Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 19 Tháng 4, 2024 - 22:37

V.I.Lênin và Cách mạng Tháng Mười mãi mãi là chân lý cho Cách mạng Việt Nam

ThS. Nguyễn Thành Phương
Trưởng khoa Lý luận cơ sở
 

Những ngày tháng 11 hàng năm, tháng của nhà giáo Việt Nam, đội ngũ Thầy, cô giáo giảng dạy lý luận chính trị cùng Thầy, cô giáo trong cả nước vừa hân hoan đón mừng ngày truyền thống của ngành, nghề đã được xã hội tôn vinh trong suốt chiều dài lịch sử. Càng hân hoan hơn nữa là khí thế của dân tộc ta và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới kỷ niệm thắng lợi Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 vĩ đại, lập nên nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, đưa chủ nghĩa xã hội từ lý luận khoa học thành hiện thực sinh động, mở ra thời đại mới trong lịch sử nhân loại: Thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

Đối với dân tộc Việt Nam, tư tưởng V.I.Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917 mãi mãi là chân lý cho con đường phát triển của cách mạng xã hội chủ nghĩa nhằm làm cho non song Việt Nam vẽ vang, dân tộc Việt Nam bước đến đài vinh quang, sánh vai cùng các cường quốc năm châu trên thế giới.

Trước hết, với Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa (1920) của V.I.Lênin, Nguyễn Ái Quốc khi tiếp cận đến trong hành trình bôn ba tìm đường cứu dân, cứu nước đã khẳng định: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta! Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”[1]. Cũng từ đây, Nguyễn Ái Quốc tin theo V.I.Lênin, tin theo cách mạng Tháng Mười Nga và lựa chọn con đường cách mạng vô sản.

Hai là, chính chủ nghĩa V.I.Lênin và sự thắng lợi vĩ đại của cách mạng Tháng Mười Nga 1917 là tiền đề và điều kiện để Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cách mạng Việt Nam, Người khẳng định: “cách mạng” có nhiều thứ, “chủ nghĩa”, “học thuyết” cũng có nhiều nhưng chỉ có Cách mạng Tháng Mười Nga là thành công “đến nơi” và chủ nghĩa Lênin là “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất”[2] và cũng từ đó, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[3]. Cách mạng Việt Nam chỉ có một con đường tất yếu là làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản tức là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân gắn liền với cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Ba là, với tư tưởng của V.I.Lênin và cách mạng Tháng Mười Nga 1917 vĩ đại từ những quyết sách mang tầm chiến lược là bài học hết sức sâu sắc về lý luận lẫn thực tiễn cho thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Nếu Chính sách kinh tế mới (NEP), chuyển trọng tâm của cách mạng vào chăm lo phát triển kinh tế và văn hóa, thực hiện một cuộc cải cách có tính tổng thể về mô hình và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội với tinh thần: “Phải lùi lại, phải đi đường vòng, bắc những “nhịp cầu nho nhỏ” để quá độ lên chủ nghĩa xã hội” [4]. Chính sách kinh tế mới chủ trương phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần; thay chế độ trưng thu lương thực thừa bằng trưng mua và chính sách thuế lương thực; quan tâm lợi ích thiết thân của người lao động, khuyến khích lợi ích cá nhân. V.I.Lênin đã chủ trương “dùng cả hai tay mà hứng lấy những cái tốt của nước ngoài”[5] phải học tập, kế thừa thành tựu của chủ nghĩa tư bản. Người nêu rõ: “bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng tri thức mà nhân loại đã tạo ra”[6] người cộng sản cũng phải học cách buôn bán, học cách tổ chức lãnh đạo, quản lý, phải biết làm giàu trí tuệ của mình. Tổng thể những biện pháp đó theo V.I.Lênin là nhằm khai thác, phát huy mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế để phát triển sản xuất, “đưa chủ nghĩa xã hội vào cuộc sống hằng ngày”[7]; xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực, bằng thực tiễn sinh động từ sản xuất, trong sản xuất và bằng phát triển sản xuất.

 Thì ở Việt Nam, Đại hội VI (1986) từ chủ trương đổi mới tư duy nhất là tư duy kinh tế, đến việc  Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thắng lợi của việc vận dụng sáng tạo và phát triển toàn diện lý luận của “chủ nghĩa Lênin và cách mạng Tháng Mười Nga 1917 vĩ đại” vào quá trình cách mạng Việt Nam được thực tế lịch sử dân tộc và nhân loại khẳng định và thừa nhận: Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa.

Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Những ngày tháng 11 năm nay, dân tộc Việt Nam, loài người tiến bộ và nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới nhất là nhân dân các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc một lần nữa đánh giá và ghi nhận cống hiến của V.I.Lênin và thắng lợi vĩ đại của cách mạng Tháng Mười Nga 1917 trong thời đại ngày nay như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Đi theo con đường do Lênin vĩ đại đã vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với Lênin vĩ đại và đối với nhân dân Liên Xô là vô cùng sâu sắc”[8]

Sự thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 do V.I.Lênin lãnh đạo là một sự kiện lịch sử chấn động khắp năm châu, một sự thật lịch sử hiển nhiên không thể chối cải được đúng là “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”[9] 

 


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 562

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 304, 289

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 30

[4] V.I.Lênin: Toàn tập, t.44, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.189.

[5] V.I.Lênin: Toàn tập, t.36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 684

[6] V.I.Lênin: Toàn tập, t.41, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 362

[7] V.I.Lênin: Toàn tập, t.45, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 358

[8] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nbx CTQG, H, 2011 , tập 15, tr 397.

[9] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nbx CTQG, H, 2011, tập 15, tr 387.

 

Tin khác