Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 12:34

Tập sự giảng viên Trường Chính trị Bến Tre phấn đấu trở thành Giảng viên

ThS. Dương Quốc Hoàng
                                                                                                Phó Hiệu trưởng
 

Trong bất kỳ một tổ chức nào thì vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ cũng là vấn đề có tính cốt yếu. Nó là công tác về con người, là nền tảng và cũng là nhân tố tiên quyết cho việc thực hiện có hiệu quả chức năng của tổ chức. Đối với Trường Chính trị Bến Tre, hiện nay lực lượng giảng viên chỉ đạt 41% (theo Quy định 09-QĐi/TW ngày 13/01/2019 của Ban Bí thư quy định về chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì cơ cấu cán bộ giảng dạy và nghiên cứu tối thiểu là 75% so với tổng số cán bộ, công chức, viên chức). Do đó, trong năm 2019 và các năm tiếp theo việc ưu tiên xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên để đảm bảo đủ số lượng và chuẩn chất luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu, trong đó sự phấn đấu vượt bậc, bứt phá của đội ngũ tập sự giảng viên để trở thành giảng viên là nguồn bổ sung quan trọng để tiệm cận tỷ lệ tối thiểu là 75% cán bộ giảng dạy và nghiên cứu so với tổng số công chức, viên chức. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi trao đổi một vài khía cạnh để đội ngũ tập sự giảng viên nghiên cứu,  tham khảo phấn đấu hoàn thành những nhiệm vụ của tập sự giảng viên và trở thành giảng viên.

1. Kỹ năng sống

Đây là loại kỹ năng có tính tổng hợp, đa dạng và phức tạp. Nó thể hiện qua hành vi, thái độ, ứng xử, phong thái của con người nói chung. Trong môi trường giáo dục lý luận chính trị, nó chính là phong cách của người thầy giáo Trường Đảng, là nét đặc sắc của văn hóa trường Đảng. Đó là sự mực thước trong hành vi, chuẩn trong ngôn phong, nhanh nhạy chuẩn chạc trong phản ứng; khiêm tốn, đĩnh đạc, thông minh trong tiếp thu; luôn luôn lắng nghe, luôn luôn “để ý” và luôn luôn phải hiểu vấn đề trong hoàn cảnh, điều kiện cụ thể đó. Do vậy, người tập sự giảng viên phải phấn đấu cực lực và khi đã trở thành giảng viên cũng phải phấn đấu suốt đời để xây dựng hình ảnh người giảng viên Trường Đảng chính danh.

2. Nhóm kỹ năng gắn với chuyên môn nghiệp vụ

2.1. Kỹ năng nói trong giảng bài

Nói trong giao tiếp hàng ngày đã là khó, người xưa tổng kết “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, nói trong giảng bài là diễn giảng lại càng khó hơn. Cho nên, cần lưu ý mấy vấn đề:

* Giọng nói: Rõ, vừa đủ nghe, không nói lắp, dính từ, chuẩn theo phong cách Nam Bộ, chú ý đến trầm, bổng khi cần thiết, không quá nhanh cũng không quá chậm, phân phối âm lượng đảm bảo cho cả bài giảng; luôn luôn phải chú ý dưỡng giọng.

* Đề cương để nhìn và nói: Ngoài giáo án, trình chiếu nên viết ra đề cương chi tiết giống như kịch bản để nhìn và nói theo. Trình bày đề cương theo 01 trong 03 phương pháp (diễn dịch, quy nạp, song hành), cố gắng thuộc đề cương càng nhiều càng tốt nhưng phải biến nội dung của đề cương thành tri thức của bản thân mình để nói tự nhiên không như “trả bài”; tập dần cách nói có tính hình ảnh, hình tượng, sử dụng các phép tu từ, ví von, hài hước; luôn luôn phải nhớ cấu trúc, bố cục của đề cương. Lúc nói phải quan sát tổng thể không gian hội trường, học viên nhưng tránh nhìn cụ thể vào một ai đó để theo dõi sắc thái, mức độ hài lòng, phản ứng… của học viên mà có sự điều chỉnh hợp lý. Nói những vấn đề  đã hiểu chính xác, có nguồn, chính thống, những vấn đề còn có nhiều quan điểm khác nhau thì trình bày khéo léo, thận trọng, trình bày đầy đủ các quan điểm; khi nói nhầm phải xin lỗi.

2.2.Kỹ năng viết để giảng bài

Để giảng tốt cần lưu ý: Kỹ năng soạn giáo án và viết trên bảng để trình bày, minh hoạ nội dung

Thứ nhất, đối với soạn giáo án. Đa phần tập sự giảng viên lúng túng ở kỹ năng này. Do đó, tập sự giảng viên cần nghiên cứu kỹ mẫu giáo án, tham khảo giáo án của các giảng viên có kinh nghiệm, nghiên cứu thật sự kỹ, thấu đáo nội dung  theo giáo trình của chuyên đề được phân công (nhớ kỹ mạch logic nội dung của chuyên đề - quan hệ chặt chẽ giữa các nội dung); chuẩn bị tài liệu tham khảo (vừa đủ đừng quá nhiều mà xử lý thông tin không hiệu quả, phải sát với chuyên đề, cập nhật tài liệu mới, số liệu mới). Khi bắt tay vào soạn nên soạn liền mạch cả nội dung chuyên đề, sau đó mới chỉnh sửa nhiều lần, lần soạn đầu đừng nên quá cầu toàn vì giáo án là phương án mở, liên tục cập nhật và bổ sung; nên xin ý kiến thẩm duyệt của giảng viên hướng dẫn tập sự. Sau khi giảng viên hướng dẫn thẩm duyệt, tập sự giảng viên tự tập giảng trên hội trường và nhờ người khác dự đóng vai người học, số lần giảng không hạn định mà giảng cho đến lúc nào giảng viên hướng dẫn cho phép trình ra Hội đồng khoa học thẩm định và chú ý những vấn đề ở mục 2.1 (kỹ năng nói).

Thứ hai, đối với viết để trình bày và minh họa. Luôn rèn luyện cách viết trên bảng đặc biệt là viết tựa bài, mặc dù có trình chiếu nhưng không xem nhẹ viết. Khi viết nên chú ý: Chữ phải to đủ để học viên xem được, nhanh, ngay hàng, không sai chính tả, cố gắng viết đẹp, có thể viết tắt nhưng nên quy ước với học viên, chia bảng thành 02 cột (01 cột viết đề mục chính; 01 cột viết nội dung phân tích, minh họa...); tư thế đứng viết phải lịch lãm, tránh đứng trực diện với bảng.

2.3. Kỹ năng nghe, xây dựng kế hoạch cá nhân, ghi nhật ký, trang phục, trang điểm, trang sức

Luôn lắng nghe và thấu hiểu sự góp ý của giảng viên, học viên về bài giảng với thái độ hết sức cầu thị; phải lắng nghe suốt đời, càng nghe tốt càng giảng tốt.

Phải xây dựng kế hoạch làm việc cá nhân theo ngày, tuần, tháng, quí, 06 tháng và hết thời gian tập sự; ghi chép nhật ký mỗi ngày và đánh giá việc làm được, không được mỗi ngày để rút kinh nghiệm bản thân và làm tốt hơn cho những ngày tiếp theo.

Khi lên lớp giảng trước Hội đồng khoa học và sau này lên lớp giảng thực sự luôn chú ý trang phục (cả nam lẫn nữ), trang điểm, trang sức (đối với nữ) theo nguyên tắc phù hợp, mô phạm, đẹp.

Tóm lại, để trở thành giảng viên là một quá trình phấn đấu liên tục không mệt mọi với một niềm say mê vô tận, “đắng cay”  nhưng “ngọt ngào”./.

Tin khác