Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ năm, 28 Tháng 3, 2024 - 15:37

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19

CN. Nguyễn Phước Bình 
Viên chức Phòng QLĐT&NCKH

Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là một chiến lược cơ bản, lâu dài trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc được đúc kết qua câu nói nổi tiếng của Người:

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công
 

Đại đoàn kết dân tộc đã trở thành tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong tiến trình cách mạng Việt Nam, từ đó đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Từ giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mĩ để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế cao trên trường quốc tế, hiện nay Việt Nam đã và đang được cộng đồng quốc tế biết đến, thán phục với thành công lớn trong phương pháp chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả, an toàn. Thành công này là sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Đảng và Chính phủ, sự quyết tâm cao độ của các lực lượng y tế, quân đội, công an, lực lượng tình nguyện viên… Đặc biệt, góp phần vào thành công lớn này chính là sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng ta.

Để góp phần làm rõ vấn đề, bài viết tiếp cận sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng ta trong phòng, chống dịch Covid-19 trên các phương diên: Vị trí, vai trò của khối đại đoàn kết dân tộc; lực lượng và hình thức của đại đoàn kết dân tộc, nguyên tắc và phương pháp của đại đoàn kết dân tộc.

Về vị trí, vai trò của đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng ta đã sâu sát chỉ đạo chống dịch với phương châm “chống dịch như chống giặc”, Đảng ta xác định rõ tầm quan trọng của đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành công của cách mạng, là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, của dân tộc. Vì vậy, Đảng đã lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, xác định nhiệm vụ cần phải thực hiện trong phòng, chống dịch là thực hiện và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để chiến đấu với đại dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Do đó, Thường trực Ban Bí thư đã yêu cầu, Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ, người đứng đầu cấp uỷ trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, phạm vi quản lý.

Về lực lượng đại đoàn kết dân tộc, vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về lực lượng đại đoàn kết dân tộc, Đảng và Chính phủ đã kêu gọi toàn dân, toàn quân chung tay phòng chống dịch Covid-19, yêu cầu chấn chỉnh ngay các biểu hiện chủ quan, lơ là, chùn xuống, thậm chí buông xuôi, chặn ngay mọi sơ hở, xử lý ngay mọi vi phạm. Vì vậy, Đảng đã huy động được sức mạnh toàn dân tộc để tiếp tục phòng, chống dịch bệnh ở Việt Nam.

Về hình thức đại đoàn kết dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Mặt trận dân tộc thống nhất là hình thức tổ chức của khối đại đoàn kết dân tộc. Vận dụng tư tưởng của Người, trong lãnh đạo phòng, chống đại dịch Covid-19 hình thức để Đảng ta thực hiện việc tập hợp lực lượng là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cá nhân có thể đóng góp sức người và sức của để cùng chung tay với Đảng và Chính phủ, đặc biệt, mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đoàn kết, tương thân tương ái cùng đóng góp cho Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19. “Việc thành lập Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 là một chủ trương của Đảng, Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị để huy động nguồn lực xã hội thực hiện công tác phòng chống dịch. Cuộc chiến với Covid-19 bằng vaccine chúng ta sẽ phải đi đường dài, phải tiêm cho nhân dân hàng năm. Đảng, Nhà nước, Chính phủ hiểu và trân trọng mọi đóng góp của người dân, doanh nghiệp không kể ít hay nhiều đều xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim, từ trách nhiệm với cộng đồng, từ sự chia sẻ với Nhà nước nên đảm bảo quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ minh bạch và đúng tôn chỉ, mục đích, đúng pháp luật để phục vụ cho sức khỏe, hạnh phúc của Nhân dân là trên hết, trước hết”[1].

 Về nguyên tắc đại đoàn kết dân tộc

Nguyên tắc thứ nhất, đại đoàn kết phải được xây dựng trên cơ sở thống nhất giữa lợi ích của quốc gia dân tộc với quyền lợi cơ bản của các giai tầng trong xã hội. Đây là nguyên tắc rất quan trọng trong việc xác định đường lối, chính sách của cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong hiện nay. Với những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 thì lợi ích chung nhất, quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Nguyên tắc thứ hai, tin dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc phấn đấu vì quyền lợi của Nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chính là nguồn sức mạnh vô tận và vô địch của khối đại đoàn kết, là chỗ dựa vững chắc của Đảng Cộng sản, hệ thống chính trị, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Vì vậy, Đảng ta xác định rất rõ: huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc mới thắng lợi trong phòng, chống dịch Covid-19. “Kiên định tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch; huy động cả hệ thống chính trị, toàn dân tập trung thực hiện một cách tổng thể, toàn diện, mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn…”. Sự đồng lòng của Nhân dân chính là chìa khóa để mở cánh cửa lớn thoát ra khỏi đại dịch, kể từ ngày thành lập đến ngày 16/6/2021, Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19 đã thu được số tiền 5.543 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong đấu tranh chống các hành vi lợi dụng trục lợi về sản xuất khẩu trang, vật tư y tế, buôn bán, nâng khống số tiền mua thiết bị phòng, chống dịch, đặc biệt là các hành vi vi phạm quy định về cách ly, Chính phủ cũng dựa vào nhân dân để nắm bắt thông tin nhanh nhất, kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp, mang tính răn đe, làm gương.

Nguyên tắc thứ ba, đại đoàn kết một cách tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo; lâu dài, chặt chẽ. Vận dụng quan điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ đã tổ chức tuyên truyền, vận động để Nhân dân tự giác tham gia ủng hộ Quỹ vaccine phòng chống Covid-19. “Đây là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn, góp phần tạo nên một Việt Nam chiến thắng, để một lần nữa chúng ta lại ghi danh, viết nên lịch sử chiến thắng vẻ vang của dân tộc - chiến thắng đại dịch Covid-19”[2]. Qua đó, chúng ta thấy rất rõ khối đại đoàn kết toàn dân trong phòng, chống dịch bệnh luôn luôn được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự tổ chức quản lý của Chính phủ cùng với sự hướng dẫn của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội từ Trung ương tới các địa phương.

Nguyên tắc thứ tư, đại đoàn kết phải chân thành, thẳng thắn, thân ái; đoàn kết phải gắn với tự phê bình và phê bình. Vận dụng nguyên tắc này, Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện việc khen thưởng, góp ý, tự phê bình và phê bình. Những tập thể, cá nhân có thành tích được tuyên dương, những địa phương, cá nhân vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19 đều được nhắc nhở, phê bình hết sức chân thành, thẳng thắn, thân ái. Cụ thể, tại Công điện số 570/CĐ-TTg ngày 02 tháng 5 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận, biểu dương các địa phương đã chủ động, kịp thời, phản ứng nhanh trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng phê bình, nhắc nhở 08 địa phương lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh Covid – 19.

Về phương pháp đại đoàn kết

Phương pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục, khi dịch bệnh xảy ra, Đảng và Chính phủ đã đặc biệt quan tâm đến sử dụng phương pháp này. Tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng đều được chỉ đạo phải tích cực tuyên truyền, giải thích cho Nhân dân hiểu rõ về tên bệnh, nguồn gốc, cách phòng, chống dịch bệnh và cả những chủ trương của Chính phủ trong phòng chống dịch bệnh cho Nhân dân hiểu rõ. Tại các cơ quan, đơn vị đều phải có các bảng thông tin về dịch bệnh để tuyên truyền về cách phòng, chống.  Đồng thời cần tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới mạnh mẽ công tác truyền thông để Nhân dân hiểu, tin tưởng, chia sẻ, thông cảm, được truyền cảm hứng để tích cực tham gia, tự nguyện đóng góp nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phòng, chống dịch Covid-19 ở đợt bùng phát hiện nay.

Phương pháp tổ chức, vận dụng phương pháp này Đảng ta đã tiếp tục thực hiện xây dựng, củng cố, phát triển hệ thống chính trị, bao gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đảng đã đề ra được đường lối đại đoàn kết đúng đắn, đồng thời lãnh đạo xây dựng khối đại đoàn kết, thống nhất cả tư tưởng lẫn hành động trong toàn hệ thống chính trị để phòng chống dịch bệnh; bố trí sắp xếp đúng người, đúng việc. Kiên quyết xử lý nghiêm khắc những sai phạm của cán bộ, nhất là gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra dịch lây lan trong cộng đồng.

Đối với vai trò của Nhà nước đã cho thấy sự ưu việt là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân trong cuộc chiến chống đại dịch với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Hình ảnh, Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rời khỏi Nghị trường để chỉ đạo chống dịch trong khi Đại hội Đảng khóa XIII đang diễn ra đã lay động mọi trái tim người dân Việt Nam, hình ảnh ấy là mình chứng cho mục đích tối thượng “sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết”.

Về vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng đã phát huy vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, vận động, đến từng đoàn viên, hội viên những thông tin về dịch bệnh, cách phòng ngừa, vận động đoàn viên, hội viên tham gia ủng hộ vật chất, tinh thần và lực lượng để phòng chống dịch.

Phương pháp xử lý các mối quan hệ, phương pháp đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phương pháp xử lý khoa học mối tương quan ba chiều giữa: cách mạng – trung gian – phản cách mạng, nhằm mở rộng đến mức cao nhất trận tuyến cách mạng và thu hẹp đến mức thấp nhất trận tuyến thù địch. Vận dụng phương pháp này, Đảng và Chính phủ đã chủ trương khai thác, phát huy những điểm thống nhất, tương đồng; hạn chế, khắc phục tiến tới xóa bỏ những khác biệt về mục tiêu, lợi ích đối với tất cả mọi người trong phòng chống dịch bệnh; xoá bỏ mọi thành kiến, mặc cảm, khơi gợi, kêu gọi và cổ vũ ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước; chân thành hợp tác, trân trọng những đóng góp sức người và sức của để cùng Đảng và Chính phủ phòng chống đại dịch. Đồng thời, Đảng và Chính phủ cũng chủ trương cương quyết trong đấu tranh với những thành phần chống đối, cố tình vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh của Chính phủ và những khuyến cáo của Bộ Y tế, đặc biệt kiên quyết đấu tranh, phản bác, bài trừ những luận điệu xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách phòng chống dịch bệnh của Đảng và Nhà nước ta. Ngoài ra, Chính phủ đã đại diện cho Nhân dân Việt Nam dành một phần nguồn lực của mình, giúp đỡ Chính phủ và người dân các nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Pháp, Đức, Italy, Mĩ và gần đây nhất là Ấn Độ. Sự hỗ trợ bao gồm khẩu trang vải kháng khuẩn chống giọt bắn, quần áo bảo hộ DuPont do Việt Nam sản xuất. Đây chính là sự hỗ trợ, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, là chính sách ngoại giao quốc tế của Đảng ta, đó cũng là tinh thần đoàn kết quốc tế của Bác qua câu nói:

Rằng đây bốn biển một nhà
Vàng đen trắng đỏ đều là anh em
 

Đặc biệt hơn, sự hỗ trợ ấy cũng chính là hỗ trợ gián tiếp cho kiều bào của ta vì kiều bào là một phần không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.

Tóm lại, Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đại đoàn kết toàn dân tộc luôn có giá trị trường tồn trong mọi hoàn cảnh và từng giai đoạn phát triển của dân tộc Việt Nam. Và cũng chính sự vận dụng đúng đắn tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc mà Đảng đã huy động được sức mạnh toàn dân trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Với những thành công trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, một lần nữa khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam./.

 


[1] Trích Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Lễ ra mắt Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19 ngày 5/6/2021.

[2] Trích Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Lễ ra mắt Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19 ngày 5/6/2021 tại Hà Nội.

Tin khác