm động lực tinh thần cho hoạt động của mình, kết hợp đúng đắn vấn đề giai cấp với vấn đề dân tộc, kết hợp tinh thần yêu nước và cách mạng của nhân dân với tinh thần quốc tế vô sản, kết hợp cách mạng dân tộc với cách mạng vô sản thế giới.
Bắt nguồn từ lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, thấm nhuần sâu sắc lý tưởng và kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga và xuất phát từ điều kiện lịch sử của Việt Nam, từ khi thành lập cho đến nay Đảng Cộng sản Việt Nam luôn “giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, xem đó là chiến lược xuyên suốt quá trình cách mạng nước ta. Trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, Đảng ta đã đề ra những đường lối chiến lược rất phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Minh chứng tiêu biểu nhất cho sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta là thắng lợi vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền trong toàn quốc[10]. Thắng lợi vĩ đại ấy đã khẳng định trên thực tế đường lối đúng đắn, năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là một mốc son chói lọi trên con đường cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoạch định từ năm 1930 và là nền tảng vững chắc cho dân tộc Việt Nam tiếp nối trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Vai trò lãnh đạo của Đảng còn được thể hiện rõ suốt 30 năm đấu tranh vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng đã đề ra đường lối đúng đắn, sáng tạo, khoa học – đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Chiến lược cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và đã giành thắng lợi.
Bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội từ 1975-1986, đất nước gặp rất nhiều khó khăn và thử thách như hậu quả chiến tranh để lại nặng nề, chính sách cấm vận của Mỹ, chiến tranh ở biên giới, .... trong hoàn cảnh đó, Đại hội VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đã đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng đất nước. Với những thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam .
Tóm lại, những tư tưởng chính trị của Lênin được lãnh tụ Nguyến Ái Quốc vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam dẫn đến sự ra đời một chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân - Đảng Cộng sản Việt Nam. Với những thắng lợi vĩ đại của dân tộc đã cho thấy Đảng ta là đảng duy nhất có đủ khả năng và trách nhiệm lãnh đạo nhân dân tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa tốt đẹp. Lịch sử đã, đang và tiếp tục chứng minh sự thật đó./.
Chú thích:
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2000, t.10, tr.3.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb.Sự thật, H.1991, tr.109.
[3] GS Đỗ Tư: Tư tưởng chính trị của Lênin từ cách mạng Nga đến cách mạng Việt Nam, Nxb.Lý luận Chính trị, H.2004, tr.164.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2000, t.1, tr.416.
[5]. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb.Sự thật, H.1975, tr.33.
[6] Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do tiến lên chủ nghĩa xã hội, Nxb.Sự thật, H.1976, tr.8.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2000, t.2, tr.267-268.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.1998, t.1, tr.614.
[9]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2000, t.10, tr.8.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2000, t.5, tr.159.

Tin khác