Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 19 Tháng 4, 2024 - 07:12

Tuổi 19, chị mãi mãi đi vào huyền thoại của dân tộc

ThS. Trần Văn Hòa
Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở
 

Trong những ngày kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2020) và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2020), chúng ta bồi hồi nhớ lại sự hy sinh oanh liệt và lý tưởng sống cao đẹp của chị Võ Thị Sáu, người con vùng đất Đỏ giàu truyền thống cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Chị Võ Thị Sáu sinh năm 1933 tại xã Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa nay thuộc xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chị anh dũng hy sinh năm 1952. Gần 70 năm trôi qua, hình ảnh chị không thể nào quên trong tâm trí những người tù trên đảo, họ thấy bọn lính giải chị ra trường bắn. Chị hiên ngang bước đi trong tư thế dõng dạc, oai hùng của người cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. Tất cả tù nhân cùng đồng thanh hát bài Chiến sĩ ca để đưa tiễn chị về nơi vĩnh hằng khi hàng loạt tiếng súng tàn bạo của kẻ thù vang lên. Tinh thần chị Võ Thị Sáu bất diệt không chỉ đối với đồng đội trên đảo mà còn là của hàng triệu, hàng triệu người Việt Nam qua nhiều thế hệ yêu quý, kính trọng chị...

Tròn 12 tuổi chị đã dõi theo cách mạng, 14 tuổi chị đã có năng khiếu của một chiến sĩ trinh sát đầy quả cảm và được giới thiệu vào trường thiếu sinh quân để đào tạo cán bộ trẻ về quân sự. Sau khóa học, chị cùng đồng đội trở về đơn vị công tác và trưởng thành nhanh chóng, với nhiều chiến công diệt ác, trừ gian, khí phách anh hùng khi đối mặt với kẻ thù.

Chị Võ Thị Sáu trở thành chiến sĩ trinh sát của Đội Công an xung phong Đất Đỏ. Với khí phách hào hùng, gan dạ, Sáu đi sâu vào vùng quê bị tạm chiếm, từ Đất Đỏ đến Phước Lợi, Phước Hải. Cô luôn đóng nhiều vai để qua mặt địch: Từ vai người đi chợ như bao nhiêu người khác, khi giả bộ làm thợ cấy, thợ gặt. Nơi nào đội Công an xung phong chuẩn bị về hoạt động là Sáu đã đến trước trinh sát địa bàn, nắm tình hình địch. Nơi nào có địch, Võ Thị Sáu báo ngay về hoặc ám hiệu ở nơi quy định để cho bộ đội ta biết mà chuẩn bị hoặc tránh.

Trận đánh đầu tiên Sáu đã giành thắng lợi như kế hoạch mà mình vạch ra. Đó chính là Đội Công an xung kích của Sáu được giao nhiệm vụ đánh phá cuộc mít tinh kỷ niệm quốc khánh Pháp 14-7-1948, do Tỉnh trưởng Lê Thành Tường tổ chức tại Đất Đỏ. Địch tăng cường lính từ Bà Rịa về, chăng dây thép gai quanh khu vực mít tinh và cho lính canh từ tối. Chúng bố trí lực lượng kiểm soát mọi ngã đường và lối vào nơi mít tinh. Với phương án chu đáo đã được duyệt, Sáu nhận lựu đạn, ém vào góc chợ sát khán đài từ nửa đêm. Sáng ra, xe tỉnh trưởng vừa tới, bọn lính lùa đồng bào vào sân thì Sáu liệng lựu đạn về phía khán đài. Hai tổ Công an xung phong chốt gần đấy nổ súng yểm trợ cho Sáu rút và tạo áp lực giải tán cuộc mít tinh. Một số quần chúng cơ sở của ta bố trí trong đoàn người dự mít tinh hô: “Việt Minh tấn công” và hướng dẫn đồng bào giải tán.

Trận ấy diễn ra đúng như dự kiến. Tỉnh trưởng Lê Thành Tường mất mặt với quan tây. Đồng bào Đất Đỏ thì hả hê và khen Việt Minh xuất quỷ nhập thần. Sáu được tuyên dương trước toàn đội. Từ đó, Sáu được giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia công tác diệt ác.

Võ Thị Sáu đề nghị phương án diệt tên cai tổng Tòng ngay tại văn phòng của hắn. Đúng như thế, một buổi sáng, Sáu đi cùng tốp người vào làm căn cước với quả lựu đạn để sẳn trong cơi đựng trầu. Chờ đến giữa buổi, khi người làm căn cước thưa dần, Sáu rút chốt lựu đạn, liệng thẳng vào mặt tổng Tòng rồi hô to: “Việt Minh tấn công” và kéo mấy chị ngồi hàng ghế chờ cùng chạy. Sau tiếng nổ long trời, tên tổng Tòng khiếp vía máu me đầy người, mặt dù không chết. Sáu được cấp trên khen tặng, động viên...

Mặt dù biết mình bị lộ do một số kẻ xấu chỉ điểm, nhưng Sáu vẫn không sợ mà còn gan dạ và thận trọng hơn. Lần này, Cô trình bày trước Đội Công an xung phong về phương án diệt hai tên cả Đay và cả Suốt để trừ họa cho dân chợ. Phương án được thông qua. Mọi người lao vào chuẩn bị, ai cũng thấy lo cho Sáu, vì cô bé nhỏ tuổi nhất đội bao giờ cũng đưa ra những sáng kiến táo bạo: Đánh địch ngay tại hang ổ của chúng, đánh ngay tại nơi chúng gây tội. Đó là lối đánh riêng của chị và dường như nó đã trở thành định mệnh cho người con gái xứ Đất Đỏ này.

Canh Dần 1950, phiên chợ tết nhộn nhịp đủ thứ hàng hóa mang từ các nơi về. Không khí tết làm cho người ta quên hết cả chiến tranh: Dẫu có bom rơi, đạn nổ, chết chóc thì tết vẫn là tết. Người ta vẫn đua nhau sắm tết và sắm tết thật nhiều so với mọi năm trước. Và đây chính là cơ hội để Sáu thực hiện hành động của mình. Với bộ đồ bà ba cũ, chân đất như mọi cô gái thôn nữ khác, Sáu đi lẫn trong dòng người tay xách, nách mang vào chợ. Mọi người chen nhau mua đồ chẳng ai để ý cô bé nhỏ nhắn cứ đi hết hàng này qua hàng khác mà chưa mua gì. Trong giỏ của cô bé chỉ có 2 trái lựu đạn và một vài thứ lặt vặt được giấu kín.

Cả Suốt và cả Đay cùng một tốp lính xuất hiện. Bọn lính đi đến đâu là náo động đến đó. Chúng đi xét chợ là để cướp đồ về ăn tết, đứa lấy gạo nếp, đứa lấy cá, đứa lấy vịt... bà con ở chợ rất ghét chúng. Cô bé Võ Thị Sáu chờ cơ hội ra tay, rồi đâu cũng vào đấy, trái lựu đạn trong tay Sáu vút đi, chớp lửa xanh lè, tiếng nổ chát chúa làm 2 tên cả Suốt, cả Đay cùng một số tên lính giãy dụa trên vũng máu. Đây là chiến công vang dội làm cho kẻ địch hoảng sợ trước sự anh dũng của cô bé vùng Đất Đỏ giàu tinh thần yêu nước, đầy quả cảm.

Trước những thất bại nặng nề, địch điên cuồng lùng sụt, bắt bớ những người yêu nước.  Sáu đã bị địch bắt giam cầm, tra tấn dã man, nhưng với khí tiết và tinh thần yêu nước sâu sắc, bản lĩnh cách mạng, sự gan dạ đó của chị mà bọn chúng không hề khai thác được gì. Tháng 4 năm 1951, chị Võ Thị Sáu ra trước tòa án quân sự thường trực Pháp, lãnh án tử hình. Phiên tòa chỉ có chị Sáu, không có luật sư, không có công chúng, chỉ có chánh án, bồi thẩm, công tố, hiến binh...?

Bốn giờ sáng ngày 23-1-1952, Chị được giải về văn phòng giám thị để làm lễ rửa tội. Viên cố đạo ôn tồn lên tiếng: Bây giờ ta sẽ rửa tội cho con... Chị Võ Thị Sáu gạt phắt: Tôi không có tội! Nếu cha muốn rửa tội, xin hãy rửa tội cho những kẻ sắp tới giết tôi đây. Viên cố đạo hỏi chị: Trước khi chết con có ân hận gì không? Chị trả lời: Tôi chỉ ân hận là chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và tay sai bán nước.

Trước lúc hành hình, tên chánh án Pháp hỏi chị có yêu cầu gì trước khi chết? Chị Sáu yêu cầu không bịt mắt để chị được nhìn đất nước mình đến giây phút cuối. Tên chánh án từ chối, với lý do là pháp luật Pháp đã quy định khi thi hành án tử hình. Chị Võ Thị Sáu hỏi lại hắn: Vậy ông không nhìn nhận rằng bản án tử hình áp dụng cho một người phụ nữ chưa đủ tuổi thành niên là một “ngoại lệ” của luật pháp nước Pháp sao? Tên chánh án lúng túng và do dự, nói: Tất nhiên là vẫn có ngoại lệ, song tôi sợ điều đó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của cô. Chị bảo: Không sao. Tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người. Tên Chánh án đồng ý không bịt mắt chị. Chị Võ Thị Sáu bắt đầu cất giọng hát, chị hát mãi, hát mãi... không để ý gì đến bọn đao phủ xung quanh. Chị ngước mắt nhìn từng nhành cây, ngọn cỏ, chị nhìn khắp đất trời, núi non, biển cả. Trước mắt chị, xa xa ngoài Hàng Dương là biển.

Chân trời phía Hòn Cau đã ửng hồng, bình minh sắp lên... và chị vẫn tiếp tục hát, khúc hát vừa dứt, chị nhìn thẳng vào 7 tên đao phủ với 7 nòng súng đen ngòm đang ngọ nguậy. Chị hét lớn: Đả đảo thực dân Pháp! Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm! Bảy tiếng súng khô khốc chuệch choạc nổ trong sự sợ hãy của bọn đao phủ. Chị vẫn chưa chết và tiếp tục hát: “Đoàn quân Việt Nam đi; Sao vàng phấp phới; Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than”. Tên chánh án Pháp nổi giận điên cuồng chửi rủa bọn lính... một tên lê dương lầm lũi bước đến gí khẩu súng ngắn vào tai chị bóp cò. Chị đã gục xuống, nhưng tinh thần chị Võ Thị Sáu bất diệt như lời của hơn hai ngàn người tù từ phía Banh III giọng tới. Đó cũng là sự “bất diệt” từ hàng triệu, hàng triệu trái tim người Việt Nam hôm nay đối với chị Võ Thị Sáu...

Nghĩa trang Hàng Dương có nhiều người qua lại, thoắt đến, thoắt đi, đầy bí ẩn. Có người đem theo một viên đá đặt lên mộ chị Sáu; có người đến cắm một nén nhang, người đặt một nải chuối hay vài trái mận, một nhánh hoa rừng. Tất cả họ là tù án, tù binh, tù chính trị, tù thường phạm; người là công chức, gác ngục; đàn ông, đàn bà... Vào những lúc bình minh và hoàng hôn, họ tới, lui, lúc ẩn, lúc hiện như người, như ma, có cả những cặp mắt rình mò, soi mói...

Từ xa, ánh bình minh vừa hé lên phía mũi Lò Vôi, trên mộ chị Sáu đã nghi ngút nhang khói cùng những nhánh hoa đỏ rực cắm trước bia mộ lung linh trong gió sớm. Những người dân sinh sống trên đảo từ nhiều lớp trước đã truyền lại rằng, mỗi tối chị Sáu đều hiện lên, sau khi giám sát mọi việc trên đảo, chị lại trở về hóa thân vào cây dương khi trời chưa sáng. Cũng vào lúc ấy, người dân đảo trở dậy, đến mộ chị dâng hương hoa và cầu nguyện, trước khi làm mọi việc trong ngày.

Chị Võ Thị Sáu – người nữ anh hùng của quê hương Đất Đỏ đã mãi mãi đi vào huyền thoại, thật sự là nét đẹp truyền thống trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta. Hơn nửa thế kỷ qua kể từ ngày chị hy sinh, tên chị luôn được những người đồng đội, người anh, người chị và các thế hệ Việt Nam nhắc đến với tình cảm yêu thương, trân trọng, trở thành tên đường, tên trường, tên đoàn, tên đội, tên quỹ học bỗng..., ở khắp mọi miền đất nước. Tình yêu Tổ quốc, sự hy sinh anh dũng và lý tưởng sống cao đẹp của chị đã trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ người Việt Nam phần đấu, học tập cả trong đấu tranh cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước.

Hôm nay, đất nước đã hòa bình, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, đang trên đà phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với thời đại kỷ nguyên số. Các thế hệ Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ ra sức phấn đấu rèn đức, luyện tài, dấn thân lập nghiệp, xung kích sáng tạo vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đó là hành động tích cực, thể hiện nghĩa cử cao đẹp, thực hiện hoài bão của người Anh hùng Võ Thị Sáu về một đất nước sạch bóng quân thù, đồng thời góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Tin khác