Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ năm, 28 Tháng 3, 2024 - 15:22

Tập sự giảng viên Trường Chính trị Bến Tre học tập kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới ở xã Long Thới, huyện Chợ Lách

Hồ Thị Thùy Dung
Tập sự giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

Thực hiện kế hoạch số 435-KH/TCT, ngày 19 tháng 02 năm 2019 của Trường Chính trị Bến Tre về nghiên cứu thực tế của giảng viên năm 2019, Khoa Lý luận cơ sở được phân công chủ trì phối hợp với Khoa Xây dựng Đảng, Khoa Nhà nước và pháp luật nghiên cứu “Vấn đề tháo gỡ điểm nghẽn trong thông tin tuyên truyền vận động, tạo sự đồng thuận trong triển khai các chủ trương, công trình, dự án lớn”.

Qua nghiên cứu thực tế tại các xã trên địa bàn tỉnh, xã Long Thới, huyện Chợ Lách là một trong những xã điển hình, thực hiện tốt “Vấn đề tháo gỡ điểm nghẽn trong thông tin tuyên truyền vận động, tạo sự đồng thuận trong triển khai các chủ trương, công trình, dự án lớn” trên địa bàn xã, đặt biệt là trong xây dựng thành công nông thôn mới.

Xã Long Thới nằm về hướng Đông, cách trung tâm huyện Chợ Lách 6km, được chia làm 10 ấp. Tổng diện tích đất tự nhiên là 2.333ha, đất nông nghiệp là 1.683 ha (chủ yếu trồng cây lâu năm). Thế mạnh kinh tế nông nghiệp của xã là sản xuất cây ăn trái chuyên canh chất lượng cao, sản lượng hàng năm ước đạt 19.500 tấn với các sản phẩm chủ lực: chôm chôm, cây có múi, cây sầu riêng,… Bên cạnh đó, sản xuất cây giống – hoa kiểng cũng được quan tâm đầu tư, phát triển mạnh, cung ứng ra thị trường trên 2,5 triệu sản phẩm/năm.

 Toàn xã có 4.564 hộ dân phân bố đều trên địa bàn 10 ấp, với 14.818 người, trong đó có 9.323 người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ 63%. Với vị trí địa lý thuận lợi, người dân cần cù, sáng tạo, tiếp cận nhanh với khoa học kỹ thuật. Các ngành kinh doanh, dịch vụ, xây dựng đang trên đà phát triển nhanh, tạo động lực cho việc xây dựng nông thôn mới. Mặc dù không là xã điểm của huyện, nhưng Long Thới đã chủ động vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội để từng bước hoàn thành 19/19 tiêu chí, đặc biệt không có nợ động trong quá trình xây dựng. Với những thành tích nổi bật trên, xã Long Thới đã được công nhận đạt chuẩn xã Nông thôn mới vào năm 2018. Hiện nay đang tiếp tục quá trình hoàn thiện, nâng chất xã nông thôn mới, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của người dân, chỉnh trang diện mạo nông thôn ngày khang trang đẹp đẽ.

Để thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí của Trung ương, cụ thể hóa bằng bộ tiêu chí của địa phương. Long Thới xác định công tác tuyên truyền, vận động luôn được chú trọng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ Đảng, Chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Công tác tuyên truyền, vận động của xã được triển khai rộng rãi, đa dạng hình thức, gắn kết chặt chẽ giữa tuyên truyền với vận động theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.

Tổ tuyên truyền thường xuyên viết bản tin phát trên đài truyền thanh, tin về người tốt việc tốt, thi công công trình. Đài truyền thanh xã và tổ truyền thanh ấp đưa tin vào mỗi buổi sáng và chiều. Ngoài ra, thành viên tổ tuyên truyền còn tích cực viết nhiều bài đăng trên bản tin thời sự nội bộ của địa phương để sinh hoạt tổ tự quản và sinh hoạt chi bộ ấp về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cơ chế chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của Nhân dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới,… Tổ chức 01 cuộc hội thảo: “Bàn giải pháp thực hiện tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và xây dựng hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới”, 01 hội thi tìm giải pháp thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm.

Về hình thức cổ động trực quan, thực hiện đặt bảng pa nô lớn ở hai đầu của xã, lắp 16 bảng pa nô, treo băng rol cặp các tuyến đường trong toàn xã, phát 650 tờ bướm Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Phát động đăng ký xây dựng nông thôn mới cho 10 ấp và từng ngành đoàn thể xã đăng ký thực hiện, từng đoàn thể phát động trong chi tổ hội đăng ký. Lồng ghép nội dung trong các cuộc họp lệ kỳ của các đoàn thể, tổ NDTQ hàng tháng và sinh hoạt đoàn thể, câu lạc bộ, hội nhóm, thư ngõ. Tổ chức họp dân lấy ý kiến đóng góp để lập quy hoạch và triển khai thực hiện, tôn trọng vai trò chủ thể của người dân, phát huy vai trò dân chủ, tạo điều kiện để người dân được biết, được bàn và trực tiếp tham gia.

Công tác đào tạo tập huấn: Đã cử 85 lượt cán bộ cấp xã và ấp tham dự lớp đào tạo, tập huấn do tỉnh và huyện tổ chức. Đối tượng là cán bộ phụ trách và chuyên trách xã, thành viên Ban phát triển ấp, đại diện ban giám sát cộng đồng,… Nội dung tập huấn gồm các chuyên đề như: Hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí của tỉnh, công tác theo dõi báo cáo tiến độ, nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát cộng đồng, phương thức nghiệm thu và bàn giao công trình, phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn, đổi mới và nâng cao hiệu quả của các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn,… Tại xã phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức 12 lớp tập huấn chuyên đề với 606 lượt người tham dự.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện công tác tuyên truyền, xã gặp phải một số “điểm nghẽn”, nghẽn ở đây chính là công tác tập hợp quần chúng nhân dân. Không phải là dân không tin, không nghe theo Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, mà là vì người dân còn phải lo bươn chảy với cuộc sống, lo kinh tế gia đình, nên mỗi khi được mời dự họp, dự lễ tuyên truyền, hội nghị, tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến  thì người dân không đến tham dự được. Chính việc không tham dự đầy đủ các cuộc họp, không nắm hết chủ trương của Đảng, Nhà nước và địa phương nên dân không biết, không bàn từ đó đi đến tình trạng dân làm, dân kiểm tra và chất lượng thụ hưởng của Nhân dân còn hạn chế. Chính tình trạng này gây một số khó khăn nhất định về tiến độ triển khai, thực hiện các công trình dự án lớn phục vụ quá trình xây dựng nông thôn mới. Đây là “điểm nghẽn” lớn nhất, cốt yếu nhất trong quá trình tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong triển khai các chủ trương, công trình, dự án lớn trên địa bàn xã.

Để thực hiện giải quyết “điểm nghẽn” trên, Ban chỉ đạo Các chương trình mục tiêu quốc gia của xã do đồng chí chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã làm Trưởng ban, xác định: Để có thể tập hợp được quần chúng nhân dân cần xác định theo từng đối tượng cụ thể (đoàn viên thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh), mỗi đối tượng có một biện pháp tập hợp riêng.

 Đối với đoàn viên, thanh niên với lợi thế là tuổi trẻ, năng động, tiếp cận nhanh với công nghệ thông tin, nên thực hiện công tác tuyên truyền, tập hợp thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, lập trang facebook riêng của Xã đoàn, nhóm trao đổi riêng, để kịp thời thông tin, chỉ đạo, tập hợp đoàn viên, thanh niên tham gia các công trình, phần việc được giao.

Đối với phụ nữ, nông dân và cựu chiến binh có các hình thức hỗ trợ cho vay vốn của Nhà nước thông qua ngân hàng Chính sách xã hội, ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các hình thức chơi hụi không lời, góp vốn xoay vòng, tận dụng thời gian khi người dân đến để làm hồ sơ vay vốn, giao dịch với ngân hàng, bốc thăm rút vốn thì cán bộ nông thôn mới sẽ tuyên truyền, vận động cho nhân dân hiểu về ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hướng dẫn cụ thể cho nhân dân, để thực hiện các tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới thì người dân cần phải làm gì, làm như thế nào, ai sẽ là người hỗ trợ người dân khi cần,... Chính vì vậy, mà người dân xã Long Thới mới thật sự nắm chắc chủ trương, công trình, dự án của xã, thực sự tham gia bàn bạc tìm cách thực hiện hiệu quả, có trách nhiệm trong việc thực hiện, kiểm tra tiến độ thực hiện công việc và thụ hưởng một cách hiệu quả các công trình đã thực hiện.

Từ những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền ở xã Long Thới, huyện Chợ Lách có thể khẳng định, công tác tuyên truyền, vận động đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định hàng đầu đến thành công của Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Kinh nghiệm của xã trong quá trình tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới đó là nhấn mạnh vai trò chủ thể của người dân, bám chắc phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Từ đó triển khai rộng rãi, đa dạng hình thức, gắn kết chặt chẽ giữa tuyên truyền với vận động theo từng đối tượng cụ thể với các hình thức phù hợp. Bên cạnh đó, thực tiễn tại xã cũng chỉ ra, việc đào tạo, bồi dưỡng cho các bộ là công tác tuyên truyền vận động nói chung và cán bộ nông thôn mới nói riêng đóng vai trò quan trọng. Bởi, nội dung tuyên truyền nhất quán theo quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương, quan trọng hơn đó là cách tuyên truyền và hình thức tuyên truyền. Từ đó yêu cầu ở người cán bộ tuyên truyền đó là trách nhiệm và cái tâm với công việc, khi đã có tâm huyết và trách nhiệm với công việc thì gian khổ, khó khăn mấy người cán bộ cũng có những sáng kiến, biện pháp để hoàn thành công việc. Trong bài báo dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh X.Y.Z, đăng trên báo Sự Thật ngày 15/10/1949, Bác đã khẳng định người cán bộ làm công tác dân vận phải: Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Có như vậy mới tuyên truyền, vận động thuyết phục được nhân dân. Thực tiễn công tác tuyên truyền vận động trong xây dựng nông thôn mới tại xã Long Thới đã chứng minh điều đó.

Tục ngữ Việt Nam có câu “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, điều này đã được chính bản thân tôi kiểm nghiệm khi được tham gia cùng đoàn nghiên cứu thực tế tại xã Long Thới. Kinh nghiệm tại xã cho thấy, công tác tuyên truyền, vận động đóng vai trò quan trọng không chỉ trong xây dựng thành công nông thôn mới mà còn quan trọng đối với các lĩnh vực khác. Đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ chung của nhà trường, của Chi đoàn, của Câu Lạc bộ giảng viên trẻ. Những kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động xây dựng Nông thôn mới ở xã Long Thới, huyện Chợ Lách sẽ là những kinh nghiệm thực tiễn quý báu, giúp cho bản thân tôi là một tập sự giảng viên trau dồi thêm kiến thức thực tiễn, mở rộng khả năng nghiên cứu vận dụng lý luận của bài soạn giảng vào thực tiễn của địa phương của tỉnh nhà. Từ đó giúp bản thân khắc phục dần sự non yếu, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, cố gắng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của tập sự giảng viên, phấn đấu trở thành giảng viên trường chính trị trong thời gian tới. Góp phần cùng với nhà trường hoàn thành chỉ tiêu 75% biên chế của Trường là giảng viên, tiến tới tiệm cận mô hình Trường Chính trị chuẩn trong tương lai.

Tin khác