Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ tư, 24 Tháng 4, 2024 - 17:45

Sự cần thiết thực hiện việc nghiên cứu thực tế có kỳ hạn của giảng viên Trường Chính trị

ThS. Đoàn Thị Mao
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến tính thực tế, bất cứ việc gì cũng phải xuất phát từ yêu cầu thực tế. Muốn đạt được kết quả đó thì việc học phải xuất phát từ yêu cầu của công việc và phải học cặn kẽ, thấu đáo. Người mong muốn việc học - hành (tức là nhận thức - hành động) phải đạt tới chỗ thấy cho hết, nhìn cho thấu. Theo Người học tập trong nhà trường, trong sách vở chưa đủ mà phải học cả trong cuộc sống, học ở người khác… Phương châm “lý luận gắn liền với thực tiễn” luôn là một tiêu chí quan trọng hàng đầu đối với đội ngũ giảng viên Trường Chính trị trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy. Qua nghiên cứu thực tế, giảng viên sẽ gắn kết những tri thức lý luận đã truyền đạt đến học viên với thực tiễn đang diễn ra một cách sinh động và phong phú, đánh giá tính đúng đắn của lý luận khi nó được cụ thể hóa trong hoạt động thực tiễn. Vì vậy, giảng viên cần phải được tăng cường nghiên cứu thực tế ở cơ sở.

Quán triệt quan điểm thực tiễn trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của giảng viên, cũng như thực hiện Quy chế giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định 2252/QĐ-HVCTQG, ngày 02/5/2019, quy định một trong những nhiệm vụ của giảng viên chính là khảo sát thực tế tại cơ sở để bổ sung kiến thức thực tiễn vào bài giảng. Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bến Tre được Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm thực hiện và xác định đây là một hoạt động chuyên môn được duy trì thường xuyên, có vai trò quan trọng, là nguồn bổ sung kiến thức thực tiễn cho bài giảng của mỗi giảng viên, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường. Các hình thức nghiên cứu thực tế được nhà trường triển khai cho đội ngũ giảng viên như: Xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực tế của giảng viên hằng năm, hướng dẫn học viên đi nghiên cứu thực tế, nghiên cứu theo đề tài khoa học, nghiên cứu thực tế theo chuyên môn các khoa... Đặc biệt, Trường cũng đã xây dựng kế hoạch đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn ở cơ sở.

Nghiên cứu thực tế có kỳ hạn ở cơ sở giúp cho giảng viên có những minh chứng cụ thể từ thực tiễn các địa phương, làm sáng tỏ lý luận đã nêu, làm cho bài giảng thêm sinh động bằng chính sự trải nghiệm thực tế của giảng viên. Xác định đúng vai trò của kiến thức thực tiễn sẽ giúp cho giảng viên không còn mắc bệnh chủ quan, xa rời thực tiễn và gắn lý luận với thực tiễn, qua đó “thổi hồn thực tiễn” vào trong từng bài giảng.

Ngoài ra, việc nghiên cứu thực tế có kỳ hạn tại cơ sở chính là môi trường rộng mở để giảng viên nắm bắt thêm kiến thức từ thực tế, rèn luyện thêm kỹ năng ứng xử, phân tích vấn đề… là nơi giảng viên có thể kiểm chứng sự đúng đắn của lý luận và định hướng học viên vận dụng những kiến thức lý luận ấy vào thực tế sao cho phù hợp. Các nội dung nghiên cứu, học tập được trong quá trình nghiên cứu thực tế có kỳ hạn không những giúp giảng viên bổ sung thêm kiến thức thực tiễn ở địa phương mà còn giúp giảng viên nắm bắt được các tình huống, vấn đề nảy sinh khi triển khai những chủ trương, chính sách mới vào trong thực tiễn, từ đó liên hệ, vận dụng vào bài giảng. Bên cạnh đó, trong quá trình tiếp cận, giải quyết công việc cụ thể giúp giảng viên có cơ hội hoàn thiện thêm các kỹ năng: Giao tiếp, thu thập và xử lý thông tin, soạn thảo văn bản,…

Kết quả nghiên cứu thực tế của giảng viên đối với công tác giảng dạy: Giảng viên biết kết hợp tốt giữa lý luận và thực tiễn sẽ làm cho bài giảng sinh động, lôi cuốn học viên, tăng tính thuyết phục đối với người học khi lý giải những vấn đề diễn ra trong thực tiễn. Ngoài ra, giảng viên có thể nắm bắt những kiến thức thực tiễn, khái quát thực trạng có liên quan đến nội dung bài giảng, rút ra những ưu điểm, hạn chế, từ đó đề ra các giải pháp để giải quyết vấn đề, tình huống phát sinh một cách hiệu quả, hợp lý. Có như vậy buổi học sẽ mang lại hiệu quả cao và thiết thực hơn.

Như vậy, nhiệm vụ nghiên cứu thực tế của giảng viên không chỉ để tích lũy kiến thức thực tiễn, nâng cao năng lực của giảng viên mà còn góp phần tìm ra những phương pháp, cách thức để truyền đạt tri thức đến người học một cách sinh động nhất và hiệu quả nhất góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.

Một số kinh nghiệm qua công tác nghiên cứu thực tế có kỳ hạn của giảng viên:

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức của đội ngũ giảng viên về mục đích, ý nghĩa của hoạt động nghiên cứu thực tế nói chung, nghiên cứu thực tế có kỳ hạn ở cơ sở nói riêng. Qua đó giảng viên sẽ tích cực, chủ động sắp xếp công việc chuyên môn, gia đình để hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu với kết quả cao.

Thứ hai, giảng viên đi nghiên cứu thực tế cần trao đổi thông tin với đơn vị tiếp nhận để được phân công nhiệm vụ theo khả năng và gần với công tác chuyên môn, tạo điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công ở đơn vị tiếp nhận.

Thứ ba, giảng viên đi nghiên cứu thực tế cần tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của nhà trường và lãnh đạo tại đơn vị tiếp nhận giảng viên nghiên cứu thực tế. Những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, trong thực hiện nhiệm vụ được giao cần chủ động báo cáo, xin ý kiến để giải quyết vướng mắc nhanh chóng, kịp thời, tránh gây ảnh hưởng đến tiến độ cũng như chất lượng các công việc được giao.

Thứ tư, giảng viên đi nghiên cứu thực tế ngoài việc tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao theo mảng công việc cụ thể. Qua đó, hiểu rõ và trải nghiệm quy trình giải quyết công việc cụ thể như thế nào. Đồng thời, đối với những mảng công việc khác của đơn vị không được phân công cần quan sát tỉ mỉ, có thể tham gia thực hiện những việc cụ thể (phù hợp với khả năng và thời gian hợp lý). Từ đó, giảng viên mới có thể vừa xử lý tốt công việc được giao vừa nắm bắt toàn diện các mảng công việc khác của đơn vị đi thực tế.

Thứ năm, cần chủ động sắp xếp thời gian, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, dành thời gian tham gia đi cơ sở theo nhiệm vụ được phân công và các hoạt động khảo sát, kiểm tra cơ sở của các ngành khác có nội dung gắn với bài giảng để có thêm kiến thức thực tiễn.

Giảng viên Trường Chính trị là người truyền đạt kiến thức lý luận chính trị và hướng dẫn học viên cách thức vận dụng kiến thức lý luận đó để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Do đó, việc nghiên cứu thực tế, gắn lý luận với thực tiễn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mỗi giảng viên. Đánh giá đúng vai trò, ý nghĩa của nghiên cứu thực tế, thời gian qua Ban Giám hiệu nhà trường đã tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các hoạt động nghiên cứu thực tế ở địa phương với nhiều hình thức, giúp giảng viên học tập, bồi dưỡng, củng cố kiến thức thực tiễn có liên quan đến chuyên môn, đồng thời vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào các bài giảng, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy./.

Tin khác