Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ tư, 24 Tháng 4, 2024 - 16:44

Tinh thần chiến đấu anh dũng của chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại mặt trận Lào

Nguyễn Trần Phương Hiền
Tập sự giảng viên, Khoa LLMLN, TTHCM

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, tư tưởng hòa hiếu, tinh thần yêu chuộng hòa bình vốn là truyền thống, là di sản quý báu, là đạo lý của dân tộc Việt, tinh thần ấy đã trở thành một trong những nền tảng quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam.

Việt Nam - Lào là hai nước láng giềng, cùng nằm trên bán đảo Đông Dương có chung đường biên giới dài 2340 km, trải dài suốt 10 tỉnh của Việt Nam tiếp giáp với 10 tỉnh phía nước Bạn. Biết bao thế hệ người Việt và người Lào cùng lớn lên trong tiếng ru mang âm hưởng của hai dân tộc Việt - Lào,  cùng tựa vững trong nắng, gió bên dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng uống chung dòng Mê Kông đỏ nặng phù sa, cùng mang trong mình phẩm chất cao quý của người Á Đông đó là đức tính cần cù, chịu khó, thật thà, chất phác, thủy chung, quý trọng lẽ phải. Chính điều kiện địa lý cùng với nét tương đồng về lịch sử và văn hóa đã gắn kết vận mệnh hai đất nước, hai dân tộc Việt - Lào.

Mối ban giao tốt đẹp hòa hiếu ấy đã được xây đắp, tôi luyện trong thực tế và hun đúc bằng sự hy sinh xương máu của nhiều thế hệ cách mạng người Việt Nam - Lào. Trải qua rất nhiều gian nan, thử thách khắc nghiệt, quan hệ đó vẫn vẹn nguyên, không hề bị rạn nứt và phá vỡ cho dù các thế lực thù địch dùng nhiều thủ đoạn chống phá, chia rẽ. Đây chính là tài sản vô giá và tài sản ấy sẽ mãi mãi trường tồn cùng sự phát triển của hai dân tộc Việt - Lào đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh ca ngợi:

“Việt - Lào, hai nước chúng ta

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”[1]

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giúp bạn là mình tự giúp mình”, coi nhân dân Bạn như nhân dân mình, coi sự nghiệp cách mạng của Bạn là trách nhiệm của mình. Sự ra đời của đội ngũ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào 68 năm về trước, ngày 30/10/1949 là minh chứng sâu sắc nhất cho tình hữu nghị Việt - Lào thấm đượm sáng ngời. Các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã kề vai sát cánh cùng Bạn vừa chiến đấu chống địch càn quét lấn chiếm, vừa tiến hành xây dựng và củng cố các đoàn thể, chính quyền kháng chiến, xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng, tăng cường lực lượng vũ trang, phát triển chiến tranh du kích trên khắp các khu vực Thượng, Trung và Hạ Lào. Hoạt động trong điều kiện vô cùng gian khổ, dưới sự đùm bọc, cưu mang của các mẹ, các chị Lào ngày đêm tiếp tế cho bộ đội hai nước sống trong rừng khi ta và địch trong những ngày thế trận cài răng lược, cùng nhường cơm sẻ áo “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” chia nhau từng hạt muối, tặng nhau một phong lương khô, một tấm áo bộ đội, cho nhau một con gà, một quả bí xanh...rồi những đêm ca hát, múa lăm vông Lào quanh đống lửa ấm nồng. Những người lính tình nguyện Việt Nam năm xưa đã vào sinh ra tử trên các chiến trường, quyết giành độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ cho nước Bạn Lào, các anh đã hòa máu mình, xương mình vào đất nước Triệu Voi, đã sống trọn nghĩa, trọn tình và trọn đời với đất nước Lào.

Trong hàng ngũ đông đảo của đội quân tình nguyện làm nghĩa vụ giúp Lào, có một gia đình Việt Nam, năm anh em ruột đều là chiến sĩ tình nguyện. Đó là gia đình Mẹ Trần Thị Nhị, quê ở xã Yên Mỹ, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, suốt cuộc đời mẹ tảo tần nuôi con, chấp nhận và âm thầm chịu đựng tiễn lần lượt năm người con lên đường tham gia nhiệm vụ quốc tế. Mỗi người một hoàn cảnh, một cương vị công tác, một địa bàn mà suốt quãng đường chiến đấu họ không hề đoàn tụ. Bác sĩ quân y Bùi Văn Ý, người anh cả lặng lẽ rời gia đình từ ngày đầu kháng chiến chống Pháp, hoạt động trong vùng địch hậu Hạ Lào từ năm 1948 đến những năm chống Mỹ, cứu nước. Anh đã tận tụy phục vụ trực tiếp cho cơ quan đầu não của Khu Hạ Lào, đã cứu chữa biết bao thương bệnh binh và bệnh nhân trong các thôn bản Lào. Tiếp bước người anh cả, đồng chí Bùi Văn Thanh, tham gia chiến dịch Thượng Lào vào đầu năm 1950. Anh được xem là một trong những chiến sĩ tình nguyện đã mở đường gieo mầm cách mạng tỉnh Luổng Phạbang, thành lập chi bộ Đảng Nhân dân cách mạng Lào đầu tiên ở nơi này và khởi đầu cho một phong trào học văn hóa ở nơi mà từ ngàn đời nay người dân không hề biết chữ.

Để lại mẹ già và em nhỏ, đồng chí Bùi Trọng Đông, tiếp nối các anh mình ra đi đến chiến khu 2, Trung Lào năm 1950. Với cương vị là một chuyên gia, anh đã góp phần tích cực vào việc vun đắp liên minh giữa Mặt trận Lào yêu nước và lực lượng trung lập yêu nước tại tỉnh Phôngxalỳ. Rồi người anh thứ tư trong gia đình Đại tá Bùi Khánh Cân, công tác tại tỉnh Ninh Bình, được lệnh sang Lào giúp Bạn củng cố và phát triển cơ sở cách mạng tỉnh Uđômxay, một địa bàn chiến lược quan trọng ở Bắc Lào, trong những ngày đầu chống cuộc “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Người em út Bùi Văn Phương tiếp bước những người anh của mình, anh sang Lào giữa lúc cuộc leo thang chiến tranh của Mỹ ác liệt nhất. Người chiến sĩ đặc công gan dạ đã cùng đồng đội lập nhiều chiến công, mà chiến công đầu tiên là làm nổ tung gần chục pháo đài bay B52 của Mỹ tại sân bay chiến lược Utapao. Chiến công này đã làm nức lòng nhân dân hai nước, khiến kẻ thù bàng hoàng. Các anh, những đảng viên Cộng sản kiên trung đã hiến dâng cả quãng đời thanh xuân của mình với tình cảm sâu đậm, nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Rất nhiều những tấm gương hy sinh thầm lặng, chỉ có những người đồng đội chứng kiến hay được ghi lại trong những tư liệu hiếm hoi của các cán bộ, chiến sĩ liên quân Việt - Lào. Trong đó có chiến sĩ Việt Nam Lê Thiệu Huy. Đồng chí Huy sinh ngày 06/3/1921, quê làng Thạc Thiện, nay là xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đồng chí được sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học. Thân sinh đồng chí là Giáo sư Lê Thước một nhà nghiên cứu văn học và là nhà sư phạm nổi tiếng, mẹ anh là bà Phan Thị Đích thuộc dòng họ Phan Đình Phùng. Đồng chí đã trình lên Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp Đề án mang tên “Đường 9” với mục đích: Quét sạch các cứ điểm của giặc Pháp tái thiết lập trên Đường 9; kiên quyết giữ vững con đường chiến lược từ Lào xuyên vào Trung bộ Savannakhet mạch máu sống lúc này nối thông nước ta với Quốc tế (Lào - Xiêm - Miến Điện) từ đó có thể mua vũ khí, xăng dầu, thuốc, dụng cụ y tế…cung cấp cho kháng chiến; đẩy mạnh việc tổ chức liên quân Việt - Lào, tăng cường giúp đỡ Chính phủ kháng chiến Thakhet Lào, liên hệ với các tổ chức Việt Kiều ở Lào và Thái Lan, giúp đỡ huấn luyện quân sự cho các thanh niên. Đề án được chuẩn y, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc phái Lê Thiệu Huy giữ chức Tham mưu trưởng Liên quân Việt - Lào, cùng kề vai sát cánh chiến đấu với Bộ Tư lệnh Thakhet Lào.

Tại Lào, Lê Thiệu Huy được cử làm Bí thư riêng, phụ tá cho Hoàng thân Xuphanuvông, lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ ngoại giao kiêm Tổng Tư lệnh Pa -thét Lào. Trong tình huống nguy kịch, Lê Thiệu Huy đã lấy thân mình bảo vệ Hoàng thân Xuphanuvông, đồng chí đã trúng đạn hy sinh trên tay của Hoàng thân và đồng đội, khi đó đồng chí vừa tròn 25 tuổi. Sự hy sinh quý báu đó, không gì có thể so sánh được và tình hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt thủy chung đó cũng không có kẻ thù và thế lực thù địch nào có thể phá vỡ.

Từ Bắc đến Nam Lào, ở đâu kẻ thù xâm lược đặt chân đến thì ở đó có chiến sĩ tình nguyện Việt Nam kề vai chiến đấu cùng quân dân nước Bạn. Truyền thống làm nghĩa vụ quốc tế trong sáng là bài học sâu sắc đối với các chiến sĩ đi tìm hài cốt đồng đội. Hòa bình lập lại công tác quy tập và cất bốc hài cốt quân tình nguyện và các chuyên gia quân sự Việt Nam được thực hiện thường xuyên, dưới sự giúp đỡ của Chính phủ và nhân dân bộ tộc Lào. Song, dù đã có hồ sơ gốc các phần mộ liệt sĩ nhưng do chiến tranh lâu dài ác liệt và cả những khó khăn bất cập của hòa bình, nhiều nơi con đường chiến tranh không còn dấu vết trên mặt đất, chỉ có thể tìm thấy trong ký ức sâu nặng của nhân dân. Trong hàng ngàn thân nhân sang Lào tìm kiếm hài cốt của chiến sĩ làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào có chị Đào Thị Phương Mai, vợ liệt sĩ Nguyễn Hữu Tường.

Đồng chí Nguyễn Hữu Tường chỉ huy đơn vị 137 thuộc Đoàn 83 Viêng Chăn, hoạt động và chiến đấu ở vùng Phu Khun, Mương Mẹt. Đồng chí là một trong những cán bộ có trình độ tổ chức, chỉ huy giỏi, có uy tín và có nhiều công lao đóng góp cho cách mạng Lào trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1964, đồng chí Tường bị địch bắt, bọn chúng đã cắt đầu đồng chí Tường cắm cọc để răn đe và uy hiếp tinh thần đấu tranh của nhân dân. Thi hài đồng chí Tường bị bọn địch đưa lên trực thăng rồi đem thả vào rừng sâu. Một bà mẹ Lào ở bản Na Pachạt rất căm phẫn những tội ác dã man của địch và vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Hữu Tường đã bí mật vào rừng tìm thi thể đồng chí Tường. Bà mẹ Lào đã gom nhặt những phần thi thể còn lại rồi bí mật chôn cất.

Được sự giúp đỡ nhiệt tình của nước Bạn, khi công việc tìm kiếm, đào bới đã được sáu ngày, cả khu đất chôn cất đồng chí Tường đều được đào bới nhưng vẫn không thấy hài cốt. Có một đồng chí Lào tin rằng: “Đồng chí Tường cả đời gắn bó với nhân dân các bộ tộc Lào nên các vị thần ở đây yêu mến muốn giữ lại hài cốt của đồng chí Tường. Hài cốt của Tường đã hòa quyện vào đất đai của Lào rồi…”[2]. Chị Mai xúc động nói: “Tôi và các con tôi vô cùng biết ơn sự quan tâm giúp đỡ chí tình của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và nhân dân các bộ tộc Lào và biết ơn sự quan tâm giúp đỡ của các bạn bè đồng đội của anh Tường. Đời đời gia đình tôi ghi nhớ”[3], chị Mai đề nghị các bạn Lào ngừng công việc tìm kiếm để đỡ tốn công, tốn của. Chị chỉ xin bà con dân bản địa phương và tất cả các đồng chí Lào có mặt ở đó một “nắm đất” ở nơi đã chôn cất đồng chí Tường để đem về quê hương.  

Chiến tranh đã lùi xa, hơn 20 năm hoạt động (1994 - 2017), Ban Công tác đặc biệt hai Chính phủ Việt Nam - Lào đã ký kết hơn 20 biên bản thỏa thuận về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Đến cuối năm 2016, đã tìm kiếm, quy tập được hơn 17.500 hài cốt đưa các anh trở về Việt Nam và nhiều người con đất hoa Champa sang Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ do chiến tranh khốc liệt, do nhiều hoàn cảnh khác nhau đã không thể trở về quê hương. Phần mộ của một số cán bộ, bộ đội Thakhet Lào vẫn còn nằm lại trên đất Việt đã được cán bộ, nhân dân địa phương hỗ trợ, xác minh thông tin và cất bốc đưa về quê hương.

Những cống hiến, hy sinh của quân tình nguyện Việt Nam tại mặt trận Lào là sự đóng góp quý báu cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt - Lào. Nhận thức được ý nghĩa sâu sắc ấy, Ban Tuyên giáo Trung ương đã triển khai phát động Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam năm 2017” góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ của hai nước, nhận thức sâu sắc vai trò, sứ mệnh và trách nhiệm của mình, cùng phấn đấu cho hòa bình, ổn định và phát triển của Việt - Lào, như mong muốn của Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản đã khẳng định: “Tình hữu nghị anh em giữa nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam thật là vĩ đại mà bất cứ bài ca bản nhạc nào, bất cứ bài thơ nào hay nhất cũng không sao diễn tả trọn vẹn được. Tình hữu nghị đó cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất”[4].

________________________________

Chú thích:

[1]. Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930 - 2007, tr.74, Tài liệu tuyên truyền, Nxb Chính trị quốc gia.
[2][3]. Hữu nghị Việt - Lào (Đặc san kỷ niệm 25 năm Hiệp định hợp tác - Hữu nghị và 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào), Hà Nội, 2002.
[4]. Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930 - 2007, Hồi ký II, tr.76, Nxb Chính trị quốc gia.

 

Tin khác