Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 19 Tháng 4, 2024 - 05:10

Trải nghiệm của tập sự giảng viên hoàn thành nhiệm vụ duyệt giảng trước hội đồng khoa học nhà trường

ThS. Nguyễn Trần Phương Hiền
Tập sự giảng viên, Khoa Lý luận cơ sở
 

Theo quy chế giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ban kèm theo Quyết định số 2252-QĐ/HVCTQG ngày 02 tháng 5 năm 2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tại Chương II, Điều 7, quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ đối với giảng viên trong thời gian tập sự là học tập, nghiên cứu, chuẩn bị và giảng tập từ 08 tiết trở lên. Với kinh nghiệm tuổi đời, tuổi nghề và thời gian hoạt động thực tiễn của một giảng viên tập sự ở môi trường chính trị còn hạn chế, đối tượng học viên có nhiều năm kinh nghiệm trong thực tiễn. Vậy làm thế nào để một giảng viên tập sự hoàn thành nhiệm vụ duyệt giảng “thành công” như mong muốn? Đó là những tâm tư, trăn trở của lực lượng giảng viên trẻ chúng tôi. Là một tập sự giảng viên, qua quá trình tập sự một thời gian, được trải nghiệm, học hỏi, tích lũy rất nhiều từ quý Thầy, Cô và đồng nghiệp nhà trường, tôi xin được chia sẻ một số vấn đề mà các đồng chí giảng viên tập sự có thể tham khảo, quan tâm trong quá trình chuẩn bị duyệt giảng trước Hội đồng khoa học nhà trường.

Trước hết, về khâu chọn bài

Đây là khâu đầu tiên mà những tập sự giảng viên chúng tôi trăn trở, có một ý nghĩa rất quan trọng của hoạt động giảng tập. Vậy phải chọn bài như thế nào? Theo tôi, khi chọn bài mỗi tập sự giảng viên nên tham khảo ý kiến của giảng viên hướng dẫn và khoa quản lý, chú ý chọn những bài theo đúng chuyên ngành mình được đào tạo là một trong những “lợi thế” cho việc soạn giảng. Nên chọn những bài có dung lượng kiến thức vừa phải trong thời lượng 4 tiết vì kinh nghiệm và kiến thức thực tiễn của tập sự giảng viên còn nhiều hạn chế nếu chọn bài có thời lượng dài có thể gây khó khăn cho tập sự giảng viên khi duyệt giảng ra Hội đồng khoa học. Sau khi chọn được bài phù hợp, một việc rất cần thiết với mỗi tập sự giảng viên là thường xuyên đi nghe giảng của các giảng viên đang phụ trách bài giảng mà mình muốn chuẩn bị và các thầy, cô giảng viên có kinh nghiệm để học hỏi, học tập kinh nghiệm cho bản thân, ghi chép cẩn thận vào nhật ký giảng tập những gì mà mình đã trải nghiệm, học hỏi được trong quá trình tập sự.

Hai là, chuẩn bị giáo án

Giáo án là toàn bộ kế hoạch giảng dạy bao gồm phương án hoạt động của giảng viên và học viên tại lớp học. Do vậy, đầu tư cho giáo án là công việc có ý nghĩa quyết định cho sự thành công của một bài giảng. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa trình bày và soạn giáo án gồm những bước sau:

Bước 1: Ổn định lớp học

Bước 2: Kiểm tra bài cũ

Bước 3: Giảng bài mới

Bước 4: Củng cố bài

Bước 5: Hướng dẫn câu hỏi bài tập, tài liệu tự học ở nhà

Xây dựng cấu trúc một bài giảng, chú ý làm rõ một số nội dung sau:

* Mục đích yêu cầu: Phần này cần làm rõ cả 3 mặt: Kiến thức, kỹ năng, thái độ đó là nội dung cốt lõi của bài học mà học viên cần đạt được. Tập sự giảng viên cần xác định rõ: Mình dạy bài gì? Trong chương trình nào? Mặt bằng về trình độ của học viên ra sao? Thời gian của nội dung là bao lâu?

* Kết cấu nội dung, phân chia thời gian, trọng tâm của bài: Xác định trọng tâm bài, khái quát những nội dung mà bài giảng cần thực hiện, dự kiến phân chia thời gian trong bao nhiêu phút cho từng nội dung. Chú ý phân bổ nhiều thời gian để làm rõ những phần trọng tâm, trọng điểm của bài.

 * Phương pháp giảng dạy và đồ dùng dạy học: Sử dụng những phương pháp gì? Là thuyết trình hay sàng lọc, hỏi – đáp,… và sử dụng những công cụ hỗ trợ.

* Tài liệu phục vụ soạn giảng: Bao gồm tài liệu sử dụng chung, tài liệu tham khảo mở rộng. Đặc biệt, cần chú ý những vấn đề chưa biết hoặc không biết rõ thì không nên nói, chỉ nói những vấn đề, nội dung mà mình đã nắm chắc, tránh bệnh tham kiến thức, song người giảng viên không dừng lại đó mà tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu những gì mình chưa nắm rõ.

Khi soạn giáo án, do là giảng viên tập sự chưa có nhiều kinh nghiệm, cần phân bố thời gian cho từng nội dung, chi tiết, cặn kẽ sẽ khắc phục tình trạng “cháy giáo án”, nội dung đầu thì giảng quá sâu, nhưng phần cuối thì giảng lướt, qua loa, đại khái. Như vậy, sẽ không có sự cân đối giữa các nội dung trong bài giảng.

Đối với giáo án điện tử, tập sự giảng viên xác định đây là phương tiện hỗ trợ đắc lực cho phương pháp của người dạy, quyết định đến tính trực quan, hiệu quả truyền đạt nội dung. Thiết kế phần trình chiếu bám sát đề cương bài giảng, nên lựa chọn phông chữ, cỡ chữ, màu chữ, màu nền cho các Slide phù hợp. Các hình ảnh, phim tư liệu cần phải chọn lọc để trình chiếu gắn liền với thực tế sinh động của đất nước, đặc biệt, có những vấn đề mang tính thời sự nóng bỏng, vì thế tập sự giảng viên cần hết sức thận trọng và chọn lọc những hình ảnh minh họa có nguồn gốc rõ ràng, chính thống, những đoạn phim tư liệu phù hợp với trình độ nhận thức của học viên và nội dung bài giảng. Không nên quá lạm dụng khi đưa vào bài giảng nhiều hình ảnh, phim tư liệu hoặc một hình ảnh minh họa cho nhiều nội dung. Tiếp thu những ý kiến đóng góp của Thầy, Cô đã chỉnh sửa để hoàn thiện giáo án và chuẩn bị cho duyệt giảng.

Ba là, tập giảng

Để các buổi tập giảng đạt kết quả cần kết hợp cả thuyết trình - viết bảng - sử dụng giáo án điện tử sao cho hài hòa. Giọng nói truyền cảm, thuyết phục là một trong những ưu điểm của người giảng viên. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn có được điều đó, đòi hỏi sự tập luyện nghiêm túc vì giọng giảng thể hiện ngọn lửa nhiệt tình, sự tâm huyết và thái độ tôn trọng đối với học viên. Ngôn ngữ viết rõ ràng, khoa học, mang tính thẩm mỹ trong việc trình bày bảng, không nên viết tắt quá nhiều vượt ra ngoài quy định.

 Bốn là, giảng tập trước khoa

Sau quá trình tập giảng và cảm thấy tự tin về bài giảng của mình, khâu tiếp theo sẽ là đăng ký giảng tập trước khoa. Cần xác định mỗi buổi giảng tập chính là một buổi lên lớp thực sự. Khi giảng tập nên chú ý thực hiện đầy đủ các bước lên lớp như giáo án đã chuẩn bị. Sau khi giảng tập trước khoa. Qua buổi giảng tập này mỗi giảng viên tập sự cũng có thể trao đổi lại những chính kiến, băn khoăn của mình; tiếp thu ý kiến đóng góp của giảng viên hướng dẫn, của khoa chủ quản để nội dung được hoàn thiện.

Qua nhiều lần duyệt giảng trước giảng viên hướng dẫn và tập thể khoa chủ quản đạt kết quả tốt, được sự đồng ý của giảng viên hướng dẫn đăng ký để ra duyệt giảng trước Hội đồng khoa học nhà trường.

Cuối cùng, duyệt giảng trước Hội đồng khoa học nhà trường

Tập sự giảng viên thể hiện được phong thái tự tin, chững chạc và làm chủ được bài giảng; trang phục trang nhã, lịch sự, điều đó sẽ nói lên phần nào tính cách và sự tôn trọng giúp người tập sự giảng viên được Hội đồng khoa học đánh giá cao.

Giảng dạy không chỉ là một khoa học mà còn là một nghệ thuật, nó không có sẵn trong mỗi giảng viên mà nó được hình thành, thẩm thấu qua nhiều năm tháng với sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng với lòng say mê nghề nghiệp của mỗi giảng viên. Thông qua duyệt giảng ra Hội đồng khoa học nhà trường là điều kiện, bước khởi đầu để mỗi tập sự giảng viên từng bước phấn đấu, rèn luyện trở thành một giảng viên thực thụ trong giảng dạy lý luận chính trị. Tập sự giảng viên cần tiếp tục phấn đấu, thường xuyên bổ sung, chỉnh sửa, cập nhật thông tin, số liệu mới để tự rút kinh nghiệm, “mài giũa, nâng niu” bài giảng, đầu tư phương pháp giảng dạy để đạt kết quả tốt hơn trong lần giảng tiếp theo./.

Tin khác