Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ năm, 28 Tháng 3, 2024 - 22:50

Thực tế Sơn Mỹ - nơi ghi chứng tích tội ác của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

Thạc sĩ Trần văn Hòa
Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng

 

Đúng 14 giờ ngày 17 tháng 8 năm 2018, đoàn công tác thực tế của chúng tôi gồm 9 người, trong đó một Phó Hiệu trưởng làm trưởng đoàn cùng các đồng chí Trưởng, Phó phòng, khoa, cán bộ giảng viên đã có mặt tại làng Sơn Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi. Nơi này, năm xưa đã ghi lại từng chứng tích lịch sử đầy tội ác của đế quốc Mỹ đối với người dân Việt Nam; một tội ác man rợ đã gây ra sự chết chóc, đau thương khủng khiếp của hơn 504 người.

Vào ngày 16 tháng 3 năm 1968, tại khu vực thôn Mỹ Lai thuộc làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, các đơn vị lính Lục quân Hoa Kỳ đã thảm sát hàng loạt dân thường không có vũ khí, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Trước khi bị sát hại, nhiều người trong số các nạn nhân còn bị cưỡng bức, quấy rối, tra tấn, đánh đập hoặc cắt xẻo các bộ phận trên cơ thể. Sự kiện thảm khốc này đã gây sốc cho dư luận Mỹ, Việt Nam và thế giới, hâm nóng phong trào phản chiến khắp thế giới.

Chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động vì nơi xảy ra vụ thảm sát là một làng quê im vắng, con người hiền hòa, chất phát trong xứ sở nông nghiệp Việt Nam thuở ấy. Những hình ảnh nơi đây đã khơi gợi cho tôi một kí ức khó phai đó là:

Tảng sáng ngày 16/3/1968, như lệ thường, người dân sơn Mỹ dậy sớm lo cơm nước để chuẩn bị cho một ngày lao động mới. Nhiều gia đình tụ tập bên mâm cơm; một vài người đi chợ; một số vác cuốc ra đồng đã làm cho sáng ngày hôm ấy thật nhộn nhịp, đáng yêu, một vẻ đẹp bình dị và mộc mạc của làng quê Việt Nam. Nhưng cái khảnh khắc ấy đã bỗng chốc bị phá vỡ: 5 giờ 30 phút, các tràng pháo đủ cỡ từ núi Răm, Bình Liên (huyện Bình Sơn), chi khu Sơn Tịnh và tiểu khu Quảng Ngãi nhất loạt dội vào 4 thôn của xã Sơn Mỹ, mặt đất rung chuyển dữ dội cùng những tiếng nổ đinh tai nhức óc, tiếng cây gãy, tiếng gà vịt quang quác, tiếng người kêu khóc thất thanh. Đợt pháo kéo dài chừng 30 phút thì liên tiếp là hai chiếc trực thăng HU.1A bay đến, quần đảo nhiều vòng, tới tấp nhả đạn róc-két và đại liên vào các tụ điểm dân cư của hai thôn Tư Cung và Cổ Lũy. Kế đó, một tốp trực thăng 9 chiếc hướng từ Chu Lai bay vào đổ quân, một tốp trực thăng khác 11 chiếc tiếp tục đổ quân xuống chung quanh thôn Tư Cung và Cỗ Lũy. Vừa xuống máy bay, chúng đã lùng sụt từng nhà, từng hầm để bắn giết, đốt nhà, hãm hiếp dã man những người dân vô tội không một tất sắt trong tay.

Những động thái của chúng làm người dân nơi đây không kịp trở tay, vì như bao ngày, đây chỉ là một cuộc càn quét bình thường, không ai biết số mệnh của mình và đồng bào mình ngay từ lúc này đã bị định đoạt. Chúng lùng sụt đến nhà ông Lệ, chị Trinh, chị Hòa, ông Toan, ông Mãi và nhiều gia đình khác,... để bắn giết, hãm hiếp, đốt nhà, thiêu hủy toàn bộ tài sản của những nông dân nghèo nơi đây. Theo số liệu cung cấp, tổng số người bị sát hại là 504 người, trong đó có 182 phụ nữ (có 17 người đang mang thai), 178 trẻ em (có 56 em dưới 5 tháng tuổi), 60 cụ già trên 60 tuổi, 89 trung niên; về của cải có 247 căn nhà bị thiêu hủy, hàng ngàn trâu bò, gia súc bị giết.

Ngay sau vụ thảm sát, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng các cấp và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã lên tiếng tố cáo trước dư luận trong và ngoài nước về tội ác của quân viễn chinh Mỹ. Đó là sự thảm sát khủng khiếp nhất về thể xác và tinh thần lúc bấy giờ. Tuy nhiên, hậu quả ấy vẫn còn âm ĩ, nhức nhối trong lòng người dân vốn quen sống hiền hòa thầm lặng cho đến nay.

Lúc bấy giờ, về phía Mỹ, các cấp chỉ huy đã bóp méo sự thật để nó biến thành cuộc chiến thắng lớn. Văn phòng sư đoàn Americal ở Chu Lai đóng ở phía bắc tỉnh Quảng Ngãi dựa vào tường trình của lực lượng đặc nhiệm Barker đã chuyển tin ngay vào Sài Gòn trong đêm 16/3/1968 để sáng hôm sau phát hành cho hàng trăm phóng viên ở đó. Bản tường trình viết rằng: Binh sĩ Mỹ đã mở một cuộc hành quân vào làng Mỹ Lai, cuộc giao chiến đến tận quá trưa. Kết quả: 128 lính địch bị giết, 13 tên khả nghi bị bắt, 3 súng bị tịch thu. Dựa vào nguồn tin do các phóng viên thường trú ở Sài Gòn cung cấp, tin này được đăng trên trang nhất tờ Thời báo New York và nhiều báo khác ở Mỹ. Bản tin hàng tuần Chữ thập phương Nam của sư đoàn Americal cũng đăng một bài dài kèm các bức ảnh đen trắng của Haeberle chụp các lính Mỹ trong tư thế chiến đấu để ca ngợi “chiến thắng” Sơn Mỹ. Một bản tường trình từ Sài Gòn cũng được gửi về Lầu Năm Góc ngay trong đêm 16/3/1968. Sự thật đã bị bôi nhọa, thậm chí còn trắng trợn gửi thư khen thưởng từ chỉ huy trưởng các lực lượng Mỹ đối với đại đội Charlie (đội thảm sát Mỹ Lai)...

Không thể che đậy sự thật, trong hàng binh lính Mỹ vẫn còn có những lương tri thức tỉnh, như: Thompson, Lawrence Colburn, Ronald Haeberle, R.Ridenhour,... Thompson phi công người Mỹ trong chiến dịch thảm sát năm 1968 từng bị dọa giết vì đấu tranh phơi bày sự thật tại Mỹ Lai, Việt Nam. Ông là một trong số ít lính Mỹ cứu người dân Việt Nam trong vụ giết người hàng loạt ở Mỹ Lai ngày 16/3/1968. Ông nỗ lực đưa vụ việc ra ánh sáng bất chấp giới lãnh đạo Mỹ cố tình che giấu tội ác của binh sĩ. Hành động của Thompson giúp ông nhận được huân chương anh hùng của người Mỹ nhưng quan trọng hơn là phơi bày tội ác chống loài người ra trước thế giới. Ông Lawrence Colburn, một trong số những lính Mỹ từng nỗ lực ngăn chặn vụ binh sĩ nước này thảm sát hàng trăm dân làng thôn Mỹ Lai thời chiến tranh Việt Nam. Ronald Haeberle là tác giả bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai: “Đau đáu giấc mơ hòa bình”. Sau 50 năm, ông Ronald Haeberle (Mỹ), tác giả bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai vẫn day dứt, đau đáu giấc mơ cuộc sống trên thế giới mãi mãi hòa bình.

Những đóng góp của các nhà báo, nhất là của Ridenhour được thế giới ghi nhận. R.Ridenhour một cựu binh Mỹ đã gửi thư cho Tổng thống Nixon yêu cầu điều tra vụ thảm sát Mỹ Lai, đưa vụ việc mà Mỹ che đậy ra ánh sáng. Lá thư của cựu binh Mỹ miêu tả vụ tấn công mang tính hủy diệt vào Mỹ Lai của các binh sĩ Mỹ. Thư có đoạn: "Tôi hỏi Butch về nạn nhân của vụ thảm sát. Anh ấy cho biết đàn ông, phụ nữ, trẻ em đều bị giết. Butch nhớ lại cảnh một cậu bé khoảng 3 đến 4 tuổi, bị thương ở tay đang đứng trên đường. Tay còn lại của em ôm lấy chỗ bị thương. Máu chảy ướt các ngón tay". Sau này người ta dùng tên ông để đặt cho giải thưởng báo chí uy tín bậc nhất nước Mỹ, giải Ridenhour, để vinh danh cựu binh kiêm nhà báo dũng cảm...

Trước những tố cáo của Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng các cấp và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sự phơi bày sự thật của binh lính, nhà báo Mỹ, làn sóng xúc động và phẫn nộ của công chúng Mỹ dâng cao từ khi các bức ảnh màu chụp tại hiện trường tội ác của tác giả Ronald Haeberle. Những bức ảnh này đã phơi bày quá rõ ràng, sự thật khủng khiếp, người Mỹ phẫn nộ vì con cái họ bị biến thành những kẻ giết người tàn bạo không tưởng nổi.

Ở Mỹ, các sỹ quan bị truy tố hầu hết được xét xử qua loa và được xá tội, để cuối cùng mọi tội lỗi đổ xuống đầu con tốt đen duy nhất là Calley. Và Calley ra tòa xét xử cho qua chuyện, dư luận Mỹ và thế giới đều lên tiếng kết án: Sơn Mỹ nằm trong một chuỗi tội ác của Mỹ ở chiến tranh Việt Nam và chính danh thủ phạm không ai khác hơn là chính quyền Mỹ, quân đội Mỹ. Tại Liên hiệp quốc, vụ Sơn Mỹ được đưa ra công khai tranh luận theo đề nghị của đại diện các nước Angerie, Liên Xô, Arabie seoudite, Cuba...      

Sau giải phóng, vào năm 1976, chính quyền địa phương đã tiến hành xây dựng nhà chứng tích, tượng đài, bia căm thù tại một số hiện trường tiêu biểu. Sơn Mỹ, một góc nhỏ của đất nước Việt Nam, vẫn luôn là tiếng gọi lương tâm của mọi người trong nước và những người ở các phương trời xa xôi trên thế giới. Ngày 17 tháng 02 âm lịch hàng năm là ngày giỗ chung của các gia đình 504 người bị sát hại. Bà con Sơn Mỹ an ủi, động viên nhau trong cuộc sống với niềm tiếc thương chung đối với người đã khuất, nén đau thương thành sức mạnh trong công cuộc xây dựng lại quê hương yên bình.

Ngày 29/4/1979, Khu chứng tích Sơn Mỹ đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. 

Về Sơn Mỹ hôm nay, ở xóm Mỹ Hội, thôn Cỗ Lũy với những bóng dừa đã vươn cao, xanh rợp chở che tấm bia ghi dấu hàng trăm người dân đã ngã xuống trong niềm tiếc thương vô hạn của những người còn lại hôm nay. Ngoài kia những biển xanh vẫn xua những đợt sóng bạc đầu vào bãi cát vàng óng ánh, quý báu đã gợi cho chúng ta thấy rằng người dân nơi đây đã, đang từng ngày, từng giờ vươn lên giàu đẹp./.

Tin khác