Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ bảy, 20 Tháng 4, 2024 - 05:25

Triết lý “Chở bao nhiêu đạo, thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” của cụ đồ chiểu với công tác bảo vệ nền tảng tưởng của đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đội ngũ giảng viên Trường Chính trị hiện nay

ThS. Phan Văn Thuận
Trưởng Khoa Nhà nước và pháp luật

 

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà nho tiết tháo, sống theo đạo nghĩa, tuy bị mù lòa và gặp lúc biến loạn nhưng vẫn giữ được phẩm cách thanh cao. Ông không chỉ là người con có hiếu, người thầy giáo mẫu mực, người thầy thuốc tận tụy với nhân dân mà còn là nhà văn hóa tiêu biểu, một nhà thơ yêu nước, đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Vì vậy, cuối tháng 11/2021, tại Paris (Pháp), UNESCO chính thức thông qua nghị quyết vinh danh Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại.  Đặc biệt, trong gần cả cuộc đời, ông chủ trương dùng thơ văn để bảo vệ đạo lý và chiến đấu cho sự nghiệp chính nghĩa. Nói khác hơn, ông làm thơ là để “chở đạo, sửa đời và dạy người”. Triết lý văn hóa và thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu là triết lý nhân sinh, triết lý hành động, triết lý văn hóa của một một nhà văn hóa lớn. Sự nghiệp thơ văn và triết lý ấy thể hiện rõ nét qua 2 câu thơ: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Ngày nay, nghiên cứu tư tưởng đó không những để trân quý về sự cống hiến to lớn của ông mà còn có ý nghĩa to lớn đối với những người “cầm bút”, những “chiến sỹ” trên mặt trận tư tưởng nói chung, đội ngũ giảng viên trường chính trị - “người huấn luyện của Đảng” nói riêng trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay.

Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) sinh ra trong một gia đình nho giáo giàu truyền thống thơ văn mà Thân phụ là Nguyễn Đình Huy từng làm Thơ lại Văn hàn ty của Tổng trấn Lê Văn Duyệt. “Quê hương” của Nguyễn Đình Chiểu khá đặc biệt: Quê cha ở Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên - Huế); quê mẹ ở làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), quê vợ ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Gia Định (nay thuộc huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An); sinh sống và mất ở làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Ông là một người sống trong một giai đoạn lịch sử khác thường của vùng Nam bộ nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung từ giữa thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XIX: Chế độ phong kiến suy tàn, triều đình mục ruỗng, “trong sợ dân, ngoài sợ giặc”, nước ta trở thành “một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác”[1]. Là kẻ sĩ có thái độ khinh bỉ, vạch mặt chỉ tên bọn bán nước, cầu vinh, bọn xu nịnh, tham lam, Nguyễn Đình Chiểu không phải là người chỉ có ghét, chỉ có bất hợp tác với giặc, chỉ có một lòng bảo vệ “đạo”, bảo vệ “nhân nghĩa” và “thiên luân”; mà hơn thế, mặc dù bị mù lòa, nhưng ông đã nhìn rất rõ mọi việc, mọi sự kiện bằng trái tim nhân ái và mối liên hệ gắn bó với nhân dân. Mặc dù “ghét cay, ghét đắng”, “ghét vào tận tâm” mấy “thằng gian”, bất hợp tác với giặc; nhưng ông không ở ẩn mà đã trực diện dùng ngòi bút sắc bén nhân nghĩa để không ngừng đấu tranh với giặc, với bọn buôn dân bán nước, bằng quyết tâm “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” để bảo vệ nhân nghĩa, bảo vệ Nhân dân.

Người xưa quan niệm bản chất của thi ca, nghệ thuật là “Văn dĩ tải đạo” (văn chương có mục đích giáo dục to lớn): phải “có ích dụng cho đời”, có tác dụng “khuyến thiện, trừng ác”, góp phần chấn hưng đạo đức, bồi dưỡng nhân tâm, đề cao nhân nghĩa. Nhưng so với các nhà văn, nhà thơ cùng thời, Nguyễn Đình Chiểu đã có một thái độ tích cực hơn, vì dân, vì nước hơn. Tuy không đứng vào hàng ngũ cầm khí giới trực tiếp đánh giặc, nhưng ông rất có cảm tình đặc biệt với họ, chia sẻ với họ nỗi căm hờn và nỗi nhục mất nước, lòng căm ghét bọn thực dân và tay sai. Nguyễn Đình Chiểu là một nhà nho chân chính, yêu nước thương dân, cho nên “đạo” mà ông nói đến mang nội dung nhân dân, tích cực, tiến bộ. Ông đã đặc biệt dùng cây bút của mình làm vũ khí chiến đấu cho dân, cho nước, cho chính nghĩa. Điều đó thể hiện tuy rất ngắn gọn, nhưng khúc chiết, rõ ràng và dứt khoát: “Chở bao nhiêu đạo, thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà”!

 “Đạo” trong thơ văn của cụ Đồ Chiểu là đạo đức, nhân nghĩa, đạo làm người với nội dung rất cụ thể, rõ ràng: “Trai thời trung hiếu làm đầu/Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”; “Sự đời thà khuất đôi tròng thịt/Lòng đạo xin tròn một tấm gương” hoặc “Thà đui mà giữ đạo nhà/Còn hơn có mắt ông cha không thờ”, v.v…

Trong thơ văn và tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu, “thằng gian” trong chế độ phong kiến thối nát dưới triều Nguyễn là bọn bất lương, bọn lừa thầy phản bạn, kẻ ác, kẻ xấu, bất nhân, bất nghĩa… Khi thực dân Pháp đến xâm lược nước ta thì “thằng gian” là giặc Pháp và lũ Việt gian bán nước, bọn đầu hàng, làm tay sai cho giặc. Chính vì vậy, cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của ông thể hiện thái độ yêu ghét rõ ràng, thơ của ông mang tính chiến đấu trên lập trường nhân dân và dân tộc, vì đạo hiếu trung, vì nhân nghĩa. Một “đời thơ” của Cụ không chỉ quan niệm “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm” mà ông còn luôn luôn tâm niệm “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Càng “đâm”, càng vạch mặt chỉ tên những “thằng gian”, lũ bất lương, bất hiếu, bất trung, bọn lừa thầy phản bạn, thì ngọn “bút thơ” của Cụ càng sắc bén.

Trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế càng sâu rộng hiện nay, giảng viên trường chính trị ngoài chức năng là “người huấn luyện của Đoàn thể”, còn là người chiến sỹ cách mạng trong đội tiền phòng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc, là chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng của Đảng và cũng là nhà khoa học chân chính. Đội ngũ giảng viên trường chính trị có vai trò quan trọng và trách nhiệm rất lớn trong hoạt động khẳng định, truyền bá và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Vì vậy, triết lý và tấm gương “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” của nhà thơ Đồ Chiểu là bài học quý giá để người giảng viên trường Đảng noi theo để hoàn thành trọng trách của mình.

Trong đó, “đạo” mà người giảng viên cần “chở” trước hết là việc thông qua những bài giảng trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp hệ thống những kiến thức lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Trên cơ sở đó, học viên hình thành và nâng cao thế giới quan, phương pháp luận khoa học, nắm vững bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và kiên định giá trị bền vững và vai trò to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin , tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, cũng như sức sống của nó trong thời đại ngày nay. Đó cũng chính là cơ sở lý luận, là nền tảng để hình thành chất “đề kháng”, bản lĩnh chính trị, tư tưởng, phương pháp tư duy khoa học trong nhận thức và giải quyết các vấn đề thực tiễn, giúp hình thành những kỹ năng, thái độ cần thiết cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở trong quá trình nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch… “Đạo” là đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; là sự tận tụy, cống hiến, hy sinh, gương mẫu của người lãnh đạo và là “đày tớ thật trung thành của nhân dân”.  “Đạo” còn là sự phản ánh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị và thực tiễn phong phú của sự nghiệp xây dựng con người mới, nền văn hóa mới, chế độ mới của nhân dân ta; là những tấm gương tốt, việc làm hay, sáng tạo của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương,…

 “Thằng gian” trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng mà người giảng viên cần “đâm” là những quan điểm sai trái thù địch, những kẻ cơ hội, thoái hóa, biến chất, những kẻ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực; chủ nghĩa cá nhân, những biểu hiện “suy thoái”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,… trong nội bộ. Đồng thời, “thằng gian” còn là âm mưu, hoạt động chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động đối với nền tảng tư tưởng của Đảng với nội dung chủ yếu là: (i) Xuyên tạc, phủ nhận, chống phá vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; (ii) Chống phá nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng là chủ nghĩa  Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; (iii) Chống phá đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng và nhân dân; (iv) Chia rẽ khối đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân và giữa Đảng với nhân dân; (v) Xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử; (vi) Cản trở sự phát triển của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa;…

Với tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, “thằng gian” có nhiều “biến thể” mới rất nguy hiểm, rất khó phát hiện, khó tiêu diệt. Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, của cả hệ thống chính trị. Muốn góp phần thiết thực hoàn thành tốt nhiệm vụ nặng nề nhưng vẻ vang đó, người giảng viên trường Đảng phải rèn luyện “Tâm sáng, bút sắc, lòng trong, chí vững” và tinh thần trách nhiệm cao thông qua những yêu cầu cơ bản như sau:

Thứ nhất, phải không ngừng học tập, nghiên cứu để tích lũy và nâng cao tri thức, kiến thức lập trường và bản lĩnh để luôn xứng đáng là “người huấn luyện của Đoàn thể” và là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng - truyền bá hệ tư tưởng của Đảng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Thứ hai, nâng cao tính tích cực, chủ động, tự giác của giảng viên trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trên cơ sở nhận thức về tầm quan trọng của việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và trách nhiệm của mình, mỗi giảng viên cần đề cao tính tích cực, tự giác, thường xuyên, liên tục đấu tranh chống lại những quan điểm, luận điệu, xuyên tạc, sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ ba, cần nắm vững và thực hiện nghiêm túc những quan điểm chỉ đạo của Đảng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là Chỉ thị số 23-CT/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới và Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Phải xem đây là trách nhiệm của “những người huấn luyện của Đoàn thể”, người chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng của Đảng; là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, gắn bó mật thiết với nhiệm vụ chuyên môn của mỗi giảng viên. Trong mỗi tiết giảng bài, thảo luận, mỗi đề thi, kiểm tra, trong mỗi bài viết, mỗi nội dung nghiên cứu đều cần phải ý thức sâu sắc, chuyển tải hợp lý, khéo léo đến học viên những kỹ năng, kiến thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Thứ tư, thường xuyên mài sắc “ngọn bút” của mình, tích cực và chủ động tiếp cận và khai thác những thành tựu mới của khoa học - công nghệ và các “kỹ năng tác chiến trên không gian mạng” để tham gia các nhóm đấu tranh, tuyên truyền, đấu tranh phản bác. Trong đó, triệt để khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng theo quan điểm “sử dụng công nghệ để quản lý, kiểm soát công nghệ”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu”…

Thứ năm, không ngừng học tập và rèn luyện theo lời dạy của Bác Hồ: “Người huấn luyện của Đoàn thể phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”: tiếp tục nỗ lực, tự giác, tự học tập, tự nghiên cứu để có kiến thức sâu, rộng, vững chắc; có trình độ, bản lĩnh, năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng, phương pháp vững vàng trong nhận diện và đấu tranh chống lại có hiệu quả các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Tóm lại, cả cuộc đời cụ Đồ Chiểu sáng ngời triết lý sống cao đẹp, đau đáu vì vận nước, nặng lòng trước “phận dân đen”; là tấm gương sáng về đạo lý làm người: yêu - ghét rõ ràng; thị - phi dứt khoát. Vì vậy, việc UNESCO chính thức thông qua nghị quyết vinh danh Nguyễn Đình Chiểu “là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại” là sự “ghi nhận” xứng đáng của thế giới đối với sự cống hiến của Cụ. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của mọi người dân Việt Nam, người dân “Xứ dừa”, mà còn là “cơ hội” vô cùng quý giá để đội ngũ giảng viên lý luận nói chung, giảng viên trường chính trị nói riêng suy ngẫm, học tập noi theo. Mặc dù không có trọng trách là “chở đạo, sửa đời và dạy người” như cụ Đồ Chiểu; nhưng triết lý và tấm gương của Cụ trong “Chở bao nhiêu đạo, thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà” luôn là nguồn “cảm hứng”, là “hòn đá” để đội ngũ giảng viên trường chính trị mài sắc “vũ khí” của mình theo tinh thần “Tâm sáng, bút sắc, lòng trong, chí vững” trên cơ sở không ngừng tích lũy kiến thức, nâng cao bản lĩnh và năng lực chuyên môn, phương pháp “tác chiến” nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị nói chung và công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói riêng./.  

 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 2002, tập 10, tr 13.

Thông tin phản bác: 

Tin khác