Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ sáu, 26 Tháng 4, 2024 - 00:37

Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Thương
                                                            Giảng viên khoa Nhà nước và Pháp luật

 

Giám sát là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Hoạt động giám sát là một trong hai chức năng cơ bản, quan trọng của Hội đồng nhân dân các cấp với vai trò là cơ quan cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng là quyền làm chủ của Nhân dân ở địa phương. Hội đồng nhân dân thực hiện giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp mình. Luật tổ chức chính quyền địa phương, đặc biệt là Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ra đời năm 2015 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện thể chế pháp lý về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, đưa hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp đi vào nền nếp, đạt chất lượng và hiệu quả cao hơn. Theo đó, Luật đã quy định khá cụ thể về chủ thể, thẩm quyền, đối tượng và phương thức giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp.

Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động hiện nay cho thấy, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp đang tồn tại không ít những hạn chế, bất cập làm cho hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân đạt được chưa cao và chưa đảm bảo đúng thực chất.

Hạn chế đầu tiên, có thể kể đến là đối tượng giám sát của Hội đồng nhân dân, nhất là đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện theo quy định hiện nay là khá rộng. Theo đó, Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám đối với các cơ quan của Hội đồng nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp dưới, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương. Vấn đề đặt ra ở đây là Hội đồng nhân dân giám sát Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân nhưng quy định pháp luật hiện hành lại không quy định biện pháp xử lý trong những trường hợp các cơ quan này có sai phạm (hậu quả pháp lý từ hoạt động giám sát) vì thực tế Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân không chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Thứ hai, do những bất cập ngay trong cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân các cấp với số lượng đại biểu kiêm nhiệm còn chiếm tỷ lệ khá cao và cơ cấu đại biểu hai cấp đã làm hạn chế rất lớn đến chất lượng hoạt động của người đại biểu Hội đồng nhân dân, đặc biệt là trong trường hợp đại biểu Hội đồng nhân thực hiện chức năng giám sát thông qua hình thức chất vấn tại kỳ họp. Tình trạng nể nang, ngại va chạm và không đi đến cùng các vấn đề cần chất vấn là những biểu hiện thường thấy khi trong quan hệ quản lý hành chính người đại biểu Hội đồng nhân dân lại là công chức thuộc quyền quản lý trực tiếp hoặc thuộc cơ quan cấp dưới của người được chất vấn.

Thứ ba, có một thực trạng đang tồn tại trong thực tiễn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp hiện nay là những kiến nghị sau giám sát của các cơ quan chức năng của Hội đồng nhân dân đối với những vấn đề, vụ việc chưa phù hợp chưa được các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu, chấn chỉnh một cách nhanh chóng, kịp thời mà phải qua nhắc nhỡ nhiều lần mới được thực hiện. Trong khi đó, hệ thống pháp luật hiện hành lại chưa có một biện pháp chế tài hoặc cơ chế hữu hiệu nào để quy trách nhiệm và xử lý nghiêm những cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm trễ hoặc cố ý trì hoãn việc tiếp thu, điều chỉnh theo đúng những kiến nghị của các cơ quan chức năng của Hội đồng nhân dân các cấp sau giám sát.

Thứ tư, năng lực một số đại biểu Hội đồng nhân dân chưa đáp ứng tốt vị trí, vai trò của nình, đặc biệt là đối với đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã là những người được cơ cấu từ cán bộ không chuyên trách ở ấp, khu phố,… trong khi đó hoạt động giám sát lại khá rộng, toàn diện và chuyên sâu đòi hỏi chủ thể giám sát phải có những kiến thức chuyên môn nhất định ở các lĩnh vực (tài chính, xây dựng,...) thì mới có thể phân tích, đánh giá được chính xác các vấn đề để thực hiện tốt chức năng giám sát, nếu không hoạt động giám sát chỉ mang tính hình thức.

Thứ năm, lần đầu tiên theo Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Hội đồng nhân dân cấp xã thành lập 2 ban là Ban pháp chế và Ban kinh tế - xã hội để giúp Hội đồng nhân nhân thực hiện tốt hơn các chức năng và nhiệm vụ theo luật định, trong đó có chức năng giám sát. Theo quy định hiện nay, tất cả thành viên của các ban Hội đồng nhân dân ở cấp xã đều hoạt động kiêm nhiệm. Thực tế cho thấy có những địa phương, Trưởng ban, Phó Trưởng ban Hội đồng nhân dân là cũng là công chức cấp xã thì sẽ đảm bảo về năng lực chuyên môn khi giám sát nhưng lại có hạn chế là thiếu sự khách quan khi các ban giúp Hội đồng nhân dân thực hiện chức năng giám sát cũng như trong thực hiện chất vấn tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân do e ngại trong mối quan hệ hành chính với lãnh đạo Ủy ban nhân dân. Trong trường hợp khác, có những địa phương, Trưởng ban, Phó Trưởng ban Hội đồng nhân dân là đại diện các tổ chức hội, đoàn thể, trường học,… thì lại chưa đáp ứng tốt yêu cầu về kiến thức, năng lực chuyên môn để thực hiện tốt chức năng giám sát. Do đó, việc lựa chọn được những người có đủ trình độ, năng lực và đảm bảo tính khách quan để nâng cao chất lượng hoạt động của các ban Hội đồng nhân dân cấp xã là một vấn đề đang đặt ra hiện nay.

Trước những bất cập đang đặt ra ở trên, trong thời gian tới để hoạt động giám sát Hội đồng nhân dân đi vào thực chất và hiệu quả cần xem xét thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, quy định thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao, có quy định cụ thể về hậu quả pháp lý đối với những trường hợp Tòa án nhân dân hoặc Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp không thực hiện đúng các quy định pháp luật trong tổ chức và hoạt động mà thông qua hoạt động giám sát Hội đồng nhân dân phát hiện được. Hoặc là giới hạn lại thẩm quyền và đối tượng giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện theo hướng Hội đồng nhân dân chỉ tập trung giám sát vào đối tượng chủ yếu là cơ quan chấp hành - Ủy ban nhân dân cùng cấp.

Hai là, cơ cấu hợp lý số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo hướng giảm số lượng đại biểu kiêm nhiệm và tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách. Việc làm này vừa tạo điều kiện để đại biểu Hội đồng nhân dân toàn tâm, toàn ý tập trung cho nhiệm vụ của người đại biểu, vừa là giải pháp để khắc phục có hiệu quả tình trạng e ngại, nể nang trong thực hiện chức năng giám sát, đặc biệt là giám sát tại kỳ họp thông qua việc chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn của lãnh đạo Ủy ban nhân dân và người đứng đầu các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân các cấp.

Ba là, với số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã từ 15 - 35 người lại phải đảm bảo đúng yêu cầu về cơ cấu các thành phần thì việc lựa chọn thành viên các ban Hội đồng nhân dân vừa đảm bảo được năng lực chuyên môn, vừa đảm bảo tính độc lập tương đối và khách quan để thực hiện tốt chức năng thẩm định, giám sát các lĩnh vực chuyên môn được Hội đồng nhân dân phân công là công việc không dễ dàng. Lựa chọn Trưởng ban là người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội, Phó Trưởng ban có thể là công chức, là giải pháp nên được xem xét. Để đảm bảo được các yêu cầu trên, cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, đảm bảo chuẩn, chất nguồn nhân lực khu vực công, nhất là đội ngũ cán bộ cấp cơ sở (đối tượng có mức độ được chuẩn hóa về chuyên môn so với công chức còn thấp).

Bốn là, cần quy định biện pháp chế tài cụ thể để đảm bảo các kiến nghị sau giám sát của các cơ quan chức năng của Hội đồng nhân dân các cấp được các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp thu, chấn chỉnh một cách nhanh chóng, kịp thời, tránh tình trạng nhắc đi nhắc lại nhiều lần như hiện nay.

Năm là, ngoài việc được tập huấn chung vào đầu các nhiệm kỳ như hiện nay, thiết nghĩ rằng các cơ quan chức năng cần xây dựng và tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên sâu cần thiết theo từng lĩnh vực để đại biểu Hội đồng nhân dân, nhất là các ban của Hội đồng nhân dân cấp xã thực hiện tốt hơn chức năng giám sát của mình.

Giám sát để theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức của nhà nước và tổ chức, cá nhân trong việc thực thi Hiến pháp, pháp luật và nghị quyết của Hội đồng nhân dân tại địa phương là hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng của Hội đồng nhân dân các cấp nhằm đảm bảo kỷ cương, kỷ luật, tính pháp quyền và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Do đó, trong thời gian tới cần có lộ trình thực hiện từng bước và đồng bộ các giải pháp nêu trên để hoạt động giám sát đi vào thực chất và đạt hiệu quả cao hơn để Hội đồng nhân dân thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân ở địa phương./.

Tin khác