Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ tư, 24 Tháng 4, 2024 - 22:09

Vấn đề phát huy dân chủ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay

Trần Thị Quỳnh Nghi
Giảng viên khoa Nhà nước và Pháp luật
 

Năm 2019 là năm toàn Đảng, toàn quân và toàn dân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019); trên cơ sở đó Đảng đã xây dựng chủ đề về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân”.

Phát huy dân chủ là một khía cạnh biểu hiện ý thức tôn trọng Nhân dân. Từ chổ đánh giá cao vai trò của dân, Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, làm sao cho họ có năng lực làm chủ, biết hưởng, dùng quyền dân chủ, dám nói, dám làm. Trong nước dân chủ thì địa vị cao nhất là dân, dân là quý nhất, lực lượng Nhân dân là mạnh nhất. Phát huy dân chủ là phát huy tài dân. Phong cách Hồ Chí Minh về dân chủ xuất phát từ chổ tôn trọng Nhân dân, đề cao vai trò, vi trí của Nhân dân. Dù bận rất nhiều công việc đối nội, đối ngoại, nhưng về với dân, đến với quần chúng để học dân, hỏi dân, hiểu dân, nghe dân nói, thấy dân làm, để nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý là nhu cầu thường trực của Bác. Trong Nhà nước dân chủ thì các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương đều phải phụng sự Nhân dân, là công bộc của dân, làm đầy tớ trung thành của Nhân dân. Dân chủ được Bác Hồ giải thích ngắn gọn, súc tích là dân làm chủ và dân là chủ. Phát huy dân chủ là tìm mọi cách bàn bạc, giải thích cho dân hiểu rõ, ngay cả những việc trực tiếp có lợi cho dân, nếu làm theo cách hạ lệnh, cưỡng bức, thì dân không hiểu, dân oán. Dân oán, dù tạm thời có chút thành công, nhưng về mặt chính trị là thất bại. Theo Bác, muốn thật sự tôn trọng Nhân dân thì phải hiểu dân. Chính tài dân, sức dân, của dân, quyền dân, lòng dân, sự khôn khéo, hăng hái, anh hùng đã tạo nên “cái gốc” của dân. Cùng với thái độ đánh giá cao vai trò của Nhân dân, ý thức tôn trọng Nhân dân còn phải chú ý không xâm phạm đến lợi ích, quyền lợi hợp pháp, không xúc phạm Nhân dân; phải luôn tôn trọng và giữ gìn của công của Nhân dân.

Kế thừa, tiếp nối tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng ta đã vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân… Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ đó nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện” (Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII).

Dân chủ và phát huy dân chủ không chỉ được khẳng định trong chủ trương, đường lối của Đảng mà còn được thể chế hóa và được đảm bảo thực hiện thông qua Hiến pháp và hệ thống pháp luật của Nhà nước. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định rõ các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm. Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 đã quy định và bảo đảm cho Nhân dân thực hiện quyền được biết các nội dung liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội của mình ở cơ sở, quyền được bàn và quyết định, quyền được tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định và quyền được giám sát. Việc thực hành dân chủ đã và đang tạo động lực thúc đẩy, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thu hút Nhân dân tham gia quản lý Nhà nước, kiểm tra, giám sát các hoạt động của Nhà nước, của các cấp chính quyền; khắc phục tệ nạn quan liêu, tham nhũng, mất dân chủ, xa rời quần chúng nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, đóng góp tích cực vào việc cải cách hành chính; góp phần xây dựng bộ máy chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, tăng cường mối quan hệ mất thiết giữa Đảng và Nhân dân; đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã đánh giá, quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy tốt hơn trong lĩnh vực chính trị và kinh tế. Nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền đã lắng nghe, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, tôn trọng các ý kiến khác nhau của Nhân dân.

Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, việc thực hiện dân chủ và phát huy dân chủ trong Nhân dân vẫn còn những hạn chế nhất định. Một bộ phận nhỏ Nhân dân mơ hồ, phiến diện về dân chủ, đối lập giữa dân chủ với kỷ cương, pháp luật của Nhà nước. Dân chủ trong Đảng chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, vẫn còn phong cách lãnh đạo, quản lý độc đoán, chuyên quyền, thậm chí gia trưởng; nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít; chấp hành nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước không nghiêm. Dân chủ trong cơ quan hành chính nhà nước chưa được thực hiện đầy đủ, vẫn còn tình trạng dân chủ hình thức khiến dân chủ không được phát huy, ảnh hưởng đến quyền lợi một số bộ phận quần chúng và tính thống nhất trong quản lý nhà nước. Quyền làm chủ của Nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm, có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Trong bối cảnh nêu trên, việc thực hiện có hiệu quả nội dung phát huy dân chủ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cần chú trọng một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trình độ hiểu biết Nhân dân về dân chủ và phát huy dân chủ. Muốn thực hiện quyền làm chủ thì trước tiên Nhân dân phải hiểu biết đúng đắn, đầy đủ các quyền tự do dân chủ. Đó là quyền được biết những công việc mà chính quyền có trách nhiệm phải công khai, quyền được bàn và quyết định trực tiếp, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định đối với những vấn đề có liên quan đến lợi ích nhân dân, quyền giám sát các công việc của chính quyền… Khi đó người dân sẽ chủ động, tích cực thực thi và sử dụng các quyền dân chủ và đấu tranh bảo vệ quyền dân chủ; đồng thời rèn luyện phương pháp thực hành dân chủ và có bản lĩnh thực hành dân chủ. Như vậy, Nhân dân mới thực hiện quyền làm chủ thực sự, tránh tình trạng dân chủ chung chung, dân chủ hình thức.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả hoạt động của chế độ thực hành dân chủ trong các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Mỗi cơ quan, đơn vị cần nêu cao ý thức, trách nhiệm trong vấn đề thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị mình. Đặc biệt là những nội dung liên quan tới quản lý tài chính, tài sản, thi đua, khen thưởng, chính sách cán bộ…, phải được tập thể cán bộ, công chức, viên chức thảo luận và thông qua. Cơ quan, đơn vị thông qua các cấp Công đoàn cơ sở tổ chức quán triệt ý nghĩa, nội dung quy chế dân chủ nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tuyên dương các gương điển hình tiêu biểu trong thực hiện phát huy dân chủ.

Thứ ba, để có dân chủ rộng rãi, việc đầu tiên là phải quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhân dân được bàn bạc, thảo luận và quyết định mọi công việc của đất nước, từ những công việc nhỏ, cụ thể đến những vấn đề lớn như xây dựng đường lối, hệ thống pháp luật. Đảng viên, Nhân dân có quyền tranh luận, nêu ý kiến của riêng mình và có quyền bảo lưu ý kiến lên cấp lãnh đạo cao nhất. Lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan phải khuyến khích thảo luận, tranh luận với những ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau để đi đến thống nhất về quan điểm, nhưng khi đã thành nghị quyết, quyết định của tập thể thì tất cả mọi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân phải tôn trọng, thực hiện nghiêm.

Thứ tư, Phát huy dân chủ đòi hỏi phải đi liền với việc đề cao trách nhiệm công dân và bảo đảm giữ vững kỷ luật, kỷ cương xã hội. Tuyên truyền, vận động Nhân dân không nên tụ tập đông người, khiếu nại vượt cấp gây mất anh ninh, trật tự và chống đối người thi hành công vụ trong khi những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đang được cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Nếu cá nhân có hành vi vi phạm quyền làm chủ của Nhân dân, lợi dụng dân chủ để gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định Luật Hình sự năm 2015.

Tóm lại, phát huy tốt dân chủ sẽ khơi dậy được sức mạnh tiềm tàng và vô tận trong nhân dân. Để làm được điều đó, Đảng cần phải dựa vào Nhân dân, lắng nghe dân, phát huy vai trò của Nhân dân, tạo điều kiện cho Nhân dân giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; khuyến khích các tầng lớp Nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại./.

Tin khác